“Du học sinh Mỹ” là cái danh hiệu mà ngày bé, cho dù có nằm mơ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Ngày đó nước Mỹ là một nơi xa xôi mà tôi chỉ nhìn thấy trên Tivi thôi. Đến tận những năm học cấp 3, tôi thấy nước Mỹ gần hơn trong đôi mắt vui sướng của cậu bạn cùng lớp chuẩn bị đi du học và rõ hơn trong những câu chuyện của các anh chị du học sinh đã và đang rất thành công. Bỗng, tôi ước ao mình có cơ hội đặt chân đến nơi ấy, được mọi người gọi là “du học sinh Mỹ” và thỉnh thoảng có thể than thở vu vơ về nỗi nhớ quê hương.
Vậy là tôi đi du học. Chưa hề có một sự chuẩn bị kĩ lưỡng về kĩ năng giao tiếp Tiếng Anh, không rõ sau này mình muốn học ngành gì ở trường nào, và cũng chẳng bận tâm về khả năng tài chính của gia đình. Tôi đi Mỹ, mang theo không gì khác ngoài niềm hăm hở khám phá chân trời mới.
Tháng Tám năm 2009, Sài Gòn tiễn tôi lần đầu tiên xa nhà bằng một cơn mưa tầm tã. Chặng đường bay từ Sài Gòn đến bang Arkansas ngày ấy, tôi không lúc nào ngừng khóc. Bao nhiêu cảm giác sợ hãi, lo lắng ùa về cùng một lúc. Tôi khóc rồi ngủ, khi tỉnh dậy thì lại khóc. Lúc đó tôi đã ước rằng khi tôi mở mắt ra thì chuyến bay của tôi sẽ là chuyến bay về lại Sài Gòn. Mới xa nhà chưa đầy một ngày mà tôi đã thấy nhớ quá đỗi! Tôi hối hận thật rồi, tôi không muốn đi du học nữa!!!
Những ngày đầu ở với gia đình bản xứ thật khó khăn. Họ nói Tiếng Anh với chất giọng vùng quê miền Nam đặc sệt khiến tôi cứ ù ù cạc cạc. Ở Việt Nam tôi học Tiếng Anh cũng không quá tệ, vậy mà sang đây, họ nói tôi không hiểu nhiều, và tôi nói họ cũng chẳng hiểu là bao. Ngay cả việc mua đồ ăn nhanh ở McDonald’s mà tôi cũng phải lặp lại bốn, năm lần nhân viên mới hiểu tôi muốn ăn gì. Những ngày đó trôi qua cứ như ác mộng. Ra đường không dám hỏi, đến trường không dám kết bạn, vào lớp không dám phát biểu, ở nhà với host thì cũng không dám nói nhiều. Mọi người nói rằng tôi trầm tính quá; nhưng họ không biết tôi ít nói là vì tôi sợ và xấu hổ về cách phát âm của mình. Ngoài cú sốc về ngôn ngữ, tôi còn va chạm thêm nhiều cú sốc điển hình nữa là thức ăn, cách sống của người Mỹ, cuộc sống vùng nông thôn hẻo lánh, và phương thức học tập ở trường. Thời gian dần trôi qua, mỗi ngày, nỗi sợ của tôi dần ít đi nhường chỗ cho sự tuyệt vời của những trải nghiệm mới mẻ. Tôi thân thiết và cởi mở với host, kể cho họ nghe về văn hóa Việt Nam, và họ cũng dạy tôi rất nhiều về văn hóa của họ. Tôi đi nhà thờ, chơi Halloween, đi prom, cưỡi ngựa, ngồi xe rơm đi vòng quanh rừng vào buổi tối đầy sao, và còn nhiều nhiều nữa những việc mà lần đầu tiên tôi làm. Chín tháng trôi qua nhanh đến không tưởng. Ngày tôi trở nên yêu vùng quê ấy thì cũng là ngày tôi phải về. Nước Mỹ lần đầu trong tôi lạ lẫm nhưng cũng thật thú vị.
