Một tòa án Tây Ban Nha ngày 19.11 đã tuyên lệnh bắt giữ đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (ảnh trên, bên phải) và cựu Thủ tướng Lí Bằng vì những chính sách về Tây Tạng.
Cơ sở nào để tòa án Tây Ban Nha đòi bắt ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân?
Hai nhóm tự cho là ủng hộ Tây Tạng và một nhà sư có quốc tịch Tây Ban Nha đã khởi kiện các vị cựu nguyên thủ trên ra tòa án Tây Ban Nha từ năm 2006.
Ông Giang Trạch Dân và ông Lí Bằng cùng ba quan chức cấp cao khác đã điều hành Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990, bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Himalaya.
Trung Quốc kiểm soát khu vực Tây Tạng từ thập niên 1950. Chính quyền nước này luôn khẳng định đã “giải phóng hòa bình” khu vực vùng núi hẻo lánh này, khi đó còn đang trong tình trạng đói nghèo và kinh tế trì trệ
Với quyết định của tòa án Tây Ban Nha, hai vị cựu lãnh đạo và cựu quan chức Trung Quốc có thể bị bắt giữ khi họ đi tới Tây Ban Nha hay bất kỳ quốc gia nào công nhận lệnh bắt giữ của Tây Ban Nha.
Hồi tháng trước, cũng chính tòa án này đã kết án cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào vì những chính sách bị cáo buộc là diệt chủng ở Tây Tạng. Khi đó chính phủ Trung Quốc đã phản đối hành động của tòa án Tây Ban Nha và chỉ trích điều này can thiệp vào vấn đề nội bộ Trung Quốc.
Đối với lệnh bắt giữ mới nhất, phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.
Dù chắc chắn rằng các cựu lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể bị bắt hoặc xét xử ở Tây Ban Nha, nhưng sự việc gợi nhớ vụ nhà độc tài Chile, Augusto Pinochet, bị bắt tại London vào năm 1998 sau khi tòa án ở Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ ông.
Cơ sở nào để tòa án Tây Ban Nha đòi bắt ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân?
Tòa án quốc gia Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lí Bằng, trước đó là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, dựa trên cơ sở áp dụng quyền tài phán phổ quát đối với các tội như vi phạm nhân quyền.
Quyết định của tòa án Tây Ban Nha bắt nguồn từ vụ kiện năm 2008.
Các nhà hoạt động Tây Tạng, mà một trong số họ là nhà sư Thubten Wangchen, yêu cầu đề nghị tòa án xét xử các lãnh đạo Trung Quốc như cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lí Bằng vì các “tội ác” mà nhà sư này cho rằng họ đã gây ra tại Tây Tạng.
Trong thông báo, tòa án Tây Ban Nha khẳng định đã có đủ bằng chứng hiệu quả để tiến hành thẩm vấn các cựu lãnh đạo Trung Quốc này.
Chính phủ Trung Quốc bác bỏ vụ xét xử của tòa án Tây Ban Nha.
Các tòa án Tây Ban Nha có thể xét xử những vụ án tội ác chống lại loài người này cả khi chuyện xảy ra bên ngoài lãnh thổ nước này, dựa trên cơ sở áp dụng quyền tài phán phổ quát. Đây cũng là động lực và là hi vọng của bên nguyên đơn khi trình vụ việc lên tòa án.
Quyết định của tòa án Tây Ban Nha có nghĩa là ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào và những quan chức liên quan sẽ bị bắt giữ nếu họ đi đến Tây Ban Nha hoặc bất kì nước nào có hiệp ước dẫn độ với Tây Ban Nha.
Việc các tòa án Tây Ban Nha thường xuyên theo đuổi những vụ án nhân quyền quốc tế khiến họ được các nhà hoạt động hoan nghênh nhiệt liệt.
Báo Wall Street Journal cho biết thẩm phán Baltasar Garzon trở nên nổi tiếng vào năm 1988 sau khi ông ra lệnh bắt giữ nhà độc tài Chile Augusto Pinochet. Các tòa án Tây Ban Nha còn tham dự vào những vụ án nhân quyền ở Rwanda và Iraq…
Tuy nhiên, tòa án Tây Ban Nha phải đối mặt với cơn giận dữ không chỉ từ các chính phủ nước ngoài mà thậm chí là chính quyền trong nước.
Năm 2009, do bức xúc vì những căng thẳng ngoại giao mà các quan tòa nước này gây ra nên chính phủ Tây Ban Nha ban hành giới hạn phạm vi áp dụng quyền tài phán phổ quyết. Theo đó họ chỉ được xét xử những vụ án ở nước ngoài nếu chắc chắn rằng có công dân Tây Ban Nha bị ảnh hưởng.
Quy định này là một trong những điều kiện cần để tòa án Tây Ban Nha thụ lí hồ sơ Tây Tạng, do một nguyên đơn là nhà sư Tây Tạng Wangchen Sherpa đã sở hữu quốc tịch Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, một điều được các nhà chuyên gia pháp lí đồng tình nhận định rằng: các cựu lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ bị bắt giữ hoặc xét xử tại Tây Ban Nha. Đã biết như vậy, vì sao nguyên đơn vẫn quyết tâm khởi kiện nhờ tòa án xét xử?
Phó giáo sư Nina Jorgensen (Trường Luật tại Đại học Hong Kong) trả lời báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng: “Vụ việc khiến dư luận chú ý về vấn đề này, qua đó trao cho bên nguyên đơn cơ hội thu hút sự quan tâm đến vấn đề của họ”.
Thiết lập tiền lệ?
Vấn đề Tây Tạng là một vấn đề nhạy cảm đối với nhà nước Trung Quốc, và từ đó đến nay các nước châu Âu – đặc biệt là những nước đang ngập nợ nần – tránh đề cập đến vấn đề này. Tờ The Diplomat lí giải nguyên nhân do Bắc Kinh thường mạnh tay đối với những quốc gia có ý kiến chống đối.
Chẳng hạn, vụ Na Uy kiên quyết trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhà bất đồng Lưu Hiểu Ba vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ Trung Quốc mãi cho đến nay. Nhiều cuộc họp cấp cao giữa Trung Quốc với các nước thành viên Liên minh châu Âu bị trục trặc, thỏa thuận bị ngưng trệ, do lãnh đạo các nước này gặp gỡ với Đạt Lai Lạt Ma.
Trong khi vẫn chưa rõ những phản ứng ngoại giao sắp tới sẽ là gì, thì các nhà đầu tư đang lo ngại sự kích động sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Tây Ban Nha, đặc biệt khi họ đang muốn tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Theo Minh Anh/ Báo điện tử Mộ thế giới