
Bài dự thi Hành Trình Nước Mỹ 6 – Thể loại: Bài viết.
Tác giả: Mây Nguyễn
Đã sáu năm kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến New York để bắt đầu cuộc hành trình “Giấc mơ Mỹ” mà biết bao người ước ao và chắc chắn không ngoại trừ tôi. Tôi đến Mỹ trong thời điểm bản thân cũng chưa xác định rõ ràng mình sẽ làm gì, trở thành người như thế nào trong tương lai và hy vọng rằng trong một năm “gap year” này, tôi sẽ tìm ra câu trả lời cho chính mình. Và quả đúng như người ta vẫn nói, nước Mỹ chính là nơi ươm mầm những giấc mơ.
Hiện tại tôi là một doanh nhân trẻ, quản lý ba cơ sở giáo dục Tiếng Anh cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi với hơn 250 học sinh tại Hà Nội, Việt Nam. Đam mê đến với nghiệp giáo dục ngôn ngữ cho trẻ đã ươm mầm từ đất nước Mỹ xa xôi, tại sao vậy? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe những bài học tôi đã tích luỹ được từ cách nuôi dạy trẻ của các gia đình ở Mỹ trong một năm Aupair của mình. Đó chính là một năm thay đổi 180 độ định hướng nghề nghiệp và đam mê của tôi.
Năm 2012, tôi đến Mỹ với chương trình trao đổi văn hoá Aupair và có lẽ là do may mắn nên tôi đã được trải nghiệm cuộc sống Mỹ với ba gia đình nuôi với xuất xứ và nghề nghiệp cực kỳ thú vị. Gia đình thứ nhất: mẹ người Việt – bố người Đức – sống tại Mỹ 10 năm; gia đình thứ hai: mẹ người Mỹ – bố người Pháp với sáu đứa trẻ; gia đình thứ ba: mẹ người Hàn Quốc – bố người Mỹ và hai bạn nhỏ cực kỳ dễ thương. Với những trải nghiệm đầy màu sắc tại ba gia đình nuôi, tôi đã thu lượm được cho mình những bài học thú vị để chia sẻ và truyền lửa cho các bạn trẻ ở Việt Nam hành động và theo đuổi đam mê của mình cũng như áp dụng vào doanh nghiệp hiện tại của tôi và giúp nhiều giáo viên trẻ ở Việt Nam thêm yêu việc dạy trẻ hàng ngày của mình.
Tôn trọng trẻ như một người lớn
Từ việc ăn uống, mặc đồ, đi chơi, mua sắm và học tập, bố mẹ thường hỏi ý kiến và tôn trọng con cái và cho con cơ hội tự đưa ra lựa chọn và tất nhiên con sẽ tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Thay vì ép con ăn mấy bát cơm hay làm bao nhiêu bài tập thì bố mẹ thường đưa ra những phân tích có lợi, có hại để đứa trẻ tiếp nhận thông tin và quyết định. Theo kinh nghiệm ít ỏi của các bé thì có thể sẽ chọn sai và đôi khi khó chịu với kết quả nhưng sẽ không có ngoại lệ nào cả mà chỉ đơn giản là lần sau con đừng chọn sai nữa. Tôi thoạt đầu khá bất ngờ vì sao mà các ông bố, bà mẹ lại có đủ kiên nhẫn nói chuyện và phân tích cho con đến vậy. Chắc gì chúng đã hiểu và họ chỉ làm mất thêm thời gian. Nhưng đó chính là cách họ dạy con về việc đưa ra quyết định và tôn trọng quyền lợi của con. Và đó cũng chính là cách họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, không phải quyết định hộ hay ép con cái làm theo cách suy nghĩ của người lớn vì mọi cá nhân đều có những sở thích và suy nghĩ khác biệt. Khi áp dụng bài học này vào lớp học của tôi, tôi đã thấy những thay đổi rõ rệt, trẻ được tôn trọng đưa ra quyết định, chúng hợp tác hơn và cũng tôn trọng những quy định của lớp học hơn.
