Các bạn sinh viên ở các thành phố lớn như New York, D.C., Los Angeles, v.v có thể nhu cầu sử dụng ô tô là không cao bằng các bạn đang học tập nghiên cứu và làm việc tại các bang có điều kiện tự nhiên trải rộng, phương tiện công cộng chưa đáp ứng kịp nhu cầu cá nhân, gia đình của mình. Nhiều bạn sinh viên có nhu cầu mua xe ô tô đã qua sử dụng nhưng băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu, xem xe như thế nào cũng như dựa trên tiêu chí nào để lựa xe v.v. Do đó, tôi viết bài này nhằm chia xẻ kinh nghiệm của cá nhân tôi trong việc lựa chọn nguồn xe đã qua sử dụng (sources of used cars), kinh nghiệm trước, trong, và sau khi đi kiểm tra xe (inspection) và lái thử xe (test drive) tại thành phố khu vực trung tây (Midwest) của Hoa Kỳ.
Lựa chọn các nguồn tiềm năng có nhiều xe đã qua sử dụng
The kinh nghiệm cá nhân, nguồn đầu tiên tôi nghĩ tới là trang http://www.craigslist.org/about/sites/#US. Các bạn lựa chọn bang mình đang sống, thành phố gần nơi bạn nhất. Chọn mục “Cars + Trucks.” Lưu ý nên chọn mục “By-Owner Only” nhằm giới hạn đối tượng bán xe là cá nhân, không phải là các tiệm bán xe cũ hoặc cá nhân buôn xe chuyên nghiệp (licensed car dealers). Lưu ý có hai loại “car dealers.” Một là dealer schuyên nghiệp các thường bạn thấy ở các tiệm xe cũ, có cửa hàng, địa chỉ giao dịch cụ thể. Hai là dealers xe không chuyên (nhưng vẫn có giấy phép hành nghề đàng hoàng). Họ thường không có cửa tiệm xe cố định nhưng vẫn được phép kinh doanh xe đã qua sử dụng. Nếu mua xe của dealers không chuyên có thể giá sẽ thấp hơn so với dealers chuyên nghiệp vì bạn có thể mặc cả thoải mái với họ. Nhưng tốt nhất là tìm mua xe của cá nhân (private owners).
Một nguồn xe đã qua sử dụng nữa là các quảng cáo ở bến xe bus, bảng tin ở khoa, trường, toà nhà công cộng v.v. Thường những nơi này sẽ có những thông tin rao bán xe của các lưu học sinh, đặc biệt giai đoạn gần kết thúc khoá học về nước. Đây là một nguồn xe khá phong phú và về một khía cạnh nào đó xe rất đảm bảo chất lượng.
Nếu bạn nào có đôi chút hiểu biết về xe đã qua sử dụng có thể ghé thăm các tiệm cầm đồ (pawn shops) hoặc các tiệm cầm cố giấy đăng ký xe chính chủ (title loan). Thường giá xe ở các nơi này là thấp hơn nhiều so với thị trường tuỳ thuộc vào khả năng thương thuyết về giá của các bạn.
Thông qua các kênh khác như hội thanh niên sinh viên tại khu vực, diễn đàn, các bà con anh chị em Việt kiều, v v. Tôi đã biết có nhiều bạn sinh viên mua được xe rất ưng ý với sự tư vấn của các anh chị em cô chú Việt kiều ở địa phương.
Sau khi nắm chắc một số nguồn xe cũ, các bạn nên giới hạn tập trung vào một số chủ bán xe để hẹn xem xe và lái thử xe.
Theo kinh nghiệm cá nhân, các bạn nên trực tiếp gọi điện thoại (không nên làm việc qua email để tránh bị lừa – scams) hẹn lịch xem xe. Nên đặt lịch xem xe mỗi xe cách nhau chừng 45 phút, như vậy bạn có thể xem và thử được từ 3 tới 4 chiếc xe trong vài giờ và trong cùng ngày.
Khi gọi điện đặt lịch xem xe, bạn nên quan tâm tối thiểu các vấn đề sau đây với người chủ đang rao bán xe:
– Lịch sử xe có an toàn không? (Accidents?)
