VSFB – Trong Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam tại Boston của Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam vùng Boston Mở rộng lần thứ 5, ngày 1 tháng 11 năm 2013, TS. Trần Ngọc Anh, giảng viên về chính sách công và phát triển của Đại học Indiana, đã chia sẻ về chủ đề những kinh nghiệm chống tham nhũng tại một số nước trên thế giới với những vấn đề chính sau đây:
1. Tham nhũng là vấn đề toàn cầu
Tham nhũng hiện đang xảy ra tại khắp nơi trên thế giới, kể cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Gần đây, hầu như không có nước nào có những cải thiện đáng kể trong việc chống tham nhũng, ngoaị trừ một số nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, và Đài Loan.
Các nước phát triển có tỷ lệ tham nhũng thấp, chẳng hạn như các nước Bắc Âu. Việt Nam thuộc số nhóm nước có tỷ lệ tham nhũng cao chỉ sau một số nước như Indonesia, Myanmar, và Bangladesh.
“[Nếu không khéo] tham nhũng là thứ sẽ phá tan tành Việt Nam.”, ông Ngọc Anh dẫn lời một học giả ở Harvard có kinh nghiệm lâu năm về Việt Nam.
2. Ba loại hình tham nhũng
Tham nhũng được chia thành ba nhóm: Tham nhũng cấp cao (grand corruption), tham nhũng nhỏ lẻ (petty corruption) và tham nhũng chi phối (State capture corruption).
Tham nhũng cấp cao là tham nhũng bởi các quan chức cấp cao, ví dụ như tham nhũng liên quan đến các dự án lớn về hạ tầng.
Tham nhũng nhỏ lẻ là tham nhũng ở các cấp độ thấp hơn, chẳng hạn như việc công an giao thông, cán bộ phường nhận hối lộ.
Tham nhũng chi phối là loại hình tham nhũng theo đó các doanh nghiệp lớn cài người vào cơ quan nhà nước để kiểm soát và chi phối hệ thống chính trị theo hướng có lợi cho mình.
3. Bẫy tham nhũng – Nguyên nhân
Có ba yếu tố dẫn đến tham nhũng.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa công dân và chính trị gia là mối quan hệ giữa ông chủ (principal) và người đại diện (agent).
Theo đó, công dân là ông chủ bầu chính trị gia thay mặt mình vận hành nhà nước; còn chính trị gia là người đại diện sử dụng các công chức (người đại diện thứ cấp – sub-agent) để cung cấp các dịch vụ công phục vụ công dân.
Thứ hai, sự bất đồng về lợi ích giữa một bên là chính trị gia và công chức – với nhu cầu phục vụ chính bản thân và gia đình mình – và một bên là công dân – những người cần được người đại diện phục vụ.
Thứ ba, sự bất cân xứng về thông tin (information asymmetry) khiến công dân khó có thể kiểm tra và giám sát được liệu chính trị gia và công chức có tuân thủ và thực hiện các nhiệm vụ do công dân giao phó hay không.
Khi trình độ của công dân càng thấp thì người dân càng thiếu khả năng nhận thức và kiểm soát các hành vi của các chính trị gia và công chức, và hệ quả là tham nhũng càng trở nên dễ dàng và phổ biến.
Khi chính trị gia và công chức tham nhũng, họ không làm tròn nhiệm vụ của mình với công dân, dẫn đến việc hệ thống quản lý hành chính càng yếu kém, chất lượng giáo dục càng thấp.
Khi chất lượng giáo dục đi xuống, người dân lại càng thiếu khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của các chính trị gia và công chức, tạo điều kiện cho tham nhũng càng trở nên trầm trọng hơn.
Đây chính là “Bẫy tham nhũng” khiến các quốc gia bị kìm hãm trong một cái vòng luẩn quẩn một khi đã “rơi vào bẫy.”
Chỉ khi chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí đạt đến một trình độ cao nhất định thì một quốc gia mới có thể tự đẩy mình bật qua khỏi điểm chuyển (tipping point) để thoát khỏi bẫy.
4. Kinh nghiệm chống tham nhũng tại một số nước
Các nước phát triển chống tham nhũng theo cách truyền thống. Theo đó tham nhũng bị đẩy lùi nhờ việc nâng cao tiếng nói dân chủ của quần chúng và việc cải thiện độ tin cậy của bộ máy nhà nước.
Hoa Kỳ là một ví dụ.
Trước đây tham nhũng tại quốc gia này cũng rất trầm trọng do họ không có hệ thống công chức được tuyển dụng công khai và minh bạch như ngày nay mà công chức là do đảng thắng cử chỉ định.
Từ những năm 1890 trở lại đây, tình trạng tham nhũng tại Hoa Kỳ giảm đáng kể và duy trì tại mức ổn định. Có được như vậy là nhờ áp lực từ quần chúng trong việc đòi hỏi tính dân chủ và cải thiện độ tin cậy của các cơ quan nhà nước.
Một số nước chống tham nhũng trực tiếp thông qua bộ máy lãnh đạo (top down). Theo đó các chính trị gia cấp cao trực tiếp quyết định, chỉ đạo, và giám sát thực hiện chống tham nhũng triệt để trong toàn hệ thống chính trị.
