1. Ung thư là gì?
Ung thư là một bệnh rối loạn tế bào, gây ra do biến đổi trong gen di truyền. Có nhiều loại ung thư khác nhau, và mỗi loại gây ra là do hậu quả của biến đổi gen khác nhau, nhưng các tế bào ung thư có 3 đặc điểm chính:
– mất khả năng tự kiểm soát sinh sản: vì thế nên cứ tiếp tục nhân đôi mãi, tạo nên khối u. Có 2 loại khối u: u lành tính và u ác tính. U lành tính sẽ tạo vỏ bọc quanh khối u vừa tạo, nên khối u cố định. U ác tính không tạo vỏ bọc, nên tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u, xâm nhập vào máu, và di chuyển đến nơi khác trong cơ thể để tạo khối u mới.
– bất tử: khi nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, tất cả tế bào bình thường đều có tuổi thọ nhất định. Riêng tế bào ung thư nếu được cung cấp đủ dinh dưỡng thì sẽ sinh sản mãi, không bao giờ chết.
– có khả năng di chuyển và xâm chiếm các mô trong cơ thể để tạo ra khối u mới: khả năng di chuyển này là tổng hợp của nhiều lý do, nhưng lý do chính là khi trở nên ung thư, tế bào mất đi độ kết dính với mô, và dễ dàng trở nên “trôi nổi.”
2. Điều gì dẫn đến ung thư?
Một trong những giả thuyết mới nhất hiện giờ là “5 hit theory” [tạm dịch là giả thuyết “5 điểm tấn công”]. Theo giả thuyết này, mỗi lần tế bào bị “tấn công” bởi các yếu tố như tia cực tím [phơi nắng, tắm biển, tanning…] hoặc chất độc hại nào đó vô tình tích tụ trong cơ thể [do ăn uống, do dùng thuốc quá liều, do nghiện ngập hút chích, do sinh sống gần môi trường độc hại…] thì sẽ bị biến đổi ở một điểm trọng yếu. Và trong quá trình sống, cứ mỗi lần tế bào bị “tấn công” như vậy, thì cơ thể sẽ càng tăng nguy cơ bị ung thư. Cho đến lần thứ 5 bị “tấn công,” thì tế bào chính thức trở thành tế bào ung thư, và bắt đầu phát triển thành khối u. Chính vì thế ung thư còn được gọi là “life style disease” – một căn bệnh gây ra do lối sống. Và vì đặc trung tích tụ qua thời gian như thế, nên ung thư thường xảy ra cho người già ( nên còn được gọi là “late life disease” – bệnh về già). Đối với trường hợp người trẻ bị ung thư thì đa phần là do di truyền. Nghĩa là trong cơ thể, tế bào đã tích tụ sẵn “3 điểm bi tấn công” hoặc “4 điểm bi tấn công ” rồi, nên chỉ cần một, hai lần “bị tấn công” nữa thôi là đã có thể trở thành tế bào ung thư, hoặc nặng hơn nữa là vừa sinh ra đã bị ung thư ngay.
Điều đáng nên biết là theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia của Mỹ thì đến 80% nguyên nhân dẫn đến ung thư là do những yếu tố có thể kiểm soát được, trong đó dinh dưỡng là yếu tố đứng đầu, chiếm 30-60%, kế đó là thuốc lá (30%), ô nhiễm không khí và nguồn nước (5%), rượu (3%), phóng xạ (3%), và các loại thuốc men (2%).
3. Chữa trị ung thư bằng cách nào?
Cách chữa trị phổ biến nhất hiện giờ là phẫu thuật (surgery) kết hợp với hóa trị (chemotherapy) [hóa trị đơn giản chỉ là cho bệnh nhân uống tổng hợp nhiều loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư]. Nếu khối u nằm ở vị trí không gây nguy hiểm đến các cơ quan xung quanh, thì sẽ tiến hành phẫu thuật trước, rồi sau đó hóa trị. Nhưng nếu khối u nằm ở những vị trí nguy hại cho các cơ quan xung quanh, thì sẽ hóa trị trước để làm teo nhỏ khối u, rồi mới tiến hành phẫu thuật. Ngay cả đối với hóa trị cũng có nhiều loại thuốc tổng hợp khác nhau và mỗi bệnh nhân phản ứng với thuốc cũng khác nhau. Cùng một loại thuốc có thể có khả năng chống sự lây lan của tế bào ung thư ở một người, nhưng lại hoàn toàn có thể vô hiệu đối với một người khác. Vì thế khi điều trị hóa trị, bác sỹ sẽ cho thử nhiều loại thuốc tổng hợp khác nhau trên người bệnh, và theo dõi tiến triển của ung thư để xem thuốc nào có hiệu nghiệm với người bệnh nhất. Các loại thuốc này có độ độc hại tương đối cho cơ thể, và thường là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng rụng tóc thường thấy ở bệnh nhân ung thư.