– Xe có hợp pháp (chính chủ) không (clean and clear title – clear title tức là xe không thuộc diện cầm cố, tranh chấp v.v, clean title có nghĩa là xe không có tai nạn, sửa chữa lớn rebuilt title, hay xe tai nạn nghiêm trọng – salvage title v.v.)
– Xe có ổn định không? (Frequently used or not? Any major problems?)
– Xe có hiện tượng chảy dầu không? (Engine oil leak, transmission oil leak, steering wheel oil leak, break, suspension leaks v v)
– Lý do tại sao bán xe?
– Tuỳ loại xe, nếu số miles cao hơn 100 ngàn miles, bạn nên hỏi chủ xe xem đã thay “water pump” và “timing belt” chưa, nếu đã thay có hoá đơn chứng nhận nơi đã thay hay không. Thông tin này cực kỳ quan trọng, vì nếu xe đã sử dụng quá giới hạn khuyến cáo của nhà sản xuất (thường là 80-100 ngàn miles) mà lái xe chưa thay timing belt, máy của chiếc xe có thể sẽ bị phá hỏng hoàn toàn bất cứ lúc nào nếu timing belt bị đứt. Bản thân cái timing belt thì không đắt tiền nhưng công mở máy ra và thay nó rất đắt và đòi hỏi kỹ thuật cũng như độ chính xác cao (tiền thay timing belt và water pumpt một lần thường dao động từ $300-800, tuỳ vào loại xe, nơi thay v.v.). Rất nhiều bạn quên không hỏi chi tiết này khi mua xe đã qua sử dụng đặc biệt xe có số mile cao trên 100 ngàn miles. Thường khi chủ xe thay timing belt sẽ thay water pumpt cùng lúc vì tận dụng cùng một công mở máy ra thay.
Lý do tại sao bạn cần quan tâm, tối thiểu tới những thông tin trên, là bởi vì bạn sẽ dùng nó để đối chiếu, kiểm tra chéo với thực trạng chiếc xe khi bạn tới xem, đối chiếu với lời nói của người bán xe (một dạng triangulate các dữ liệu với nhau xem người bán xe trung thực tới mức nào hoặc họ là người có quan tâm, bảo dưỡng chiếc xe mà họ đang rao bán hay không).
Các bạn nên nhờ một bạn có xe ô tô đưa bạn tới tận nơi để chiếc xe bạn đang cần xem. Mục đích là bạn có thể quan sát xem khu vực nền đất phía dưới gầm xe, gần máy của xe, có dấu hiệu của dầu, chảy dầu v.v. hay không. Nếu bạn hẹn chủ xe lái chiếc xe tới nơi bạn đang ở để xem xe, dấu hiệu chảy dầu sẽ khó bị phát hiện hơn. Mẹo nhỏ này đã giúp tôi phát hiện xe có hiện tượng chảy dầu máy (ở mức nặng, chảy nhiều dầu) chính xác tới 90% trong số trên dưới vài chục chiếc xe mà tôi đã đi xem. Trường hợp bất khả kháng, chủ xe lái xe tới chỗ bạn cho bạn xem xe, sau khi lái thử, khi quay về chỗ cũ, bạn hãy đậu xe vào nơi bằng phẳng sạch sẽ, và hãy cố gắng kéo dài thời gian trao đổi với chủ xe, càng lâu càng tốt. Mục đích là có đủ thời gian để kiểm tra chéo xem dầu máy có bị rò, chảy không (vì xe ô tô khi hoạt động, dầu máy sẽ nóng và sẽ chảy/thấm nhanh hơn, và có thể để lại dấu vết tại khu vực bạn đỗ chiếc xe đó).
Khi xem xe bạn nên chú ý kiểm tra ít nhất là các điểm sau đây:
– Đồng hồ báo (odometer) xem có các đèn bất thường nào không? (màu đỏ thường thể hiện mức độ cảnh báo cao nhất, màu vàng mang tính nhắc nhở).
