Hè này mình có dịp quay lại Viện nghiên cứu lúa quốc tế (International Rice Research Institute – IRRI), trụ sở tại thành phố Los Banos, Philippines. Viện lúa được thành lập từ những năm 1960 và hiện tại là trung tâm đầu ngành trên thế giới về nghiên cứu lúa, lai tạo các giống lúa mới, và có một ngân hàng lưu trữ hàng nghìn các loại giống lúa khác nhau.
Là một viện nghiên cứu quốc tế nên IRRI hội tụ các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh và sinh viên, những người quan tâm tới lĩnh vực lúa gạo đến từ khắp nơi. Có những bạn đến chỉ 1-2 tháng như mình, có những bạn thực tập 6 tháng, có những bạn thì làm nghiên cứu đề tài tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ thì ở đến 2-3 năm. Đám sinh viên, nghiên cứu sinh mới tới thì thường được xếp vào ở hai khu dormitory ngay trong khuôn viên của Viện và ăn cơm ở cantin hàng ngày. Vì thế cứ mỗi buổi cơm tối là một dịp rộn ràng vì đó là lúc bọn mình có dịp giới thiệu làm quen với nhau.
Nếu không đến IRRI thì quả là mình sẽ chẳng bao giờ có dịp mà biết tới những người bạn đến từ Sudan, Ghana xa xôi, hay hiểu biết thêm về các nước châu Âu qua câu chuyện của các bạn đến từ Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, cộng hòa Séc…Ở đây cũng có nhiều các bạn đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan…Rồi có những bạn đang còn là học sinh cấp 3 đến từ Mỹ nữa.
Cứ mỗi lần biết thêm một người bạn mới như vậy là một lần ngạc nhiên dù đây là lần thứ ba mình tới đây.
Mình nhận ra rằng thật sự là chẳng có một rào cản nào giữa con người với con người cả. Tất cả những điều mà chúng ta nghĩ đó là rào cản thực ra chỉ là một bức tường do chính ta dựng nên mà thôi. Dù bạn từ đâu tới, nói bằng thứ ngôn ngữ nào thì với một tấm lòng chân thành, khiêm tốn và cởi mở, bạn sẽ luôn tìm thấy những người bạn ở bất cứ nơi đâu bạn đến.
Đây là một số kinh nghiệm thú vị mà mình đã rút ra.
Tiếng Anh
Một lợi thế khi đến Philippines là người dân ở đây nói tiếng Anh rất tốt (dù dân bản địa gặp nhau thì vẫn thích nói bằng tiếng Tagalog địa phương hơn). Thành ra bọn mình không gặp trở ngại trong việc giao tiếp với người bản xứ. Nhưng vì là môi trường quốc tế nên ngoài tiếng Anh thì cũng không có lựa chọn nào khác hơn. Vậy là ai cũng phải nói tiếng Anh (trừ khi gặp người đồng hương).
Đến đây mới thấy là trình độ và accent tiếng Anh mỗi người một khác, chẳng liên quan gì tới việc họ là sinh viên hay đã tốt nghiệp tiến sĩ. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng nói vậy để thấy rằng chúng ta không nên tự ti vì tiếng Anh của mình mà đâm ra ngại bắt chuyện, ngại phát biểu hay tham gia vào các buổi tán dóc.
Cách đây mấy tuần bọn mình biết thêm một anh bạn người Tây Ban Nha mới tới. Mình không ngờ là tiếng Anh của anh ấy rất tệ, anh ấy cũng bảo thế. Gần như tới đây là bao nhiêu vốn tiếng Anh từ hồi học phổ thông được lôi ra dùng lại…trông anh cứ ngượng ngiụ tìm từ rồi đôi khi nói nhầm “You teach me (English)” thành “You learn me” mà cả nhóm đang ăn cơm cười nghiêng ngả. Nhưng mình rất phục tinh thần học hỏi của anh ấy. Không biết từ nào là anh chàng không ngại hỏi mọi người và nhờ chỉnh sửa.
Sau buổi ăn cơm anh thấy mình đang mang bầu, bụng đã khá to rồi. Anh ấy muốn chúc mình “mẹ tròn con vuông” mà không biết nói thế nào. Thế là hai tay vừa làm động tác mô tả vừa hỏi “Khi em bé chui ra thì bạn nói thế nào?”. Sau một lọat gợi ý thì mình cũng hiểu là anh ấy muốn dùng từ “delivery”. Thế là anh ấy chúc “I wish you a good delivery”. Ối giời ơi, dễ thương quá đi mất :).
