Với hơn 7 năm giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên tại Mỹ, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Phương Dung (Ellie Phương D. Nguyễn) – hiện là Giáo Sư về Sinh Hoá & Sinh Học Phân Tử tại Oklahoma State University (OSU), có dịp chia sẻ cùng Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ về quá trình giảng dạy tại môi trường giáo dục Mỹ. Thông qua đó, bằng những kinh nghiệm mà bản thân đúc kết từ quá trình giảng dạy cho sinh viên đại học, TS cũng muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên, du học sinh một số lời khuyên để nâng cao hiệu quả trong học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai.
TS là nhân vật thứ tư xuất hiện trong series nhân vật truyền cảm hứng của chương trình Hành trình nước Mỹ, do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Không chỉ thế, TS còn là người góp phần lan tỏa giá trị giáo dục trong cộng đồng thông qua dự án do chị tự sáng lập có tên “Inspire Education – Vietnam” .
Về kênh “Inspire Education – Vietnam” do TS Ellie Phương D. Nguyễn tự sáng lập
TS cho biết, trang “Inspire Education – Vietnam” là dự án nhằm lan tỏa giá trị giáo dục trong cộng đồng. Trang thu hút hàng nghìn bạn đọc quan tâm từ mọi độ tuổi. Thông qua dự án này, TS có dịp hợp tác, chia sẻ với các anh chị và tổ chức có cùng lý tưởng, tầm nhìn về việc cải thiện giáo dục Việt Nam. Đây cũng là kênh mà TS có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý giá của mình đến các bạn Việt, mong muốn các bạn có sự chuẩn bị và đầu tư tốt hơn về tư duy, phát triển sự nghiệp, hay chuẩn bị chiến lược du học hoặc làm việc ở nước ngoài một cách hiệu quả hơn. Dự án có sự hỗ trợ của mạng lưới các chuyên gia giáo dục với nhiều năm kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ đến bạn trẻ ở đa dạng lĩnh vực. Các bạn có thể tham khảo chi tiết kênh chia sẻ – hướng nghiệp tại đây
Mùa hè năm 2006, với cơ duyên được cấp học bổng thực tập 6 tháng ở Bộ Nông Nghiệp Mỹ USDA tại Miami, bang Florida, TS Ellie Phương D. Nguyễn – từng là nghiên cứu sinh tại ĐH Missouri – hiện đang đảm nhận vai trò Tenure-track Assistant Professor , ĐH bang Oklahoma, đã có cơ hội tiếp cận với các công cụ nghiên cứu hiện đại và được học hỏi trực tiếp từ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm tại USDA. Chính cơ hội học tập này đã tạo động lực rất lớn cho chị trong việc xin học bổng quay lại Mỹ học TS về Sinh học phân tử tại ĐH Missouri.
“Trong quá trình học, mình phát hiện bản thân khá yêu thích lĩnh vực giảng dạy bên cạnh nghiên cứu về sinh học phân tử. Niềm yêu thích với lĩnh vực giáo dục đó đã đưa mình đến vị trí Tenure-track Assistant Professor ở OSU, và mình tập trung vào giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên Đại học từ năm 2015 đến nay”, TS chia sẻ.
“Một năm đầu học TS, đề tài nghiên cứu của mình bị bế tắc khá nhiều. Sang năm 2 càng áp lực hơn vì phải chuyển đổi học bổng, nếu không có kết quả nghiên cứu tốt sẽ ảnh hưởng lớn. Vì vậy mình đã tìm cách chuyển hướng nghiên cứu, chủ động liên hệ với các Giáo sư trong khoa để mở rộng đề tài theo hướng mới. Sau khi kết quả thử nghiệm ban đầu mang lại nhiều triển vọng mới, Giáo sư hướng dẫn chính đã vui vẻ đồng ý cho mình chuyển hướng – và là người duy nhất trong phòng thí nghiệm theo đuổi đề tài này. Tuy phải làm việc độc lập nhiều hơn, nhưng mình thu được nhiều kết quả tốt để xuất bản bài báo và tốt nghiệp TS đúng thời hạn 5 năm như kế hoạch đề ra”, TS Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ về những khó khăn khi học TS tại Mỹ trong thời gian đầu.
