Đến hẹn lại lên, từ ngày 22 đến 25-1, giới chóp bu chính trị và kinh tế thế giới tụ về Davos, Thụy Sĩ, để dự hội nghị thường niên do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, WEF) tổ chức. Cũng như mọi năm, mục tiêu của WEF được diễn đạt bằng sáo ngữ “improving the state of the world”, với khẩu hiệu chính thức rất đao to búa lớn“The Reshaping of the World”.
Để thế giới tươi đẹp hơn, những chủ đề nào sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự (the agenda)? Trong một video trao đổi với biên tập viên kinh tế Chris Giles của tờ Financial Times, Lionel Barber, chủ biên của báo này, cho rằng những vấn đề hàng đầu sẽ được thảo luận là tâm lý lạc quan hơn của giới kinh doanh (growing business confidence), tình trạng bất ổn ở Trung Đông (Middle East instability), tình trạng bất bình đẳng (inequality) và tác động của công nghệ (impact of technology).
Cũng như bao lần khác, trước khi diễn ra các sự kiện toàn cầu với sự góp mặt của giới quyền thế (the high and mighty), chuyện chênh lệch thu nhập và của cải luôn nằm trong số những từ ngữ thời thượng(buzzword).
Trong báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2014 (Global Risks 2014) công bố hôm 16-1, chính WEF nhận định rằng tình trạng chênh lệch thu nhập dai dẳng giữa người giàu và kẻ nghèo là rủi ro khả dĩ nhất gây tác hại nghiêm trọng trên bình diện toàn cầu trong thập niên sắp tới (“The chronic gap between the incomes of the richest and poorest citizens is seen as the risk that is most likely to cause serious damage globally in the coming decade”).
Báo cáo nêu hai nhóm rủi ro toàn cầu. Thứ nhất là những rủi ro toàn cầu dễ có khả năng xảy ra nhất (most likely global risks), gồm chênh lệch thu nhập (income disparity); các biến cố thời tiết khắc nghiệt(extreme weather events), thất nghiệp và thiểu dụng lao động(unemployment and underemployment), biến đổi khí hậu (climate change), và các vụ tấn công của tin tặc (cyber attacks).
Nhóm thứ hai là những rủi ro toàn cầu dễ có khả năng gây tác động nhất (most potentially impactful global risks), gồm các cuộc khủng hoảng tài khóa (fiscal crises), biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng nước (water crises), thất nghiệp và thiểu dụng lao động, và sự suy sụp cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu (critical information infrastructure breakdown).
Liền sau đó, ngày 20/1, tổ chức từ thiện Oxfam công bố báo cáo“Working for the Few” dựa trên số liệu thống kê của Crédit Suisse. Để minh chứng cho cái nhan đề đầy hàm ý, báo cáo này đầy những con số và nhận định cho thấy thế gian này chỉ tốt đẹp cho một thiểu số giàu có. Con số có lẽ được báo chí trích dẫn nhiều nhất là nửa nghèo nhất của dân số thế giới có số của cải bằng 85 người giàu nhất thế giới (“The bottom half of the world’s population owns the same as the richest 85 people in the world”).
Xin mở ngoặc thêm là tùy góc nhìn của mỗi tờ báo, dữ kiện nêu trên được viết lại sao cho hấp dẫn (eye-catching). Chẳng hạn, The Atlanticchạy tít “The World’s 85 Richest People Are as Wealthy as the Poorest 3 Billion”. Cái tít này đổi trật tự so sánh so với câu gốc và diễn giải “the bottom half” thành con số cụ thể “3 Billion” để tạo ấn tượng hơn khi so sánh 85 với 3 tỉ người (dù một nửa dân số thế giới chính thức là hơn 3,5 tỉ người, nhưng đó là chi tiết nhỏ, không cần chính xác 100% trong tít báo). Ngoài ra, “owns the same as” được diễn thành “are as wealthy as”; chỉ là dùng tính từ wealthy (giàu có) để so sánh về của cải (wealth), nhưng đầy vẻ mỉa mai vì trong câu này còn có từ poorest.
