Oshin ở Mỹ là ai? Đây là những “người giúp việc” cao cấp, phần lớn là phụ nữ, làm việc hết mình mà lại không có lương. Họ đều có trình độ học vấn và làm bất cứ việc gì để phục vụ cho cộng đồng du học sinh. Có thể chia “Oshin” cao cấp thành ba nhóm: Oshin – Vợ, Oshin – Ông Bà và Oshin – Học giả.
Ở Việt Nam có người giúp việc, chị em phụ nữ được giảm nhẹ công việc gia đình, có thêm thời gian làm chuyên môn, tham gia công tác xã hội cũng như tận hưởng một chút các hoạt động giải trí như xem phim, nghe hòa nhạc, đi thăm bè bạn.Tuy nhiên, hệ lụy của việc có Oshin trong nhà không phải là nhỏ. Còn Oshin ở Mỹ là ai? Đây là những “người giúp việc” cao cấp, phần lớn là phụ nữ, làm việc hết mình mà lại không có lương. Họ đều có trình độ học vấn và làm bất cứ việc gì để phục vụ cho cộng đồng du học sinh. Có thể chia Oshin cao cấp thành ba nhóm.
“Oshin toàn tập” – Ông, Bà, Vợ và Học giả
Nhóm thứ nhất được gọi là “Oshin-Vợ”, gồm những người vợ, khăn áo theo chồng sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh, hoặc theo bất cứ một chương trình học tập, nghiên cứu ngắn hạn nào đó. Đó là những người phụ nữ tần tảo, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, hy sinh hết thảy chỉ để chăm sóc và tạo mọi điều kiện cho sự thành công của chồng. Làm nghiên cứu sinh kéo dài tới 7-8 năm là chuyện không còn hiếm. Nhiều người vợ khi ra đi còn rất trẻ, có người chỉ mới tốt nghiệp đại học, chưa đi làm, khi chồng học xong thì đã tay bế tay bồng mấy đứa con. Và không ít Oshin trong thời gian sống ở Mỹ, đã tranh thủ đi học thêm vài nghề khác, hoặc kiếm thêm một bằng thạc sỹ.
Nhiều người nghĩ rằng những người phụ nữ này quá may mắn, hạnh phúc vì nhờ có chồng mới sang được “miền đất hứa”. Nhưng công bằng mà nói, họ là những người biết chấp nhận hy sinh. Nhiều người bỏ cả sự nghiệp của mình để đồng cam cộng khổ với đức lang quân trong nhiều năm đèn sách, lều chõng đi thi. Họ quán xuyến hết việc nhà, nuôi dạy con cái, lại kiếm cả tiền nuôi chồng con những lúc học bổng không còn. Rồi quá thời hạn cho phép, cần chứng minh trong tài khoản phải có một số tiền nhất định thì mới được chính phủ Mỹ cho phép gia hạn. Chính họ phải dùng những đồng tiền mồ hôi, chắt chiu để giúp cho chồng ăn học. Nếu không có họ thì khó có sự thành công của những ông nghè thời nay. Những ông nghè trong thời kỳ đèn sách có một tổ ấm gia đình, sáng ra, có người xếp cơm vào túi, chiều về cơm dẻo canh ngọt đang chờ, chỉ chơi với con đôi ba phút cho đỡ căng thẳng rồi lại ngồi vào bàn làm việc. Mọi sự cơm áo gạo tiền đều đến tay Oshin-Vợ.
Điều đáng ngạc nhiên là Oshin-Vợ không chỉ là bà nội tướng mà còn tự mình vươn lên, tranh thủ đi học tiếng Anh, hòa nhập vào xã hội Mỹ, rồi học cao học. Không ít người sau khi bế con đến chúc mừng chồng nhận bằng tiến sỹ, thì cũng ẵm một bằng thạc sỹ, rồi có việc làm, lo kinh tế gia đình. Quả thật con cháu bà Trưng bà Triệu vẫn phát huy truyền thống quật cường, cho dù chỉ là Oshin nơi đất khách quê người. Khó có thể kể tên những điều kỳ diệu mà những người vợ đảm đang, thủy chung, chịu thương chịu khó, đã làm để góp phần không nhỏ cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.
