Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ, tôi xin gửi những chúc tốt đẹp nhất đến một nửa nhân loại trên toàn cầu, những người đã sinh ra và nuôi dưỡng cả nhân loại của chúng ta!
Trong dịp đặc biệt này tôi xin tản mạn một chút về vấn đề nữ quyền và sự phát triển.
Bình đẳng giới và sự tiến bộ của nhân loại được thể hiện rất rõ trong lời phát biểu của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki moon: “Những quốc gia bình đẳng giới hơn có sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Những công ty có nhiều lãnh đạo nữ hơn có kết quả kinh doanh tốt hơn. Những thỏa thuận hòa bình có phụ nữ tham gia sẽ bền hơn. Các nghị viện có nhiều phụ nữ hơn ban hành được nhiều luật hơn cho các vấn đề xã hội then chốt như y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử và hỗ trợ trẻ em. Bình đẳng cho phụ nữ nghĩa là tiến bộ cho tất cả.”
Được đối xử bình đẳng là một trong những quyền con người cơ bản. Bình đẳng giới có lẽ là cuộc đấu tranh kéo dài và dai dẳng nhất trên hành tinh của chúng ta.
Tôn giáo, truyền thống và văn hóa có tác động rất lớn đến quan niệm về bình đằng nam nữ. Thấp nhất là các nước Hồi giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và Khổng giáo ở giữa, và tốt nhất là Công giáo. Bình đẳng giới, nói chung, cũng tỷ lệ thuận với mức độ phát triển của các quốc gia.
Đã có những bước tiến dài trên bình diện toàn cầu. Ở nhiều nơi, nam và nữ được đối xử như nhau không chỉ ở các quy định của luật pháp mà ở cả các quan niệm và cách hành xử trong xã hội.
Tiên phong ắt hẳn là các nước Bắc Âu. Trong xếp hạng năm 2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì các nước này nằm trong nhóm 10. Đặc biệt, Ireland, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển xếp vị thứ từ 1 đến 5.
Các nước này đã tạo sự tự chủ cho từng thành viên trong một gia đình. Mỗi người gần như tự chủ hoàn toàn về mặt kinh tế, nhất là giữa vợ và chồng. Điều này làm cho phụ nữ ít bị phụ thuộc hơn và có cơ hội phát triển nghề nghiệp và khả năng của bản thân hơn.
Thường thì tính tự chủ và sự bình đẳng đối với phụ nữ cao có khuynh hướng tỷ lệ nghịch với việc sinh nở vì đây là một việc rất nặng nhọc. Tuy nhiên, điều này không mấy nghiêm trọng ở các nước Bắc Âu.
Tuy thấp hơn mức thay thế lý tưởng 2,1, nhưng tỷ lệ sinh trên một phụ nữ của các nước này so với nhiều nước phát triển khácđang khá ổn với Đan Mạch và Phần Lan 1,87, Na Uy 1,95, Thụy Điển 1,96 và Ireland lên đến 2,2.
Làm thế nào để khuyến khích phụ nữ có sự bình đẳng cao với các cơ hội thăng tiến trong xã hội vẫn giữ được thiên chức làm mẹ như các nước này là rất thú vị. Đây quả là một mô hình lý tưởng.
Ngược lại, có rất nhiều điều đáng quan tâm đối với vấn đề về bình đẳng giới và tỷ lệ sinh ở các nước Đông và Đông Nam Á.
Trong các nước và nền kinh tế đã phát triển ở khu vực này, chỉ có Singapore xếp hạng 58 cao hơn trung vị (điểm giữa) của 136 nước được xếp hạng một chút, trong khi Nhật Bản lên đến 105, Hàn Quốc lên đến 111. Đối với một số nước ở mức độ phát triển thấp hơn thì xếp hạng cũng rất thấp như Thái Lan 65, Trung Quốc 69, Việt Nam 73, Indonesia 95, Malysia 102.
Vấn đề làm đau đầu hơn cả đối với các nước ở khu vực này, nhất là các nước phát triển là tỷ lệ sinh. Sinh ít con là một hệ quả không mong đợi của việc bình đằng giới. Tỷ lệ 1,39 của Nhật Bản, 1,22 của Hàn Quốc, 1,15 của Singapore, 1,1 của Hồng Kông và Đài Loan là đáng lo ngại. Những con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2,1 nêu trên.
Lý Quang Diệu đã chỉ ra tính nghiêm trọng của việc phụ nữ không chịu sinh ở Nhật Bản. Nó là một trong những nguyên nhân chính làm cho “Nhật Bản dần bước vào sự tầm thường.”
Ông Lý viết: “Đã nhiều năm, phụ nữ Nhật Bản chấp nhận vai trò được chỉ định theo văn hóa của họ trong gia đình và trong xã hội. Họ khá hạnh phúc khi ở nhà sinh nở và nuôi dạy con cái, phục vụ người già và quán xuyến nội trợ. Nhưng khi phụ nữ đã đi đây đó, bị ảnh hưởng bởi những người ở những nơi khác trên thế giới, và khi họ đã nếm mùi vị của tự do lao động cùng sự độc lập về kinh tế, các quan điểm đã thay đổi sâu sắc và không thể đảo ngược… Trong một hoặc hai thế hệ, phụ nữ đã vứt bỏ vai trò của họ trong xã hội cũ. Họ thực hiện những tính toán riêng và quyết định rằng cách đối xử vốn có không còn phù hợp với họ nữa. Họ không muốn mang gánh nặng con cái.”
Đây quả là một vấn đề rất lớn hiện nay đối với Nhật Bản cũng như nhiều nước khác và là viễn cảnh không mong đợt đối với nhiều nước trong khu vực, nhất là các quốc gia dùng đũa.
Bình đẳng giới là một tiến trình tất yếu đi cùng với sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, đây quả là một thách thức đối với các nước có truyền thống hay lễ giáo đối xử không bình đẳng với phụ nữ. Do vậy, ở các nước này cần có một cách tiếp cận khác về việc phân chia gánh nặng trong gia đình.
Liệu đàn ông Việt Nam có thực hiện được điều này khi mà tỷ lệ sinh hiện tại chỉ là 1,82? Chúng ta vẫn theo cái nếp cũ để phụ nữ phải làm tất cả những việc không tên trong gia đình vì cái gọi là công dung ngôn hạnh đến một lúc họ không muốn ràng buộc và làm gì cả như một số nước phát triển nêu trên hay cùng chia sẻ mọi việc để hạnh phúc trong mỗi gia đình được đề huề cho tất cả trong một xã hội hài hòa?
Theo Huỳnh Thế Du/TheSaigonTimes.vn
Bài gốc có thể xem tại đây.