Bài dự thi: Hành Trình Nước Mỹ
Tác giả: Nguyễn Hoàng Hương Duyên, Master of Arts in Museum Studies, New York University
—
Tôi biết chắc rằng vào khoảnh khắc đêm giáng sinh năm này, thế nào tôi cũng ngồi trầm ngâm bồng bềnh trong nỗi nhớ New York. Nỗi nhớ này nó dài hơn tôi tưởng…
Đầu tiên là tôi nhớ cổng trường NYU nơi hằng năm giáng sinh về người ta lại dựng lên một cây thông Noel rất to, tất nhiên là không bằng cây ở trung tâm Rockefeller. Không mấy người đến cổng trường NYU để xem cây thông, người ta thích cái cây hoành tráng ở Rockefeller hơn, nhưng đối với dân tình ở NYU và Greenwich Village, cây thông ở cổng trường mang lại cảm giác ấm cúng hơn rất nhiều, như thể nó ở đó nghĩa là nó là một phần không thể tách rời của cộng đồng này, như anh đánh đàn Colin Higgins với cây piano màu đen hằng ngày vẫn chơi quanh quẩn ở đài phun nước và ông Birdman người đầy phân chim bồ câu vẫn ngồi đâu đó trầm tư trên những băng ghế gỗ ở Washington Square Park.
Mùa giáng sinh đến cũng đồng nghĩa với việc các bạn Mỹ về quần tụ với gia đình. Các bạn lớp tôi chỉ chờ có mỗi việc nộp bài xong là ngay lập tức out of town. Có đứa thậm chí còn kéo cả vali đến trường, nộp bài xong là chạy ra Penn Station luôn, đứa về Albany, đứa đi Pennsylvania, đứa Boston, đứa Connecticut. Những đứa ở California, Tennessee, Georgia hay Texas thì đi thẳng ra sân bay JFK và La Guardia. Những chuyến xe buýt trước ngày Giáng sinh ấm cúng vô cùng dù tuyết có rơi. Mọi người gặp nhau dù hối hả, tay kéo tay cầm hành lí vẫn tười cười và chúc nhau “Merry Christmas!”
Rồi tôi nhớ cái nhà 1721 Cornelia nơi tôi ở năm đầu. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy bão tuyết. Ngày 26/12 tuyết bắt đầu rơi nặng và rơi liên tục trong hai ngày một đêm. Sáng ngủ dậy đã thấy tuyết phủ kín khoảng vườn phía sau và hàng xe hơi phía trước cổng. Chúng tôi thích thú điên cuồng. Tuyết ngưng rơi là ba đứa trùm khăn trùm áo mang ủng lôi máy ảnh lao ra đường. Tôi và Vân vốc tuyết lên, ném tung tóe, cười sặc sụa. Tùng mải mê chụp ảnh. Cho đến khi bàn tay cóng đỏ tê dại chúng tôi mới vào nhà. Rồi Vân đi làm bánh, tôi nấu cơm tối.
Giáng sinh cũng là thời điểm Union Square nhộn nhịp họp chợ Holiday Market. Ngày thường vào các thứ Hai, Tư, Sáu, Bảy ở đây vẫn có Farmer Market nơi các trang trại bày bán rau củ quả bánh mứt, tả phí lù các thể loại thực phẩm organic, và hoa. Đến Giáng Sinh các quầy hàng dựng lên kín khu quảng trường. Đứng nhìn xuống toàn cảnh khu chợ từ tầng ba hoặc bốn của DSW chỉ thấy có màu trắng pha sọc đỏ và xanh lá rất đặc trưng của Giáng Sinh. Lũ cây ở khuôn viên quảng trường lá rụng trơ trụi chỉ còn một màu xám lặng lẽ. Nhìn chếch lên qua những toà nhà là đỉnh Empire State Building ngạo nghễ vút cao.
Và tôi không thể không nhớ đoạn đường Astor Place từ bến tàu số 6 đi ra Broadway. Trước cửa Wallgreen đối diện với quán Starbuck đến mùa giáng sinh người ta bày bán cây thông Noel. Trước ngày giáng sinh một tuần đã thấy xe chở thông về chộn rộn, giống như ở nhà ta trước Tết hai tuần là bắt đầu chợ hoa, các xe tải chở đào chở mai chở cúc nhộn nhịp cả phố. Tôi đã một lần được thấy những cánh rừng chuyên trồng thông để bán vào giáng sinh khi Mike đưa tôi đi chơi Thanksgiving ở Winchester. Tôi chưa lần nào đi mua một cây thông trên đất Mỹ, tôi không biết một cây thông giá bao nhiêu, nhưng tôi đồ rằng đêm trước giáng sinh thế nào người ta cũng bán đại hạ giá, khác gì chợ hoa đêm 30 Tết ở ta!
