Sáng 20.2, Giáo sư (GS) Larry Berman, tác giả cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6 – đã cùng khách sạn Continental Sài Gòn gắn bảng đồng ghi nhớ thời gian hoạt động của tướng Phạm Xuân Ẩn trước căn phòng 307.
Tại căn phòng này, từ năm 1960 – 1975, với vai trò là một phóng viên chi nhánh Hãng thông tấn Reuters và sau đó là của Tuần báo Time tại Việt Nam có trụ sở đóng tại khách sạn Continental, tướng Phạm Xuân Ẩn đã thu thập một lượng lớn thông tin tình báo có giá trị đặc biệt quan trọng về các chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Dịp này, phóng viên Thanh Niên Online đã trao đổi với GS. Larry Berman về những kế hoạch sắp tới của ông.
-Thưa GS., được biết ông đang xúc tiến làm phim điện ảnh về tướng Phạm Xuân Ẩn, kế hoạch tiến triển như thế nào rồi?
* Tôi đã tiếp xúc với 3 đạo diễn nổi tiếng thế giới ở Anh và Mỹ, nhưng xin không tiết lộ danh tính của họ. Cả 3 đã đọc xong sách về tướng Phạm Xuân Ẩn của tôi. Ngoài ra, tôi cũng đang thành lập một nhóm cố vấn để xây dựng những vấn đề cơ bản nhất cho cuốn phim, vì có nền tảng cơ bản vững chắc mới có nội dung hay và phim thành công. Tôi thật sự muốn làm phim về tướng Ẩn để cả thế giới và Việt Nam được xem.
-Hình tượng nhân vật Phạm Xuân Ẩn trong phim của ông sẽ được tạo dựng như thế nào, có khác với nhân vật trong sách Điệp viên hoàn hảo X6?
* Chúng tôi sẽ phải đi tìm một diễn viên vào vai Phạm Xuân Ẩn từ lúc trẻ cho đến khi lớn tuổi, từ lúc đấu tranh cho hòa bình đến lúc hàn gắn vết thương chiến tranh sau khi cuộc chiến kết thúc. Vì thế, phim phải làm nổi bật vai trò hàn gắn vết thương sau chiến tranh và thể hiện được nhân cách lớn của một con người như tướng Phạm Xuân Ẩn.
-Vậy lo lắng lớn nhất của GS. là tìm kiếm một đạo diễn tài ba để làm rõ chủ đề của phim hay một diễn viên giỏi có thể là nổi bật hình tượng nhân vật Phạm Xuân Ẩn trong phim?
* Đây là câu hỏi hay! Theo tôi, diễn viên thì ai cũng có thể diễn được, ăn thua là đạo diễn có thể hiện được vai trò của tướng Phạm Xuân Ẩn hay không, đúng như phong cách và con người của tướng Ẩn. Ngoài ra, còn phải có nhà biên kịch giỏi và nhà sản xuất cũng quan trọng. Người viết kịch bản không phải là tôi, tôi chỉ làm cố vấn, tư vấn cho người viết kịch bản mà thôi.
-Dự án làm phim về tướng Ẩn có thể hoàn thành vào thời điểm nào, thưa GS.?
* Dự kiến là trong vòng 4 năm kể từ năm nay, bao gồm 1 năm chuẩn bị, 1 năm viết kịch bản, 1 năm làm phim… Tôi cũng đang suy nghĩ là phim nên được quay ở đâu nhưng tốt nhất phải quay ở Việt Nam. Tôi cũng kỳ vọng phim thành công như phim Người Mỹ trầm lặng. Tôi muốn cuốn phim phải thể hiện được con người yêu chuộng hòa bình của tướng Phạm Xuân Ẩn, để đời sau khi tôi gặp ông ấy ở bên kia, tôi có thể nhìn thẳng vào mắt ông mà nói rằng tôi đã làm được cuốn phim đúng với chính con người của ông. Đó là lý do tôi trực tiếp tham gia vào dự án phim này chứ không bán tác quyền. Ngoài ra, tôi cũng xúc tiến làm phim truyền hình về tướng Phạm Xuân Ẩn, chủ yếu chiếu cho người Việt xem, kế hoạch là trong 2 năm sẽ xong.
-Ông thường xuyên đến TPHCM, mỗi lần đến ông đều được khách sạn Continental ưu ái sắp xếp ở phòng 307. Cảm giác của ông như thế nào?
* Tôi thực sự cảm thấy rất gần gũi với linh hồn tướng Ẩn. Từ căn phòng này, vào tháng 4.1975, Phạm Xuân Ẩn đã tiếp đoàn tiếp quản. Và tôi hãnh diện với việc được ở căn phòng này.
Nội dung bảng đồng lưu niệm ghi: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khách sạn Continental Sài Gòn, trước đây có tên gọi là Continental Palace từng là trụ sở của các tạp chí danh tiếng Time và Newsweek. Với sứ mệnh nhà tình báo chiến lược, Tướng Phạm Xuân Ẩn đã đi học báo chí ở Mỹ và sau đó là nhà báo chính thức của hãng tin Reuters, tạp chí Time và New York Herald Tribune, từng hoạt động tại đây cho đến ngày 30.4.1975”. GS. Larry Berman là nhà sử học, giáo sư danh dự tại Trường Đại học California, hiện là Trưởng khoa đào tạo nhân tài ưu tú, Trường Đại học quốc gia Georgia (Mỹ).