[lược dịch chủ yếu từ tài liệu “How Dreams Work” của tác giả Lee Ann Obringer và từ một vài nguồn phụ khác]
1. Giả Thuyết Về Những Giấc Mơ
Từ nhiều thế kỷ qua, con người đã luôn cố gắng tìm cách giải thích những giấc mơ. Các nghiên cứu về giấc mơ đưa đến 2 giả thuyết trái ngược nhau. Giả thuyết thứ 1 tin rằng giấc mơ là một hoạt động tâm lý không thể thiếu của con người. Trong khi đó giả thuyết thứ hai cho rằng giấc mơ chỉ đơn thuần là kết quả của những kích thích thể lý.
Người đi đầu về giả thuyết những giấc mơ là tiến sỹ Sigmund Freud. Theo ông, giấc mơ là lối thoát cho những ham muốn mà con người không thể tự do biểu đạt trong bối cảnh xã hội. Nối tiếp Freud trong giả thuyết thứ nhất này là Carl Jung. Ông cho rằng giấc mơ phản ánh tâm thức của con người và giúp họ giải quyết những khúc mắc cá nhân.
Hai nhà nghiên cứu Allan Hobson và Robert McCarley là tác giả của giả thuyết thứ hai. Nghiên cứu của 2 nhà khoa học này về hoạt động của não bộ trong giấc ngủ dẫn đến kết luận giấc mơ là kết quả của những xung lực điện phát ra từ não, kéo theo những hình ảnh quá khứ đã được lưu trữ trong trí nhớ trước đó. Những hình ảnh này là bất kỳ và chính phần còn thức của não bộ là tác giả của những “câu chuyện” nối kết những hình ảnh đó. Lý do của hiện tượng này chỉ đơn giản là vì não bộ luôn muốn sắp xếp những gì nó đã trải nghiệm theo một trật tự có nghĩa.
2. Giấc Mơ Và Não Bộ
Khi ngủ, con người ta trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ 1 là ngủ nhẹ và rất dễ bị đánh thức. Giai đoạn thứ 2 là ngủ sâu hơn, và giai đoạn 3 và 4 là ngủ say nhất. Hoạt động của não bộ chậm lại từ từ qua từng giai đoạn để đến giai đoạn ngủ say, thì não bộ chỉ bao gồm sóng não thấp nhất. Khoảng chừng 90 phút sau khi ngủ và sau giai đoạn 4 thì bắt đầu giai đoạn 5, gọi là “REM” (Rapid Eye Movement – tạm dịch là “giai đoạn chuyển động nhanh của mắt”). Trong giai đoạn REM, nhịp tim và hơi thở nhanh hơn bình thường, huyết áp máu tăng, khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể giảm đi đáng kể, và hoạt động của não bộ tăng cao tương đương với khi thức hoặc có thể cao hơn. Tuy nhiên, tất cả những phần khác của cơ thể thì hoàn toàn tê liệt cho tới khi giai đoạn REM kết thúc. REM cũng là lúc mà phần lớn những giấc mơ xảy ra, vì thế nên lý do mà cơ thể hoàn toàn tê liệt trong giai đoạn này cũng là một cách của tự nhiên để tránh trường hợp con người ta trực tiếp thể hiện những hành động khi mơ cùng lúc với giấc mơ. Thử tưởng tượng nếu bạn đang nằmg ngủ cạnh một người đang mơ thấy mình chơi đá banh thì có lẽ bạn sẽ liên tục bị thụi vào cạnh sườn mất!
Trung bình mỗi đêm ngủ, con người ta sẽ trải qua 5 giai đoạn kể trên một vài lần. Cứ sau mỗi chu kỳ thì giai đoạn REM tăng dần và giai đoạn ngủ sâu giảm dần. Cho đến gần về sáng thì chỉ còn lại giai đoạn 1, 2 và 5. Giai đoạn ngủ sâu (3 & 4) mất hẳn.
Có nhiều tranh cãi xoay quanh tầm quan trọng của giai đoạn REM. Cho đến giờ thì giả thuyết đáng tin cậy nhất là giả thuyết về mối liên hệ giữa REM và khả năng tiếp thu những kiến thức cần đến hoạt động thể chất.
3. Một Vài Sự Thật Thú Vị Liên Quan Đến Giấc Mơ
– Đa số giấc mơ kéo dài từ 5 đến 20 phút.
– Giấc mơ có màu sắc, không chỉ là trắng đen như người ta từng nghĩ.
– Mỗi đêm con người ta mơ nhiều lần, chỉ có điều họ không nhớ mà thôi. Trung bình con người dành 6 năm trong đời cho những giấc mơ.
– Đối với những người mù bẩm sinh, giấc mơ của họ được tạo nên từ những giác quan khác (xúc giác, khứu giác, thính giác).
– Khi ngáy, con người ta không hề mơ!
– Voi (và một số động vật khác) ngủ đứng trong giai đoạn 1, 2, 3, và 4 nhưng nằm xuống khi vào giai đoạn REM.
4. Làm Sao Để Nhớ Giấc Mơ?
Chỉ 5 phút sau khi mơ là con người ta đã quên hết 50% nội dung giấc mơ đó, 10 phút sau đó con số sẽ là 90%. Vì sao lại có thể quên nhanh như thế?
Theo tiến sỹ Freud, con người quên giấc mơ nhanh là vì giấc mơ chất chứa những suy nghĩ bị đè nén và những mong ước thầm kín của họ nên họ cũng chẳng muốn nhớ những giấc mơ làm gì cả. Còn theo Strumpell, một nhà nghiên cứu giấc mơ khác, thì đưa ra một số nguyên nhân khác. Ông cho rằng khi mới ngủ dậy con người ta dễ quên nhiều thứ, nhất là những cảm giác thể lý. Hơn nữa, những hình ảnh trong mơ thường mơ hồ nên lại càng dễ quên hơn. Một dẫn giải khác cho hiện tượng này là vì con người học và nhớ một điều gì đó bằng “liên tưởng” và “lặp lại.” Trong khi đó mỗi giấc mơ thường là duy nhất, nhập nhằng, và gần như không lặp lại nên khó nhớ là chuyện dễ hiểu.
Nếu vì một lý do nào đó mà bạn muốn nhớ giấc mơ của mình thì sau đây là một vài cách:
– Khi đi ngủ, hãy tự nói với bản thân là bạn sẽ nhớ giấc mơ của mình.
– Vặn đồng hồ báo thức đổ cứ sau mỗi tiếng rưỡi để bạn sẽ thức giấc ngay sau giai đoạn REM, cũng là lúc mà bạn sẽ nhớ giấc mơ của mình rõ ràng nhất.
– Để sẵn giấy và viết bên giường ngủ để khi thức giấc bạn có thể ghi chép lại giấc mơ của mình.
– Khi tỉnh dậy, hãy tỉnh dậy từ từ để giữ lại được trạng trái đầu óc khi trong mơ.
Thanh Minh – PhD, chuyên ngành về ung thư, Albert Einstein College of Medicine, Bronx, NY