Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Đoàn Thị Minh Phượng, Thạc sĩ, Đại học Indiana University.
—
Trải qua 3 lần thất bại trong việc lấy visa vào Mỹ thời trung học khiến tôi bị ám ảnh về nước Mỹ, về sự lạnh lùng của những nhân viên đại sứ quán khi họ nhất quyết không cấp visa cho tôi sang Mỹ học vào chính cái năm 2001 đen tối đó. Chính vì nỗi ám ảnh về việc lấy visa xen lẫn sự tò mò về nước Mỹ khiến tôi luôn ấp ủ và nung nấu một kế hoạch Mỹ tiến để tìm hiểu “nước Mỹ là cái quái quỷ gì mà họ có quyền từ chối visa đi học chính đáng của tôi, suy nghĩ này làm tôi vừa ghét nước Mỹ vừa tiếp cho tôi quyết tâm chinh phục đất nước kiêu kỳ này, và cũng làm tôi tin rằng “tôi vẫn còn rất nhiều duyên và nợ với đất nước này”.
8 năm sau kể từ lần đầu bị từ chối visa vào Mỹ, lại một lần nữa tôi được trao vào tay “Cơ hội đến Mỹ”. Nhưng lại một lần nữa, Đại sứ quán Mỹ từ chối visa của tôi, mặc dù lúc đó tôi sang Mỹ theo diện visa công tác. Trong số những người vào phỏng vấn của đoàn, chỉ riêng tôi, mặc dù chuẩn bị hồ sự đầy đủ nhất, là một trong những người đến lấy số phỏng vấn sớm nhất nhưng lại bị xếp phỏng vấn cuối cùng, và ấm ức hơn là nhân viên lãnh sự không thèm nhìn hồ sơ của tôi, cũng chẳng nói gì mà thẳng thừng từ chối luôn. Cái cảm giác khó chịu không lấy được visa lại ào tới nhưng lần này tôi đã đủ lớn để hiểu rằng và tin rằng: “Nước Mỹ chỉ làm khó mày lần này nữa thôi, nếu mày chịu thua thì họ sẽ hả hê lắm, mày phải cố lên.” Tôi đã thay đổi hồ sơ xin visa với sự can thiệp trực tiếp từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, và cuối cùng hôm đó, tôi vẫn là người người phỏng vấn cuối cùng NHƯNG chỉ khác, một tuần sau tôi và cả đoàn doanh nghiệp bay sang Mỹ. Bố tôi gọi tôi là “Người hùng lấy visa”, còn mẹ tôi mừng hơn cả lúc tôi đỗ đại học vì bà sợ những ám ảnh trượt visa vớ vẩn kia có thể làm tôi nản chí và sẽ giống như rất nhiều người trong hoàn cảnh đó bỏ đi “Giấc mơ Mỹ” và những cơ hội ở đất nước này. Riêng tôi, tôi có niềm tin rằng: “Nước Mỹ và tôi luôn cần lẫn nhau, nước Mỹ vẫn chờ tôi và đây là thời điểm tôi bắt đầu những cơ duyên còn dang dở với đất nước này”.
Những phút đầu tiên bước xuống sân bay San Francisco để bắt đầu Hành trình nước Mỹ khiến tôi cảm nhận Mỹ to lớn nhưng không đẹp như suy nghĩ ban đầu. Ngay khi máy bay hạ cánh và vào trong sân bay làm thủ tục xuất nhập cảnh, tôi cảm nhận được “tính thực dụng” rất rõ của đất nước này: từ cách thiết kế sân bay hình khối màu xám đơn giản và có phần cục mịch đến cách nhân viên phục vụ bay chỉ dẫn và đón đưa đoàn tôi về khách sạn. Một chiếc xe đỗ xịch ngay lối ra vào, người đón đoàn ở sân bay là một anh Việt kiều Mỹ và một người lái xe nhanh chóng khuân đồ cho hơn 50 người lên xe và hướng dẫn tất cả khách lên xe, quá trình này chỉ diễn ra trong nháy mắt. Bác lái xe to béo luôn nhìn vào đồng hồ để đảm bảo xe đưa đoàn đến khách sạn đúng giờ và đúng 11 giờ 10 phút đêm, chúng tôi có mặt tại khách sạn tại trung tâm thành phố, chính xác đến từng giây trong lịch trình. Trên đường về khách sạn, chiếc xe đồ sộ men theo con đường rực rỡ ánh đèn nê-ông, các biển quảng cáo thương mại với những slogan cá tính. Nhìn ra ngoài xe, tôi thấy sự hối hả của những chiếc ô tô đủ loại phần lớn là của Ford, GM và Toyota đang đi với tốc độ nhanh nhưng rất ngay ngắn tiến vào trung tâm thành phố San Francisco. Tôi lặng lẽ quan sát nước Mỹ và gần như bị ngợp vào khung cảnh năng động và náo nhiệt của thành phố này- một thành phố được coi là thiên đường sống của người Mỹ và cảm thấy cái “chất Mỹ” dần được hiện ra nhanh, trực diện, sắc nét như chính những gì tôi đọc qua sách báo và qua những câu chuyện mà những người đã sang Mỹ kể lại.