Quá trình giảng dạy tại môi trường giáo dục linh hoạt, sinh viên chủ động và tích cực
Qua quá trình công tác, TS đưa ra một số cảm nhận cá nhân về môi trường giảng dạy cũng như học tập của sinh viên tại OSU: “Oklahoma State University là trường thuộc hệ thống R1, tức là đại học chuyên về nghiên cứu và đào tạo TS. Do vậy, trường có rất nhiều hỗ trợ về trang thiết bị, quỹ tài trợ và học bổng phục vụ nghiên cứu cho sinh viên cả bậc đại học và cao học trong vòng 4 năm”.
TS cũng dành lời khen đến các bạn sinh viên OSU: “Các bạn sinh viên giỏi ở OSU có điểm mạnh là rất năng động. Sinh viên thường chủ động liên hệ với các Giáo sư trong và ngoài khoa để xin hướng dẫn, tích cực tìm cơ hội thực tập ngay trong phòng thí nghiệm từ sớm. Nhờ vậy, các bạn không chỉ xin được học bổng nghiên cứu của OSU, mà còn tích lũy kinh nghiệm quý giá cho công việc sau khi tốt nghiệp hoặc có nhu cầu xin học bổng cao học”.
Với hơn 7 năm giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, TS bày tỏ quan điểm: “Môi trường giáo dục Mỹ từ cấp phổ thông đến đại học đều chú trọng “lấy người học làm trung tâm” để cải tiến, xây dựng chương trình học phù hợp nhất. Thông qua đó, học sinh tại Mỹ có cơ hội phát triển tiềm năng. Các em còn được tạo nhiều điều kiện để theo đuổi đam mê, miễn là học sinh có sự nỗ lực, biết chủ động tìm sự hỗ trợ từ thầy cô”. Điều mà TS tâm đắc nhất đó là, bên cạnh đào tạo học thuật, giáo dục Mỹ đồng thời chú trọng giáo dục toàn diện về thể chất, nghệ thuật, kỹ năng xã hội, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo, tinh thần phục vụ cộng đồng,… một cách liên tục và nhất quán từ cấp phổ thông. Vì vậy học sinh, sinh viên Mỹ thường rất tự tin, luôn ý thức rõ về quyền lợi của mình trong lúc đi học. Các em có ý thức đấu tranh bảo vệ lẽ phải một cách mạnh mẽ, đồng thời tinh thần thiện nguyện đối với cộng đồng trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật. “Đây là những điều mà mình mong muốn phát triển hơn nữa ở nền giáo dục Việt Nam trong tương lai, với sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành trong lĩnh vực giáo dục”, TS bày tỏ hy vọng.
Giáo sư Ellie Phương D. Nguyễn: “Start with an end in your mind”
Về những điều ý nghĩa đã đạt được trong năm 2021- năm đại dịch Covid-19 đỉnh điểm tại Mỹ, TS chia sẻ: “Khi đại dịch bắt đầu lan mạnh ở Mỹ, mình chọn phương pháp giảng dạy trực tuyến 100% ở tất cả các lớp mình phụ trách cho sinh viên từ năm 2 đến năm 4 và cao học. Nhờ vậy mà kỹ năng dạy trực tuyến của mình được rèn luyện, cải thiện nhiều hơn về mặt kỹ thuật lẫn cách thức tương tác, để đảm bảo cả chất lượng dạy và học.
