Có lần ông Võ Văn Kiệt tới gặp anh em văn nghệ đang ghi chép ca dao hò vè, ông hoan nghênh lắm. Ông bảo: “Ở Bắc, con đi học nước ngoài, bố mẹ chuẩn bị hai thứ, một là truyện Kiều, hai là cuốn ca dao tục ngữ”. Anh em hỏi tại sao, ông bảo: “Đọc Kiều để yêu thêm tiếng Việt, còn ca dao tục ngữ, lúc khó khăn giở ra là có lời giải hết trơn à”.
Chiều qua, 13.2.2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi vì tuổi cao sức yếu khiến gia đình và người hâm mộ vô cùng thương tiếc. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Cách đây gần 2 năm, ông cũng đã hoàn thành kịch bản bộ phim Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt dài 30 tập. Nhà văn Lưu Trọng Văn đã có dịp trò chuyện với tác giả của Chiếc lược ngà về những câu chuyện xunh quanh vị lãnh đạo kiệt xuất này. Bài viết này đã đăng vào cuối năm 2012 trên Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam, Một Thế Giới xin được đăng tải lại:
Kịch bản mô tả khoảnh khắc cuộc đời Võ Văn Kiệt vào năm 1973 nhưng lại vẽ “ra” được toàn bộ tính cách con người Võ Văn Kiệt.
Nguyễn Quang Sáng qua đường như sên bò nhưng lại viết như ngựa phi. Ông bảo, chạy đua với thời gian thôi. Tôi hỏi, năng lượng của “cỗ máy” của ông là gì, ông khà khà cười không còn hào hùng như cách đây vài năm nữa: “Vẫn là rượu”. Đêm qua ông đi uống rượu với anh bạn người Đức Frank Greke, còn được gọi là “ca sĩ” Trịnh Công Long (vì mê hát nhạc Trịnh Công Sơn và mê uống rượu với Trịnh Công Sơn mà lấy tên này). Nhưng sớm nay ông tỉnh queo chuyện trò với tôi về Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt. Ông nhà văn nhấp ly cà phê đen, rít điếu thuốc rồi tái hiện lại một vài cảnh phim cho tôi “xem”.
Phải “chiến” cứu dân!
“Đầu năm 1973, ta và Mỹ ký hiệp định Paris đình chiến, quân của ai thì ở đó. Nhà thơ Tố Hữu đi từ Bắc vô Nam truyền lệnh của Trung ương: “Cấm đánh”. Ừ thì không đánh! Tôn trọng hiệp định mà. Nhưng khổ nỗi, phía bên kia lại cứ “chiến” trong khi chúng ta “đình”. Ở khu 9 do ông Võ Văn Kiệt phụ trách, mất rất nhiều đất và dân, vùng giải phóng teo tóp lại. Ông Kiệt tức lắm, không đánh lại thì mất hết vùng giải phóng thôi. Và, như mọi lần trong cuộc đời “chinh chiến” của ông, khi mà trong ông có gì đó xáo động, trăn trở, dày vò không yên, ông lại “vi hành”.
Đi xiếc trên dây không bảo hiểm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lim dim đôi mắt còn ứa rượu đêm qua lại, ông biết đây là phút gay cấn nhất trong phim. Tôi hình dung ra ông Võ Văn Kiệt mặc bộ đồ xanh rêu quân giải phóng, đeo đôi kính mắt… vuông rất hợp với khuôn mặt vuông của ông, chuẩn bị nói một câu rất hệ trọng đối với cuộc đời ông, đối với những gì là tinh hoa nhân văn nhất trong con người ông. Và lời nói ấy đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng rành rẽ lại: “Mệnh lệnh của Đất và của Dân, đó là mệnh lệnh thiêng liêng nhất”. Rồi ông Kiệt thả thêm một câu rắn đanh nữa: “Nếu kỷ luật, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm”. Ông Sáng không thể không rít thêm hơi thuốc. Lần này ông vừa rít xong đã vội nhè khói ra vì ông muốn nói ngay một câu nói mà ông rất “sướng”: “Người ta đi xiếc trên dây có bảo hiểm, còn ông Võ Văn Kiệt đi xiếc trên dây không có bảo hiểm”.
Vâng, lịch sử đã chứng minh quyết định của Võ Văn Kiệt là đúng, với tinh thần chủ động tiến công giành lại đất, lại dân ở khu 9, dẫn đến vùng giải phóng được bảo vệ. Các khu khác trong toàn miền Nam “hùa” theo ông Võ Văn Kiệt, tạo thế cho ta tiến tới thống nhất toàn vẹn non sông vào 30.4.1975.
Thèm chết người vẫn không uống…
Tôi hỏi ông Sáng: “Khi ra mệnh lệnh “chiến” ấy, ông Kiệt động viên gì với bộ đội?”.
Ông Sáng bảo: “Ông Kiệt xuống các đơn vị quân đội, ông hổng động viên gì hết trơn mà ra ngay cái lệnh “cấm uống rượu!”.” Lính tráng ta phản ứng dữ lắm. Ông Kiệt quắc mắt: “Từ mai không uống nữa! Lệnh là lệnh”. Đám lính hỏi lại: “Thưa thủ trưởng: “Không uống rượu thì mần gì?”. Ông Kiệt gọn lỏn: “Đánh!” .Vậy là bộ đội vỗ tay rần rần: “Nếu “goánh” thì tụi em xin thề đứa nào uống một giọt rượu sẽ bị đòn tét mông”.
Tôi hỏi ông Sáng: “Ông Kiệt là người uống rượu cũng dữ lắm, liệu ông có làm gương?”. Ông Sáng đáp: “Làm gương chớ!”. Rồi ông Sáng kể: “Sau này khi về già, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương yêu cầu ông Kiệt không được uống rượu mạnh mà chỉ được uống rượu vang. Có lần tôi và Trịnh Công Sơn tới thăm ông, ông đem chai whisky ra rót cho tôi và Trịnh Công Sơn, còn ông rót rượu vang cho mình. Thấy có khách, bà Cầm vợ ông đi “kiểm tra” liền, liếc thấy ông Kiệt chỉ uống rượu vang, bà yên tâm đi về phòng của mình. Bà Cầm vừa đi khuất, ông Kiệt liền uống một ngậm whisky, ông cười: “Thèm quá!”. Tôi hỏi ông: “Thời chiến tranh ông ra lệnh cấm uống rượu thì…”. Ông Kiệt cười vẫn với nụ cười cởi mở thoải mái như thuở nào: “Thèm chết người vẫn quyết không uống”.
Bảo vệ văn công
Tất cả những chi tiết trên đều được ông Sáng cho vào phim trước cái giờ phút mà ông Kiệt nói: “Mệnh lệnh của Đất của Dân là mệnh lệnh thiêng liêng nhất”. Tôi hỏi ông Sáng: Qua 30 tập phim, những phẩm chất gì của ông Võ Văn Kiệt được ông khắc họa rõ nhất?”. Ông Sáng đáp:
1. Luôn đi với dân. Luôn nghe dân. Luôn vì dân.
2. Sáng tạo, linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
3. Chịu chơi.
Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng và vợ |
Để kết thúc câu chuyện “cà phê vỉa hè” với tôi, ông Sáng kể lý do nào mà ông quen được với ông Kiệt:
Tôi và Trịnh Công Sơn quý mến ông Kiệt rồi trở thành bạn thân thiết với ông bắt đầu từ câu chuyện như thế…”.
Bài: Lưu Trọng Văn – Ảnh: Nguyên Trương