Nhóm thứ hai có tên gọi là “Oshin-Bà”, hoặc “Oshin-Ông”. Đây là những ông bà nội, ông bà ngoại, bỏ hết công việc làm ăn, kinh doanh, hoặc bỏ cả những thú vui trong các câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ thơ ca, vi vu 13,000 cây số, trên những chặng đường bay dài đến mấy chục tiếng đồng hồ, chuyển máy bay mấy lần, lại không biết tiếng Anh, để sang trông con cho các ông nghè, bà nghè tương lai yên tâm đèn sách. Nếu cả hai ông bà cùng đi thì còn đỡ. Ngoài việc hỗ trợ nhau trông cháu, hai ông bà còn có cơ hội tìm hiểu nước Mỹ, ngay cả khi con cái không có thời gian đưa các cụ đi chơi. Có ông có bà, cuộc sống nơi đất khách cũng đỡ phần hưu quạnh. Nếu chỉ có mình bà, thì ngoài việc làm Oshin ở Mỹ, trông con cho những bà nghè lắm chữ, nuôi dạy kiểu Tây, nhất nhất theo sách Tây, bà còn phải lo lắng trông về trời Nam xem “ông cháu” ở nhà thế nào. Có bà trước khi đi chưa hề sờ vào máy vi tính, nay trở thành chuyên gia của Yahoo messenger, Skype, với Face Book, bởi đó là con đường duy nhất hàng ngày theo dõi ông cháu ở nhà có ăn uống điều độ hay không. Cứ tưởng đi Mỹ mà sướng à? Không đâu, sống trong bốn bức tường, nhìn ra ngoài tuyết trắng phau, lạnh đến run người, lại nghĩ giờ này ông cháu ở nhà thui thủi một mình, trong lòng không sao yên ổn được. Nhưng thương con cháu, phải ráng ở cho hết thời hạn 6 tháng, cho con cái thi hết môn này, lại kết thúc bài báo kia. Rồi ông lại sang thay thế bà, khi đi hăm hở là được biết nước Mỹ đang giẫy chết ra sao. Đến nơi, lại thui thủi vào ra, không biết trông con cho chúng nó có được vừa ý không. Bật TV lên toàn là quảng cáo, tiếng Tây loạn xạ. Ông bà nào sang cũng chỉ mong ngóng xem có người cùng cảnh như mình, để thỉnh thoảng giao lưu cho đỡ buồn. Nếu không có ông bà giúp đỡ, những ông bà nghè tương lai với số học bổng độ 1000 đô la mỗi tháng, mà gửi con tốn vài ba nghìn hàng tháng, thì có lẽ nhanh nhanh cuốn gói mà về, hoặc là nhịn sinh con. Không có “Oshin – Ông Bà”, chắc các ông nghè, bà nghè tương lai khó có thể về đích an toàn.
Nhóm thứ ba – “Oshin-Học giả” là chính những “bà nghè” tương lai, giành được cơ hội du học, lại tranh thủ mang con cái đi theo. Oshin nhóm này vừa học tập, nghiên cứu, vừa làm việc nuôi sống gia đình và dạy dỗ con cái. Ở nước Mỹ, sống độc thân cũng đã nhọc nhằn với một mớ giấy tờ tùy thân, nào thẻ tín dụng, nào bảo hiểm y tế, nào thẻ an sinh xã hội. Nếu mang theo một, hai đứa con thì có lẽ đọc hết thư từ trường học của con gửi về, rồi nhận email, với các tin nhắn trong điện thoại về công việc liên quan đến con mình cũng đã hết ngày.