Luôn luôn động viên khích lệ con
Mười hai tháng ở Mỹ là khoảng thời gian mà tôi được nghe nhiều lời khen ngợi nhất, không phải chỉ dành cho tôi mà phần lớn và từ các ông bố, bà mẹ dành cho con cái của mình. Họ không tiếc lời khen, lời động viên dành cho con mình để con có động lực tiếp tục cố gắng và làm tốt hơn nữa. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, nếu đưa trẻ được khen nhiều như vậy thì lời khen đâu còn ý nghĩa nữa vì chúng được cho không một cách đơn giản? Chúng tôi lớn lên, lâu lâu mới được bố mẹ khen và đôi khi là khen với người ngoài, còn trước mặt chúng tôi, bố mẹ sẽ không muốn nói nhiều về thành tích vì sợ chúng tôi sẽ tự kiêu và không cố gắng. Nhưng rồi tôi nhận ra lời khen xu nịnh khác với lời động viên. Ở Mỹ, tôi để ý rằng, nếu con sợ không dám thử điều gì, thì bố mẹ sẽ thường làm mẫu hoặc làm cùng để con yên tâm hơn và đôi khi là bố mẹ sẽ ngã, sẽ sai nhưng điều quan trọng là dám thử sức và chúng ta sẽ đứng lên như thế nào sau những vấp ngã. Kristin – mẹ nuôi tôi đã quyết tâm ngồi tubing (một trò chơi ở mỹ trên mặt nước và có thuyền máy kéo đi) để Izzy – cô con gái 6 tuổi sẽ không còn sợ hãi thử trò chơi này. Khi về nhà, Kristin nói với tôi rằng cô cũng đã rất sợ khi làm mẫu cho con bé, nhưng nếu Jenny thể hiện đều đó thì đời nào Izzy muốn thử. Kết quả là Izzy đã rất thích thú và muốn thử các trò chơi khác với nước.
Tôi thường nghĩ bố mẹ và giáo viên sẽ luôn đúng, không bao giờ sai nên khi mình sai thì đó là cả một sự xấu hổ và cảm giác tồi tệ về bản thân. Và để vượt qua suy nghĩ tiêu cực đó, chỉ khi bạn biết rằng you’re not the only one, you’re not alone (bạn không phải là người duy nhất, bạn không một mình). Tôi để ý thấy, họ luôn động viên con rằng “Mọi thứ đều có thể giải quyết, chúng ta sẽ cùng tìm cách nhé!”để con loại bỏ dần cảm giác sợ hãi và xấu hổ. Và khi có một chút tiến bộ thôi, họ cũng đã rất ghi nhận sự cố gắng. Từ đó, đứa trẻ có được cảm giác tự tin và có thêm niềm tin rằng “mình sẽ làm được”. Tôi kể câu chuyện này cho Mr. B một thầy giáo tại trường chúng tôi và tôi thực sự bất ngờ về những gì Mr. B đã làm được với một học sinh cực kỳ nhút nhát, ít nói. Em có có những kỹ ức khá sốc và buồn nên việc sau một thời gian theo học lớp Tiếng Anh, em đã tự tin giao tiếp và sôi nổi tham gia bài học thực sự đã khiến bao người xúc động. Đó cũng chính là động lực to lớn để những giáo viên trẻ thêm yêu công việc hàng ngày của mình.
