Đôi khi mình muốn giải thích với từng người, lí do nước Mỹ đặt tên môn thể thao đặc trưng của nó là football, vì trái banh bầu dục dài đúng 1 foot.
Còn bạn nào bảo không dùng chân sao lại có “foot”, thì xin thưa là football có dùng chân, và có những trường hợp những bạn special team phải sút quả banh từ khoảng cách 100 yard vào goal. Chuyện cái tên không có gì to tát, nước Mỹ “hâm dở” này còn xài được hệ thống đo lường Imperial, bị chửi mãi nhưng anh vẫn dùng thôi.
Quay lại chuyện football. Có lẽ dạo này được dạy dỗ về thể thao một chút xíu xiu nên mình lại hay nghĩ đến football. Mình vốn là đứa vô cùng ghét thể thao, kiểu ngồi xem trận nào, môn gì cũng ngáp lên ngáp xuống. “Ơ! Có 1 trái banh mà 22 ông tranh nhau qua lại thế?” “Làm gì mà cứ tung bóng lên rồi chụp bóng lại vậy?” “Không bao giờ hiểu được luật bóng chày, trời ơi là trời!”…
Định mệnh dẫn lối đến một đêm đi ăn gà ở Buffallo Wild Wings đúng lúc có trận football. Kể ra thì cũng không biết đội nào chơi với nhau, cũng chẳng biết luật gì cả. Nhưng cứ mỗi lần các bác la lên thì mình cũng la, các chú cụng ly thì mình cũng uống. Nhìn các anh sáu múi xông vào vật nhau thì rất… vui mắt.
Nhưng mình tức vì không hiểu luật. Hầu như môn thể thao nào chỉ cần xem 10 phút đầu là biết đại khái những luật cơ bản của nó, vậy mà xem football hết cả trận mình vẫn chẳng hiểu gì. Về nhà google một lúc, đọc luật football xong là chóng cả mặt. Nhưng mà vui. Tự dưng mình thích sự lằng nhằng rắc rối của nó. Cũng giống như bóng chày, nước Mỹ nhiễu sự ưa làm mấy chuyện ruồi bu, thứ gì cũng muốn hầm bà làng cả lên.
Luật cơ bản của football là làm sao từ sân mình, đưa được trái banh về cuối sân đối phương để ăn được 6 điểm.
Sân football dài 100 yards, chia thành 20 khoảng, mỗi khoảng 5 yards. Trận đấu diễn ra trong 4 quarters, nhưng mỗi quarter có cả chục lần play. Đầu tiên, trọng tài sẽ tung đồng xu để chọn đội ưu tiên. Đội nào thắng trong vụ đoán xu sẽ được quyền chọn là đội công hay đội thủ. Đội thủ sẽ sút quả banh từ vạch 20 yard bên mình sang phần sân đối phương. Đội công – lúc đó đang dàn hàng ở vạch 20 yard của họ – sẽ phải chụp quả banh đó, rồi tìm cách chạy về vạch end-zone của đội thủ. Làm được thế gọi là touch-down, sẽ ghi được 6 điểm.
Mỗi play là một lần “down”, thường diễn ra trong 30 giây, kết thúc khi trọng tài thổi còi hoặc cầu thủ đội công bị vật ngã, banh chạm đất. Sau 4 downs, đội công phải đưa banh tiến lên 10 yards để có quyền giữ banh trong 4 downs tiếp theo. Vạch kết thúc của down thứ tư (tạm gọi là play 4a) sẽ trở thành vạch bắt đầu của down thứ nhất kế tiếp (play 1b), gọi là scrimmage line. Nếu không lên được 10 yards họ sẽ bị mất quyền tấn công, trở thành đội thủ. Ngó vậy chứ trong 4 downs không phải dễ để đưa banh lên được 10 yards, nhìn các anh vật nhau như rồng là các bạn sẽ hiểu tại sao.
Có nhiều cách để ghi điểm trong một trận banh, nhưng touch down ghi được nhiều điểm nhất. Còn lại là đá vào goal, ghi được khoảng 1-3 điểm.
Cơ bản có vậy thôi đó, còn đi sâu đi xa thì rất lằng nhằng phức tạp.
Ngồi quầy bar xem bóng đá
Nhà mình không có TV, mà xem bằng màn hình laptop nhỏ xíu thì chẳng có gì vui (những môn khác xem màn hình nhỏ còn thấy được chuyện gì đang xảy ra. Football mà xem màn hình 14 inch thì chỉ thấy các anh đè lên nhau thôi TT__TT) Vậy nên lâu lâu có trận banh mình lại mò ra Buffallo Wild Wings như con hâm dở, ngồi một mình ở quầy bar vì chẳng rủ được ai đi cùng. Super Bowl năm nay thì lại đang thất tình thê thảm, đầu óc chỉ nghĩ đến những chuyện đâu đâu, về nhà nghe Baltimore Ravens thắng cũng buồn vì nghe Baltimore thì nghĩ tới D.C., mà nghĩ tới D. C. thì… nhớ người yêu cũ.
Những ngày đầu quan tâm đến football, mình vẫn còn rất gà. Không hiểu bị gì mà cứ nghĩ New York Yankees là đội football của New York, nổi cơn hâm mộ vì anh Nick Swisher cười ngô ngố dễ thương. Lúc ấy không quan tâm lắm nên có biết gì đâu, cũng không để ý là ảnh mặc đồng phục kiểu khác, cứ thắc mắc vì sao không tìm được clip “touch-down” nào của New York Yankees. Đến từ khóa thứ mười mấy trên youtube mới nhận ra New York Yankees là đội bóng chày, clip nào cũng toàn “home-run” chứ làm gì có “touch-down.”
Cuối cùng định quay sang hâm mộ đội nhà, Dallas Cowboys, nhưng mà đành chịu. Xin lỗi chứ beer Miller của các anh dở quá, muốn hâm mộ các anh cũng khó. Nhưng khi nào các anh chơi thì em vẫn ủng hộ hết mình.