Bên cạnh những điều đạt được, TS cũng gặp không ít khó khăn khi phải giảng dạy trực tuyến: “Khó khăn lớn nhất là cách tổ chức thi trực tuyến cho các lớp có cả trăm sinh viên, bằng các dịch vụ “gác thi online” với phần mềm hoặc người giám sát qua webcam. Cách thi này thường xuyên xảy ra các sự cố kỹ thuật do quá tải, gây không ít khó khăn cho cả thầy và trò”. Từ vấn đề này, TS rút ra kinh nghiệm: “Không nên quá đặt nặng vấn đề “gác thi online”, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào các phần mềm quản lý thi cử để hạn chế sự cố kỹ thuật, giúp kết quả thi trở nên công bằng và chính xác”.
Là vị giảng viên tâm huyết, một người đam mê nghiên cứu, TS luôn tìm ra cho mình những phương pháp học tập và làm việc tối ưu để có thể mang lại hiệu quả. “Mình có thói quen làm việc theo kế hoạch, vạch ra chiến lược tổng quát trước khi bắt tay vào làm. Hay nói cách khác là “start with an end in your mind”, tức là hình dung trước kết quả mà mình mong muốn đạt được cuối cùng, sau đó lên chiến lược để đạt được mục tiêu ấy hiệu quả nhất trong khả năng và thời hạn cho phép. Mình thường lên kế hoạch theo tuần/ngày cho công việc cần làm, cố gắng giải quyết theo thứ tự ưu tiên, đồng thời bám sát các chiến lược đã đề ra trong từng giai đoạn”.
Hơn nữa, chị luôn tâm niệm, phải học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để giảm bớt số lần thử và số lần sai, không ngại khám phá cái mới để mở rộng trải nghiệm. “Mình cũng ít khi so sánh với người khác, vì chỉ cần bản thân mình hôm nay tiến bộ hơn mình của hôm qua là được. Nếu có, mình chỉ nhìn tấm gương thành công của người khác để mở rộng tầm nhìn và tạo thêm cảm hứng cho mình phấn đấu học hỏi”, TS Việt chia sẻ.
Phương pháp tìm ra con đường phù hợp với bản thân dành cho các bạn trẻ
Giáo sư Việt tại ĐH bang Oklahoma cho rằng, đối với những bạn trẻ chưa biết mình thích hợp với công việc nào, hãy thử tìm hiểu về mô hình Ikigai (Nhật Bản) để khám phá nhiều hơn nữa tài năng tiềm ẩn của bản thân: “Để tìm được công việc thích hợp, các bạn hãy tìm hiểu mô hình Ikigai của Nhật. Mô hình này giúp bạn đề ra 4 tiêu chí quan trọng nhằm tìm ra nghề nghiệp phù hợp nhất với mình: 1. Việc mà bạn làm giỏi hơn so với các việc khác, hay có thể phát huy sở trường của mình; 2. Việc đó cho bạn niềm vui, tức nó gắn liền với sở thích và đam mê của bạn; 3. Việc đó được xã hội trọng dụng và có nhu cầu tuyển dụng lâu dài ở nhiều nơi trên thế giới; 4. Việc đó mang lại cho bạn một thu nhập ổn định đủ để nuôi sống bản thân, gia đình, cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản”.
TS nhấn mạnh, các bạn trẻ hãy dành thời gian nói chuyện, học hỏi những người đi trước để tìm hiểu người thật, việc thật trong các lĩnh vực mà mình quan tâm, sau đó tự đối chiếu với bản thân xem có phù hợp hay không. “Ví dụ, bạn muốn học công nghệ thông tin (CNTT) thì trong lúc đi học, ít nhất môn toán phải nổi trội hơn các môn khác, vì đó là môn đòi hỏi tính logic cao mà ngành CNTT yêu cầu, hay muốn làm bác sĩ thì ít ra mình cũng giỏi sinh học, không kinh hãi máu me hay xác chết. Trong trường hợp không biết bản thân giỏi lĩnh vực nào, các bạn cũng có thể tìm hiểu bằng các bài kiểm tra năng lực từ miễn phí đến chuyên nghiệp, như Gallup/Clifton StrengthsFinder,… “.