Ngay đêm hôm đó, có một vài người trong đoàn, gồm cả tôi, đã ra ngoài ăn đêm vì đói, phần khác vì thấy hứng khởi và không kém phần tò mò về những hoạt động về đêm của thành phố Sans Francisco, dù trong lòng ai cũng nơm nớp một nỗi lo về an ninh ở đây. Thành phố San Francisco đẹp nhưng không tĩnh về đêm. Nếu giờ này ở Việt Nam hàng quán đã đóng cửa thì ở San Francisco những cửa hàng ăn nhanh, những quán bar mới bắt đầu hoạt động mạnh, không khí sôi động không kém những gì tôi chứng kiến trong suốt chặng đường từ sân bay về đây. Ngay khi chúng tôi bước vào một cửa hàng ăn nhanh, một thanh niên trẻ nhanh nhẹn và mỉm cười rất tươi chào chúng tôi và đưa cho mỗi người một cốc nước to kèm đá trước khi chọn thực đơn. Tôi chọn một xuất combo gồm nước, thịt bò, và khoai tây, kèm salad; tôi thấy cửa hàng đông và tấp nập người ra vào. Họ gọi mang đi hoặc ăn tại đó. Họ ăn ngon lành với một cái bánh hamburger rất to (đủ cho 2 người Việt), hay gọi suất combo giống tôi và người nào ăn cũng rất nhanh và vội vã đi về. Dáng vẻ những người phục vụ trong quán cũng rất vội vã. Ngay khi chúng tôi thanh toán tiền và đứng lên, người phục vụ nhanh chóng thu dọn tất cả chén cốc và bê đi chỉ vẻn vẹn trong 60 giây. Anh Việt kiều hướng dẫn đoàn nói với tôi, ở đây một nhà hàng với sức chứa hoảng 100 chỗ chỉ cần 3 người phục vụ như vậy từ sáng đến tối. Tôi ngạc nhiên và quay lại đưa $5 cho anh bạn phục vụ vì sự hài lòng với thái độ và cung cách phục vụ của anh ta và cũng là cách tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi đối với những con người có tinh thần lao động cao và rất hiệu quả ở đất nước này. Dọc đường về khách sạn, chúng tôi đi sát vào nhau cho an toàn; nhưng cái cảm giác sợ tan đi dần khi xung quanh chúng tôi là những con người đủ mọi màu da và sắc tộc đang thân thiện vẫy tay chào và hỏi thăm chúng tôi khi biết chúng tôi là khách du lịch, và chẳng may lỡ ai bị va chạm nhẹ với dân bản xứ khi đi qua đường thì họ cũng quay lại xin lỗi chúng tôi rối rít. Người Mỹ là thế ư? Nếu vậy, họ đã bắt đầu tạo cho tôi ấn tượng rất tốt từ ngày đầu tiên đến đây.
