Bảo Nga một SV đang theo học tại trường Anglo-American University tại Prague, Cộng hòa Séc vừa có một chuyến đi tới Mỹ trong chương trình trao đổi giữa trường của Nga và trường Kent State, Ohio bên Mỹ. Cô đã có một khảo sát nhỏ về các yếu tố khiến Mỹ trở thành quốc gia được giới HS, SV, NCS chọn để tới. Mời bạn cùng đọc phóng sự ngắn của cô dưới đây để biết lý do tại sao.
Tác giả ngoài cùng bên trái trong chuyến đi tới Mỹ
Kỹ năng mềm: Yếu tố cạnh tranh của DHS Mỹ
P. M. Phương ngồi trong lớp chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài. Thi thoảng bạn nhíu mày cố gắng hiểu nhưng gì cô giáo nói. Mặc dù đã vượt qua kỳ thi tiếng Anh, IELTS, với kết quả tốt, Phương vẫn gặp trở ngại lớn với tiếng Anh Mỹ. “Người Mỹ nói nhanh quá. Mình nghe không theo kịp,” Phương, sinh viên khoa báo chí đang theo học tại Đại học Kent State chia sẻ về cú sốc văn hóa khi mới đặt chân đến Mỹ. “Mình rất ghét thảo luận trong lớp vì không tự tin với vốn tiếng Anh của mình,” Phương nói.
“Sinh viên nước ngoài, đặc biệt các bạn đến từ châu Á rất thụ động trong lớp học,” Candace Bowen, giảng viên khoa báo chí Đại học Kent State nói về kinh nghiệm giảng dạy của mình.
Không chỉ mình Phương mà rất nhiều các bạn du học sinh Việt Nam khác cũng gặp vấn đề tương tự khi mới đặt chân tới Mỹ. Ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy khác biệt đã làm nhiều bạn sốc. Tuy nhiên, môi trường giáo dục tốt và đầy tính cạnh tranh đã giúp các bạn học được rất nhiều kỹ năng mềm hữu dụng, trong đó có sự tự tin, khả năng hội nhập nhanh, kỹ năng thuyết trình, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, diễn thuyết trước công chúng, tư duy phản biện, mà các bạn khó lòng học được ở Việt Nam.
Du học sinh ngày càng tăng
Theo báo cáo Trao đổi Giáo dục Quốc tế Open Doors công bố vào tháng 11 năm 2013, số lượng sinh viên Việt Nam tại Mỹ trong niên khóa 2012/2013 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Với 16, 098 sinh viên, hiện Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về số lượng sinh viên đang theo học tại Mỹ. Trước năm 1990, số lượng sinh viên Việt Nam tại Mỹ không nhiều, nhưng tăng đáng kể từ năm 1998 với mức tăng trưởng hai con số trong một vài năm gần đây.
Theo tiến sĩ Randy Scott Miller, một học giả tại Đại học Bắc Texas, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ tăng bởi 3 lý do chính: danh tiếng nền giáo dục bậc nhất thế giới, thân nhân ở Mỹ tạo ra một hệ thống hỗ trợ vững chắc và tăng trưởng kinh tế giúp nhiều gia đình có điều kiện cho con đi du học.
Danh tiếng và trải nghiệm văn hóa
“Đó là một nền giáo dục chất lượng cao và rất thực tế,” L.K.Vân, sinh viên năm thứ ba ngành thương mại thời trang nhận xét về nền giáo dục cô đang theo học.
Hầu hết sinh viên Việt Nam chọn du học Mỹ bởi danh tiếng nền giáo dục đại học tốt. Chọn Mỹ, các sinh viên hy vọng nâng cao trình độ Anh ngữ là kỹ năng trong thể thiếu trong thời đại toàn cầu hóa và trải nghiệm nền văn hóa mới.