– Nội thất trong xe (ghế lái, vô lăng, cần gạt để mở cửa xe)
– Mở nắp capô (hood) nơi chứa máy, quan sát xem có dấu hiệu của dầu máy bị tràn không? Bình dầu cho tay lái trợ lực (steering wheel) có bị chảy không? Các loại cáp (belts) có bị rạn nứt không?
– Nổ máy, kéo dây gas hơi căng để nghe tiếng máy xem có bị gằn máy không? Máy khi kéo căng dây gas có bị rung, lắc không?
– Tắt máy, hạn nắp capo xuống, kiểm tra đèn pha chiếu sáng, đèn xi-nhan, còi.
– Mở cốp sau (trunk) kiểm tra xem còn bánh dự phòng không? Kiểm tra xem chiếc bánh này là loại “full size” hay “compact”, còn mới hay cũ. Full size tức là bánh dự phòng hoàn toàn tương đồng với 4 chiếc bánh còn lại của xe, có thể tráo đổi cho nhau v.v. Compact là loại bánh dự phòng có kích cỡ nhỏ hơn, thường chỉ dung cho mục đích tạm thời thay thế chiếc bánh bị xẹp hơi, bạn không thể sử dụng bánh compact thường xuyên như loại full size được. Nếu bánh dự phòng còn mới có nghĩa là xe ít bị hỏng và ít phải thay lốp; bánh dự phòng cũ, mòn có nghĩa là chiếc xe đã bị thay sửa khá nhiều, cũng có nghĩa là số mile của xe cũng khá cao
– Kiểm tra lốp xe xem độ bám ra sao, lớp cao su còn dày hay mỏng?
– Kiểm tra đèn phanh xem phía sau xe. Nếu cháy một đèn có thể thay rất đơn giản, nhưng nếu cả ba đèn phía đuôi xe đều cháy (khi đạp phanh trong xe) có thể hệ thống điện trên xe có thể có vấn đề, chi phí sửa chữa sẽ rất cao.
Sau khi kiểm tra sơ bộ như trên, đã tới lúc bạn lái thử xe…
Lưu ý trước khi lái thử nên căn chỉnh ghế ngồi, gương chiếu hậu cho thoải mái, và nên định hướng là sẽ lái thử đi hướng nào. Tốt nhất nên yêu cầu chủ xe cùng tham gia thử lái với bạn.
Tốt nhất hãy lái thử ở nhiều đoạn đường có giới hạn tốc độ khác nhau và lái thử trên cao tốc (high/freeway). Mục đích xem xe tăng tốc ra sao, kim đồng hồ chỉ số vòng quay X 1000/phút (đồng hồ nhỏ – thường đối diện với đồng hồ báo mức nhiên liệu – có ghi các số chẵn từ 0 trở lên, hai hoặc ba vạch cuối của đồng hồ báo thường có màu đỏ) có ổn định/lên-xuống không khi nhấn-giảm gas. Dừng lại ở một vài nơi (stop signs) xem hệ thống phanh ra sao. Hãy nghe hệ thống giảm sóc xem có âm thanh gì bất thường khi vào ổ gà không.
Lưu ý khi lái thử nên vặn nhỏ hết cỡ radio trên xe để nghe tiếng máy. Nên thử cả hai chế độ: đóng kín 4 cửa sổ và mở tất cả các cửa sổ để nghe tình trạng của máy và vỏ xe.
Khi lái vào đoạn đường bằng phẳng, vắng người, bạn nên thả hờ hai tay khỏi vô lăng sau khi chỉnh vô lăng thẳng hàng. Mục đích nhằm xem định hướng bánh lái có cân bằng không (axles). Nếu xe chạy lệch về bên phải hoặc bên trái có nghĩa chiếc xe cần phải cân chỉnh lại axles (dao động từ $70/1 axle trở lên).
Lưu ý sau khi lái thử xe:
Sau khi lái thử chiếc xe, trước khi ra về bạn nên lấy số VIN (Vehicle Identification Number). Số VIN này là một dãy số gồm số và chữ, thường nằm ngay dưới kính xe, ngay cạnh sticker đăng ký xe của bang dán trên kính xe, phía người lái xe (số VIN cũng có thể được dán ở phía trên máy của xe, hoặc ở phía sườn của cửa sau, tuỳ lịa xe).
