Trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta có hàng ngàn lần ngắm hoàng hôn hay bình minh ở những nơi rất khác nhau. Nhiều ngày trôi qua trong đời, bình minh và hoàng hôn chỉ là việc bắt đầu một ngày mới và kết thúc một ngày cũ nhưng có bao nhiêu lần chúng để lại ấn tượng? Với tôi hoàng hôn trên những thảo nguyên bao la của Wyoming, của Grand Canyon hay trên những ngọn núi tuyết của thành phố Los Alamos, New Mexico… là một trong những lần đặc biệt ấy. Chiều đến ở Grand Canyon thật tĩnh lặng, trong khô cằn của sỏi đá, của những vách núi và vực thẳm. Thỉnh thoảng lại vọng lên tiếng hú kéo dài của những người bản địa Hualapai. Những người phụ nữ da đỏ đứng trong chiều hoàng hôn, trên tay là những con đại bàng dần dần chìm khuất vào bóng đêm. Họ, giống như tổ tiên, chứ không phải ai khác, mới chính là chủ nhân của Grand Canyon, một kỳ quan thiên nhiên trên trái đất.
Hơn 20.000 dặm đường và rất nhiều những chuyến đi. Cuối cùng, tôi cũng đã đặt chân lên tất cả các tiểu bang của đất nước Mỹ rộng lớn.
Dĩ nhiên, tôi không phải là người đầu tiên vì đã có rất nhiều người thực hiện những chuyến đi như thế với rất nhiều mục đích khác nhau. Tôi không thuộc về kiểu người đi tìm bản ngã của chính mình như Elizabet Gilbert trong Ăn, Cầu nguyện, Yêu… cũng không hoang mang hay có những vấn đề tâm lý, chọn cách đi du lịch để giải thoát vì đơn giản, tôi chỉ là một lãng khách.
Tôi cũng quan niệm rằng, khi đi du lịch với tâm thế của một người có tinh thần tích cực, thích phiêu lưu, khám phá văn hóa, lịch sử, kiến trúc…nhãn quan của bạn sẽ khác. Chính vì vậy, những lúc gặp vấn đề trong cuộc sống… Tôi sẽ nghỉ ngơi hoặc tìm đến tâm linh chứ không đi du lịch vì khi bạn buồn, tuyệt vọng, hay có vấn đề tâm lý, du lịch sẽ không bao giờ là cách giải tỏa mà nó chỉ làm bạn có cái nhìn méo mó về thiên nhiên hay cả những con người bạn gặp…
Nếu chỉ là những chuyến xuyên bang để ngắm nhìn, trải nghiệm những gì bạn thấy, có lẽ tôi sẽ không viết được cuốn sách vì với tâm thế của người cưỡi ngựa xem hoa, bạn sẽ khó có cái nhìn chiều sâu của sự việc. Chỉ khi nào bạn sống với nó với rất nhiều tháng ngày, bạn mới có thể hiểu tường tận. Vì ở Mỹ khá lâu và với đặc thù công việc nên tôi có dịp sống ở rất nhiều tiểu bang với những khoảng thời gian khác nhau. New Mexico là tiểu bang tôi ở lâu nhất với khoảng thời gian trên 2 năm và ở trong sa mạc, chính vì vậy có thể gọi tôi là… đứa con của sa mạc cũng được vì tiểu bang này hoàn toàn là những sa mạc trên núi cao.
Trong rất nhiều những tiểu bang tôi qua, New Mexico là nơi đặc biệt nhất. Vẻ đẹp của sa mạc rất đặc biệt với những vách đá đỏ, cam, hồng và những bụi xương rồng trải dài đến tận chân trời, những cung đường dài như đến vô cực. Dòng sông Rio Grande quanh năm được cung cấp nước từ những ngọn núi tuyết chảy về lúc nào cũng lấp lánh như thủy tinh chảy trong sa mạc, cùng với sự tĩnh lặng đến tuyệt đối của thiên nhiên dễ gây cho con người cảm giác xúc động.
Những chiều hoàng hôn mây hồng, tím, đen vần vũ trên sa mạc chẳng khác nào đất và trời như đang chuyển động xoay nhanh trong chiếc đèn kéo quân khổng lồ. Mùa hè chỉ sau một cơn mưa là khắp sa mạc bừng nở hoa như những tấm thảm nhiều màu sắc. Đó là khoảng thời gian bận rộn của tôi với những loài hoa dại. Mùa thu thung lũng phủ một màu vàng như đến bất tận là lúc bầy nai dạn dĩ xuất hiện đạp lá khô xào xạc. Mùa đông tuyết phủ trắng trời trắng đất, phủ lên những mái nhà bằng bùn đất và cả những bụi xương rồng là những khoảnh khắc thật dữ dội. Trong những buổi hoàng hôn nhuộm chúng thành một màu hồng huyền ảo. Dòng sông trôi qua những vách đá lúc này chẳng khác nào sợi chỉ bạc dưới ánh mặt trời.
Nhưng đó đâu phải là chân dung của nước Mỹ. Bằng những cuộc hành trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và rất nhiều những chuyến đi dọc ngang xuyên tiểu bang. Tôi cố gắng phác thảo chân dung một nước Mỹ thời hiện đại, sở hữu rất nhiều kỳ quan thiên nhiên cũng như kỳ quan nhân tạo do chính bàn tay và khối óc con người làm nên cùng với một nền văn hóa đa dạng với những nhóm người thật khác biệt và cũng thật lạ lùng, những người Thanh giáo Quakers, người Moravians, người Amish, người Mormon…và cả một nhóm người bản địa Hualapai được phép thành lập một quốc gia Navajo riêng trong lòng nước Mỹ.
Nhưng trên tất cả, tôi luôn ngưỡng mộ giá trị Tự Do mà nước Mỹ mang lại. Điều đó thật khác biệt làm nên một siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay.
Trong hành trình ngang dọc vòng quanh nước Mỹ. Từ những siêu đô thị như New York, Los Angeles hay những thị trấn nhỏ bé đẹp như tranh của vùng New England. Từ những tòa tháp cao chọc trời hiện đại đến những ngôi nhà pueblo adobe làm bằng bùn đất của người da đỏ xưa. Từ những thành phố không ngủ như Las Vegas cho đến những ngôi nhà thờ Chimayo đã trở thành phế tích trong sa mạc, những công viên quốc gia như Yellowstone, Grand Canyon, Yosemite…Tất cả được đưa vào trong tập sách của tôi “Những nẻo đường Nước Mỹ”
Vì không phải là người review về du lịch nên bạn sẽ không tìm thấy cách mua vé máy bay, tàu, xe, ở nơi nào tốt hoặc ăn uống nơi nào ngon bổ rẻ trên nước Mỹ…
Với tôi, đằng sau bất kỳ một địa danh nổi tiếng, một công trình kiến trúc hoặc một danh nhân lịch sử đều có những câu chuyện, hoặc kỳ lạ, hoặc thú vị nên tôi sẽ là người kể chuyện về lịch sử, văn hóa, vùng đất, kiến trúc, con người và cả ẩm thực của những vùng miền nước Mỹ.
Với tình yêu thiên nhiên, con người, di tích lịch sử, đặc biệt là kiến trúc và ngưỡng mộ những giá trị Tự Do mà con người hằng khao khát. Tôi sẽ cùng các bạn bước vào cuộc hành trình “ Những nẻo đường Nước Mỹ”.
Link đặt mua sách: https://mely.me/lREUaHr
Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách, tôi xin gửi tặng đến Mái ấm khiếm thị Dalat do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đảm trách!
Tác giả: Nguyễn Tiến Niệm