Là nhà đào tạo lãnh đạo, một trí thức người Việt nổi tiếng quốc tế, cô Sandy Đặng không chỉ giảng dạy cho những nhà lãnh đạo toàn cầu mà còn ấp ủ sứ mệnh truyền động lực to lớn đến thế hệ trẻ về kỹ năng lãnh đạo thích ứng và tự sự công chúng, một cách đúng đắn nhất.
Đào tạo lãnh đạo và lãnh đạo chính mình
Là một người Việt đã rời quê hương từ rất nhỏ và đã trải qua nhiều khó khăn để ổn định cuộc sống, cô Sandy Đặng gần như dành cả đời để cống hiến cho xã hội.
Nhắc đến Sandy Đặng, trí thức trẻ toàn cầu biết đến cô như một doanh nhân xã hội, một diễn giả truyền động lực, nhà đào tạo lãnh đạo và nhà tư vấn quản lý. Cô tốt nghiệp Cử nhân Đại học Duke, North Carolina và là một trong những Thạc sĩ người Việt tại Đại học Harvard danh giá. Cô còn từng được nước Mỹ công nhận là Công dân tiêu biểu, được bạn bè quốc tế tin yêu và ngưỡng mộ.
Sandy Đặng hiện là người sáng lập, giám đốc điều hành của CoInnovative Consulting, cung cấp các chương trình đào tạo về kỹ năng tự sự trước công chúng, lãnh đạo thích ứng. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng cần có trong xã hội hiện nay.
Cô cũng từng giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), một cơ quan độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ với sứ mệnh tăng cường quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Quỹ Giáo Dục Việt Nam VEF là một tổ chức của Chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập bởi Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2000 theo Đạo luật Quỹ Giáo dục Việt Nam. Quỹ dành cho công dân Việt Nam theo học các chương trình đào tạo sau đại học thuộc lĩnh vực STEM hoặc phát triển chuyên môn tại Hoa Kỳ, và dành cho các giáo sư Hoa Kỳ tham gia giảng dạy tại các trường đại học tại Việt Nam. Trong 15 năm qua, VEF đã trao gần 700 suất học bổng đào tạo sau đại học, nghiên cứu và giảng dạy. Khoảng hơn 400 sinh viên Việt Nam đã và sẽ nhận được học vị Tiến Sĩ, và hơn 130 sinh viên hoàn thành chương trình Thạc Sĩ. Ngoài ra, VEF cũng đã trao hơn 100 phần tài trợ cho các giảng viên và học giả Việt Nam và Hoa Kỳ cho việt giảng dạy, nghiên cứu phát triển chuyên môn.
Nói về dự án giảng dạy kỹ năng tự sự trước công chúng và lãnh đạo thích ứng của mình, cô Sandy tự hào khi là người đứng lớp của rất nhiều những trí thức trẻ toàn cầu, những nhà lãnh đạo đã quốc gia. Bản thân cô và học viên có cùng một động lực. Đó là khát khao thay đổi tư duy của nhiều người hiện nay để thích ứng với thời đại bây giờ.
Đến với lớp học của cô Sandy thì 2 phút đồng hồ là một điều vô cùng đặc biệt. Bởi học viên sẽ có 2 phút để kể câu chuyện của bạn, 2 phút để kể câu chuyện của chúng ta và 2 phút để kể câu chuyện của bây giờ. Muốn phát triển thì cần thích ứng, muốn thích ứng phải thay đổi tư duy về khả năng lãnh đạo. Cô nhận thấy đây chính là giải pháp đắc lực cho rất nhiều những câu hỏi nhức nhối mà xã hội gặp phải.
Vì lợi ích chung, lãnh đạo không thể là “con sói đơn độc”
“Rất nhiều người, thậm chí là những lãnh đạo, họ lầm tưởng rằng chỉ cần một vị trí, một cấp bậc, chức danh nào đó họ mới lãnh đạo được. Nhưng họ quên rằng, phải biết chịu trách nhiệm trước. Có như vậy mới dám đứng lên, trở thành những người đi đầu – đây mới là lãnh đạo.” – Cô Sandy khẳng định.
Chính việc sử dụng tư duy lãnh đạo thích ứng và kỹ năng tự sự công chúng mà cả thế giới có thể nhìn thấy và công nhận giá trị của cô. Tuy nhiên, không có nhiều người biết đến và giảng dạy chúng tại Việt Nam.