Số VIN này sẽ dùng để kiểm tra lịch sử xe, đối chiếu, kiểm tra chéo v v với các thông tin mà bạn có được từ người chủ xe, từ việc kiểm tra xe, và việc lái thử xe. Để kiểm tra được lịch sử xe, bạn cần mua một tài khoản của Car Fax (http://www.carfax.com/entry.cfx) hoặc auto check (www.autocheck.com). Tốt nhất các bạn nên liên lạc với một vài bạn sinh viên khác cũng đang có ý định mua xe để cùng mua và sử dụng chung tài khoản này (để giảm chi phí). Nên mua gói kiểm tra không giới hạn (unlimited checks/reports) trong vòng 30 ngày.
Sau khi có bảng chi tiết lịch sử xe từ car fax hay auto check, bạn nên vào trang www.kbb.com để khảo sát giá trị thực tương đối của chiếc xe bạn đang kiểm tra. Khi nhập các thông số vào trang này (ví dụ số mile, loại xe, đời xe, series, v.v.), nó sẽ dự đoán giá trị tương đối của chiếc xe đó. Bạn nên dựa vào mức đánh giá xe tốt (good condition) hoặc rất tốt (very good) để mặc cả giá xe với chủ bán xe.
Tóm lại, sau khi bạn trực tiếp kiểm tra xe, lái thử xe, kiểm tra lịch sử xe, tham chiếu giá trị tương đối của xe (ở mức tốt-good condition), mọi thứ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng đàm phán, phản biện, trình bày, dẫn chứng, lý luận v v của bạn để bạn có thể có được một mức giá hợp lý nhất cho chiếc xe bạn đang định mua. Lưu ý bạn nên thử nhiều hơn 2, 3 chiếc xe để có thể đi tới quyết định cuối cùng là mua xe nào. Cá nhân tôi thấy thái độ trung thực của chủ xe (độ khớp của các thông tin từ lúc bạn gọi điện, đặt lịch, xem xe, v.v. với thông tin có được từ lúc xem xe), lý do bán xe, và thông tin từ car fax hay auto check là những tham số bạn cần quan tâm trước khi đưa ra quyết định có nên bỏ ra nhiều ngàn $ mua chiếc xe nào đó hay không.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân đúc kết từ vài lần mua xe cho cá nhân mình và nhiều lần đi xem xe giúp các bạn sinh viên trong khu vực. Thông tin hoàn toàn mang tính cá nhân, có tính chất tham khảo, chia xẻ, không khẳng định đúng sai v.v. Quyết định cuối cùng thuộc về các bạn. Mọi thông tin góp ý, chia xẻ, hoặc liên quan tới bài viết hoặc các chủ đề khác như kinh nghiệm tìm/mua bảo hiểm xe hợp lý, một số bệnh thông thường của xe khi sử dụng, một số trục trặc thông thường, cách lái xe an toàn-giữ xe, các bạn có thể email góp ý gửi Ban Biên tập hoặc cho tôi (tantvna@gmail.com).
Chúc các bạn sớm tìm được chiếc xe tốt, ưng ý, theo đúng nhu cầu của mình./.
Tuấn Trương (Tony Edu)
English Education
Class of 2013, Ph.D., UMC
Bài viết của anh rất hay và hữu ích. Em ở Việt nam tuy nhiên đang muốn thông qua các dealers (như Bicks city motors,….) ở Mỹ để mua xe đã qua sử dụng. Em băn khoăn không biết cơ sở dữ liệu của carfax và autocheck cái nào nhiều hơn và tin cậy hơn hả anh. Em ở Việt nam mua tài khoản của 2 trang này thì có sử dụng được không anh???
Rất mong anh sớm cho phản hồi ạ.
Trân trọng cảm ơn anh!
Cảm ơn Tuấn Trương. Tôi đã mua được xe giá hợp lý nhờ bài viết này. Hiện tôi còn account Carfax Unlimited Reports by U.S. License Plate đến Jan 07 2016. Bạn nào cần thì email cho tôi : lndang@hotmail.com. Cheer!