Trong bài trước, TS Lương Hoài Nam đã đưa ra lời khuyên cho du học sinh về sự chuẩn bị trước khi trở về, trong phần 2 của bài phỏng vấn, anh chia sẻ những kinh nghiệm khi chọn chỗ làm và làm sao để tránh bị dìm, bị đì khi vào một cơ quan mới.
Anh nói: “Bạn nên mở cho tất cả các cơ hội để có nhiều lựa chọn. Điều quan trọng là bạn đừng “thích đủ thứ” trong một lựa chọn. Bạn không thể làm công chức nhà nước để thăng tiến mà lại muốn giàu có bằng đồng lương (ít ra là vào thời điểm hiện nay). Còn nếu làm cho tư nhân hoặc tổ chức nước ngoài, bạn sẽ được trả lương cao hơn, nhưng phải làm việc cật lực và đừng “nhem nhẻm” cãi các ông chủ, bà chủ như khi làm việc ở các tổ chức, cơ quan nhà nước vì họ có thể cho bạn “ra đường” rất dễ dàng”.
Với góc nhìn của anh, du học sinh khi trở về có nên tìm việc ở cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài trước để làm quen, trước khi làm việc cho cơ quan nhà nước ?
TS.Lương Hoài Nam: Tôi nghĩ là nếu một bạn du học sinh đã quyết định về nước làm việc, không nhất thiết phải có “bước đệm” qua một tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài để làm quen, sau đó chuyển qua làm cho các cơ quan nhà nước hay các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Bạn quyết định về nước làm việc nghĩa là bạn đã chấp nhận một sự thay đổi về môi trường so với nơi bạn đã sống và học tập. Nếu bạn làm được một phần như những gì tôi khuyên ở trên thì bạn có cơ hội thành công ở bất kỳ môi trường nào: nhà nước, tư nhân hay nước ngoài ở Việt Nam.
Bạn nên mở cho tất cả các cơ hội để có nhiều lựa chọn. Điều quan trọng là bạn đừng “thích đủ thứ” trong một lựa chọn. Bạn không thể làm công chức nhà nước để thăng tiến mà lại muốn giàu có bằng đồng lương (ít ra là vào thời điểm hiện nay). Còn nếu làm cho tư nhân hoặc tổ chức nước ngoài, bạn sẽ được trả lương cao hơn, nhưng phải làm việc cật lực và đừng “nhem nhẻm” cãi các ông chủ, bà chủ như khi làm việc ở các tổ chức, cơ quan nhà nước vì họ có thể cho bạn “ra đường” rất dễ dàng.
Khi làm việc ở công ty tư nhân, nếu như bạn có ý kiến khác ý kiến của ông chủ, bà chủ, bạn có thể (và rất nên) trình bày, bảo vệ ý kiến của bạn một cách chặt chẽ, nhưng không nhất thiết phải đẩy sự bất đồng quan điểm đến đỉnh điểm và làm hỏng quan hệ. Doanh nghiệp và tiền bạc là của họ, bạn phải tôn trọng quyền được sai và tự trả học phí của họ. Khi thấy sai và phải tự trả học phí, họ sẽ khắc nhớ tới ý kiến khác biệt của bạn và quay lại. Nếu thấy không thể làm việc nổi thì bạn có thể ra đi, nhưng đừng phá vỡ quan hệ và đừng bao giờ phản bội ông chủ, bà chủ và doanh nghiệp cũ của mình. Bạn vẫn có thể làm việc cho doanh nghiệp cạnh tranh với họ, nhưng cạnh tranh một cách có văn hoá và đúng luật.
Anh có thể chia sẻ sau khi anh du học trở về, anh có kinh nghiệm nào để có thể thích nghi tốt với môi trường công tác ở Việt Nam?
TS.Lương Hoài Nam: Khi tôi từ Liên-xô về nước năm 1990, Việt Nam đang ở một điểm thay đổi rất lớn: từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường và mở cửa làm ăn với nước ngoài. Tôi rất nhanh nhận ra rằng nhiều kiến thức chuyên môn và vốn ngoại ngữ tiếng Nga của tôi đã học được trong 10 năm ở Liên-xô đã “mất giá” rồi, không còn nhiều ý nghĩa trong điều kiện mới nữa.
Việc đầu tiên tôi làm là tự học tiếng Anh. Vì không có thời gian đi học tiếng Anh ở các trung tâm nên tôi học qua sách, băng cát-xét, các tài liệu chuyên ngành. Không biết tiếng Anh thì không tự học chuyên môn được, nên tôi học tiếng Anh là để có khả năng tự học chuyên môn. Ngoài ra, tôi học rất nhiều khoá học quản lý và chuyên môn ngắn hạn ở trong và ngoài nước. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, ngoài trao đổi công việc, tôi luôn tìm cách xin họ tài liệu.
Phải nói lúc đó thị trường lao động ở Việt Nam rất thiếu và cần những người như tôi, cho nên sự phát triển cá nhân thuận lợi hơn so với thị trường lao động có tính cạnh tranh cao như bây giờ.