Giao tiếp
Mặc dù ở đây mọi người từ nhiều nước, nhiều nền văn hóa khác nhau, môi trường giao tiếp dù sao mình thấy cũng có phần cởi mở hơn ở Mỹ nhiều. Nước Mỹ cũng là nước đa chủng tộc, đa văn hóa nhưng dù sao đi nữa khi bạn ở Mỹ thì văn hóa Mỹ vẫn là văn hóa ưu thế. Người Mỹ có phần khá lịch sự (đôi khi lịch sự quá), họ thường tránh đưa ra những nhận định mang tính tiêu cực và thiên về khen ngợi khi nhận xét một ai đó, đối với những người mới quen hoặc ngay cả đồng nghiệp đôi khi họ thường giữ một khoảng cách “an toàn” nhất định. Ngược lại, đa phần mọi người tới đây đều nhận thấy rõ là người Philippines nói riêng và người châu Á nói chung khá là “socialized”. Người ta có thể chào hỏi, bắt chuyện với một người lạ rất dễ dàng. Mọi người nói chuyện với nhau, dù là lần đầu, cũng rất thân tình và có thể hỏi đủ thứ, kể cả những câu hỏi về gia đình mà người Mỹ vốn rất “cấm kị” (đối với một số người châu Âu họ cũng không quen bị hỏi như vậy).
Vì tất cả những bạn mới đến đều ở chung 2 khu nhà, rồi lại ăn cùng một chỗ nên hầu như hôm nào cũng nhìn thấy nhau, nhưng không phải ai cũng biết nhau. Thông thường những người biết nhau nếu tình cờ gặp lúc xuống cantin thì họ sẽ ngồi chung bàn, vừa ăn vừa tán dóc. Có những hôm không gặp “người quen” thì đành ngồi một mình. Đôi khi tình cờ ai đó biết một ai đó rồi giới thiệu, thế là bỗng dưng đang từ “lạ” lại trở thành “quen”. Cứ thế hầu như đám thanh niên bọn mình dần dần đứa nào cũng biết nhau hết cả.
Dù là có khác biệt văn hóa đi nữa, mình cũng không cảm thấy có rào cản gì trong các câu chuyện phiếm giữa mọi người với nhau. Thường mới biết thì hỏi “Bạn từ đâu tới?”, “Tên bạn là gì?”, “Bạn làm ở division nào, lĩnh vực nào?”, “Bạn ở đây bao lâu? Đã đi được những chỗ nào rồi?”…Hết những câu tìm hiểu “cơ bản” thì chuyển qua nói chuyện đi ăn, đi chơi, hay phàn nàn với nhau về các món ăn “khá dở” ở cantin (khổ thân, đứa nào cũng xa nhà thèm đồ ăn ở nhà mà).
Chuyện gia đình và tôn giáo – hai chủ đề khá là nhạy cảm ở Mỹ thì lại được đưa ra bàn thảo trêu chọc khá thường xuyên. Tất nhiên là bọn mình tránh không công kích nhau, mà chỉ hỏi vì tò mò. Có nhiều khi cũng rất thú vị.
Ví dụ một anh có tên là Jesus. Khi biết thế cả nhóm cười ồ vì cái tên “hoành tráng” quá. Xong hỏi có gặp vấn đề gì không. Anh ấy bảo tên này rất phổ biến ở Tây Ban Nha, còn khi tới đây lúc nói tên xong mọi người trong lab cũng ồ lên rồi có người còn chắp tay lạy (trêu thôi). Tương tự như thế một anh cũng bảo anh gặp tới mấy Mohamed ở đây cứ chẳng phải một :).
Trong nhóm mình có bạn gái tên là Maria. Thế là một hôm Jesus với Maria ngồi cùng bàn ăn, mình mới quay sang Jesus bảo “Này, cô ấy tên là Maria đấy”. Anh bạn gật gật ra vẻ biết rồi, mình nói tiếp “Thế thì bạn phải gọi cô ấy là Mẹ nhé”. Ôi thế là cả nhóm lại được một trận cười nghiêng ngả, còn anh kia quay sang “Chào mẹ”, Maria cũng rất vui vẻ “Chào con trai”.
