
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 6 – Thể loại: Bài viết.
Tác giả: Hiền Nguyễn
Tôi vẽ một con đường
Nếu có dịp đến thành phố New York và ghé ngang Port Authority tại đường 42 với đại lộ số 8, nơi tập trung tất cả các tàu, bus, megabus của thành phố đi các bang lân cận, bạn sẽ thấy được guồng quay của thành phố này lớn thế nào. Những con người lao đi như một đoạn băng tua nhanh từ sáng đến đêm muộn, họ luôn bận rộn lao đi để bắt kịp những chuyến xe bus hay chuyến tàu, nhanh và chính xác tới từng-phút-một.
Tôi hay tới Port Authority đón những chuyến tàu đi dọc khu downtown thành phố New York. Giữa những dòng người lao đi vun vút hối hả, giữa một thành phố chật chội và bận rộn, tôi thích cái thói quen lân la đến ngồi gần những nghệ sỹ đường phố biểu diễn trong lúc chờ tàu, đơn giản là vì âm nhạc khiến tôi thư giãn và kiên nhẫn hơn. Họ hát, chơi trống, piano, guitar, violin,… Không hề có một sân khấu sang trọng, không đèn chiếu, hào quang, cũng chẳng có những khán giả mến mộ chấp nhận trả hàng trăm đô-la để được ngồi xem họ biểu diễn, nhưng họ vẫn diễn: say mê và nhiệt huyết. Tôi biết nếu họ trở thành nghệ sỹ đường phố vì những đồng một đô-la, hay thậm chí vài chục cent mà người đi ngang qua bớt chút thời gian bỏ lại, thì làm một nhân viên chạy bàn ở cái thành phố này thậm chí có thể giúp họ kiếm được nhiều tiền và ổn định hơn nhiều.

Tôi nhớ có một lần, lúc đó là khoảng 10 giờ đêm, khi tôi bước ra từ một chuyến tàu muộn. Sau một ngày mệt mỏi, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc lao nhanh để đón cho kịp chuyến xe bus express cuối cùng. Trong một tích tắc, chân tôi bỗng đứng khựng lại trước một anh thanh niên trông còn khá trẻ! Tôi dừng suy nghĩ lại trên tấm bìa carton anh để phía trước “Violon là hơi thở, là đam mê của tôi.”
Chợt nhớ ra chỉ còn vài phút nữa là xe bus rời bến, tôi rút vội đồng một đô-la trong túi để lại. Trên đường về, ngồi trên chuyến xe bus chầm chậm chạy dọc phía bên này sông Hudson, tôi thả suy nghĩ về phía bên kia bờ sông, nơi có thành phố New York về đêm lộng lẫy. Hình ảnh của anh nghệ sỹ violon ban nãy cứ ám ảnh tôi mãi, “Violon là hơi thở, là đam mê của tôi.” Đam mê? Phải rồi. Tuổi trẻ, chắc ai cũng có một đam mê? Tôi cũng có.

Tôi chưa bao giờ đặt ra một mục tiêu rõ ràng, rằng tôi PHẢI đến được Mỹ! Nhưng ngày trước, tôi luôn có một ấp ủ là sẽ được bước ra khỏi con phố nhỏ hẹp, nơi tôi đang sống. Tôi vẫn miệt mài làm công việc văn phòng giờ hành chánh, làm thêm một công việc phụ ở công ty, dạy thêm vào mỗi buổi tối để mong gom góp đủ tiền cho một khóa học ngắn hạn tại Singapore. Rồi một ngày, cơ hội đến. Tôi tìm được một chương trình phù hợp hơn với tình hình tài chính và mục đích của bản thân – Au pair Mỹ.
Hồi đó Au pair còn là một khái niệm khá mới mẻ với tôi và các bạn trẻ Việt Nam, dù rằng nó đã phổ biến từ rất lâu ở các nước phát triển. Tôi tìm đọc nhiều thông tin hơn về nó, phần thì khấp khởi và tò mò, phần thì lo lắng. Tôi chả có lấy một người thân quen nào ở Mỹ, lại xa xôi nửa vòng trái đất, nên thấy lo lắng nhiều hơn là tò mò, không biết rằng nó có thực sự là một chương trình an toàn như những gì tôi đọc được? Lúc đó tôi vô tình nhớ lại một đoạn trong cuốn “Tuổi trẻ đáng bao nhiêu” của chị Rosie Nguyễn: “Sự tò mò có thể dẫn bạn đến đam mê, đưa bạn đến những con đường kỳ lạ, vào những khu vườn bí mật. Hoặc nó có thể dẫn bạn tới một nơi đồng không mông quạnh hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đi theo một lối nào đó còn tốt hơn là đứng yên bối rối. Hãy đi theo sự tò mò của hiện tại. Trên chặng đường đó, thì bạn đã học được rất nhiều so với đứng yên rồi.” Thế là tôi quyết định đi theo con đường mà sự tò mò thôi thúc.