Chính người của Oxfam cũng ví von đủ kiểu khi đưa tin về báo cáo này. Trên Oxfam Blogs, trưởng ban thời sự Jon Slater viết “Rigged rules mean economic growth is increasingly ‘winner takes all’ for rich elites”. Làm sao có sân chơi công bằng (level playing field) khi luật chơi bị thao túng và gian lận (rigged). Bởi vậy tầng lớp chóp bu giàu có (rich elites) ôm trọn mọi thành quả tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Oxfam cho rằng tình trạng [người giàu] giành hết cơ hội và được đại diện chính trị nhiều hơn [so với người nghèo] là một xu hướng nghiêm trọng và đáng lo ngại (“opportunity capture and unequal political representation are a serious and worrying trend”).
Bài nhận định của Alex Andreou trên The Guardian chạy tít “Trickle-down economics is the greatest broken promise of our lifetime”. Thuật ngữ trickle-down economics hay trickle-down theory chỉ thuyết kinh tế cho rằng việc nhà nước giảm thuế cho doanh nghiệp và giới đầu tư sẽ kích thích sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, nhờ đó giúp kinh tế tăng trưởng và tạo ra của cải cho mọi tầng lớp, chứ không chỉ những người [thường là tầng lớp giàu có] đóng thuế ít hơn. Bản thân thuật ngữ này cũng có phần hơi mỉa mai vì tác động kiểu nhỏ giọt (trickle down) thì biết tới khi nào các tầng lớp dưới cùng mới hưởng được mẩu nào của miếng bánh kinh tế.
Chủ trương kinh tế của tổng thống Reagan (Reaganomics) là một ví dụ điển hình của thuyết này; ông từng giảm thuế suất thu nhập của nhóm có thu nhập cao nhất từ 70% xuống còn 50%. Đối lập với thuyết này là thuyết Keynes (Keynesianism), ủng hộ kích cầu bằng chi tiêu của chính phủ và các biện pháp can thiệp khác của chính phủ. Theo Alex Andreou, chủ trương “giúp người giàu làm ăn để mọi người cùng hưởng lợi” là sự thất hứa lớn nhất [của các chính phủ] hiện nay.
Tình trạng tập trung của cải trong tay thiểu số (wealth concentration in the hands of the few) đã dẫn đến thuật ngữ phổ biến trong mấy năm gần đây: one-percenter chỉ người thuộc nhóm 1% giàu nhất. Tuy 85 người chỉ chiếm 0,000001% trong 7,139 tỉ người hiện nay trên thế giới, báo cáo của Oxfam vẫn dùng chữ one percent. Chính nhóm one-percenters giàu nứt đố đổ vách (filthy rich) này là một trong những tác nhân làm bùng nổ các phong trào dân túy (populist movements) gần đây như Chiếm đóng Phố Wall (Occupy Wall Street), mà đôi khi còn được gọi bằng cái tên mỹ miều cuộc cách mạng của tầng lớp trung lưu(middle-class revolution).
Bỉnh bút Martin Wolf của tờ Financial Times so sánh tình cảnh thế giới hiện nay giống như cách đây 100 năm, khi sự dốt nát và các thành kiến (ignorance and prejudices) của tầng lớp giàu có và giới cai trị các nước đã dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất, cuộc xung đột tàn khốc nhất trong lịch sử. Trong bài viết “Failing elites threaten our future”, ông nhận xét rằng các giới chóp bu kinh tế, tài chính, trí thức và chính trị (the economic, financial, intellectual and political elites) có ba thất bại đe dọa tương lai thế giới.
Thứ nhất, họ gần như hiểu lầm những hậu quả của việc tự do hóa tài chính liều lĩnh (mostly misunderstood the consequences of headlong financial liberalisation). Cứ tưởng thị trường tài chính sẽ tự ổn định(self-stabilising), họ không chỉ cho phép mà còn khuyến khích ngành tài chính tăng cường đánh cược vào việc vung tay cho vay thoải mái. Kết quả là tai họa về nhiều mặt: “economies collapsed; unemployment jumped; and public debt exploded”.