Đối với các bạn đang du học hiện nay và chuẩn bị về nước, khả năng thích nghi với môi trường làm việc ở Việt Nam cũng không phải quá khó vì các bạn đã được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt hơn rất nhiều. Quan trọng là các bạn đừng lý tưởng hoá môi trường làm việc ở Việt Nam và ở nước ngoài. Ở đâu cũng có điều khó, điều dễ, không ở đâu hoàn hảo và chỉ có thuận lợi. Ở đâu cũng cần người giỏi, biết việc, biết điều và không có cách nào khác là phải trở thành người giỏi, biết việc, biết điều (theo các chuẩn mực nơi đó).
Các bạn có thể làm một “kỹ thuật” thế này: coi môi trường làm việc sắp tới của các bạn ở Việt Nam là rất khó khăn đi, nhưng các bạn đang trẻ, muốn chinh phục, muốn khẳng định mình. Khi bạn đã hình dung và chấp nhận một tình trạng xấu, nhưng trên thực tế nó không xấu như bạn đã nghĩ, bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn và tránh được sự bi quan, bất mãn có thể huỷ diệt bạn.
Bí kíp tránh bị đì
Một số người đang du học lo ngại rằng khi trở về, nếu chỉ có một mình trong một tổ chức thì rất khó phát huy tính sáng tạo, những kinh nghiệm học được từ nước ngoài, thậm chí sẽ bị “đì”, bị “dìm”. Anh nghĩ sao về điều này?
TS.Lương Hoài Nam: Khi một người đơn phương độc mã vào làm việc ở một môi trường mới thì rủi ro bị “dìm hàng” là hiện hữu, cả ở nước ta và ở nước ngoài. Sự khác biệt, có chăng chỉ là ở hình thức, mức độ.
Việc hạn chế rủi ro bị “dìm hàng” bằng cách xin việc ở những nơi lãnh đạo từng là du học sinh, có đầu óc sáng tạo, táo bạo… cũng là một cách và là cách tốt. Nhưng với cách đó, các bạn sẽ tự hạn chế những lựa chọn và con đường của mình. Không phải bao giờ các bạn cũng tìm được những tổ chức, doanh nghiệp như thế và kể cả khi các bạn tìm được, không ai đảm bảo rằng các vị lãnh đạo đó sẽ ngồi mãi ở đó mà không chuyển đi nơi khác.
Khi tôi làm Trưởng ban (Giám đốc) Kế hoạch Thị trường của Vietnam Airlines ở tuổi 30, tôi hỏi các bạn trẻ được tuyển dụng lý do tại sao các bạn lại chọn thi vào Vietnam Airlines, nhiều bạn trả lời là để được làm việc với lãnh đạo trẻ, học ở nước ngoài về “như anh”. Tôi nói với họ, cái đó cũng có hai mặt. Mặt thuận lợi là những lãnh đạo trẻ như tôi có thể hiểu các anh chị hơn, ủng hộ sự năng động, sáng tạo của các anh chị hơn. Nhưng mặt trái là những lãnh đạo trẻ như tôi sẽ “yên vị” rất lâu và “chặn” đường phát triển của chính các anh chị.
Tôi nói như vậy hoàn toàn chân thành. Trên thực tế tôi đã “yên vị ” ở vị trí đó… 11 năm (!). Nói chung thì cái gì cũng vậy, có mặt tốt thì có mặt xấu, không có sự lựa chọn nào hoàn hảo cả.
Khi xin việc, thay vì quan tâm tìm hiểu cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, các bạn nên quan tâm tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp (corporate culture). Tìm hiểu xem họ có Tầm nhìn (Vision), Sứ mệnh (Mission), Mục tiêu (Objectives) không? Có thì tìm hiểu tiếp xem họ có thực sự hiểu và theo đuổi không, hay là chỉ treo trên tường cho vui? Một môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp có tính bền vững cao hơn nhiều so với vai trò cá nhân một vài vị lãnh đạo.
Nếu bạn nào đó “đơn phương độc mã” vào một nơi làm việc mới thì cũng không có gì phải quá lo lắng. Việc đầu tiên là tìm hiểu thật kỹ văn hoá doanh nghiệp mà các bạn vừa vào, xem có cái gì hay, cái gì chưa hay. Cố gắng tìm hiểu những ai trên bạn, ngang bạn và dưới bạn ngay trong công việc của bạn. Sau khi bạn đã hiểu họ, hãy có một chiến lược từng bước “lan toả” quan hệ.
Không ai khác ngoài những người quanh bạn sẽ giúp bạn phát triển các quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Hãy bắt đầu từ những ai được nhiều đồng nghiệp quý mến và “tránh” những người bị nhiều người không thích, cho dù những người đó có vị trí, vai trò như thế nào. Bạn phải có cộng đồng của bạn đã, trước khi bạn muốn sáng tạo hay thay đổi điều gì trong một tổ chức.
