Mã số 001 – Bài dự thi Tết Việt trên đất Mỹ 2018 chủ đề “Mâm cỗ Tết”.
Món quà vô giá!
Tác giả: Nguyễn Bích Phượng
Có một câu chuyện thế này.
Vào một đêm giao thừa năm bốn tuổi, tôi bị đánh thức và đưa ra sân ngồi trong cái rét ngọt lúc nửa đêm phảng phất mùi hương khói. Dù được khoác lên chiếc áo bông mỏng nhưng tôi vẫn run lập cập, hai hàm răng đánh vào nhau thành tiếng. Mắt nhắm mắt mở, tôi thấy bố mẹ ngồi cạnh và ở giữa chúng tôi là một cái mâm to. Trên đó có một món ăn duy nhất- một con gà luộc. Tôi chưa hiểu sự tình thế nào thì không biết lúc đó bố hay mẹ nhét vào miệng tôi một cái đùi gà to thật là to làm tôi giật sững người, rồi nói: “Ăn đi con”. Quá bất ngờ vì chưa bao giờ có một cái đùi gà to đến thế, tôi tỉnh ngủ và bắt đầu gặm. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ nguyên cái vị ngọt lạnh của từng thớ cơ đùi săn chắc của con gà, từng vị mặn pha đắng của hạt muối biển to như hạt đậu xanh, vị tê tê của của miếng ớt đỏ trong vườn, vị chua chua của những tép chanh căng mọng, và vị thơm nồng của lá chanh non thái sợi. Tất cả quyện chặt thành một tổ hợp hoàn hảo khó nói. Tôi đã tự hỏi, trên đời này làm gì có món ăn nào ngon như thế! Đó chính xác là lần đầu tiên tôi cảm nhận được mùi vị của một món ăn.
Những năm sau này vào những dịp cả nhà chuẩn bị cơm tất niên hay mâm cỗ cúng tổ tiên vào đêm giao thừa, tôi và mẹ thường rất chú trọng vào chuẩn bị một con gà trống luộc sao cho hoàn hảo và đẹp mắt nhất để bày lên bàn thờ. Từ khâu chọn gà đến chế biến thành món ăn hoàn chỉnh, mẹ tôi đều tự tay làm và chưa ai dành được việc này khỏi mẹ. Nào là mổ gà ra sao, luộc bao nhiêu phút, làm sao cho da gà giòn và căng bóng mẹ đều truyền lại cho tôi hết nhưng tôi chẳng bao giờ chú ý. Vì tôi biết rằng dạy thế nào đi nữa thì tôi cũng chẳng tha thiết gì với nấu ăn như đám con gái khác, hay đơn giản là thừa hưởng được tài nấu ăn như bà ngoại và mẹ. Dĩ nhiên là mẹ tôi không bao giờ quên đặt một quả ớt tỉa hoa vào miệng con gà trước khi đặt lên bàn thờ làm tôi luôn thắc mắc – Tại sao phải có gà trong mâm cơm cúng tổ tiên hay cúng trời đất vào khoảnh khắc chuyển giao mùa. Rồi tại sao lại là gà mà không phải là vịt, ngan, hay ngỗng. Năm nào cũng dặn lòng là sẽ nhớ để hỏi bà hoặc mẹ mà cái không khí lúc nào cũng tíu tít bận rộn bên gia đình ngày 30 ấy làm tôi quên sạch.
Rồi vào một ngày tôi đang tha thẩn với ý nghĩ sẽ làm gì vào Tết năm nay ở Mỹ để bớt nhớ nhà thì bà tôi gọi. Cuối cùng lần này tôi cũng nhớ hỏi bà câu hỏi bị quên lãng bao nhiêu năm đó. Bà bảo đêm giao thừa là đêm trời đất tối tăm nhất nên theo phong tục nhà nhà cúng gà trống để gọi mặt trời quay trở lại. Còn vì sao là gà trống thì bởi vì gà trống mới biết gáy, mới gọi được mặt trời. Tôi nghĩ “Hoá ra con gà trống cũng được việc đấy!”. Cũng khá châm biếm là tôi hiểu ra điều này ở cái nơi cách nhà 13.000km bên bờ một đại dương dữ dội mà lạnh lẽo – Đại Tây Dương, nơi tôi không được bận rộn nói huyên thuyên với gia đình nên mới rảnh để nhớ đến cái câu hỏi chắc chắn một lần nữa sẽ bị bỏ qua nếu giờ này tôi đang đón Tết cùng gia đình ở Việt Nam. Vì tôi biết nếu giờ này ở nhà, tôi chắc đang phải cắm cúi dọn dẹp, nấu nướng, trang trí nhà cùng những người thân yêu. Cậu em trai tôi chắc sẽ than thở về chuyện học hành, người yêu, rồi nhiều chuyện chỉ hai chị em biết. Mẹ tôi chắc sẽ luôn miệng nhắc hai chị em xong việc thì nhớ đi tắm với chậu nước thơm mà mẹ đã đun sôi với cây mùi già để tẩy uế những đen đủi của năm cũ. Tôi không biết còn gia đình nào ở Việt Nam còn giữ những phong tục đó không, còn tôi thì đã chấp nhận nó từ lâu như một nét đẹp nho nhỏ được lưu giữ trong gia đình. Bố tôi chắc sẽ bận rộn lắm với gia đình mới của bố và bố chắc cũng sẽ nhớ đến chúng tôi.
Tôi yêu những phong tục, những thần thoại quá phi lý đằng sau con gà luộc của tôi. Nó làm tôi thấy sống lại những giây phút rất lâu về trước, khi bố mẹ và tôi ngồi quay quần bên món ăn ngon nhất trên thế gian đó. Nó đơn giản không còn là món ăn nữa, với tôi nó như một biểu tượng thiêng liêng chứa đựng những nhắn gửi thương yêu của bố mẹ dành cho. Vì mãi đến khi lớn hơn tôi mới biết con gà duy nhất đó chính là bữa ăn tất niên của gia đình. Bữa ăn cho ba người. Với chúng tôi thời điểm đó, con gà luộc đơn sơ ấy chính là bào ngư, là vi cá, là vàng đen caviar. Và đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ tìm lại được hương vị đó thêm bất kỳ một lần nào nữa trong đời.
Tự hỏi Tết năm nay mọi người sẽ làm gì khi vắng tôi?
– Nguyễn Bích Phượng –
“Tết Việt trên đất Mỹ” là cuộc thi thường niên do Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức nhằm khuyến khích các du học sinh và người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ chia sẻ các hoạt động sáng tạo (bằng hình ảnh, bài viết hoặc video clip) về Tết cổ truyền của Việt Nam trên đất Mỹ. Cuộc thi “Tết Việt trên đất Mỹ” năm 2018 có chủ đề “Mâm cỗ Tết”.