“Trưởng thành là khi nhận ra gia đình cần một điểm tựa”
Tôi, 4 năm trước theo mẹ đi Mỹ theo diện bảo lãnh anh chị em. Đó quả thật là ước mơ của biết bao nhiêu người. Nhưng trớ trêu thay, nhà tôi không được biết trước về tình huống này. Ba tôi mất sớm, chị tôi thì có gia đình, nên người đi là tôi, mẹ và em trai. Lúc đó thực sự tôi không biết nên vui hay buồn. Tôi nhớ ngày tôi bay là một ngày bão, cứ như nó thay cho lòng tôi vậy. Ngày đó, chị tôi mới sinh em bé được 1 tháng, còn không thể ra sân bay để tiễn. Có lẽ, chị ấy mới là người mạnh mẽ nhất. Đất nước Mỹ quả thật quá rộng lớn, một con bé 19 tuổi – đang gánh trên vai cái trọng trách là người trụ cột trong mắt mọi người, rõ ràng đã bị choáng ngợp với cuộc sống nơi đây. Đương nhiên, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Rất may, tôi xin được việc làm vào một nhà hàng phở Việt Nam. Nhân viên ở đây hầu như là người Việt, nên họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi nhớ rất rõ là ngày ấy, tiếng chuông điện thoại đã rất đáng sợ như thế nào. Tôi luôn tìm mọi cách để né tránh việc phải nghe điện thoại và lấy order, trong khi tôi làm việc ở đó cũng đã được một thời gian. Chuyện gì đến cũng sẽ đến, cuộc điện thoại đầu tiên của tôi như một trò đùa. Tôi thậm chí còn không đọc được câu mở đầu đã được viết sẵn… Tôi nhận ra mình cần nghiêm túc và chăm chỉ hơn. Thế nên, tôi đăng ký vào lớp ESL của trường community college. Với ước mơ thích ngành Y từ nhỏ, nên tôi chọn Nursing là ngành học của mình. Tiếng Anh chuyên ngành đương nhiên vẫn là một thách thức không hề nhỏ, nhưng thật may là tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi không biết câu chuyện của tôi có được coi là khó khăn không nữa. Nó có vẻ vô vị và tầm thường. Tôi cũng chưa đạt được một thành tựu nào. Khả năng ngôn ngữ của tôi mặc dù có cải thiện nhưng nó cũng rất hạn chế. Điều mà làm tôi cảm thấy tự hào nhất là tôi đã có tự tin hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi tin rằng bản thân có thể làm tốt và là chỗ dựa cho gia đình của mình. Đặt niềm tin vào chính mình có lẽ là bài học có giá trị nhất mà tôi học được.
“Trưởng thành là khi nhận ra mỗi lựa chọn là một bài học“
Tôi là người rất không quyết đoán, rất dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của những người xung quanh và luôn sợ sự soi mói hay bình phẩm của họ. Khi đứng trước sự lựa chọn nào, tôi đều suy nghĩ rất lâu, tính đi tính lại mặt lợi và hại của vấn đề, nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn cái mà nhiều người đồng tình nhất, cho dù đó không phải là thứ tôi muốn. Tôi rất sợ làm sai hay phải nhận thất bại. Tôi sợ quyết định của mình sẽ dẫn tới kết quả không như ý. Tôi sợ phải nhận trách nhiệm cho bất cứ điều gì. Có lẽ điều này sẽ theo tôi mãi. Nhưng rất may, một người anh đã đánh thức tôi. Sau khi thấy tôi nhờ anh lựa giúp tôi một món đồ bởi vì tôi không thể quyết định được, anh đã hỏi rằng: “Nếu như thứ mà anh chọn không đúng ý em, có phải em phải tự dằn vặt vì sao mình không lấy thứ mình muốn không? Nếu như em không phải là người quyết định, thì mọi thiệt thòi chỉ có mình em chịu thôi.” Người ta thường nói con người hay hối hận vì những điều họ không làm hơn là những điều họ đã làm. Ngẫm lại, tôi thấy câu đó đúng thật. Mỗi quyết định của mình, có thể là tốt hay xấu, nó đều mang lại giá trị gì đó. Tính quyết đoán có lẽ đang là thứ mà tôi cần phải luyện tập, trau dồi và học hỏi thêm.
“Trưởng thành là khi tự nhận ra yếu điểm của bản thân.“
Tôi là một người hướng nội điển hình. Ngoài đi làm, đi học, và những khi có việc bắt buộc hay cấp bách, tôi hầu như không ra ngoài. Ở nhà làm tôi thấy tự do, an toàn và vui vẻ. Tôi cứ duy trì điều này trong rất nhiều năm và không thấy có vấn đề gì. Bỗng dưng có một ngày, trong lúc nói chuyện với một người bạn ở Việt Nam, người đó có hỏi tôi rằng: “Cuộc sống của em nhàm chán đến vậy sao? Không làm quen được ai bên đó hả?” Một câu hỏi khá là bình thường, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi khựng lại hẳn. Cảm thấy như có gì đó gõ vào đầu tôi vậy. Khoảnh khắc đó khiến tôi tự nhìn nhận lại bản thân. Quả thực, tôi chẳng có mấy mối quan hệ, kể cả ở đây lẫn khi còn ở Việt Nam. Tôi nhận ra số lần tôi chủ động kết bạn, bắt chuyện với người khác hay thậm chí chỉ là hỏi thăm bạn bè gần như có thể đếm được trên bàn tay. Tôi luôn chờ đợi ai đó chìa tay ra trước và tự cảm thấy giận dỗi nếu họ không làm thế. Tôi không có ngoại hình nổi bật, cũng không có tài năng vượt trội, làm thế nào để người ta có thể chú ý được. Lúc này tôi mới tỉnh ngộ và nhận ra mình cần phải thay đổi. Tôi cần phải chủ động để tìm kiếm cơ hội và tạo ra nhiều mối quan hệ. Với một người rất ghét những chỗ đông người, đăng ký tham gia vào sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ thực sự quả là một thử thách, nhưng cũng là một dấu hiệu rất tích cực cho sự thay đổi của tôi. Mặc dù, đó mới là một hành động rất nhỏ, chưa mang lại kết quả, nhưng với tôi, đó thật sự là một thách thức. Ai rồi cũng có những thiếu sót, dũng cảm thừa nhận và quyết tâm sửa chữa được nó mới là bản lĩnh.
Hành trình trưởng thành là một trải nghiệm đáng nhớ. Không có ai là giống nhau cả. Mỗi thời điểm, mỗi khoảnh khắc xảy ra là những kinh nghiệm quý báu chỉ xảy ra một lần duy nhất. Tôi tin vào tiềm năng vô tận của bản thân và không sợ đặt ra những giới hạn mới để thử thách bản thân. Như câu nói của Roy T. Bennett, “Hãy tin vào tiềm năng vô tận của bản thân. Rào cản duy nhất là những giới hạn bạn tự đặt ra.” Tôi hy vọng mỗi người, bao gồm cả tôi, đều tìm thấy hạnh phúc và thành công trên con đường trưởng thành này.
Tác giả: Vi Võ
—————————————————————————————
Cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 11 với chủ để “Trưởng thành là khi…” thuộc chuỗi sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ 11.
Để nộp bài tham dự cuộc thi (bài viết, hình ảnh, video, tranh vẽ), vui lòng gửi đến vongtaynuocmy@gmail.com
Chi tiết về cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 11, vui lòng truy cập: https://vtnm.sinhvienusa.org/hanh-trinh-nuoc-my/