Là học sinh giỏi về công nghệ thông tin, trong 8 năm du học tại Nga, Nguyễn Hoàng Anh đã tham gia các diễn đàn hacker để học cách sử dụng “cc chùa”. Ban đầu “cc chùa” chỉ để gọi điện thoại về Việt Nam cho thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng sức hút từ “cc chùa” đã dần dần biến Hoàng Anh từ một du học sinh, thạc sĩ chuyên ngành tự động hóa trở thành tội phạm… Chiếm đoạt 1,4 tỉ đồng “cc chùa” Trong các ngày từ 23 đến 25/12, Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã điều tra, làm rõ, triệu tập 5 đối tượng trong ổ nhóm sử dụng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp để chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đặt phòng khách sạn. Các đối tượng liên quan gồm Nguyễn Hoàng Anh (28 tuổi), thạc sĩ tự động hóa tại Nga, Giám đốc Công ty Thương mại du lịch Khánh Đạt; Nguyễn Hải Hà (33 tuổi), Mai Quốc Việt (26 tuổi), Đào Việt Anh (29 tuổi) và Võ Việt Phương (34 tuổi). Quá trình điều tra xác định, tháng 6/2013, do có mối quan hệ từ trước, Nguyễn Hoàng Anh bàn bạc với Mai Quốc Việt và Nguyễn Hải Hà về kế hoạch sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác (cc chùa) để đặt phòng (booking) các khách sạn tại Việt Nam thông qua 2 trang web: expedia.com và agoda.com (thực tế không có khách đến ở). Sau đó nhóm của Hoàng Anh móc nối với một số đối tượng làm việc ở khách sạn để rút tiền từ Công ty Expedia, thỏa thuận ăn chia như sau: Hoàng Anh được 50%, Hà và Việt được 10%, khách sạn được 40% trên tổng số tiền rút ra từ khách sạn. Để thực hiện hành vi phạm tội, Hoàng Anh lên mạng Internet, vào các diễn đàn của hacker để mua “cc chùa” với giá từ 3-15USD/1 “cc chùa”, mua tài khoản sử dụng thay đổi IP để khi đặt phòng khách sạn, nếu các trang web bán hàng trực tuyến yêu cầu “cc” của nước nào thì thay đổi cho phù hợp. Nguyễn Hải Hà cùng Đào Việt Anh, Võ Việt Phương đi tìm kiếm các khách sạn có ký hợp đồng với Công ty Expedia để thông đồng với nhân viên khách sạn thực hiện việc đặt phòng. Danh sách các khách sạn này được chuyển cho Hoàng Anh để đăng ký tài khoản cho từng “booking” và dùng thông tin “cc chùa” để đặt phòng. Sau khi đặt phòng thành công, Hoàng Anh chuyển thông tin đặt phòng cho Hà biết, theo dõi để đến các khách sạn lấy tiền ăn chia. Bước đầu Cơ quan công an xác định: Từ tháng 6/2013 đến nay, các đối tượng đã thực hiện thành công việc đặt phòng tại 19 khách sạn tại Việt Nam, trong đó có 9 khách sạn tại Hà Nội và 10 khách sạn ở các địa phương khác với tổng số tiền đặt phòng khoảng 1,4 tỉ đồng, trong đó các đối tượng đã rút ra chia nhau khoảng 700 triệu đồng. Theo Trung tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, đây là vụ án tội phạm sử dụng thẻ ngân hàng trộm cắp (“cc chùa”) bằng phương thức đặt phòng khách sạn lần đầu tiên được khám phá trên địa bàn Hà Nội. Các vụ án đã khám phá trước đó, các đối tượng thường sử dụng “cc chùa” để mua hàng trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản, như mua vé máy bay, các loại hàng điện tử có giá trị cao… qua các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Quá trình điều tra cho thấy thủ đoạn của các đối tượng khá tinh vi. Sau mỗi phi vụ đặt phòng khách sạn bằng “cc chùa”, với hiểu biết về công nghệ thông tin, Nguyễn Hoàng Anh và các khách sạn có liên quan đều tìm cách xóa dấu vết.
Hiện PC50 Công an Hà Nội đã chuyển hồ sơ và các đối tượng liên quan đến Cơ quan CSĐT để tiếp tục làm rõ, xử lý về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự. Nỗi ân hận muộn màng của “thạc sĩ hacker” Trong nhóm tội phạm đều có trình độ cử nhân đại học trên, Nguyễn Hoàng Anh nổi trội hơn cả. Đi du học Nga từ lớp 11, đạt trình độ Thạc sĩ chuyên ngành tự động hóa một trường đại học kỹ thuật danh tiếng tại Nga, đẹp trai, điều kiện kinh tế khá, đang là giám đốc doanh nghiệp… Vì sao một trí thức có tài, giỏi về công nghệ thông tin, thành đạt trong cuộc sống lại trở thành tội phạm như vậy? “Em từng có ước mơ sẽ làm công việc chống tội phạm tin học. Nhưng sai lầm đã khiến em phải trả giá. Cái giá quá đắt khi em mất đi những gì đang có…” – Trải lòng của hacker là thạc sĩ du học tại Nga khi làm việc ở Cơ quan Công an đầy ân hận, tiếc nuối. Hoàng Anh cho biết đam mê và giỏi công nghệ thông tin từ những năm học cấp 3 Trường Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh (Nghệ An), từng giành giải 3 cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm lớp 11, Hoàng Anh sang Nga du học. Một năm học tiếng thành thạo, cậu ta thi đỗ Đại học kỹ thuật với mức học bổng toàn phần. Vào thời điểm đó, gọi điện thoại về nước rất đắt tiền. Trong nỗi nhớ nhà quay quắt, nhớ người thân, nhớ bạn bè, Hoàng Anh nảy ra ý nghĩ làm thế nào để được gọi điện thoại thoải mái về Việt Nam. Cậu ta lên mạng, mò mẫm vào các trang diễn đàn của hacker, xin “cc chùa” để mua tài khoản Yahoo Voice, Skype. Mục đích đầu tiên của Hoàng Anh khi sử dụng “cc chùa” chỉ để gọi điện thoại về nước. Dùng một mình không hết, cậu ta chia sẻ cho các bạn học sinh đi du học cùng. Cậu ta cảm thấy rất vui khi đã giúp được nhiều người. Thậm chí có cả tâm lý tự đắc khi được những người bạn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước am hiểu công nghệ thông tin của cậu ta. Dùng “cc chùa” để gọi điện thoại được khoảng một năm thì tại Việt Nam có dịch vụ điện thoại qua vệ tinh, giá thành thấp hơn nhiều so với trước đây. Việc dùng “cc chùa” tạm dừng. Thế nhưng, đối với những kẻ đã từng dùng “cc chùa” thì khó mà dứt ra được, bởi đó không chỉ là đam mê công nghệ thông tin mà còn là nguồn tài chính không bao giờ cạn, giúp một người từ tay trắng trở nên giàu có, mua được tất cả những gì mình thích mà không phải bỏ tiền túi. Theo Hương Vũ/Công an nhân dân |
||