Lãnh đạo thì không cần vị trí nhưng phải có khả năng truyền động lực cho mọi người. Muốn vậy thì họ phải học cách tự sự trước công chúng. Kỹ năng đó là sự bộc lộ giá trị bên trong qua những trải nghiệm cá nhân không ai có được, nên nó khác rất nhiều với thuyết trình hay phát biểu trước công chúng. Họ cần tìm được câu chuyện thật, giá trị thật và hiểu được mình muốn trao đổi giá trị của mình trước công chúng để trả lời: “Tại sao tôi lại quan tâm đến vấn đề đó?”. Những người có được câu chuyện hay, truyền được động lực thì nó sẽ tiếp tục tác động trở lại khả năng lãnh đạo của mỗi người.
Lãnh đạo là vì cộng đồng. Mỗi thích ứng là xây dựng được lợi ích cho cộng động, đứng lên để chịu trách nhiệm và làm tốt cho một cộng động. Cộng đồng đó dù nhỏ hay to, ta vẫn có thể lãnh đạo mà không cần vị trí. “Việt Nam có nhiều thử thách chưa có câu trả lời. Vì vậy cần nhiều người đứng lên chịu trách nhiệm để tìm ra câu trả lời”- Cô Sandy Đặng chia sẻ.
Có giá trị thì phải để người khác hiểu được giá trị của mình
Trong quá trình đào tạo và làm việc với nhiều lãnh đạo trẻ tài năng, cô Sandy nhận thấy hạn chế của họ không phải ở năng lực mà là thói quen trình bày lý thuyết dài dòng sách vở. “Nguyên nhân là họ chưa thay đổi được tư duy, những nếp sống đã ăn sâu mà quên đi giá trị thật của mình. Phải bản lĩnh, sợ mà vẫn làm, khi đó bạn mới thúc đẩy được người khác cùng hành động với mình.” – Nhà đào tạo lãnh đạo nhấn mạnh.
Nhiều người cho rằng khả năng hùng biện, diễn thuyết là bẩm sinh của mỗi người. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc ở lĩnh vực này, hướng dẫn và đào tạo rất nhiều lãnh đạo từ Mỹ đến các nước khu vực Đông Nam Á thì cô Sandy khẳng định rằng đây là một kỹ năng hoàn toàn có thể rèn luyện được. Bất kỳ sự thay đổi nào về tư tưởng đều không hề dễ dàng khi nó gần như đã là thói quen, văn hoá. Song, khó khăn nhưng không phải là không thể. Ở một xã hội hiện đại và nhiều biến động, chúng ta cần trang bị kỹ năng và công cụ để lan tỏa thông điệp một cách giá trị nhất để cùng nhau thực hiện lợi ích chung.
“Tôi mất 40 năm để nhận ra, mong thế hệ trẻ đừng như tôi”
Cô cũng chia sẻ, khi còn trẻ mình cũng không dễ dàng gì để thích nghi khi mà phải cùng gia đình rời xa quê hương từ rất nhỏ, trải qua rất nhiều khó khăn. Cũng từ đó, cô cũng dành hết tâm huyết suốt vài chục năm cho các công tác thiện nguyện, đánh thức khả năng bên trong của người trẻ.
Hết mình cho công tác xã hội bấy lâu, nhưng giờ đây mong muốn của cô Sandy Đặng không dừng lại ở việc giúp đỡ mà là truyền đạt tối đa bài học kỹ năng cô mất nửa đời người mới học được. Niềm đam mê của cô là hỗ trợ những người trẻ để phát huy tối đa tiềm năng lãnh đạo của họ nhằm mang lại lợi ích cho xã hội, cống hiến cho cộng đồng. Do đó, cô Sandy đã xây dựng các chương trình đào tạo nhằm cải thiện và khơi gợi khả năng truyền cảm hứng và thích ứng của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 12/2022 này, cô sẽ mang đến một dự án chia sẻ đến cộng đồng kỹ năng tự sự trước công chúng và lãnh đạo thích ứng.
Chia sẻ rằng mình không thích cụm từ “Truyền cảm hứng” bằng “Truyền động lực”, bản thân cô Sandy Đặng chính là một nguồn động lức to lớn và đầy tự hào để cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước có thể học tập và rèn luyện theo.