Các sinh viên của trường Kinh doanh, đại học Harvard, phải “chịu chi” nếu muốn có những trải nghiệm tuyệt vời thời đại học, với mức chi phí lên đến hàng chục nghìn USD.
Tại trường Kinh doanh đại học Harvard, khoảng cách giàu nghèo dường như là vấn đề dễ gây phân hóa trong học sinh hơn cả nạn phân biệt giới tính. Ngay ngày đầu nhập học, các tân sinh viên của trường phải nộp cho hội sinh viên mà mình sinh hoạt 300 – 400 USD. Gần đây, các sinh viên năm thứ hai còn tổ chức một chuyến du lịch trượt tuyết với chi phí lên đến 1000 USD một người.
Nhưng con số trên cũng chẳng thấm vào đâu so với những chuyến đi du lịch cuối tuần đến Iceland hay Moscow của Hội X, với các thành viên đều xuất thân từ các gia đình siêu giàu.
Khi Christina Wallace lần đầu bước chân vào trường Kinh doanh với suất học bổng toàn phần, một người bạn đã lưu ý cô phải “chịu chi” nếu muốn có những trải nghiệm tuyệt vời tại Harvard. “Mức chênh lệch giữa trải nghiệm đẹp và tuyệt vời là khoảng 20.000 USD”, Wallace chia sẻ.
“Hồi tôi còn học tại trường Kinh doanh, phân hóa giàu nghèo trong sinh viên nghiêm trọng hơn kỳ thị giới tính nhiều”, cựu sinh viên Harvard kể.
“Đây là hiện trạng rất phổ biến”, New York Times dẫn lời một sinh viên niên khóa 2013. Một sinh viên khác cho biết, cô phải vay mượn hàng chục nghìn USD mỗi năm để chi trả cho các hoạt động xã giao. Và mặc dù gia đình sống rất gần trường, nhưng cô cũng không dám mời bạn bè đến chơi vì căn nhà không đủ “hoành tráng”.
Tâm tư của cô sinh viên trên có lẽ cũng rất dễ hiểu trong bối cảnh có nhiều sinh viên rất giàu, thậm chí cso đủ điều kiện sống trong căn hộ penthouse của khách sạn năm sao Mandarin Oriental.
“Trước đây rất hiếm khi có các hành vi phô trương đến như vậy”, bà Suzy Weich, cựu sinh viên tốt nghiệp năm 1988, nguyên tổng biên tập tờ The Harvard Business Review viết trên Twitter. Bà thực sự bị sốc với hiện trạng phân hóa giàu nghèo tại trường Kinh doanh.
Những năm 70 thế kỷ trước, bầu không khí chung của Harvard rất bình đẳng. Nếu như sinh viên nào muốn chơi trội, đều sẽ bị mọi người chế nhạo. “Có lẽ không phải là Harvard thay đổi, mà nước Mỹ đã khác trước nhiều”, một cựu sinh viên bình luận.
Thành phần sinh viên trường Kinh doanh khóa 2013 rất đa dạng. Đại diện cho tầng lớp siêu giàu là con cái của ông trùm tài chính Leon Black và ông trùm bất động sản Gerald Hines.
Ngược lại, cũng có những sinh viên là quân nhân phục viên, con cái cúa các bà mẹ độc thân có hoàn cảnh khó khăn.
Rất nhiều sinh viên không thích thú gì với sự tồn tại của Hội X, bởi nó phản chiếu tình trạng giới tinh hoa Mỹ ngày càng xa cách với đại chúng.
Theo như giới thiệu của các sinh viên khác, thành viên của Hội X đa phần là nam sinh, đến từ các gia đình giàu có ở miền Nam nước Mỹ, Trung Đông và châu Á. Hội X thường xuyên tổ chức “những bữa tiệc thực sự với số lượng người có hạn và cực kỳ xa hoa”, một nữ sinh giới thiệu.
Các hội sinh viên thuộc trường Kinh doanh được lấy tên theo các chữ cái từ A đến J. Những Hội X cho mình đặc quyền được khác người, khiến không ít sinh viên bất mãn. Tuy nhiên, việc xác định ai là thành viên của hội này cũng rất khó khăn.
Rất nhiều sinh viên khi được hỏi về Hội X, đều thừa nhận mình đã từng tham gia tiệc, nhưng phủ nhận mình là thành viên của Hội. “Những sinh viên siêu giàu tại trường Kinh doanh đều có nhược điểm. Tôi không phải là một trong số họ”, Brooke Booyarsky, một cựu sinh viên xuất sắc cho biết khi được hỏi về văn hóa xã giao của Harvard.
“Sự tồn tại của Hội X làm suy yếu tinh thần đoàn kết trong sinh viên”, cô Kate Lewis, nguyên biên tập viên báo trường, sinh viên tốt nghiệp năm 2013, bình luận. Hội X đã trở thành danh từ chung để chỉ sự hưởng thụ của các sinh viên siêu giàu trong trường.
Khi được hỏi về sư tồn tại của Hội X, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Nitin Nohria cảm thấy rất thất vọng. “Tôi cứ nghĩ rằng hội đó đã không còn chỗ đứng nữa”.
Nhà văn nổi tiếng Thomas Peters, đồng tác giả của cuốn cẩm nang kinh doanh “In Search of Excellence” (tạm dich “Đi tìm thành công”), đề nghị Harvard chỉ nên tuyển những sinh viên đến từ các gia đình siêu giàu mà có đóng góp thực sự cho xã hội.
Các sinh viên thì đề nghị nhà trường nên có một quỹ khoảng hơn 2 tỷ USD, để hỗ trợ kinh tế cho các hoạt động ngoại khóa. Trước sức ép của sinh viên, tổng hội sinh viên toàn trường đã bổ sung thêm một số hoạt động chi phí thấp, với sự hỗ trợ của nhà trường để sinh viên có không gian giải trí không mất tiền.
Mặc dù ông Nohria nổi tiếng với nỗ lực thúc đẩy đối thoại xoay quanh các vấn đề xã hội, việc giải quyết tình trạng phân hóa giàu nghèo trong sinh viên lại không hề đơn giản.
Harvard nhận rất nhiều khoản tài trợ đến từ các cựu sinh viên thuộc tầng lớp siêu giàu. Hơn nữa, rất nhiều sinh viên lựa chọn trường Kinh doanh với hy vọng xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ xã hội với những nhân vật có ảnh hưởng. Vì vậy, không ai muốn đắc tội với những bạn học giàu có, những người có thể trở thành quý nhân của mình trong tương lai.
Theo Vnexpress.net/TMagazine