“Sau đó, bạn hãy tìm cơ hội để cọ xát phần nào với công việc đó, để thấy mặt sáng lẫn mặt tối của công việc đó. Các bạn đừng vội nhìn vào mặt hào nhoáng mà nghĩ mình chắc chắn sẽ chịu được những mặt trái gai góc của nó, nhưng trên thực tế thì chưa từng trải qua”. TS cho rằng, 2 điều quan trọng nhất mà bạn trẻ cần chính là: trải nghiệm thực tế và lắng nghe cảm xúc của mình khi đối mặt với những khó khăn đặc thù của công việc đó. “Làm gì cũng phải có say mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài, vượt qua được những khó khăn, thử thách trên con đường đó để ngày càng phát triển hơn nữa. Say mê cho ta biết rằng, chúng ta có đầu tư bao nhiêu công sức cho công việc đó cũng là xứng đáng”. TS nhấn mạnh.
Chiến lược học tập dành cho du học sinh Mỹ bậc đại học
Giáo sư Việt tại ĐH bang Oklahoma muốn nhắn gửi lời khuyên đến các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học đến đại học Mỹ: “Phần lớn các trường đại học tốt ở Mỹ thường tạo điều kiện và môi trường phát triển rất tốt cho du học sinh, nếu các bạn có chiến lược cụ thể rõ ràng cho từng năm để tận dụng hiệu quả các hỗ trợ của trường. Đặc biệt, các bạn nên thường xuyên gặp “Academic Advisor” (cố vấn học tập) để được tư vấn môn học mỗi kỳ”.
“Ví dụ, sinh viên năm nhất còn chưa quen với môi trường học tập, chỉ nên chọn tối đa 2 CLB ngoại khoá để kết nối với bạn bè quốc tế, trong đó, 1 CLB gắn với chuyên môn của mình và 1 CLB phù hợp sở thích như âm nhạc, thể thao,…không nên tham gia quá nhiều CLB để ảnh hưởng việc học. Sang năm 2 bắt đầu tìm hiểu các cơ hội thực tập mùa hè, hoặc xin vào thực tập ở các phòng thí nghiệm trong trường để tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu. Điều này rất có lợi cho CV của bạn, giúp ích cho xin việc hoặc xin học bổng cao học sau này. Sang năm 3 tích cực tham gia các cuộc thi về học thuật hoặc nghiên cứu, tập trung lấy điểm cao các môn chuyên ngành, đi thực tập các vị trí cạnh tranh ở các công ty hoặc trường viện. Sang năm 4, các bạn tạo sẵn Resume/CV chuyên nghiệp để bắt đầu tham gia vào thị trường việc làm, tìm hiểu môi trường tuyển dụng và yêu cầu từ các công ty mình yêu thích, hoặc thi GRE/GMAT để xin học bổng cao học”.
Cuối cùng, với niềm tin và hy vọng, TS gửi gắm lời động viên đến các bạn trẻ để chuẩn bị cho hành trang học tập tại nước ngoài tốt hơn: “Trong quá trình học cũng cần tạo quan hệ tốt với các Giáo sư hoặc người hướng dẫn trong lúc thực tập, để dễ dàng hơn trong việc xin thư giới thiệu. Đồng thời, có một điều các bạn ít khi nghĩ đến, đó là tận dụng các dịch vụ “mentoring, tutoring, counseling” (dịch vụ tư vấn, gia sư) miễn phí của khoa hoặc trường để hỗ trợ các môn học khó”.
“Các bạn cũng đừng quên thường xuyên đến các trung tâm thể thao của trường dành cho sinh viên để rèn luyện thể lực khỏe mạnh, vì có sức khỏe dẻo dai mới có thể học tập tốt về lâu dài”, TS kết luận.
Cảm ơn TS Ellie Phương D. Nguyễn đã góp phần lan tỏa nguồn cảm hứng nghiên cứu và chia sẻ các chiến lược học tập đến bạn trẻ!
Phương Uyên