Bắt đầu từ ngày mai (25.1 giờ Mỹ, tức tối 25.1 giờ Việt Nam), Ban biên tập trang tin Sinhvienusa.org sẽ khởi đăng chuyên đề Sếp Việt nghĩ gì về Du học sinh trên trang tin của Hội Thanh niên Du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ www.sinhvienusa.org.
Hầu hết du học sinh đều tính đến khả năng sẽ trở về Việt Nam làm việc, nhưng nhiều người phân vân không biết các lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam nghĩ gì về du học sinh?
Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã thực hiện chuyên đề “sếp Việt nghĩ gì về du học sinh” để chuyển tải tới bạn đọc. Chuyên đề là một loạt bài viết, phỏng vấn các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổng giám đốc doanh nghiệp, đại diện trường đại học… để bày tỏ góc nhìn của “sếp Việt” về du học sinh.
Qua các bài viết này, các “sếp Việt” sẽ chỉ ra những điểm mạnh điểm yếu của du học sinh đồng thời chia sẻ những câu chuyện thú vị về chính sự nghiệp của họ.
Các khách mời tham gia chuyên đề gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo tổ chức, cơ quan nhà nước, đại diện trường đại học…
TS. Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines cho rằng du học sinh rất giỏi nhưng khi trở về thì mới là điểm bắt đầu, việc học tập cần phải nỗ lực không ngừng và du học sinh rất cần sự dũng cảm để đương đầu với thử thách phức tạp ở nước nhà.
Từ một người làm lãnh đạo ở cơ quan nhà nước, TS. Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ góc nhìn từ chính con trai ông, một du học sinh trở về từ Anh. “Làm việc trực tiếp tại cơ sở để có vốn kinh nghiệm là điều cực kỳ quan trọng. Du học sinh khi trở về chỉ có lợi thế ban đầu, nếu họ không tiếp tục học thì sẽ bị tụt hậu rất nhanh”.
Nhà báo Trần Việt Hưng, tốt nghiệp trường báo chí danh giá Lille ở Pháp trở về, anh đã thành công nhờ sự chuẩn bị kỹ tinh thần và luôn cần mẫn áp dụng những tiêu chuẩn mới từng chút một.
Trong môi trường Đại học, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Đại diện ĐH Ngoại thương chê du học sinh ở điểm “các bạn hơi … rụt dè”, tại sao lại như vậy?
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc ADAMO Studio kể câu chuyện về một du học sinh rất xuất sắc nhưng lại thiếu trung thực, và ngay sau đó cô này phải rời khỏi chỗ làm. “Cái tài phải đi với cái tâm và tính kỷ luật thì mới phát triển bền vững được”, đó là nhận xét của anh Nguyễn Mạnh Tuấn.
Khép lại loạt bài là cuộc phỏng vấn của sinhvienusa.org với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đại sứ chia sẻ câu chuyện về thời kỳ ông còn học tại Mỹ, ông cũng trả lời rất thẳng thắn về việc có hay không sự chảy máu chất xám, chảy máu ngoại tệ nền kinh tế Việt Nam chi tiêu hàng trăm triệu USD cho hơn một vạn du học sinh tại Mỹ?
Mời các bạn đón đọc loạt bài Sếp Việt nghĩ gì về du học sinh, bắt đầu khởi đăng từ ngày mai, 25.1.
Ban Biên tập Sinhvienusa.org