Còn đối với các ý định tạo ra sự thay đổi, như tôi đã nói ở trên, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà bạn có khả năng “sở hữu” và tác động tích cực đến kết quả. Bạn cần có nhiều “thành tích nhỏ” để tạo uy tín, gây ảnh hưởng, sau đó mới đặt ra những mục tiêu lớn hơn.
Ngoài ra, bất kỳ mục tiêu nào bạn đặt ra, nó cũng sẽ ít nhiều bất lợi cho một số người ngay bên cạnh bạn, bạn cần hình dung trước và có cách “hoá giải” các vấn đề trước khi bạn vô tâm biến họ thành người đối lập, hoặc thậm chí thành kẻ thù.
Việc các thế hệ học sinh du học ở nước ngoài cùng nhau thành lập doanh nghiệp để tận dụng các quan hệ sẵn có và sự tương đồng về văn hoá, trình độ là ý tưởng không tồi, có thể theo đuổi nếu có cơ hội. Tuy nhiên, với văn hoá người Việt, “cá mè một lứa” không hẳn là lợi thế trong một tổ chức. Ngoài ra, các lưu học sinh sau khi sống và học tập nhiều năm ở nước ngoài thường cũng thiếu một số thứ cần thiết để làm việc hiệu quả ở Việt Nam. Tôi không nói đến chuyện chạy chọt, đút lót để được việc, nhưng cách duy trì và phát triển các mối quan hệ công việc trong môi trường Việt Nam rất khác so với nhiều nước khác.
Theo anh, nhà nước cần có chính sách gì để thu hút và sử dụng nguồn chất xám của du học sinh Việt?
TS.Lương Hoài Nam: Thẳng thắn mà nói, tôi không kỳ vọng nhiều vào những chương trình “Trải thảm đỏ đón nhân tài”, “Chiêu hiền đãi sỹ” theo như cách làm lâu nay ở nước ta.
Thu hút chất xám của du học sinh Việt Nam là cần thiết, nhưng cần làm việc này một cách có thực chất và bền vững. Có vẻ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã và đang làm điều này tốt hơn là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và các địa phương. Người ta có thể tuyển chọn và gửi các học sinh giỏi ra nước ngoài đào tạo, nhưng không thể giữ được họ một cách cưỡng bức, không vui vẻ, thoải mái nếu môi trường làm việc sau khi về nước không hấp dẫn và trả cho họ mức lương ba cọc ba đồng, không đủ để họ có một cuộc sống tử tế.
Tôi nghĩ rằng nhà nước cần đổi mới toàn diện chính sách, chế độ tiền lương để các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có khả năng cạnh tranh thu hút chất xám một cách bình đẳng trên thị trường lao động, giống như ở Singapore.
Đối với các bạn du học, tôi cũng nghĩ các bạn cũng không nên kỳ vọng vào các chương trình như vậy. Nên xác định rõ ràng việc đi bằng đôi chân, khối óc của mình. Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều cần người tài, đều đóng góp vào GDP, đều được coi trọng và đối xử bình đẳng, các bạn làm việc ở đâu cũng tốt cả.
Trân trọng cảm ơn anh
Káp Thành Long (thực hiện)
—————–
Profile TS.Lương Hoài Nam
Nơi từng học:
– Trường Đại học kỹ sư hàng không dân dụng Riga, Latvia, Liên-xô cũ. Tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sỹ kinh tế (PhD). Các khoá quản lý ngắn hạn trong và ngoài nước: INSEAD (Pháp), University of Michigan (Mỹ).
Vị trí, đơn vị đang hoặc đã từng công tác:
Các vị trí đã qua: Trưởng ban Kế hoạch Thị trường, Vietnam Airlines; Tổng biên tập Tạp chí Heritage, Vietnam Airlines; Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Nam Long; Giám đốc Điều hành Air Mekong
Các công việc hiện tại: Phó Tổng giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh (TMG, chủ của chuỗi Victoria Hotels & Resorts, các công ty lữ hành Buffalo Tours, Cho Lon Tours, công ty đặt phòng khách sạn iVIVU.com); Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu (thuộc TMG, khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ phục vụ du lịch cao cấp từ giữa năm 2014); Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (tức Nhà ga hàng hoá tại sân bay Tân Sơn Nhất); Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch và dịch vụ hàng không Hoàng Gia (đầu tư dự án du lịch trực tuyến Gotadi.com, sẽ hoạt động đầu năm 2014). Uỷ viên HĐQT Công ty BĐS Vinaconex – Viettel (chủ đầu tư dự án khu đô thị lớn tại Hà Nội).
Email cá nhân:
– namluonghoai@gmail.com
– FB: Luong Hoai Nam
Bài 3. Trong bài tiếp theo của loạt bài Sếp Việt nghĩ gì về du học sinh, TS.Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ bật mí những bí kíp để du học sinh có thể tồn tại và phát huy năng lực ở cơ quan nhà nước.