“Mình muốn khám phá thế giới,” P.N. Minh, sinh viên thiết kế thời trang Đại học Kent State nói. Cũng như Vân, Minh chọn Đại học Kent State vì danh tiếng: “Kent State là một trong những trường đại học tốt nhất cho nghành thiết kế thời trang,” Minh nói đầy tự hào. Bạn hy vọng sẽ nâng cao kiến thức chuyên nghành và tìm một công việc tốt sau khi ra trường. Tuy nhiên, con đường phía trước Minh không dễ dàng. “Học đại học ở đây rất khó. Bạn cần phải học rất chăm chỉ, “Minh nói.”Ở Việt Nam, bạn thi đỗ vào trường đại học và cơ hội tốt nghiệp của bạn rất cao ngay cả khi bạn không quá nỗ lực. Nếu bạn có tiền, bạn có thể mua được bằng cấp cơ mà.” Giáo dục đã trở thành dịch vụ thương mại tại Việt Nam. Điểm hoặc bằng cấp có thể trao đổi bằng tiền.
Học tại Việt Nam: Quá nhiều lý thuyết và ít thực hành
“Giáo dục Việt Nam rất nhàm chán. Ít sự kết nối giữa nhà trường và thực tế bên ngoài, “Phương, sinh viên báo chí Đại học Kent State so sánh.” Trong khi giáo dục Mỹ thực tế hơn rất nhiều.” Phương cũng chia sẽ rằng tại Đại học Kent State, bạn luôn được đặt vào trong tình huống thực tế để giải quyết vấn đề.
“Tôi luôn cố gắng để cân bằng kiến thức dạy trong trường với thực tế bên ngoài,” Bowen, giảng viên báo chí Đại học Kent State nói về phương pháp giảng dạy mình.
Giáo dục Đại học Việt Nam rất giỏi trong việc cung cấp cho sinh viên lý thuyết nền tảng. Tuy nhiên, việc giảng dạy kỹ năng thực tế cho sinh viên chưa được chú trong nhiều. “Có quá nhiều môn học không liên quan đến chuyên nghành,” V. L. Thơm, sinh viên Học Viện Tài Chính, Hà Nội bức xúc chia sẻ. “Học quá nhiều lý thuyết và ít thực hành.”
Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến, tôi nhận được 32 phản hồi từ các bạn sinh viên đã và đang học ở Việt Nam, 28 người trong số họ khẳng định sự “vắng mặt” của đào tạo kỹ năng mềm trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Nhiều bạn tự nhận mình thiếu sự tự tin, khả năng thuyết trình chưa tốt, thiếu tư duy sáng tạo, phản biện và trình độ tiếng Anh kém.
“Mình thiếu tự tin, kỹ năng thuyết trình chưa tốt và tư duy phản biện kém, ” N. Khanh, đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội nói.”Sau khi tốt nghiệp ra trường và bắt đầu làm việc, mình bàng hoàng khi thấy thực tế khác xa với những gì mình được học trong trường.” Gần đây, nhiều trường đại học đã mở ra các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên có thể phát triển kỹ năng mềm trong một số hoạt động ngoại khóa của trường hay bên ngoài. Tuy nhiên, kỹ năng mềm vẫn là chủ đề gây nhiều quan tâm.
Thiếu kỹ năng mềm làm giảm cơ hội
Trong một buổi tọa đàm tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội, Trần Trọng Thành, Giám đốc điều hành của Tổng công ty VINAPO phát biểu: “Có thể nói 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như không có kỹ năng mềm.” Theo ông, bằng cấp là quan trọng, nhưng năng lực thật sự và kinh nghiệm mới là yếu cố quyết định thành công của sinh viên với các nhà tuyển dụng.
H.E. Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng có những nhận xét tương tự: “Chúng tôi đã nghe rất nhiều than phiền từ các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty nước ngoài cho rằng sinh viên Việt Nam rất cần cù và có hoài bão. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, họ không đủ kỹ năng cần thiết mà các nhà tuyển dụng cần.”
Giáo dục Mỹ khuyến khích phát triển kỹ năng mềm
“Mình đã học được kỹ năng nghiên cứu và quản lý dự án, ” Đ. Trang, sinh viên Đại học Indiana chia sẻ về những kỹ năng mềm mà bạn đã học được. Trang cho rằng nếu học ở Việt Nam, bạn sẽ ít có cơ hội phát triển những kỹ năng này.
“Ở Mỹ, mình có nhiều nguồn tiếp cận thông tin hơn,” Trang nói. “Mình cũng có cơ hội làm việc trong các dự án để thực hành những gì mình đã được học.”
