“Bán mình” là một quá trình công phu và cần phải có nghệ thuật với nhiều kỹ năng. Do vậy, các bạn trẻ cần quan tâm và dành nhiều thời gian cho việc này để “khách hàng” biết rằng bạn là “hàng Việt Nam chất lượng cao” chứ không phải những thứ xoàng xĩnh.
Nguồn: Can Stock Photo
Tôi xin kể câu chuyện về kế hoạch nộp hồ sơ du học của một cậu bé đang học rất khá ở một trong những đại học danh tiếng nhất Việt Nam với điểm tiếng anh dùng để đi du học (TOEFL và IELTS) rất cao. Có lẽ đây không phải là trường hợp cá biệt và tôi cũng đã nghĩ rất nhiều về vấn đề này nên viết ra để cùng chia sẻ với những người cùng quan tâm.
Với nền tảng hiện có, nếu có một quá trình chuẩn bị tốt thì khả năng cậu bé được nhận vào các đại học danh tiếng trên thế giới và được đài thọ phần lớn (thậm chí là toàn bộ) kinh phí ăn học là rất cao.
Biết tôi đã du học nên bố cậu bé nhờ tôi tư vấn. Cậu bé chủ động liên lạc với tôi qua email. Chủ động và tự tin trong giao tiếp là một trong những ưu điểm rất lớn của thế hệ trẻ ngày nay.
Tuy nhiên, có vẻ như cậu bé này chưa coi trọng đúng mức việc chuẩn bị cho tương lai của mình. Cậu bé gửi cho tôi một bài luận (essay) về bản thân và các dự định tương lai rất sơ sài.
Khi nhận được bản thảo, tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên của cậu bé. Tôi đã hẹn Skype để trao đổi với dự định là sẽ tư vấn để cậu bé có thể viết được những bài luận thuyết phục hơn và có các bước chuẩn bị hồ sơ bài bản hơn.
Tuy nhiên, khi nói chuyện thì tôi biết rằng cậu bé đã nộp hồ sơ vào một số trường ít được biết đến và đang chờ kết quả. Không biết kết quả của những nơi mà cậu bé đã nộp hồ sơ sẽ như thế nào, nhưng với bài luận mà cậu ấy gửi cho tôi, ở những trường có chất lượng, tôi e rất khó.
Cảm giác của tôi (có thể sai) là cậu bé đang rất tự tin và hy vọng sẽ được nhận vào những nơi đã nộp hồ sơ. Khi tôi nói cần có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng với rất nhiều thứ phải lo để có thể vào được trường tốt thì cậu ấy dường như không chú ý lắm.
Cách mà cậu này nghĩ giống khá nhiều người mà tôi đã gặp. Khả năng thì có, ước muốn thì cao nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị biến ước mơ thành hiện thực thì lại rất đại khái.
Trên thực tế, người khác thường không có đủ thông tin về mình nên chuẩn bị kỹ chưa chắc đã ăn ai. Do vậy, chuẩn bị hồ sơ xin việc hay đi học là một quá trình vô cùng quan trọng và gian khổ.
Nhìn quá trình chuẩn bị hồ sơ của hầu hết các bạn được nhận vào những trường rất tốt hay quá trình xin việc của sinh viên ở các trường quản trị kinh doanh hàng đầu thế giới sẽ thấy rất rõ điều này.
Đối với hệ thạc sỹ hai năm (MBA), ở năm học thứ hai, công việc quan trọng và chiếm nhiều thời gian nhất của sinh viên là xin việc chứ không phải là việc học. Họ đã bắt đầu các công đoạn ngay khi bước vào năm thứ hai để đảm bảo khi ra trường là có việc làm.
Đối với thực tế ở Việt Nam, các nhà tuyển dụng chỉ xem xét khi có bằng tạm thì các bạn sinh viên cũng nên bắt đầu tìm hiểu các thông tin trước khi thi tốt nghiệp. Đến khi đã thi tốt nghiệp hay bảo vệ luận văn/luận án xong thì nên bắt tay ngay vào quá trình xin việc cụ thể ngay.
Thực ra, xin việc là một trong những giai đoạn quan trọng nhất để trau dồi và phát triển các kỹ năng mềm. Kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, quản trị, hùng biện … phải được vận dụng tối đa để thuyết phục “khách hàng” rằng nhận mình là đáng giá hơn những người cùng cạnh tranh.
Tôi biết nhiều người có được công việc rất tốt với mức lương hẫu hĩnh là nhờ quá trình xin việc công phu, trong khi một số người học giỏi ở những trường rất tốt hay được học bổng danh tiếng cứ mãi long đong và nhảy việc liên tục do không chuẩn bị kỹ ngay từ ban đầu.
Ngay bản thân tôi, không có gì nổi trội so với bạn bè, nhưng nhờ kiên trì và chuẩn bị công phu nên đã được nhận vào một trường rất tốt và khi ra trường có được một công việc ưng ý.
Điều này đang xảy ra ở Việt Nam chứ không phải một nơi nào đó.
Tôi tin rằng, trừ những tiêu cực ở một số cơ quan công quyền, hay một số doanh nghiệp kinh doanh dựa trên quan hệ, đối với các doanh nghiệp hay tổ chức khác mục tiêu của họ là chọn người giỏi, có khả năng trong những lựa chọn khả dĩ.
“Bán mình” là một quá trình công phu và cần phải có nghệ thuật với nhiều kỹ năng. Do vậy, các bạn trẻ cần quan tâm và dành nhiều thời gian cho việc này để “khách hàng” biết rằng bạn là hàng Việt Nam chất lượng cao chứ không phải những thứ xoàng xĩnh.
Cũng có thể, do cách thức tuyển sinh và đánh giá ở hệ thống giáo dục nước ta chỉ dựa vào điểm số làm nhiều người nghĩ rằng kết quả học tập là đủ. Nếu đúng vậy, thì đây là điều đầu tiên cần cải cách trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Bình Minh