Ken Nguyễn là một kĩ sư phần mềm tài năng hiện đang làm việc cho Uber ở Canada sau 4 năm kinh nghiệm tại Amazon. Không chỉ cống hiến hết mình cho công việc, anh còn sở hữu một kênh Youtube với tổng hơn 29,000 lượt xem để truyền lại kinh nghiệm và động lực cho các bạn trẻ mong muốn theo đuổi lĩnh vực công nghệ.
Theo đuổi lập trình tại Đại học Bách Khoa
Là một người con xứ Nghệ, xuất phát điểm Ken Nguyễn chưa từng tiếp xúc với code và cũng không theo học chuyên Tin. Vậy nhưng trong những năm học cấp 3, anh đã phát hiện trong mình niềm hứng thú mãnh liệt với tin học. Để theo đuổi đam mê, anh đã xuất sắc thi đỗ trường Đại học Bách Khoa tại Hà Nội và vào cuối năm Hai đại học đã chọn theo học ngành Công nghệ Phần mềm. Anh chia sẻ, lúc đó tới việc cài hệ điều hành anh cũng chưa biết làm. Hè năm thứ Hai đại học, anh có theo học một lớp lập trình do các đàn anh khóa trên dạy, nhưng chỉ học được vài buổi rồi thôi. Tới năm thứ Ba đại học, được học các môn chuyên ngành, anh bắt đầu tập tành code và niềm đam mê với lĩnh vực này càng được thổi bùng trong anh. Bước ngoặt của quá trình theo đuổi đam mê của mình đến với anh Ken khi vào chính năm đó, anh được mời tham gia nhóm nghiên cứu với các giáo sư trong trường. Chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi bắt đầu học code, anh cùng nhóm nghiên cứu của trường đã tham gia cuộc thi Nhân Tài Đất Việt và xuất sắc đạt giải Nhì – cũng là giải cao nhất do năm đó không có giải Nhất.
Cơ duyên với Canada
Trong khoảng thời gian học Đại học, anh Ken đã đi thực tập nhiều nơi để có trải nghiệm thực tế về ngành mà mình đã chọn. Anh đã từng hợp tác với một công ty để xây dựng game “Ai Là Triệu Phú” – một trong những tựa game đầu tiên bằng Tiếng Việt trên thị trường lúc bấy giờ. Ra trường, anh Ken làm việc tại Viettel, rồi sau đó là FPT và Zalo tại Việt Nam. Trong một lần nghe câu chuyện về đồng nghiệp của chị gái có người thân làm việc tại Google tại Mỹ, anh Ken dần nhen nhóm ước mơ được ra nước ngoài làm việc.
Lúc bấy giờ, anh quyết định sẽ cố gắng tìm học bổng đi du học bậc cao học rồi tìm cơ hội làm việc cho các tập đoàn công nghệ lớn ở nước đó. Anh đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, bởi rằng khi ấy anh đã 27 tuổi, tới lúc học xong có lẽ anh đã ngoài 30. Vậy nhưng anh Ken vẫn bền chí với quyết định của mình, đánh bạo nghỉ việc tại Zalo để về quê trau dồi kiến thức, quyết tâm đi du học. Anh bắt đầu học Tiếng Anh từ con số 0 với nguồn tài liệu có sẵn trên mạng. Anh kể, trong suốt quãng thời gian đó, anh học Tiếng Anh tới 12 tiếng một ngày, ăn cũng Tiếng Anh, đi ngủ cũng Tiếng Anh. Và trái ngọt đã đến với anh khi một ngày anh nhận được email từ Amazon mời anh apply vào vị trí Software Engineer tại trụ sở ở Vancouver. Nhớ lại về cơ hội ấy, anh Ken vẫn cảm thấy rằng đó như là một giấc mơ. Với vốn Tiếng Anh đã được trau dồi của mình, anh đã xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn của Amazon và nhận được offer vào đầu năm 2018 với nhiều đãi ngộ tốt. Vậy là từ năm 2018, anh đã trở thành Software Engineer II của Amazon tại trụ sở Vancouver sau hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.
Cơ hội này đối với anh không hoàn toàn là do may mắn, mà là thành quả của cả một quá trình cố gắng dài từ những năm đại học của mình. Trong thời gian làm việc ở Amazon, anh đã nhận giải “Best Engineer Award” vào năm 2018. Gần đây, anh Ken mới chuyển sang làm việc tại Uber sau vài năm làm việc cho Amazon. Anh chưa từng cảm thấy hối tiếc khi đi theo con đường mình đã chọn.