“Oshin – Học giả” mẹ Nguyễn Tô Lan – Harvard Yenching
Ngoài áp lực của việc học tập, nghiên cứu, Oshin phải về nhà đúng giờ đón con vì nhà trường ở Mỹ không cho phép để con lang thang, hoặc tự đi về nhà sau khi tan trường lúc 2-3 giờ chiều. Oshin đang ngồi trong thư viện, hoặc phòng thí nghiệm lại cuống quýt chạy ra bến xe cho kịp giờ đón con. Đang đi nghe hòa nhạc do con mình biểu diễn, Oshin lại lo nơm nớp đêm nay sẽ thức đến 2-3 giờ sáng để viết xong bài, hoặc đọc hết cuốn sách cho buổi học ngày hôm sau. Ngày nghỉ phải chia làm ba phần rõ rệt: học, giặt giũ, chuẩn bị thức ăn cho cả tuần, và dành thời gian cho con. Nói thì dễ nhưng thực hiện hằng hà sa số việc không tên, khiến “Oshin-Học giả” luôn mệt mỏi. Nhưng phải ráng thôi, thành công của mẹ không thể có được nếu thiếu thành công của con.
“Oshin – Học giả” bố Đỗ Anh Tuấn – UMASS Lowell
Riêng các hoạt động khoa học đã choán hết thời gian, nên Oshin lúc nào cũng thấy có lỗi là không đến các câu lạc bộ mà con tham gia, các buổi họp phụ huynh cũng như các hoạt động của nhà trường cần có sự có mặt của cha mẹ. Oshin này lo cơm áo gạo tiền, không thể vung tay quá trán, nên thường chạy vài ba siêu thị vào ngày nghỉ xem chợ nào bán đồ rẻ hơn, hoặc món đồ nào đang on-sale. Hối hả nấu vài món ăn ngon cho con cái được thưởng thức. Nên Oshin quay như chong chóng. Đây đúng là Oshin cực kì đắt giá mà lại không có ai trả lương. Sự thành bại của họ đều phụ thuộc vào khả năng biết cân bằng mọi công việc và sử dụng thời gian hợp lí.
Nếu ở Việt Nam, câu lạc bộ Oshin là nơi tán gẫu, than thở về chủ của mình, thì ở đây, Oshin cũng gặp gỡ nhau, nhưng chính là để giao lưu, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm nuôi con, nuôi cháu, mua bán, đi tham quan, và tìm hiểu nước Mỹ, cập nhật thông tin từ Việt Nam. Oshin ở Mỹ làm việc hết mình, không được trả lương và luôn là những người đóng góp thầm lặng cho biết bao ông nghè bà nghè tương lai.
Minh Phương, Boston
Bài viết thật tuyệt vì tác giả đã nêu trúng thực tế việc học/nghiên cứu/làm việc ở Mỹ nó vất vả ra sao. Không những người học mà những người liên quan tới người học cũng hy sinh không kém.
Nhân tiện, em muốn chia sẻ thêm ý nghĩa của từ Ôsin mà sau đó em gợi ý mọi người ở nhà nên dùng từ ‘người giúp việc’ thay vì từ ‘Ôsin’. Lý do là bởi vì nguồn gốc và ý nghĩa của từ này. Có khả năng từ Ôsin du nhập vào VN từ lúc chúng ta xem bộ phim truyền hình Osin của Nhật. Theo em Osin là một tấm gương, một nhân vật có nhiều phẩm chất đáng học hỏi; thể hiện nghị lực phi thường của con người. Tức ‘Osin’ mang nghĩa tích cực hơn là ‘inferior’, ‘tầm thường’, ‘phụ’, ‘con ở’ v.v. Em luôn gợi ý rằng không nên dùng từ Osin để chỉ người họ thuê làm các công việc gia đình (chăm con cái, nấu nướng, đi chợ, lau dọn v.v.) ví dụ: “Con ôsin nhà tao hôm qua…”, “tôi vừa mắng bà Ôsin vì bà ấy…”; thay vào đó hãy gọi là ‘người giúp việc’ vì bản chất và ý nghĩa (xã hội, văn hoá) đầy tích cực của từ này.
Cám ơn Tony về những lời nhận xét thật là tốt đẹp. Mình viết về “Oshin” với tấm lòng nhân ái, trong đó có một chút thương mình… vì mình cũng là Oshin mà.
Một bài viết rất hay và ý nghĩa
các Oshin vào đây comment chia sẻ nhé. cho em xin 1 chân. 🙂