Một cách chữa trị nữa cũng phổ biến cho bệnh ung thư là xạ trị (radiation therapy). Năng lượng phóng xạ trong phương pháp chữa trị ung thư này đến từ tia X, tia gamma, và chùm tia từ các loại hạt phân tử (ví dụ như proton). Có 2 loại xạ trị: xạ trị nội tạng và xạ trị ngoại tạng. Xạ trị ngoại tạng là khi nguồn phóng xạ đến từ bên ngoài cơ thể. Còn xạ trị nội tạng là khi nguồn phát ra phóng xạ được cấy ghép vào bên trong cơ thể, gần cạnh khối u.
4. Có cách nào giảm nguy cơ ung thư?
Có! LỐI SỐNG & DINH DƯỠNG! Tốt nhất là đừng bao giờ đụng vào thuốc lá! [30% là một con số không nhỏ chút nào!] Còn về phần dinh dưỡng thì có một số khuyến cáo như sau:
– Tăng cường thực đơn với các loại hạt nguyên (whole grain), các loại đậu, rau củ quả, trái cây
– Hạn chế chất béo và thịt động vật.
– Tránh rượu bia.
– Tránh tiếp xúc với nắng gắt.
– Tăng cường hoạt động cơ bắp (thể dục thể thao) và nên giữ cơ thể gần với trọng lượng lý tưởng.
5. Ví dụ 1: Acoustic neuroma [ung thư dây thần kinh thính giác]
Có nhiều loại ung thư, nhưng loại này thuộc dạng hiếm. Mỗi dân thần kinh đều có vỏ bọc xung quanh, giống như vỏ bọc đường dây điện cao thế vậy. Bệnh này được gọi là “acoustic neuroma” là vì tế bào bọc dây thần kinh phụ trách thăng bằng và thính giác bị biến đổi thành tế bào ung thư. Khi khối u tạo ra càng lớn, thì nó lại càng đè nặng lên dây thần kinh thính giác và cân bằng, dẫn đến việc người bệnh bị mất thính giác 1 bên, hoặc cả 2 bên tai, kèm theo triệu chứng chóng mặt vì khả năng giữ thăng bằng cũng bị ảnh hưởng. Bệnh này còn gây ra những âm thanh lạ trong tai.
6. Ví dụ 2: Ung Thư Vú
Nhận biết ung thư vú (ảnh từ internet)
Ung thư vú là một lọai ung thư phổ biến ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với phụ nữ có ung thư vú ở giai đọan 1 là 88% (Susan G. Komen for the Cure | Understanding Breast Cancer | Diagnosis | Chances for Survival Based on Cancer Stage)! Chính vì thế, khi ung thư vú được phát hiện càng sớm thì cơ hội chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này càng cao!
May thay, các chị em phụ nữ có thể tự kiểm tra nếu vú có khối u mỗi ngày bằng một phương pháp rất đơn giản, được trình bày cụ thể trên lọat hình minh họa như sau:
Tốt nhất là nên kiểm tra vú ngay sau chu kỳ kinh nguyệt vì khi đó vú mềm nhất, và khối u, nếu có dễ cảm nhận thấy hơn. Nhưng tốt hơn cả vẫn là kiểm tra vú càng thường xuyên càng tốt. Nếu có cảm thấy khối u ở bất cứ chỗ nào, thì các chị em nên đi khám bác sỹ ngay lập tức để được điều trị kịp thời nhé!
Mong các chị em sống vui khỏe, hạnh phúc!!!
Thanh Minh – PhD, chuyên ngành về ung thư, Albert Einstein College of Medicine, Bronx, NY