Những buổi làm việc liên tiếp với các đoàn doanh nghiệp Mỹ tại toà thị chính thành phố Sans Francisco, và thăm quan một số điểm du lịch ở đây tiếp tục tạo cho tôi những ấn tượng mới về đất nước và con người nơi đây. Tôi nhận thấy người Mỹ rất biết cách làm việc cũng như hưởng thụ cuộc sống. Khi các đối tác Mỹ đến làm việc, chúng tôi chia bàn để trao đổi với nhau theo mối quan tâm riêng của từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp Mỹ ngay sau khi đưa danh thiếp đã đưa ra những thông tin về công ty và hỏi xem đối tác phía Việt Nam đang quan tâm đến những việc gì để nói chuyện chuyên sâu hơn về chủ đề đó. Họ làm việc quên thời gian, có khi xuyên trưa mà không ăn gì hoặc chỉ nuốt vội mẩu bánh mỳ và một quả táo để nhanh chóng tiếp cận và đàm phàn với càng nhiều đối tác phía Việt Nam. Trong quá trình làm việc, đối tác Mỹ có vẻ rất giỏi quan sát và nắm bắt thái độ của phía Việt Nam, và dường như rào cản về ngôn ngữ không cản trợ việc họ giải thích các thông tin bằng nhiều cách: từ nét mặt cho đến việc sử dụng các ngôn ngữ cơ thể (tay, ánh mắt). Họ cũng tỏ ra rất chu đáo, kiên nhẫn và linh hoạt trong giao tiếp và cách thức làm việc để đáp ứng các yêu cầu của đối tác. Có người cử thư ký về ngay công ty để lấy những tài liệu liên quan chỉ để giới thiệu với đối tác về một số thông tin ngoài lề của công ty hay thậm chí, mang theo cả phiên dịch phía họ để có thể giải thích ý tưởng cho đối tác một cách nhanh và hiệu quả nhất, với mục đích chung- tạo thiện cảm với đối tác, và đạt được những cam kết hợp tác suôn sẻ bước đầu. Phong cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, chuyên nghiệp với hiệu suất làm việc cực cao của doanh nhân và nhân viên người Mỹ khiến nhiều giám đốc người Việt Nam trong đoàn phải ồ lên ngạc nhiên và cảm phục. Chúng tôi đùa vui rằng người Mỹ làm việc như trâu vậy!
Ấy vậy, được mời tới bữa tiệc cocktail nhỏ do chính những đối tác tổ chức thì không khí hoàn toàn khác, chúng tôi lại có được những ấn tượng mới về những người bạn Mỹ. Những đối tác luôn đóng bộ trong những trang phục văn phòng ban sáng lại thoải mái diện áo phông và quần đùi đi tới buổi tiệc. Họ uống, nhảy, kéo chúng tôi vào những trò chơi nhóm và pha trò làm cho không khí bữa tiệc náo nhiệt và thoải mái vô cùng. Họ gần như làm chủ hoàn toàn bữa tiệc. Đến tận đêm, khi các doanh nhân Mỹ vẫn rất hào hứng và càng đùa “hăng” hơn thì cũng là lúc chúng tôi xin phép rút lui về khách sạn sớm vì quá mệt. Tôi có hỏi một anh bạn Mỹ: “thường những bữa tiệc kết thúc vào lúc mấy giờ”; anh bạn cho biết “đến 2, 3 giờ sáng là bình thường” và họ bắt đầu ngày mới vào lúc 7 giờ sáng để tập thể dục và bắt đầu ngày làm việc trung bình kéo dài đến 9, 10 giờ đêm là chuyện bình thường. Hoá ra người Mỹ chơi cũng rất trâu nữa đấy chứ!
Hành trình với nước Mỹ đầu tiên của tôi kéo dài trong 2 tuần, từ bờ Tây sang bờ Đông rồi sang phía Nam; nhưng dù ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước này tôi cũng nhận thấy một thái độ và phong cách làm việc cởi mở nhưng chuyên nghiệp và hiệu quả. Sau này tôi sang Mỹ học, tôi có dịp kiểm chứng tiếp những giá trị này, và nhận ra rằng để tìm đến thành công, người Mỹ đã tự rèn cho mình một phong cách làm việc chăm chỉ, hăng say và không ngừng vươn lên, vươn xa hơn. Và những giá trị này đã trở thành một trong những giá trị quan trọng mà người Mỹ dù ở bất cứ đâu coi trọng và hướng tới. Những giá trị này đã tạo nên thành công của nước Mỹ, và từ đó những giấc mơ Mỹ tiếp tục được vun đắp và thực hiện.
Và những giá trị này đã làm thay đổi nhận thức của một vị khách như tôi khi đến Mỹ làm việc, học tập, và sinh sống. Sau hành trình nước Mỹ lần đầu này, tôi có thêm động lực nộp hồ sơ thành công và đi học thạc sĩ tại Mỹ. Tôi thầm nghĩ chỉ cần có ước mơ, niềm tin, và nỗ lực, tôi tin tôi có thể tiếp tục chinh phục bất cứ chặng đường nào trong cuộc Hành trình nước Mỹ, và mở ra nhiều cơ hội mới với đất nước này.
Cơ duyên với Mỹ ngày đó, đối với riêng tôi, đã biến thành những cơ hội cho hôm nay và tương lai.