Đói nghèo quả là đáng sợ, nhưng bẫy thu nhập trung bình còn đáng sợ hơn cho những nước muốn trở nên thịnh vượng.
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng khi mà một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ giậm chân tại chỗ.
Một quốc gia giống như một gia đình, ở thời đói khổ, không một nắng hai sương thì lấy gì mà ăn. Tuy nhiên, đến lúc nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai hơn mình thì lại khác. Khi gánh nặng đói nghèo được tháo bỏ, thường có hai khuynh hướng trái ngược nhau.
Lúc này, nếu có nhiều cơ hội làm động lực thì mỗi cá nhân cũng như một quốc gia sẽ tiến rất nhanh. Ngược lại, nếu có ít cơ hội hơn hoặc chúng không rõ ràng thì tâm lý nghỉ ngơi hoặc có cố cũng chẳng khá được bao nhiêu có thể xuất hiện.
Phải chăng đây chính là vấn đề của Việt Nam hiện nay?
Mô men tăng trưởng và các cơ hội đã mở ra rất nhiều ở thời điểm Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, những “nội công ngoại kích” đã làm hầu hết cơ hội làm giàu chính đáng cho các cá nhân và cơ hội bứt phá của cả nền kinh tế tan thành mây khói.
Điều đáng quan ngại là những mặt trái, những thách thức của toàn cầu hóa và của thị trường tự do đã và đang trở nên rất nghiêm trọng.
Mỗi cá nhân có thể phát huy tối đa bản chất “tham – lười – ích kỷ” của mình chính là sự mầu nhiệm đồng thời cũng là thách thức của cơ chế thị trường.
Khi mỗi người biết mình sẽ được hưởng những thành quả do mình tạo ra và có nhiều cơ hội thì hầu hết sẽ hăng say làm việc. Lúc này, cả xã hội cũng sẽ khấm khá lên.
Ngược lại, nếu xã hội có nhiều bất công, một số người giàu nhanh bằng các quan hệ hay mánh lới mà thực chất là tước đoạt của những người khác thì động lực làm việc chân chính sẽ bị thui chột ở rất nhiều người.Con người nói chung đều thích hưởng thụ, ngại khó khăn và hay chùn bước. Khi thấy các cơ hội không đáng là bao trong khi việc hưởng thụ, ăn chơi tụ tập sẽ vui thú hơn thì nhiều người không muốn làm việc. Dù sao vẫn có cái đổ vào nồi và có cố cũng chẳng đến đâu thì việc gì phải nhọc thân.
Lúc này số người giàu lên một cách chân chính sẽ không nhiều và cả xã hội giậm chân tại chỗ. Hơn thế, bất công tràn lan sẽ làm cho việc ra tay nghĩa hiệp trở nên đơn độc và dễ thiệt thân nên nhiều người chọn giải pháp mặc kệ cái chung. Đây chính là vấn đề của bẫy thu nhập trung bình.
May thay, việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình không phải là không thể.
Ở góc độ cá nhân, sự giàu có của mỗi gia đình được dựa trên công sức của chính gia đình đó. Quốc gia thịnh vượng, nhưng bản thân gia đình nghèo khó thì vẫn thua thiệt. Ngược lại, xã hội có nhiều vấn đề mà bản thân cá nhân hay gia đình cố gắng để có của ăn, của để thì tốt hơn rất nhiều.
Ở tầm quốc gia, những nơi mà ở đó hầu hết mọi người đều hăng say làm việc và được hưởng thành quả do công sức của mình bỏ ra thì cả xã hội sẽ khấm khá lên và quốc gia sẽ thịnh vượng.
Do vậy, vai trò của nhà nước, đơn giản chỉ là tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định, các thể chế tạo dựng sự công bằng để mọi người hăng say theo đuổi lợi ích của bản thân.
Đối với mỗi cá nhân, muốn trở nên ấm no và có vị trí trong xã hội thì nên tập trung làm những gì có thể hơn là dành quá nhiều thời gian than thân trách phận hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Theo TS.Huỳnh Thế Du/Thời báo Kinh tế Sài Gòn