Bằng tiến sĩ Mỹ chỉ có giá 6.500 USD.
Để có được bằng “tiến sĩ” này, người học chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng đến trường Đại học Southern California (SCUPS). Tất cả các môn học, các chương trình của trường đều được thực hiện qua mạng Internet hoặc chuyển phát nhanh.
Muốn hoàn tất khóa học, “tiến sĩ” không cần phải làm đồ án, không làm luận án mà chỉ cần làm Dự án tiến sĩ ngành Kinh doanh và Quản trị (Doctoral Project in Business & Management). “Chuẩn đầu vào” của bằng tiến sĩ… giá rẻ chỉ yêu cầu nghiên cứu sinh có bằng Cao học của bất kỳ trường Đại học nào trong nước.
Và tất nhiên, chuyện được duyệt hồ sơ học “tiến sĩ” ở SCUPS chỉ một sớm một chiều. Không lâu sau khi… trúng tuyển, trường sẽ gửi giấy báo yêu cầu nghiên cứu sinh đóng khoảng tiền 6.500 USD cho toàn khóa học. Số tiền trên sẽ được “thương lượng” đóng thành từng đợt cho quý nhà trường.
Vì cách tuyển sinh quá đơn giản nên cách học lại càng thoải mái. “Tiến sĩ” tương lai có thể làm các bài tập bằng tiếng bản ngữ tại Việt Nam và nộp qua mạng Internet hoặc chuyển phát nhanh. Nếu có lắm tiền, nghiên cứu sinh trường SCUPS ở Việt Nam có thể thuê người làm giúp bằng tiếng Anh rồi sau đó gửi đến trường thông qua mạng Internet.
Thời gian diễn ra khóa học và lấy bằng tốt nghiệp chẵn tròn 3 năm. Theo nội dung của khóa học, người học phải thực hành 12 môn học và cũng có thể nhờ người làm hộ vì chẳng có cơ quan, đơn vị nào kiểm chứng người học trực tiếp làm hay không.
Hoàn tất khóa học và lấy bằng, “tiến sĩ”… giá rẻ chỉ việc kê khai vào hồ sơ xin việc với học vị cao chất ngất như một thứ “trang sức”. Kiểu học và lấy bằng “tiến sĩ” như ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến không được công nhận tại Việt Nam. Danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đến ngày 2/3/2013, tổng số chương trình liên kết 233 và không có trường SCUPS.
Việc sử dụng bằng tiến sĩ… giá rẻ của ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến đã bị người dân “tố giác” lên Đại biểu quốc hội Phan Văn Quý, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ngay sau đó, đến ngày 25/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được Phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội về ý kiến của cử tri liên quan đến trường Đại học Văn Hiến.
Ông Nguyễn Tấn Bình được Bộ Giáo dục và Đào tại công nhận là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến vào ngày 6/2/2013. Đến ngày 20/9/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị trường Đại học Văn Hiến yêu cầu ông Nguyễn Tấn Bình làm hồ sơ công nhận văn bằng “tiến sĩ” theo quy định. Đến nay, ông Bình vẫn chưa được công nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ.
Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với học viên học từ xa thì văn bằng chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Hưng Long/Báo petrotimes.vn