Tôi vẫn còn nhớ ngày hẹn phỏng vấn vào chương trình, tôi thức dậy với một bên mặt trái chẳng còn có thể cử động và mất luôn cảm giác. Sáng hôm đó, tôi dựng chân chống xe trước phòng phỏng vấn thay vì rẽ vào nhà xe của bệnh viện. Vừa phỏng vấn, tôi vừa đưa tay quệt hàng nước mắt liên tục ứa ra, vì mắt tôi không còn chớp được nữa. Khi biết mình được nhận vào chương trình rồi thì tôi mới an tâm nhập viện và phải ở hẳn hai tháng trong đó để điều trị.
Ra viện, tôi có rủ một vài đứa bạn thân hồi đại học cùng đi Mỹ với tôi, nhưng bọn nó bảo “Vất vả quá, phức tạp quá”, thế là tôi lại làm một mình. Mẹ biết về ý định của tôi, mẹ buồn. Cũng phải mất hết vài tháng trời để tôi từng bước thuyết phục và trấn an mẹ. Thực ra chính tôi lúc đó cũng mơ hồ tự trấn an mình, vì tôi biết, lựa chọn của tôi sẽ đi kèm với rất nhiều nguy cơ và thử thách, mà chỉ một sai lầm thôi thì cái giá phải trả sẽ là rất “đắt” với tôi lúc bấy giờ. Tôi ấp ủ, cố gắng, và hi vọng.
Ngày đi phỏng vấn visa Mỹ, tôi bị rớt visa rất nhanh và dứt khoát (!!!) Chính khoảnh khắc đó tôi mới nhận ra, niềm đam mê tìm tòi những điều mới mẻ, mong muốn được bước ra khỏi một cuộc sống an toàn và nhàm chán trong tôi nó lớn như thế nào.

-“Khả năng lấy visa ở lần phỏng vấn thứ 2 của em là bao nhiêu phần trăm vậy chị?”
-“1%”!!
Tôi còn nhớ như in con số mà chị đưa cho tôi là “1%”! Tôi hụt hẫng, cảm nhận như ước mơ mà tôi nâng niu trân trọng từng ngày bỗng vì một chốc sơ ý mà tuột tay, vỡ nát. Tôi biết con số 1% là vì chị không muốn nói với tôi là vô vọng, tôi chỉ biết khóc. Đêm đó, tôi đã thuê một phòng khách sạn, nằm khóc suốt từ đêm cho tới sáng. Khóc chán, tôi dậy lau mặt tắm rửa, đi nộp đơn xin visa lần 2. Ngày tôi ngồi đợi đến lượt phỏng vấn lần 2, một bác phụ huynh nhìn xấp hồ sơ trên tay tôi ái ngại: “25 tuổi? Đi giao lưu văn hóa Mỹ? Làm sao mà đậu được con! Già quá rồi!”
Khoảnh khắc đó, lòng tự ái hiếm hoi trong tôi bỗng trỗi dậy. Niềm đam mê tôi nâng niu hàn gắn, bỗng bị ai đó bước qua và đạp vào chẳng hề thương tiếc. Sự lo lắng trong lòng tôi suốt buổi sáng hôm đó, trong tích biến thành một niềm tin mãnh liệt, tôi tin vào bản thân mình hơn bao giờ hết. Tôi dặn chính mình rằng, kiên trì sẽ là chìa khóa của mọi bước ngoặt. Dù có ngã, tôi cũng sẽ chọn ngã ở vạch kết thúc.

Ngày hôm đó, tôi bước ra khỏi phòng phỏng vấn với tờ giấy báo đậu visa trong sự ngỡ ngàng của chị cố vấn và bạn bè, tôi như trút bỏ được điều gì đó ở trong lòng. Thứ mà tôi vượt qua được không phải là vòng phỏng vấn visa Mỹ vốn gay gắt, nhưng là giới hạn mà tôi đã tự đặt ra cho chính bản thân mình. Kể từ đó, tôi hiểu ra một điều: đừng bao giờ nghi ngờ hay đặt bất kỳ một giới hạn nào cho bản thân, 1% vẫn là một con số đủ lớn để tiếp tục kiên trì và phấn đấu!
Tôi không nghĩ là đam mê sẽ đem thành công và trao vào tay bạn, nhưng nó sẽ là một nguyên liệu quan trọng làm nên chiếc bánh thành công. Dù bạn có đang trên con đường tìm ra đam mê, hay bạn đã tìm ra và đang sống với đam mê của mình, thì vẫn có những ngày bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Hãy luôn tin tưởng bản thân, đi theo con đường mà sự đam mê thôi thúc, và đừng bao giờ đặt bất kỳ một giới hạn nào cho niềm đam mê trong bạn. Mỗi trải nghiệm sẽ mang bạn gần hơn tới niềm đam mê chân chính. Điều quan trọng nhất là ý chí và sự kiên trì. Kiên trì để tìm ra đam mê, kiên trì để giữ lửa đam mê, và kiên trì để đi đến cùng đích của con đường đam mê mà bạn đã dày công vẽ cho riêng mình.
2 thoughts on “BV-12: Bài dự thi HTNM 6 – Tôi vẽ một con đường (Hiền Nguyễn)”
Comments are closed.