Thứ hai, sự trỗi dậy của một tầng lớp chóp bu kinh tế và chính trị toàn cầu hóa ngày càng xa rời với những đất nước đã sản sinh ra họ (ever more detached from the countries that produced them) đã làm phai nhạt khái niệm tư cách và nghĩa vụ công dân (the notion of citizenship), vốn được xem là chất keo gắn kết một nền dân chủ, và tăng mức độ cai trị của thiểu số quyền thế (plutocracy). Plutocracy ở một mức độ nào đó là điều tất yếu ở những nền dân chủ dựa trên kinh tế thị trường. Nếu quần chúng nghĩ rằng giới chóp bu kinh tế ở nước mình hưởng lợi chất chồng dù thành quả chẳng ra gì và chỉ quan tâm đến bản thân, mà lại mong được [chính phủ] giải cứu khi tình hình bết bát, những mối dây ràng buộc xã hội sẽ đứt (“If the mass of the people view their economic elite as richly rewarded for mediocre performance and interested only in themselves, yet expecting rescue when things go badly, the bonds snap”).
Thứ ba, Châu Âu thất bại trong công cuộc hội nhập trọn vẹn, nhất là do số phận bấp bênh của đồng euro vì quản lý kém. Khủng hoảng tài chính ở khu vực sử dụng đồng euro (the eurozone) đã được nhắc quá nhiều, nhưng tình trạng rối loạn về hiến pháp (the constitutional disorder) ít được nói đến. Trong khu vực này, quyền lực tập trung trong tay của các nước chủ nợ (creditor countries), chủ yếu là Đức, và bộ tam thể chế không phải do dân cử (a trio of unelected bureaucracies) là Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Người dân ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề không có tiếng nói với các thể chế này, còn các chính khách do họ bầu ra thì bất lực (powerless). Sự chia lìa giữa trách nhiệm giải trình và quyền lực hủy hoại khái niệm trị quốc bằng dân chủ (“This divorce between accountability and power strikes at the heart of any notion of democratic governance”).Do đó, tác giả nhận định: “The eurozone crisis is not just economic. It is also constitutional”.
Martin Wolf cho rằng các xã hội phức tạp mong mỏi giới chóp bu của họ nếu không làm đúng thì chí ít cũng đừng phạm sai lầm ghê gớm. Ông kết luận nếu giới chóp bu tiếp tục thất bại và phụ lòng dân chúng và đất nước của họ (tác giả vận dụng sự đa nghĩa từ fail), thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của các tầng lớp dân túy phẫn nộ. “The elites need to do better. If they do not, rage may overwhelm us all”.
Thực ra, lâu nay một số người trong số one-percenters đã hiểu điều đó, và có thiện chí đền đáp lại cho xã hội. Nhiều năm liền Bill Gates nằm trong số giàu nhất thế giới, và được xem là một Davos Man, hay Davosian, một nhân vật quan trọng không thể thiếu ở mỗi kỳ Davos. Ông là một người làm việc thiện (philanthropist) nổi tiếng. Trước thềm Davos 2014, ông và vợ Melinda Gates chấp bút lá thư hàng năm của Sáng hội Bill và Melinda Gates (Bill and Melinda Gates Foundation) có nhan đề “3 quan niệm sai lầm cản trở sự tiến bộ của người nghèo” (“3 Myths that Block Progress for the Poor”). Trong đó, nhận định táo bạo nhất là đến năm 2035, trên thế giới sẽ gần như không còn nước nghèo(“By 2035, there will be almost no poor countries left in the world”).
Do những tầm nhìn và thiên hướng cải cách mạnh mẽ đôi khi có phần ngây thơ (naïve), Bill Gates còn được gọi bằng từ do-gooder (a well-meaning but unrealistic or interfering philanthropist or reformer). Thôi kệ, có quá lý tưởng hay không thực tế một chút cũng không sao, miễn là có nhiều tỉ phú đầy thiện chí như vậy thì thế giới mới mong tốt đẹp hơn.
Theo Phạm Vũ Lửa Hạ/Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bài nguyên gốc tại đây