Nhưng dù gì đi nữa thì mình thấy cũng có những chừng mực nhất định. Ví dụ tránh nói nhiều quá tranh phần người khác, hoặc là đưa ra các quan điểm quá “extreme”, gây khó chịu hoặc khó xử cho người đối diện. Ở điểm này thì có lẽ người Mỹ thực hành rất tốt. Thường thì họ khá cởi mở với các quan điểm khác nhau và hiếm khi đưa ra những nhận định có tính cực đoan.
Hòa nhập
Cuối tuần đám thanh niên không phải lên office thì thường hay rủ nhau khám phá thành phố. Có nhóm thì đi chợ, siêu thị shopping. Có nhóm thì đi leo núi. Nhóm thì đi sang thành phố khác chơi hoặc đi Manila…
Ngoài ra sau giờ làm việc thì thường các anh con trai tụ tập chơi bóng đá. Nữ thì có thể tham gia nhóm cầu lông, bóng chuyền (thậm chí cả bóng đá nếu thích)…
Việc tham gia các nhóm thể thao như vậy là một trong những cách kết bạn và làm quen những người mới rất nhanh. Bản thân mình vốn không giỏi mấy trò thể thao nên thường đứng ngoài cuộc. Thành ra nếu bạn nào thích thể dục thể thao thì đây là một lợi thế rất tốt khi bạn sống trong một cộng đồng mới như thế này.
Các bạn mới đến còn chưa biết đường đi, chưa biết cách bắt xe cộ đi lại trong thành phố là những người cảm kích nhất khi được mời tham gia một nhóm “khám phá” nào đó. Ví dụ có hôm thì mình rủ một chị đi siêu thị và dẫn vào tận trong chợ cóc uống nước dừa tươi. Chị ấy thích lắm vì bảo ở Sudan quê chị ấy không có loại quả này (mình cũng khá ngạc nhiên cứ tưởng dừa thì ở đâu chả có).
Một hôm khác thì rủ một nhóm đi tắm suối nước nóng. Cứ thấy bạn nào là mình kêu đi hết, ai đi được thì đi, càng đông càng vui mà các bạn cũng đều chưa đi lần nào nên thích lắm. Có bạn lần đầu tiên trải nghiệm đi jeepney (một kiểu xe bus tư nhân cải tiến từ xe jeep quân đội), và tricylce (xe xích lô máy) thế là được các bậc “tiền bối” nhiệt tình dạy cho cách nói “Trả tiền”, “Dừng lại”, “Cám ơn anh” bằng tiếng Tagalog.
Có hôm thì mình rủ mọi người đi ăn quán Việt Nam, vừa nhân thể giới thiệu đồ ăn Việt Nam luôn. Các bạn cũng thích thử các nhà hàng khác nhau (ăn mãi cơm cantin cũng chán mà). Được cái là ai ăn đồ Việt rồi cũng thích và khen ngon làm mình cũng thấy rất tự hào.
Cứ sau mỗi lần đi chơi cùng nhau như thế bọn mình lại có dịp hiểu thêm về nhau và làm cho cuộc sống xa nhà vui hơn nhiều, nhất là những ngày cuối tuần buồn tẻ.
Mọi người tới rồi lại đi…cũng chẳng ai chắc sẽ có dịp gặp lại lần nữa. Nhưng những kỉ niệm ăn cơm tập thể, đi chơi tập thể như thế này chắc chắn không thể nào quên. Giờ lại có facebook nữa nên mọi người giữ liên hệ với nhau càng dễ. Như một bạn người Iran khi biết mình đang bầu 7 tháng và sắp kết thúc kì thực tập ở đây, bạn ấy tiếc ngẩn ngơ vì cứ tưởng là sắp được nhìn thấy em bé. Thế là bạn ấy nghĩ ra ngay là add facebook của mình để cập nhật tình hình qua mạng.
Vậy đó…mình nghĩ thật là duyên kì ngộ khi được gặp bao nhiêu là bạn bè từ khắp nơi, được hiểu biết thêm về những con người khác nhau, mà họ cũng biết thêm về mình, về Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì có lẽ là khoảng cách địa lý không còn là rào cản trong giao tiếp nữa.
Người ta dùng từ “ngôi làng thế giới” quả cũng đúng lắm nhỉ.
—
Hoàng Khánh Hòa, PhD candidate, Agricultural and Applied Economics, University of Missouri-Columbia
Bạn Hòa viết hay quá 😀