Phạt và kỷ luật đúng cách
Trong quá trình sinh sống ở Mỹ, đã không ít lần tôi bực bội và cáu gắt với các bé vì không thể kỷ luật các em. Mỗi lần tôi phạt thì các em sẽ hỏi một vạn câu hỏi vì sao mà vốn Tiếng Anh của tôi đôi khi cũng không đủ thể giải thích. Dẫn đến việc chúng ấm ức, cãi lại, không phục và có phần ghét tôi nữa. Tôi không hiểu sẽ phải làm như thế nào để vượt qua được khó khăn này. Tôi nghĩ, trẻ mà hư như vậy ở VN thì đã bị ăn đòn rồi chứ không có cơ hội cãi lại. Tôi bực và khóc, cảm giác bất lực rồi tự trách bản thân vì mình quá kém cỏi cả về ngôn ngữ và cách dạy dỗ các em. Tôi nhớ bố mẹ và muốn bỏ hết để về nhà. Bỏ cuộc thì dễ quá, nhưng không thể bỏ về đơn giản như vậy được. Chắc chắn phải có cách gì chứ! Một ngày Chủ Nhật, tôi quyết định không đi chơi mà ở nhà để dành thời gian với cả gia đình (gia đình nuôi thứ 2 với 6 bạn nhỏ) và quan sát cách bố mẹ nuôi xử lý các tình huống như thế nào. Tôi phát hiện ra rằng bí kíp thực sự rất đơn giản. Họ luôn có những quy định khi bắt đầu mỗi hoạt động. Khi đã rõ những điều được làm và không được làm thì đương nhiên ai vi phạm và người sai. Lần 1- lần 2, chúng ta có thể nhắc nhở và cảnh báo cho lần 3 vi phạm thì hậu quả sẽ như thế nào. Và họ có một câu rất hay đó là “if you make a same mistake twice, that’s a decision!”(nếu bạn mắc lỗi cũ lần 2 thì đó là một quyết định). Vậy thì đã được cảnh bảo và vẫn có vi phạm thì chắc chắn bạn nhỏ đó sẽ bị time-out (đứng phạt). Tuỳ vào độ tuổi của mỗi bạn sẽ phạt từng đó số phút – một điều đối với tôi rất thú vị và chắc chắn là nó được áp dụng ở trường tôi một cách hiệu quả. Sau khi time-out thì sẽ có phần trao đổi, giải thích để giúp đứa trẻ ý thức được hành vi của mình và sẽ tự đưa ra quyết định việc có vi phạm hay không trong tương lai. Đôi khi là một số chia sẻ và nhận lỗi từ phía những người khác như anh, chị, em hay kể cả bố, mẹ để cảm giác mình là người có lỗi sẽ không quá nặng nề. Thật tuyệt vời phải không? Và suốt những thời gian sau đó thì tôi không còn đau đầu về việc kỷ luật các em và tôi lại có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình.
Xử lý khủng hoảng bắt đầu từ đâu?
Khi chuyển sang gia đình cuối cùng, một trong những nhiệm vụ chính của tôi là trông em bé Morgan 3 tuổi và đây là lứa tuổi có nhiều khủng hoảng trong giai đoạn định hình tính cách và học hỏi mọi điều mới lạ trong cuộc sống. Tôi đã chứng kiến những lúc bé không thực hiện được điều gì và cáu gắt, la hét và đôi khi đập phá hay còn gọi là “ăn vạ”trong Tiếng Việt. Bé có lúc đưa ra những yêu cầu cực kỳ khó tính và những giận dỗi không nguyên do. Đôi khi những nóng giận của bé cũng khiến tôi bực tức và gắt gỏng nhưng kết quả thật tệ là điều đó chỉ làm tình huống xấu đi. Khi nói chuyện thêm với Jenny – mẹ nuôi – tôi mới hiểu rằng trẻ con cũng có những giai đoạn khủng hoảng chứ không chỉ xảy ra với người lớn. Đó cũng chính là lần đầu tôi biết đến khái niệm khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3. Vậy làm sao để xử lý khủng hoảng cho các bé. Bí kíp mà Jenny chia sẻ với tôi chính là bản thân mình phải xử lý khủng của mình trước, chỉ khi mình bình tĩnh mới có thể tạo không khí thư giãn, dễ chịu tác động đến suy nghĩ và hành vi của bé. Hiểu rằng bé đang trải qua một giai đoạn “không mấy dễ chịu”thì mình cũng sẽ thông cảm và kiên nhẫn hướng dẫn bé từng bước. Thường xuyên luyện tập thể chất hay nói chuyện cùng bé cũng là một cách để giai đoạn khủng hoảng qua nhanh. Tôi cảm thấy như thế giới của các bé cũng đa dạng và thú vị như người lớn vậy. Dần dần tôi yêu cái thế giới ấy và mong muốn được dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập về lĩnh vực này. Song song với đó là quan sát quá trình học ngôn ngữ của Morgan, khiến tôi thực sự có suy nghĩ nghiêm túc về việc trở thành một cô giáo dạy Tiếng Anh cho trẻ.
