Mới là sinh viên năm 2, ngành Quản trị Marketing, đại học British University Vietnam (BUV), Nguyễn Vũ Nam Phương đã gặt hái được nhiều cơ hội tham gia các diễn đành thanh niên quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời bạn đang đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm Google Developer Group Hà Nội.
Vừa trở về từ chương trình Giao lưu thanh niên ASEAN- Ấn Độ 2013, Nam Phương chia sẻ về kinh nghiệm nắm bắt thành công những cơ hội học tập quốc tế.
Bước 1: Không e ngại, không bỏ cuộc
Năm lớp 12, khi tôi đọc tiêu chí tuyển chọn ứng viên cho học bổng Hoàng tử Andrew của Đại học British University Vietnam, tôi đã khiếp đảm nghĩ mình đang đọc mô tả về một người hoàn hảo chứ không phải mình, vì gạch đầu dòng đầu tiên là “Kết quả học tập”, mà lúc đấy các môn toán – lý – hóa điểm phẩy chỉ đạt 6,7. Nhưng do niềm khao khát được học ở môi trường giáo dục chất lượng của Anh quá lớn, tôi nộp đơn và trúng tuyển vì có tiềm năng ở gạch đầu dòng cuối cùng “Khả năng lãnh đạo”. Lúc đó, tôi may mắn vì đã không bỏ cuộc.
Thói quen “không bỏ cuộc” ấy đã luôn đi cùng tôi trong những bài luyện tập tại British University Vietnam (BUV) về phương pháp tư duy tích cực “Nửa cốc nước không phải là vơi đi một nửa mà nó mới chỉ đầy được 1 nửa”, tôi đã rèn được cho mình một kim chỉ nam trước mọi thử thách. Kim chỉ nam đó là tâm thế “2 không: không e ngại, không bỏ cuộc”. Trước mỗi thử thách, tôi luôn liên tưởng mình giống như người thợ săn – luôn chủ động trước mọi tình thế, hiểu điểm mạnh của mình và sử dụng điểm mạnh ấy với hiệu quả cao nhất.
Và từ đó, những cơ hội “siêu sao” đã liên tục đến với tôi không bằng sự may mắn vì không bỏ cuộc như lần xin học bổng nữa. Tôi đã được chọn là 1 trong 25 đại diện của Việt Nam tham dự chương trình Giao lưu thanh niên ASEAN – Ấn Độ 2013 nhờ thể hiện được sự hiểu biết của mình về đất nước này trong mối quan hệ với Việt Nam. Trong lần được chọn đi Thái Lan, tôi cũng làm rõ định hướng ứng dụng những kiến thức học được ra sao sau chương trình, và thực tế khi trở về tôi đã chia sẻ lại rất nhiều với các tổ chức tôi tham gia.
Nếu bạn cũng đã từng như tôi, đang đối mặt với rào cản về tinh thần của chính mình, hãy tin rằng mọi “siêu sao” đều có điểm xuất phát bình thường. Nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là tâm thế “2 không: không e ngại, không bỏ cuộc”.
Nguyễn Vũ Nam Phương tham dự chương trình “Giao lưu thanh niên ASEAN tại Ấn Độ” vào tháng 11. |
Bước 2: Trở nên chủ động trước mọi tình huống
Mục đích của bạn khi săn tìm học bổng và những cơ hội học tập quốc tế cũng giống như của những người thợ săn ngày xưa: săn được càng nhiều càng tốt. Nếu bạn là thợ săn giỏi và nhạy bén, bạn luôn nhìn thấy cơ hội ở khắp mọi nơi, rất phong phú trong nhiều thể loại. Phần còn lại của thành công sẽ là kỹ năng thành thục và sự bền bỉ. Vì vậy, hãy chủ động vận dụng mọi giác quan của mình để nhận biết được cơ hội sẽ đến với mình. Sau đây là một vài chia sẻ từ thực tế:
1. Tận dụng Facebook:
Hãy biến các mục Favourite, Pages, Groups, Interest (phía bên trái trang Facebook)… thành một trình tổng hợp tin tức hữu hiệu.
2. Đăng ký vào các nguồn tin:
Các trang thông tin, các google group của các cộng đồng xã hội luôn có chức năng ‘’Đăng kí nhận tin’’ (Subscribe), hãy dùng một email chuyên để xem các thông báo đó. Một số nguồn tôi thấy hữu ích là: Conferencealerts.com, google group của Thế hệ xanh (http://groups.google.com/group/thehexanh), trang thông tin của các Đại sứ quán ở Việt Nam, các mục du học…
3. Kết nối với bạn bè:
Một thợ săn thông minh không phải lúc nào cũng chăm chăm đi săn mồi. Anh ta sẽ gặp gỡ các thợ săn khác để trao đổi và học tập kinh nghiệm, cập nhật những địa điểm mới. Tương tự, bạn hãy gặp gỡ những người bạn ngưỡng mộ và cùng chí hướng nhiều hơn. Khi tham gia các chương trình, hội nhóm, các thành viên nhiều kinh nghiệm hơn sẽ giới thiệu nhiều cơ hội hay ho khác nữa cho bạn. Một số hội nhóm tôi đã nhận được rất nhiều thông tin: mạng lưới thế hệ xanh, AIESEC, Vietnam New Media Group, Vietnam Youth Forum, Vietnam Youth Entrepreneurs, Google Developer Group, Google Business Group…
4. Lưu trữ thông tin:
Tôi rèn cho mình một thói quen lập dữ liệu cơ hội của riêng bản thân bằng file excel. Trên đó, tôi lập nhiều tab khác nhau cho từng chủ đề. Ở mỗi tab tôi còn chia ra 12 cột tương ứng 12 tháng trong năm, để điền thời gian mở đơn, hạn nộp đơn của nhiều cơ hội sao cho không tháng nào bỏ sót điều gì.
Nguyễn Vũ Nam Phương, sinh viên của trường British University Vietnam trước bảo tàng lịch sử của Kerala, Ấn Độ. |
Bài học kinh nghiệm
Khi bạn đã quyết định ứng tuyển cho một chương trình, đừng bỏ cuộc trừ phi bạn đã cố gắng hết sức. Thời hạn nộp đơn quá sát? Hãy tập trung tâm trí cho nó bằng cách tắt tất cả các tab thừa của trình duyệt web, nhưng đừng nộp quá sát deadline để có thời gian rà soát lại, tránh trường hợp đáng tiếc bị loại chỉ vì trễ vài giây. Bạn băn khoăn trường hợp như mình có đủ chuẩn không? Hãy gửi email, gọi điện để bày tỏ khát khao được tham gia, bạn sẽ có thể được cân nhắc cho dù chưa có tiền lệ. Không được chọn làm thành viên và bày tỏ mong muốn làm cộng tác viên, tình nguyện viên vì kiến thức học được cũng ngang ngửa nếu bạn chủ động.
Đúng là để săn được một cơ hội tốt không hề dễ dàng và cần nhiều công sức. Nhưng một khi bạn chuẩn bị sẵn sàng, cơ hội sẽ có thể đến nhiều hơn và khiến bạn phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn khác: Chọn cái nào? Tuy nhiên, đó lại là một khó khăn thú vị hơn nhiều.
Theo Zing.vn