“Đó là sáng 30/6/2006” – lúc nào Nguyễn Lê Vân cũng nhớ như in. Bởi đó là ngày cô nhận được email từ trường ĐH Harvard: “Chúng tôi vui mừng báo tin em đã được nhận vào Đại học Harvard College, khóa học 2006 – 2010 với học bổng toàn phần là: 48.250 USD/năm”.
Cả dòng họ Nguyễn và người dân thôn nhỏ Cầu Đơ (Hà Đông, Hà Nội) vui mừng, tự hào: Cô bé Nguyễn Lê Vân là người thứ hai của dòng họ cũng là người thứ hai của thôn bước chân vào trường ĐH Harvard. Trước Vân, người anh con bác ruột là Nguyễn Tiến Anh đã là SV của Harvard từ tháng 4/2003. Nhiều người dân ở đây đã gọi dòng họ Nguyễn là dòng họ Harvard.
Nguyễn Lê Vân vào ĐH Harvard năm 2006 và anh họ Nguyễn Tiến Anh vào ĐH Harvard năm 2003
Nguyễn Lê Vân – Tài sắc vẹn toàn
Sớm chứng tỏ “con nhà nòi” khi luôn dẫn đầu lớp từ tiểu học đến trung học về kết quả học tập, Vân là niềm tự hào của cộng đồng người Việt xa xứ khi vừa “đẹp người đẹp nết”. Tháng 12/2004, khi đang học lớp 10, Trường PTTH Kopernik tại thủ đô Ba Lan, Vân đã giành danh hiệu “Người đẹp thanh lịch cộng đồng” – cuộc thi do báo Quê Việt và các đoàn thể người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức.
Ngày Vân nhận được tin mình đỗ ĐH Harvad cũng là ngày nhiều báo của Ba Lan và báo của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan chạy một loạt title lớn trên trang báo: “Người đẹp Nguyễn Lê Vân thi đỗ đại học Harvard”, “Cô nữ sinh toàn vẹn”, “Cái đẹp trí tuệ mới là vĩnh cửu”…
Nhiều người chúc mừng nhưng bố mẹ Lê Vân lại cảm thấy lo lắng cho con gái trước những lời khen tặng. “Đó là thành công bước đầu nhưng lại là thử thách ngặt nghèo con phải vượt qua”. “Lời khuyên của bố mẹ, em coi là cái “gờ giảm tốc” để mình phấn đấu thêm nữa”- Vân tâm sự.
Cũng trong thời gian này, Lê Vân còn được 5 trường hàng đầu khác của nước Mỹ tiếp nhận với học bổng cao như: Colgate University Mount Holyoke College , Amherst College, Columbia University , Pomona College.
Trong email gửi về từ Mỹ, Lê Vân cho biết mình vừa học xong năm thứ hai ngành Toán ứng dụng kinh tế. Vân rất thích môn học này, đặc biệt là Toán, vì toán học cho mình cách tư duy và sự rèn luyện trí tuệ, tuy nhiên, Kinh tế là môn thứ 2 mà Vân rất yêu thích..
Lê Vân rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện và quảng bá cho đất nước mình. “Ở Harvard, có đến 50% sinh viên rất thích công việc từ thiện và Vân cũng nằm trong số đó. Có thể Vân không giúp được họ về tài chính nhưng Vân sẽ viết bài, chụp ảnh và đưa đến Tổ chức từ thiện của trường” – Vân kể.
Vân còn cho biết: Ở đây, nhóm sinh viên Việt Nam có thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Harvard (Harvard Vietnamese Association). Hội này hoạt động đều và rất vui. Nhóm của Vân thường lên mạng để tìm kiếm thông tin về Việt Nam và giới thiệu với bạn bè quốc tế những khi có cơ hội.
Hội cũng hay tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Việt Nam cho sinh viên của trường Harvard và cộng đồng người Việt tại thành phố Boston thưởng thức. Nhóm của Vân cũng mua được áo dài, áo tứ thân, nón quai thao, trống cơm… để biểu diễn. Các bạn trong hội rất tự hào vì là người Việt Nam, Vân cũng vậy – rất tự hào vì mình là người Việt Nam.