Hết mùa hè, tôi quay lại Mỹ học đại học. Nước Mỹ không còn là một chân trời lạ lẫm, mà thay vào đó, nước Mỹ là một chân trời của những ưu tư. Tôi chọn học hai năm tại một trường cao đẳng cộng đồng và ở nhờ nhà người thân ở Maine. Lý do chính là để tiết kiệm chi phí. Khoảng thời gian đó, tôi đã được mở rộng tầm mắt quan sát nước Mỹ ở một góc độ khác. Cuộc sống của người Việt định cư không hào nhoáng như cái tên “Việt kiều” của họ. Cuộc sống đó có hiện đại nhưng cũng có hỗn loạn và phức tạp và đầy lo toan muộn phiền như ở Việt Nam vậy. Tôi sống giữa một thế giới nhỏ của người Việt, có phở cho ngày đông lạnh lẽo và bún riêu cho một chiều mưa rả rích, hội Tết với múa lân bánh tét, và những ngày họp mặt gia đình đông vui. Sự cô đơn và nỗi nhớ nhà phần nào được khỏa lấp. Nhưng bên cạnh đó, tôi cảm giác có một áp lực vô hình đang tồn tại. Người Việt ở đây đa phần có ít nhiều ác cảm khi nhìn nhận về Việt Nam. Những ác cảm đó không biết vô tình hay hữu ý mà biến thành những câu gợi ý tôi nên ở lại Mỹ để có cuộc sống tốt hơn. “Việc học ở Mỹ đã tốn quá nhiều tiền rồi, về Việt Nam đến khi nào mới trả lại được cho ba mẹ. Vả lại, đã sang Mỹ rồi, ai lại quay về Việt Nam ở!” Đó là những gì tôi thường nghe được từ những người Việt xung quanh tôi. Tôi biết những gì họ nói không hẳn là sai, nhưng đó không là những gì tôi muốn. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ quay về, vì đơn giản, đó là nhà của mình. Tôi càng cố giữ mình kiên định bao nhiêu, thì càng cảm thấy áp lực bủa vây nặng nề bấy nhiêu. Đôi khi tôi mơ cao, mơ xa để rồi giật mình tỉnh giấc trong cuộc sống dung dị bình thường nhưng hạnh phúc vui vẻ của mọi người. Tôi băn khoăn tự hỏi mình, đâu là cuộc sống mà mình mong muốn?!
Sau hai năm cao đẳng, tôi chuyển xuống trường đại học ở Boston. Nước Mỹ không còn là chân trời của lạ lẫm hay ưu tư, mà nước Mỹ là chân trời để tôi khám phá chính mình. Quanh tôi có rất nhiều các anh chị và các bạn du học sinh Việt Nam. Ngày xưa tôi đã nghĩ rằng du học sinh thì ai cũng giống nhau. Nhưng khi đến Boston, tôi biết tôi đã lầm. Mỗi du học sinh đều mang cho mình một chí hướng riêng, một hoàn cảnh riêng. Nghe được chuyện của các anh chị đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường danh giá bằng học bổng, tôi trầm trồ và nể phục. Quen với các bạn đi học với ít áp lực về tài chính hơn, tôi thầm ganh tị. Gặp những bạn phải đi làm toàn thời gian để trang trải tiền học phí, tôi thấy mình may mắn. Biết có những bạn du học sinh sang đây với việc học chỉ là mục đích thứ hai, tôi nhíu mày nghĩ ngợi. Xoay vòng trong thế giới đa dạng của du học sinh, tôi hỏi mình thuộc vào nhóm nào?! Tôi ngộp thở với nỗi lo cho tương lai. Tốt nghiệp xong tôi làm gì? Tôi có đủ sức cạnh tranh để có việc OPT không? Về nước thì có công việc tốt không? Muốn học nữa nhưng có đủ khả năng không? Gia đình đặt nhiều niềm tin và tự hào vào tôi, tôi phải làm sao để không phụ lòng? Hàng tá câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi mỗi ngày. Càng hỏi tôi càng tìm ra được nhiều góc nhỏ trong ước mơ của mình. Nhìn mọi người xung quanh, tôi lại hiểu ngày một rõ hơn mình muốn gì. Du học sinh chúng tôi như những con thuyền đang căng buồm từ cảng Việt Nam ra khơi. Nước Mỹ là một bến cảng chúng tôi cập vào, nhưng không có nghĩa là bến cảng chúng tôi sẽ neo đậu mãi mãi. Mỗi thuyền trưởng đều có tầm nhìn và cách đi khác nhau. Lái tàu của mình, tôi không nên nhìn sang hành trình của những con tàu khác để tự làm mình chao đảo. Chỉ cần tôi lái tàu bằng hi vọng, nỗ lực và với năng lượng thu thập được từ cảng Mỹ, thì hành trình của tôi sẽ rạng ngời ánh dương!
Bốn năm đã trôi qua, từ một cô bé 17 tuổi đến với nước Mỹ bằng sự ngỡ ngàng, tôi đã trở thành một cô sinh viên 21 tuổi đi học ở Mỹ với tất cả niềm hăng say và hi vọng. Nước Mỹ từ mờ ảo trở nên hiện hữu; từ một nơi xa lạ đã trở thành nơi để tôi khám phá chính mình. Hành trình nước Mỹ là một trong những hành trình quan trọng nhất trong cuộc đời tôi – hành trình để tôi trưởng thành.