Trang nhấn mạnh thêm rằng giáo dục Mỹ đã dạy bạn cách giải quyết vấn đề hiệu quả và triệt để hơn. “Ở Mỹ họ dạy cho bạn chia vấn đề ra thành các mảng nhỏ và bạn chỉ chọn một mảng nhất định để tập trung giải quyết.”
Đối với Phương, sinh viên báo chí Đại học Kent State, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đã giúp bạn phát triển tư duy phản biện và khả năng thuyết trình. “Mình đã không còn sợ các cuộc thảo luận trên lớp nữa”, Phương tự tin nói về nỗi sợ hãi của mình trước đây.
“Chúng tôi muốn sinh viên của chúng tôi có khả năng giao tiếp và tư duy phản biện tuyệt vời, ” Danielle S. Coombs, phó giáo sư khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Kent State, nói.” “Sinh viên của chúng tôi phải đi trước hai bước khi ra thực tế bên ngoài. “
Cô nói thêm: “Chúng tôi dạy sinh viên phân tích thông tin, tìm hiểu ý nghĩa và tìm cách áp dụng nó vào cuộc sống.” Combs cũng nhấn mạnh rằng kỹ năng mềm được đào tạo chuyên sâu ở các câu lạc bộ ngoại khóa, hoặc thông qua phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo trên lớp.
“Tôi chia sinh viên vào các nhóm nhỏ và đưa ra cho họ một vấn đề để họ cùng nhau giải quyết, ” C. Bowen, giáo sư khoa báo chí Đại học Kent State nói.”Tôi muốn sinh viên học cách giải quyết vấn đề và tìm cách áp dụng nó vào thực tế”.
Tại Đại học San Diego, bang California, N. Tuấn, 26 tuổi, sinh viên chuyên ngành tài chính, học được sự tự tin. “Mình đã trở nên tự tin hơn rất nhiều từ khi sang học bên này. Mình đã khám phá bản thân, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì“,Tuấn nói.
Tự tin là kỹ năng mà rất nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã học được. “Bố mẹ người Mỹ luôn dạy con cái họ tự tin và trân trọng bản thân. Còn bố mẹ Việt dạy con cái phải khiêm tốn, “Minh, sinh viên Đại học Kent State nói. Đó cũng là lý do mà Minh cho rằng rất nhiều sinh viên Việt Nam không tự tin về bản thân mình. “Xã hội châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không khuyến khích sự khác biệt, trong khi xã hội Mỹ khuyến khích điều đó”. Minh nói.
Suy nghĩ khác biệt kích thích sự sáng tạo và đó cũng chính là một trong nhiều kỹ năng mà du học sinh Việt Nam tại Mỹ được đào tạo và phát triển.
“Giáo dục Mỹ đẩy mình ra khỏi “vùng an toàn” để khám phá thế giới, “T. P. Hoa, cựu sinh viên Đại học Keuka, New York, nói. Hiện giờ Hoa đang làm cho một công ty kế toán tại Washington. “Mình rất sợ môn diễn thuyết trước công chúng, ” Hoa kể về kỷ niệm đầu tiên tại Đại học Keuka.”Nó giống như một cơn ác mộng đối với mình. ”
Diễn thuyết trước công chúng là môn học không được giảng dạy nhiều ở các trường đại học tại Việt Nam khiến không ít du học sinh bỡ ngỡ khi học môn này. Diễn thuyết bằng tiếng Việt đã khó, diễn thuyết bằng tiếng Anh lại khó hơn gấp bội lần. “Mình đã rất hồi hộp. Cơ thể mình run lên, đổ mồ hôi nhễ nhại, “Hoa mô tả lần diễn thuyết đầu tiên của mình.” Nhưng cô giáo rất tốt. Cô đã động viên và giúp đỡ mình rất nhiều. “
Đối với nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ, môi trường giáo dục cạnh tranh, cách tiếp cận sinh viên cũng như phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo tạo nên sự khắc biệt giữa hai nền giáo dục. “Hầu hết các giáo viên Mỹ rất thân thiện và họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Họ tôn trọng bạn, “Hoa nói.
Một sinh viên khác, N. Sơn, hiện đang học PhD. tại Đại học Kent State, nói: “Ở đây, bạn có thể đưa ra phản hồi cho giáo viên, nhưng ở Việt Nam, bạn hầu như không có cơ hội đó.”
Bảo Nga