Nguyễn Tiến Anh – “Thành công cùng một mảnh giấy & hai điều răn”
Khác hẳn với một Lê Vân hồn nhiên, anh con bác ruột với Vân – Nguyễn Tiến Anh lại tỏ ra chín chắn, luôn rõ ràng và chuẩn mực.
Nhận tấm bằng tốt nghiệp trường ĐH Harvard và được nhận vào làm tại một công ty đầu tư tài chính của Mỹ khiến chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Anh khá nổi tiếng trong giới du học sinh tại nước ngoài. Làm thế nào để Nguyễn Tiến Anh có được những thành công ấy?
“Mình luôn nhớ câu châm ngôn: “Make the best of what you have” – luôn luôn cố gắng vươn tới dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và thay đổi môi trường xung quanh chứ đừng chỉ để hoàn cảnh quyết định số phận bản thân. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã là người thành công”- Nguyễn Tiến Anh tâm sự.
Ngay từ những năm tiểu học và trung học, bảng thành tích học tập của Nguyễn Tiến Anh khiến cho nhiều người đã cho rằng Tiến Anh được thừa hưởng tố chất của con nhà nòi: cha là tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Tiến, bác ruột là Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Chủ tịch Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam. “Chưa bao giờ mình ỷ lại năng khiếu mà thiếu phần cố gắng bởi cha mình là người nghiêm khắc và để mình tự lập hoàn toàn chuyện học hành” – Tiến Anh nói.
Năm 1998, Tiến Anh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc môn Toán, được tham gia kỳ thi tuyển chọn học bổng trung học ASEAN của Bộ Giáo dục Singapore. Và học tại trường trung học Anglo – Chinese School-một trường tư thục đã hình thành trên 115 năm.
Cũng tại nơi đây, Tiến Anh lao vào học tập để chuẩn bị cho mình con đường đến Harvard: một vốn tiếng Anh tốt, lợi thế về các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý hay Tin học. “Mình không ước mơ vào được trường ĐH hàng đầu của nước Mỹ vì danh tiếng mà vì đó là môi trường để thử thách biết mình đang ở đâu so với giới trẻ toàn cầu”- Tiến Anh giải thích.
Giữa năm 2003, Tiến Anh cầm lá thư chúc mừng và giấy báo nhập học của Trường Harvard, Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Chủ tịch Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam , bác ruột của Tiến Anh và Lê Vân nhận xét: “Tiến Anh đã có một cuộc “lột xác”: từ một cậu bé hiền lành nhiều mơ mộng phải trở nên mạnh mẽ có “cái tôi” cứng rắn và bản lĩnh hơn”. Cũng chính cuộc “lột xác” này đã khiến Tiến Anh bắt kịp với dòng chảy của công dân toàn cầu ở một đất nước đầy cạnh tranh và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.
Tiến Anh tâm sự: Nhiều bạn trẻ VN đã và đang tận dụng được cơ hội của công nghệ thông tin để san bằng khoảng cách với các bạn trẻ thế giới nhưng chúng ta còn có quá ít các thông tin thật sự bổ ích, chính xác phục vụ quá trình tăng tốc cùng thế giới.
Đó chính là cách học tập, làm việc hiện đại, hiệu quả, minh bạch thông tin về những gì các quốc gia trong khu vực đã, đang làm để phát triển kinh tế của họ những thách thức, hiểm nguy và cơ hội quí giá trước mắt của VN những bài học của các quốc gia đi trước, cả sự thành công và thất bại.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm số SV Việt Nam theo học tại trường ĐH Harvard chỉ đếm trên đầu ngón tay, năm nhiều nhất cũng chỉ có 7-8 SV. Những gia đình hay dòng họ mà có hai người trở lên học ở Harvard là “chuyện xưa nay hiếm”.
Box:
Theo thống kê của Harvard hằng năm, có hơn 20.000 sinh viên xuất sắc trên toàn thế giới nộp hồ sơ vào Harvard. Chỉ 2.000 hồ sơ trong đó được chọn. Năm 2003, có hai sinh viên VN đầu tiên được chọn vào cấp đại học của Trường Harvard. Một trong hai người đó là Nguyễn Tiến Anh.
Theo Sinh viên Việt Nam