Ken Nguyễn: “Không ‘ăn được du học’ nhưng lại ‘ngã về Amazon’”
Trong hành trình theo đuổi đam mê của mình, anh Ken đã có nhiều quyết định táo bạo để đạt được mục tiêu của mình. Theo anh, gọi những quyết định của mình là “ăn cả ngã về không” thì chưa hoàn toàn là lắm. Anh chia sẻ, quyết định nào của mình cũng có tính toán, cân nhắc, và nếu có “ngã” thì cũng là “ngã ra được bài học, được trải nghiệm” và anh luôn có phương án dự phòng.
“Tất nhiên thay đổi thì lúc nào cũng có rủi ro, nhưng nếu mình nhìn nhận cái rủi ro đó một cách tích cực lên thì cũng không tệ lắm. Đôi khi bạn không thay đổi thì cũng có rủi ro đấy. Ví dụ như việc mình nghỉ Zalo để học tiếng Anh và tìm kiếm học bổng du học. Mình biết để đạt được chuẩn IELTS trong khi tiếng Anh còn quá non, rồi tìm học bổng để du học không phải chuyện dễ, nhưng mình tin là bản thân cố gắng thì sẽ đạt được, nên mới quyết nghỉ việc. Biết được bản thân không phải là người làm được nhiều thứ tốt cùng lúc, nên chỉ có cách nghỉ việc, ép bản thân vào tình huống khó khăn (thất nghiệp) thì mới tạo đủ động lực và dành đủ thời gian để đạt được mục tiêu.
Lúc đó mình cũng tính toán, nếu không tìm được cơ hội du học thì sao? Liệu lúc đó quyết định nghỉ việc có phải là sai? Lúc đó mình nghĩ, chả sao cả. Nếu không du học được thì mình lại quay lại xin việc ở các công ty tại Việt Nam. Có thể là quay lại Zalo, hoặc là làm những công ty khác. Không ai nhận thì mình tự startup (cười). Sau khi có vốn tiếng Anh đủ tốt thì chắc chắn cơ hội của mình sẽ mở rộng hơn, và có thể đi làm ở nước ngoài không biết chừng. Nếu mình không cải thiện được khả năng tiếng Anh, mà cứ tiếp tục đi làm, có khi lại là rủi ro hơn, khi sau này mình sẽ để lỡ những cơ hội tốt chỉ vì tiếng Anh không đủ đáp ứng.”
Và sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Mặc dù chưa kịp tìm học bổng du học, nhưng cơ hội phỏng vấn vào Amazon đến với anh chỉ sau vài tháng học tiếng Anh chăm chỉ. Và anh đã nắm lấy.
“Thế là không ‘ăn được du học’ nhưng lại ‘ngã về Amazon’, mình đạt được cái còn to hơn những gì mình đã mong đợi. Ngoài ra, hồi đó, sau gần 10 năm xa nhà đi học, đi làm rất ít về, thì khoảng thời gian mình nghỉ việc về sống với bố mẹ, anh chị là rất ý nghĩa. Được bên cạnh và chăm sóc gia đình là một điều tuyệt vời bên cạnh những thứ khác mà mình đạt được.”
Trải nghiệm làm việc và sinh sống ở Canada
Trải nghiệm làm việc và sinh sống tại Canada đã khiến anh Ken Nguyễn nhìn nhận ra nhiều khác biệt giữa môi trường làm việc ở Canada và Việt Nam. Anh chia sẻ, làm ở Canada đỡ vất vả hơn ở Việt Nam. Mọi người ở Canada biết cách tối ưu thời gian trong công việc để làm những việc quan trọng nhất, không cần phải làm quá giờ nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra văn hoá work-life balance rất được đề cao ở đây.
Đặc biệt, ở các công ty lớn như Amazon, Uber, anh được thấy trực tiếp tầm ảnh hưởng của thành quả công việc đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, các công ty lớn thường có quy trình rõ ràng cho việc phát triển phần mềm, nên thường một chức năng sẽ mất nhiều thời gian để phát triển hơn so với các công ty nhỏ hơn ở Việt Nam, nhưng tính bền vững và khả năng thành công khi đưa ra thị trường là rất cao.
