
Tiền luôn là chủ đề có sức thu hút đặc biệt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Một thí dụ đơn giản, ta có thể bắt gặp dễ dàng câu nói của ai đó nổi tiếng về tiền1.
Trong khi hành trình khám phá về vai trò và ý nghĩa của tiền dường như chưa thể có hồi kết, có một dạng câu hỏi đã tốn không ít giấy mực và tâm huyết của các triết gia, các nhà nghiên cứu, doanh nhân, hay thậm chí là những anh nông dân và bà nội trợ. Đó là: “Tiền có thể mua được gì?”
Có vẻ như những quan điểm truyền thống về năng lực của tiền đang bị thách thức, không chỉ ở một nơi và không chỉ bây giờ: “Money can’t buy happiness. It can, however, rent it2”, “Tiền không phải là tất cả nhưng không tiền là không tất cả[a].” Có thể thấy là ngoài những khả năng đôi khi là không giới hạn về vật chất, con người còn muốn tìm hiểu xem tiền có thể sắm vai trò gì và lớn đến đâu trong việc mang lại những giá trị phi vật chất. Bài viết ngắn này nhằm mục đích giới thiệu một chủ đề mặc dù đã quen thuộc đến nhàm chán trong nghiên cứu và văn đàn về y tế, nhưng lại chưa bao giờ cũ: Tiền và sức khỏe.
Ảnh minh hoạ (nguồn: examiner.com)
Trước hết, có thể khẳng định là các bằng chứng hàn lâm chưa giúp được gì nhiều trong việc đưa ra kết luận về mối tương quan giữa hai yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một con người. Giả định thường gặp là nhiều tiền hay thu nhập cao đồng nghĩa với sức khỏe tốt và tuổi thọ cao. Số liệu từ các cuộc khảo sát trên quy mô quốc gia có vẻ ủng hộ mối tương quan thuận này3.
Tuy nhiên, khi thiết lập mối quan hệ nhân quả, người ta bắt đầu nhận ra câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Người giàu có sức khỏe tốt có thể là do họ có điều kiện để sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dùng các thực phẩm có lợi, tham gia câu lạc bộ thể dục, làm công việc ít nguy cơ và nhận được nhiều hỗ trợ về mặt tinh thần và xã hội. Trong khi những câu hỏi dạng này về mặt lý thuyết và kỹ thuật có thể giải quyết được (thí dụ phân tích nhân tố trung gian – mediation effects analysis), một câu hỏi vào dạng hóc búa hơn xuất hiện khi có mặt các yếu tố không dễ ước lượng phản ánh sự khác nhau giữa người nhiều tiền và ít tiền, hay thu nhập cao và thấp. Thí dụ, một người coi hiện tại có giá trị hơn nhiều so với tương lai sẽ có xu hướng ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe nói riêng và các đầu tư cho tương lai nói chung, thí dụ như giáo dục và đào tạo lại (là những yếu tố có liên quan đến thu nhập)4.
Có thể thấy là tính đến các yếu tố như cách đánh giá của con người về hiện tại và tương lai là hoàn toàn không đơn giản. Mặc dù vậy, vẫn có một số nghiên cứu xuất sắc đã cố gắng tìm hiểu vấn đề này, trong nỗ lực tìm câu trả lời cho mỗi quan hệ giữa tiền và sức khỏe. Từ một nỗ lực như vậy5, người ta đã tìm ra những kết quả hết sức thú vị. Trong những người ở độ tuổi từ 65 trở lên, nhóm có thu nhập cao có tỷ lệ tử vong cao hơn nhóm nghèo hơn! Lý do là những người nghèo thường phải kiếm thêm thu nhập bằng những công việc bán thời gian và vì thế họ hoạt động thể chất và tương tác xã hội nhiều hơn.
Như vậy, cuối cùng tiền có lợi hay có hại đối với sức khỏe? Có lẽ rất khó để có một câu trả lời duy nhất. Để đánh giá mối quan hệ giữa tiền và sức khỏe cần khảo sát trong bối cảnh cụ thể các đặc điểm về xã hội, dân số, văn hóa, v.v. Nhìn chung, tiền là điều kiện cần, chứ không phải là đủ, lại càng không phải cần và đủ[b] để tạo ra và duy trì sức khỏe. Hơn nữa, đối với sức khỏe và tuổi thọ, sử dụng tiền một cách hợp lý vẫn luôn là lời khuyên không bao giờ thừa[c].
La Thành Nhân
Sinh viên Penn State University
Tham khảo
1. Quotes about money. Retrieved from http://www.goodreads.com/quotes/tag/money
2. The Big Apple. Money can’t buy happiness; it can, however, rent it. Retrieved from http://www.barrypopik.com/index.php/new_york_city/entry/money_cant_buy_happiness_it_can_however_rent_it
3. Cutler, D., Deaton, A., & Lleras-Muney, A. (2006). The determinants of mortality. Journal of Economic Perspectives, 20(3), 97-120.
4. Fuchs, V. (1993). The future of health policy. Boston: Harvard University Press.
5. Snyder, S., & Evans, W. (2006). The effect of income on mortality: Evidence from the Social Security notch. Review of Economics and Statistics, 88(3), 482-495.
[a] Tác giả không tìm được xuất xứ của trích dẫn này.
[b] Các khái niệm cần và đủ ở đây hàm ý cách thể hiện về xã hội học chứ không phải ý nghĩa toán học.
[c] Một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì lớn hơn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, nơi có điều kiện thu nhập cao hơn so với mặt bằng thu nhập chung.