Làm bạn với con
Tôi rất thích ngắm nhìn giây phút bố mẹ nuôi tôi đi làm về và ngay lập tức lao vào chơi với con hay những câu truyện trước lúc đi ngủ. Họ bận chứ, nhiều việc chứ, nhưng họ vẫn luôn cố gắng dành những giây phút quý báu bên con cái của mình. Mỗi cuối tuần Jenny lại đưa Morgan đi ăn kem hay đến thư viện và nói rằng đó là mother – daughter special time(khoảng thời gian đặc biệt của mẹ và con gái). Hay chiều Chủ Nhật là thời gian bố nuôi tôi dạy cả nhà chơi bóng rổ. Họ nói chuyện với con cái và chia sẻ cả những vấp ngã hay sai lầm họ mặc phải. Họ sẵn sàng xin lỗi con nếu họ thực sự đã làm gì sai. Trong suy nghĩ của tôi thì điều đó thực sự bất ngờ vì tôi đã luôn cho rằng bố mẹ thì đúng và chỉ có con cái mới sai. Nhưng không, họ muốn chứng mình rằng, chúng ta là con người, chúng ta sẽ có lúc mắc lỗi, dù là trẻ con hay người lớn. Họ giao tiếp với con như những người bạn và mong muốn con sẽ chia sẻ với bố mẹ cởi mở, chân thành. Tôi đã thử áp dụng điều này lần đầu tiên trong lớp học. Hôm đó tôi đến lớp muộn và tôi đã xin lỗi những cô bé cậu bé 6 tuổi rằng “Cô đã đến lớp muộn 5 phút và cô thực sự xin lỗi các con. Cô cảm thấy buồn vì cô đã không có sự chuẩn bị kỹ càng. Cô chắc chắn rằng sẽ không bao giờ để các con đợi cô nữa đâu”.Những phải ứng của các bạn nhỏ khiến tôi thực sự xúc động. Các con nói: “Không sao đâu cô, ai cũng có lúc mắc lỗi mà, bọn con vẫn yêu cô và cô vẫn là cô giáo của con.”và một cô bé chạy lên ôm tôi, rồi cả lớp cùng kéo nhau lên ôm lấy tôi thật chặt. Tôi không nghĩ là tôi có thể cảm nhận được tình yêu của học sinh nhiều đến vậy nên tôi không biết cách nhận lỗi.
Chuyến đi Mỹ một năm ngắn ngủi những thực sự đã làm thay đổi tôi và giúp tôi tìm thấy đam mê và tình yêu trong công việc của mình. Những bài học tôi tích luỹ được trong thời gian này thực sự nhiều hơn những gì tôi có thể viết ra. Điều trọng là khi chúng ta có cơ hội, chúng ta cần biết cách tận dụng và tối ưu hoá nó bằng cách quan sát và học hỏi mọi lúc mọi nơi, dám lao vào những thử thách để vượt qua giới hạn của chính mình. Tôi hy vọng rằng với những chia sẻ trên, các bạn trẻ sẽ “gap-year”thành công và sẽ sớm tìm được đam mê của chính mình.