Nhiều nỗ lực và tiền của từ ngân sách nhà nước đã đổ ra, nhưng sau 30 năm vẫn không thể phân luồng học sinh (Tuổi Trẻ ngày 24-1-2013). Có ý kiến cho rằng, nếu hướng nghiệp được làm tốt thì những vấn nạn như thừa thầy thiếu thợ, quá nhiều người học đại học… sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự ngộ nhận vì sự danh tiếng của trường và sự ưa chuộng của các ngành mới là yếu tố quyết định đến lựa chọn của học sinh.
Câu chuyện ở Mỹ
Hướng nghiệp luôn được quan tâm ở quốc gia này. Hơn thế, các cơ sở đào tạo ở Mỹ rất biết cách làm cho các sinh viên tiềm năng biết về những điểm mạnh và ưu thế của trường. Tham quan một số trường dự định nộp hồ sơ là công việc mà hầu hết học sinh cuối cấp ở Mỹ thường làm.
Tuy nhiên, kết quả phân tích số liệu trong bốn thập kỷ 1966-2006 của Viện Nghiên cứu giáo dục đại học tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA) cho thấy xếp hạng của các trường luôn là tiêu chí hàng đầu quyết định đến sự lựa chọn của học sinh, trong khi không có bằng chứng về vai trò của hướng nghiệp.
Cuộc trò chuyện của người viết với một biên tập viên của tạp chí Harvard (Harvard Magazine)hôm 27-2-2014 cho thấy rất rõ điều này.
Người này đã học ở Yale, có một người con học ở Harvard, một học ở Yale và cậu con trai út đang chuẩn bị vào đại học. Ông cho biết, dù ông đã đưa cậu con trai đi thăm một số trường khác và giải thích về những điểm được và không được của Harvard, nơi ông đã làm việc trong nhiều năm. Nhưng, ý định của cậu bé dường như chẳng có gì suy suyển.
Ông cho rằng có sự lãng phí khi tất cả đều chạy theo các tên tuổi lớn (big names), nhưng ông cũng thừa nhận rằng khi được hỏi con bạn học ở đâu thì dư âm từ tên gọi của ngôi trường cũng rất quan trọng.
Ông đã lấy ví dụ nếu học về văn chương thì ở Yale tốt hơn, nhưng các bạn trẻ vẫn muốn vào Harvard vì nó là trường luôn được xếp hạng nhất, nhì ở Mỹ, thậm chí là toàn cầu.
Thực ra, một trong những ưu điểm nổi trội của giáo dục Mỹ là cho phép mọi người được làm lại. Bác sĩ có thể học quản trị kinh doanh, giáo viên dạy toán có thể chuyển sang học kiến trúc là chuyện bình thường.
Đây là điều Việt Nam cần tham khảo vì cho dù có được trang bị thông tin tốt chừng nào thì hầu hết học sinh trung học khó có thể biết được ngành gì phù hợp với mình trong tương lai. Tốt nhất là cho mọi người có quyền chọn lại.
Và của các nước khác
Nhìn vào cơ cấu ngành học của du học sinh 25 quốc gia và nền kinh tế tự chủ có số lượng du học sinh hàng đầu ở Mỹ (hình 1) sẽ thấy những điều khá thú vị.
Có 38,1% trong hơn 16.000 du học sinh Việt Nam chọn học về kinh doanh và quản lý, trong khi chỉ có 4,7% trong 8.700 du học sinh Iran theo học ngành này. Ngược lại, chỉ có 9,9% du học sinh Việt Nam chọn các ngành kỹ thuật, trong khi con số này của Iran là 55,2%.
Phải chăng cơ cấu của Iran tốt hơn của Việt Nam hay ngược lại?
Thực ra, các con số nêu trên chẳng nói được gì cả. Không có mối liên hệ nào giữa cơ cấu ngành học với mức độ phát triển của các nước hay chất lượng hướng nghiệp. Ngay cả cơ cấu của các nhóm nước có thu nhập cao như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc và Canada cũng không theo quy luật nào cả.
Vai trò hướng nghiệp gần như không có mà do đặc điểm thị trường và cảm nhận kết hợp với khuynh hướng lựa chọn của người trong cuộc.
Vấn đề của Việt Nam
Bây giờ chúng ta – tất cả những người đã qua cái thời phải quyết định chọn học ngành gì và trường nào – cùng nhìn lại việc đưa ra quyết định của mình. Phải chăng phần lớn đều theo cuộc đua chạy lên đỉnh và tâm lý đám đông?
Các ngành được chuộng nhất ở một thời điểm nào đó là những ngành đang có thu nhập tốt và ổn định. Trường càng danh tiếng thì càng nhiều người giỏi nộp hồ sơ. Trong các ngành hay trường đủ điểm đậu thì lựa chọn theo danh tiếng là chủ yếu. Nếu có thêm thông tin thì khuynh hướng chọn của học sinh khó có sự khác biệt.
Thực ra vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là sự mất cân đối giữa các ngành mà là tỷ lệ của học sinh tốt nghiệp phổ thông có được giáo dục bậc cao quá thấp và thiếu vắng sự cạnh tranh giữa các trường làm cho chất lượng đào tạo có vấn đề.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2012 số học sinh bước vào giáo dục bậc cao của Việt Nam chỉ bằng 24,6% số học sinh tốt nghiệp THPT, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực (chưa bằng phân nửa của Thái Lan, và một phần tư của Hàn Quốc).
Do vậy, vấn đề của Việt Nam hiện nay là cần nâng tỷ lệ nêu trên ở mức cao nhất có thể, chứ không phải loay hoay trong việc định hướng nghề nghiệp. Bao giờ tỷ lệ này của Việt Nam bằng Thái Lan và sau bao nhiêu năm bằng Hàn Quốc là câu hỏi nên được đặt ra ngay bây giờ.
Nhà nước nên tập trung nguồn lực hỗ trợ cho một số ngành thực sự cần thiết cho sự phát triển dài hạn của đất nước như các ngành khoa học cơ bản chẳng hạn. Còn những ngành khác cứ để cho thị trường quyết định chứ không cần phải định hướng hay giới hạn gì cả.
Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để có thêm các trường đại học đúng nghĩa và nhiều người có điều kiện đi học thay vì cứ loay hoay với câu hỏi chất lượng đào tạo và ý định giảm bớt số lượng các trường. Theo thời gian thị trường sẽ có sự sàng lọc đối với các trường không đáp ứng yêu cầu.
Những người cần bằng giả để chui vào các cơ quan nhà nước (lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) nếu không mua được ở trong nước thì có thể mua ở nước ngoài. Đây chỉ là một số ít nên không phải là đối tượng chính để tập trung cho chính sách giáo dục quốc gia. Việc quan trọng lúc này là tập trung nâng cao chất lượng của lực lượng lao động nước nhà.
Theo Huỳnh Thế Du/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Bài gốc có thể xem tại đây.