Nhớ nhất, nhớ bần thần hết cả người là những đêm đi lễ nhà thờ ở Fifth Avenue. Khu vực từ trung tâm Rockefeller ra đến cửa hàng Apple ở đường 59 đến mùa giáng sinh và năm mới như là cái rốn của Manhattan. Năm đầu tiên tôi đi lễ ở nhà thờ Presbyterian và đi hoàn toàn không có chủ ý. Đang đi chơi dọc tòa nhà Trump thì bỗng nảy ra ý định vô nhà thờ xem lễ. Thế là vào. Mỗi người đi dự lễ được phát một tập chương trình và các bài hát sẽ hát trong buổi lễ. Đó là lần đầu tiên tôi được dự lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ. Tôi làm theo những gì những người đi lễ làm. Tôi hát những bài hát họ hát. Silent Night, O Come All Ye Faithful, Joy To The World, O Come Emmanuel, Hard! The Herald Angels Sing…tất cả những bài hát này tôi đã nghe từ bé, đã hát theo từ thời biết nói tiếng Anh, nhưng mãi đến khi ấy mới được hát cùng dàn đồng ca của một nhà thờ to lớn và hàng trăm người đi dự lễ. Tôi cảm nhận bầu không khí trang nghiêm và ấm áp lan toả trong toàn bộ không gian nhà thờ và trên từng nét mặt người đi lễ, xúc động nhất là khi mọi người quay sang nhau bắt tay và chúc nhau “Merry Christmas!”
Sang năm thứ hai, việc đi nhà thờ dự lễ giáng sinh là ưu tiên số một của tôi. Tôi xếp hàng hòa cùng dòng người dài dằng dặc trước cổng nhà thờ St Thomas. Trong đám đông đấy có Bill Cunningham – nhân vật tên tuổi lão làng của The New York Times. Hình ảnh ông già Bill cưỡi xe đạp đi từ uptown xuống downtown, rồi từ downtown lên uptown ngày qua ngày với chiếc máy ảnh trên vai đã trở thành một biểu tượng của New York…Tôi yêu con người giản dị trong cuộc sống và đam mê trong công việc của ông như tôi đã từng yêu nhân vật Robert Kincaid trong Những Cây Cầu Ở Quận Madison… Bill đi đi lại lại chụp hình hàng người đang xếp hàng với chủ ý hướng về những bộ trang phục kì cục, đắt tiền hay lạ mắt, chắc chắn để làm phóng sự ảnh về thời trang đêm giáng sinh. Chờ đợi mãi rồi cánh cửa nhà thờ cũng mở. Về cơ bản những phần lễ vẫn giống như năm trước. Khác nhau là ở chỗ St Thomas có kiến trúc đẹp hơn, to rộng hơn, trang trọng hơn, dàn hợp xướng hoành tráng hơn, và những người đi lễ cũng có vẻ giàu có hơn. Lễ xong tôi ra về. Một giờ sáng, đường phố đã bắt đầu vắng vẻ, điều hiếm hoi ở cái thành phố không biết ngủ này. Trong lúc đi ra bến tàu, rồi từ bến tàu về nhà, tôi chợt thấy mình mơ hồ trong sự cô đơn. Cái lúc này đây, tôi miên man nghĩ, chỉ có khách du lịch và những đứa du học sinh xa xứ như tôi là còn mải mê đi ngoài đường, đi để quên đi là mình đang một mình ở nơi xa lạ. Còn những người bản xứ nơi đây, những người New Yorker thật sự, tất cả đang quây quần cùng gia đình, trong phòng khách ấm cúng và chuyện trò rôm rả. Con người thật lạ, dù Tây hay Ta, dù đi đâu làm gì, đến cuối năm cũng phải quay về ngồi bên những người thân yêu. Ngày hôm sau tôi đi xem nhạc kịch Chicago cùng bạn. Sau đó cả bọn về nhà tôi ăn mì Quảng do tôi nấu và tán phét. Năm thứ hai này Giáng sinh không có tuyết. Chào năm mới 2012 xong tôi kéo vali đi dọc dài bờ Tây.
Lúc làm lễ ở nhà thờ St Thomas năm thứ hai ấy, tôi hỏi mình: ”Đây là Noel cuối cùng trên đất New York?” Tôi không biết khi nào mình mới có cơ hội quay lại. Nếu được quay lại, chắc gì đã rơi vào một đêm giáng sinh để tôi chen chân cùng dòng người tấp nập trên Fifth Avenue, kiên nhẫn xếp hàng trước cửa nhà thờ; chắc gì tôi có thời gian mà ngồi trầm ngâm ở Washington Square Park nhìn cây thông nhấp nháy và nghe anh Colin Higgins chơi đàn, chắc gì tôi về thăm lại ngôi nhà cũ tôi đã ở với nhiều kỉ niệm buồn vui. Có những thứ chỉ xảy ra một lần duy nhất để rồi người ta cứ nhớ và luyến tiếc mãi…