Biện pháp này có thể hữu hiệu ngay cả khi thiếu dân chủ và tiếng nói của quần chúng. Tuy nhiên thực tế cho thấy biện pháp này chỉ thành công tại một số nước và vùng lãnh thổ nhỏ, ít dân và có lãnh đạo tài năng như Singapore chẳng hạn.
Do vậy, để chống tham nhũng thành công tại các nước đông dân như Việt Nam thì cần phải có sự kết hợp của ba yếu tố gồm: i) vốn con người (human capital); ii) vốn xã hội (social capital) hay khả năng huy động và tập hợp các lực lượng xã hội; và iii) khả năng tiếp cận thông tin của quần chúng (information capital).
Chỉ khi ba yếu tố này phát triển đến một mức độ nhất định thì một quốc gia mới đủ nội lực để tự bật mình thoát khỏi “Bẫy tham nhũng”.
Ấn Độ hiện nay mạnh về khả năng tiếp cận thông tin của quần chúng và khả năng huy động và tập hợp các hoạt động xã hội nhưng trình độ nhân lực còn thấp nên vẫn “mắc” trong “Bẫy tham nhũng”. Philippines vẫn chưa thoát bẫy vì khả năng huy động và tập hợp các lực lượng xã hội vẫn chưa đủ cao.
5. Vậy Việt Nam cần làm gì để thoát bẫy tham nhũng?
Tại diễn đàn, có ý kiến cho rằng tham nhũng chính là là một cách thu thuế gián tiếp để phân bổ lại thu nhập trong xã hội. Chẳng hạn, người dân không nộp đủ thuế dẫn thiếu ngân sách để trả lương cao cho công chức; công chức không đủ sống nên mới nhận hối lộ (tức là một cách thu thuế gián tiếp).
Ông Ngọc Anh thừa nhận rằng có thể coi tham nhũng là một hình thức phân bổ lại thu nhập trong xã hội tuy nhiên nhận định về tham nhũng đơn thuần như vậy là chưa tính đến một tác hại nghiêm trọng của tham nhũng đó là việc phân bổ nguồn lực một cách bất hợp lý và thiếu hiệu quả.
Chẳng hạn, thay vì đầu tư ngân sách vào các lĩnh vực hiệu quả nhất thì vì động cơ cá nhân, thì quyết định đầu tư lại tập trung vào các lĩnh vực mà người dân khó giám sát và do vậy dễ tham nhũng nhất, gây lãng phí nguồn lực và kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
Có ý kiến cho rằng khả năng huy động và tập hợp các lực lượng xã hội là một yếu tố quan trọng cần được tập trung đẩy mạnh tại Việt Nam.
Đặc biệt cần khuyến khích sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ để từng bước giám sát và cải thiện độ tin cậy của các cơ quan nhà nước. Bởi lẽ việc đẩy lùi tham nhũng đòi hỏi sự đấu tranh của toàn xã hội chứ không chỉ bởi một cá nhân hay một nhóm cá nhân.
Ưu điểm của Việt Nam là tính đồng nhất cao, không có xung độ về tôn giáo và sắc tộc, do vậy dễ xây dựng lòng tin và dễ huy động các lực lượng xã hội.
Tuy nhiên, truyền thống hướng về gia đình dường như khiến người Việt dù giỏi về chống ngoại xâm nhưng lại “ngại” đấu tranh trong nước.
So sánh với trường hợp của Hàn Quốc, một quốc gia đông dân, có chung gốc truyền thống Khổng giáo như Việt Nam nhưng lại thành công trong việc chống tham nhũng, ông Trần Ngọc Anh cho rằng một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Hàn Quốc là nhờ có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, từ việc đào tạo và du nhập tư tưởng dân chủ đến việc ủng hộ hoạt động đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ Hàn Quốc.
Thêm vào đó, nguy cơ chiến tranh với Bắc Triều Tiên đòi hỏi Hàn Quốc phải cải cách để tồn tại.
Về việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của quần chúng, ông Ngọc Anh đặt hy vọng vào việc người dân tiếp cận công nghệ thông tin và các nguồn thông tin trưc tuyến.
Hơn hết, cần xây dựng nhà nước pháp quyền để đảm bảo việc triệt để tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động của nhà nước. Theo đó, nhà nước hoạt động theo một cơ chế minh bạch, dân chủ, theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra diễn đàn còn tập trung thảo luận các ý kiến về vai trò của du học sinh trong chống tham nhũng, việc áp dụng mô hình “charter city” như trường hợp của Hồng Kông; việc nghiên cứu và so sánh kinh nghiệm chống tham nhũng tại các bang của Hoa Kỳ để áp dụng cho từng địa phương tại Việt Nam; và việc giáo dục ý thức dân chủ trong từng gia đình để từ đó nhân rộng ra toàn xã hội.
Tóm lại, kinh nghiệm chống tham nhũng trên thế giới cho thấy để thoát khỏi “Bẫy tham nhũng”, Việt Nam cần phát triển cả ba yếu tố gồm: vốn nhân lực, tập hợp xã hội và tiếp cận thông tin đến một mức để nhiều người nhận ra chỉ khi đẩy lùi tham nhũng thì may ra Việt Nam mới có thể đi đến thịnh vượng.
Nguyễn Thu Thủy