Câu chuyện thứ nhất: Khi tôi tham gia orientation cho học sinh quốc tế, tôi đã rất mừng khi gặp một cô bạn người Myanmar đã từng học tại Singapore. Ngoài việc tíu tít nói chuyện về đất nước Singapore mà cả hai cùng yêu mến, tôi rất ngạc nhiên khi cô bạn có thể nói tiếng phổ thông Trung Quốc (Mandarin Chinese) khá lưu loát với các bạn sinh viên Trung Quốc khác.
Cô bạn tôi học ở Singapore khoảng ba năm, lấy bằng GCE O Levels (tương đương với tốt nghiệp cấp 2; sau khi có bằng O Levels bạn có thể học lên A Levels hoặc học trường cao đẳng và nghề ở Singapore) rồi quyết định tự học ở nhà và ôn luyện đi Mỹ vì cảm thấy việc học A Levels là quá nặng và không cần thiết. Cô bạn học ở một ngôi trường không có quá nhiều học sinh quốc tế, và cô bạn chơi thân với 1 người bạn Việt Nam và 1 người bạn Trung Quốc.
Câu chuyện thứ hai: Tôi đã từng sống ở Singapore gần 5 năm theo học bổng Asean Scholarship. Hai trường mà tôi đã từng học đều có số lượng học sinh đến từ Trung Quốc gấp đôi số học sinh đến từ Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn học cùng với rất nhiều bạn đến từ Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Pakistan, Sri Lanka… Thời gian đầu vào trường cấp 3 học A Levels nhiều bạn người Singapore hay quay sang nói tiếng Trung Quốc với tôi vì …quên mất tôi là người Việt Nam. Câu tiếng Trung Quốc quan trọng nhất mà tôi học được là ‘我不知道’ – tức là ‘I don’t know’ khi mà tài xế taxi hay bác bán hang ở căng tin nói tiếng Trung Quốc với tôi.
Tôi đã rất xấu hổ khi cô bạn người Myanmar cực kì ngạc nhiên và không hiểu tại sao tôi không hề biết tiếng Trung Quốc khi tôi có môi trường thuận lợi đến như vậy. Tôi đã nghĩ ra 3 lí do:
Thứ nhất, lòng tự tôn dân tộc hay là lòng tự ái: tôi và vài người bạn Việt Nam khác đã có rất nhiều lúc tự ái vì nhiều người nghĩ mình giống người Trung Quốc, và tự dung phản ứng đầu tiên của bản thân là nói rằng tôi không hề biết ngôn ngữ đó.
Thứ hai, định kiến và sự rụt rè: khi bạn có một nhóm bạn thân rồi thì bạn sẽ ngại tiếp xúc với những người bạn từ nước khác, hoặc thậm chí là còn không thân thiện với những người đến từ đất nước mà bạn có định kiến sẵn. Thế nên, vì sao lại phải học ngôn ngữ của họ!
Thứ ba, sự lười biếng và thiếu tinh thần học hỏi: tôi tự nhận thấy rằng mình đã luôn lấy lí do rằng việc học tập ở trường là rất nặng thế nên không có thời gian học thêm 1 ngoại ngữ nào khác. Thực ra, học một ngôn ngữ mới không quá khó nếu như bạn có một thái độ học hỏi cao.
Source: www.usfsp.edu
Học một ngôn ngữ mới thực sự có lợi cho cơ hội kết bạn, tìm việc, đi du lịch và học tập. Sẽ thật là lãng phí nếu như chúng ta không tận dụng cơ hội học tập ở trên đất Mỹ để học một ngôn ngữ mới vì nước Mỹ là một đất nước rất đa dạng về con người. Sẽ thật là bất lợi nếu như bạn không thể hiểu ngôn ngữ tại đất nước bạn muốn du lịch hay đi thực tập. Sẽ thật là ấu trĩ khi bạn không giao lưu, kết bạn với con người từ một đất nước nào đó vì bạn nghĩ bạn ‘ghét’ họ.
So, why wait?
Thùy Trang
thuytrangnguyen.2801@gmail.com