Anh nói: “Ở Amazon và Uber, mình học được rất nhiều thứ từ cách kết nối với đồng nghiệp trong công việc, cách xử lý vấn đề tối ưu, chuyên nghiệp, và cả cách dẫn dắt team để hoàn thành project thành công, đúng tiến độ, etc. Những điều đó mình thấy rất hữu ích cho các bạn kỹ sư trẻ, nhất là ở Việt Nam.”
Chuyện về FOMO trong ngành Công nghệ Thông tin
Trong video Youtube của mình, anh Ken Nguyễn có đề cập tới FOMO – Fear Of Missing Out – như một trong những rào cản trong ngành. Về vấn đề này, anh nói:
“Quan điểm này được trích từ video theo kiểu nói ngược của mình về việc ‘Vì sao không nên chọn ngành Công nghệ Thông tin’. Trong video thì mình có đùa là theo ngành thì có nhiều hướng để chọn lắm, mà hướng nào cũng hay, chọn hướng này thì sợ mất hướng kia.., nên các bạn đừng chọn gì cả (cười) Cái này nói vui nhưng cũng có cái thật. Nhiều bạn học/làm Công nghệ Thông tin và rất đam mê công nghệ, nên cái gì cũng muốn tìm tòi và muốn hiểu hết. Không hiểu thì lại sợ thua kém, bị chê lạc hậu (FOMO). Thế là các bạn tìm hiểu hết từ Blockchain, Machine Learning, Backend, Frontend, các ngôn ngữ lập trình khác nhau, cái gì cũng biết chút để đủ chém gió khi nhắc đến bất cứ keyword nào.
Tuy nhiên đối với kỹ sư phần mềm thì việc chính là giải quyết vấn đề (problem solving). Đôi khi các bạn biết nhiều thứ, nhưng khi cần tìm hiểu sâu về một thứ để áp dụng giải quyết được những bài toán thực tiễn thì lại không làm được. Với mình thì mình thấy học hỏi, tìm tòi nhiều thứ là tốt, nhất là đối với dân làm công nghệ. Nhưng thường mình thấy những người chuyên sâu một vài thứ thôi thì đạt được những thành tựu lớn và thiết thực hơn, giải quyết được những bài toán lớn trong thực tiễn.”
Đóng góp cho cộng đồng
Không chỉ là một kĩ sư phần mềm tài giỏi, anh Ken Nguyễn còn luôn cố gắng đóng góp cho cộng đồng bằng nhiều cách. Đầu năm 2021, anh đã tham gia dự án STEAM For Vietnam, một dự án rất thú vị của anh Hung Tran GotIt để dạy code cho các em nhỏ. Anh Ken đóng vai trò là giáo viên đứng lớp, cũng như biên soạn chương trình học cho khóa CS101, dạy lập trình bằng ngôn ngữ Python cho các bé. Có những lần đứng lớp trước cả nghìn bạn học sinh online, anh vừa cảm thấy hồi hộp, vừa thấy phấn khích. Tuy do không thu xếp được thời gian, anh không thể đồng hành cùng STEAM For Vietnam những khóa tiếp theo nhưng anh luôn thấy vui khi nghĩ lại khoảng thời gian đó. Ngoài ra, anh còn lập ra một group mang tên SDE Hội, chuyên trao đổi về vấn đề thi tuyển vào các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google, Facebook, Microsoft… và đã giúp rất nhiều kĩ sư Việt Nam tìm được cơ hội làm việc ở Big Tech.
Mục tiêu trước đây của anh Ken Nguyễn là trở thành kỹ sư ở Big Tech. Giờ khi đã đạt được mục tiêu đó, anh vẫn đang nghĩ về mục tiêu cho chặng đường kế tiếp. Anh vẫn mơ ước về việc tạo tập một doanh nghiệp riêng và phát triển những sản phẩm phần mềm giúp ích cho cuộc sống con người. Còn trước mắt, anh sẽ tiếp tục phát triển kênh Youtube riêng để lan tỏa những giá trị và kinh nghiệm thiết thực cho các bạn trẻ có ước mơ giống mình.
Cảm ơn anh Ken Nguyễn đã lan tỏa và truyền cảm hứng đến các bạn trẻ về hành trình theo đuổi đam mê và đóng góp cho xã hội của mình!
Các bạn có thể ghé thăm kênh Youtube của anh Ken tại đây.