Mùi của nước Mỹ là đây, phải không?
Tôi đến nước Mỹ vào một ngày hè đầu tháng 8 năm 2011. Đón chào tôi là cái nắng gay gắt hòa với cái khí trời ôn đới, khô nhưng dễ chịu của miền Nam California. Đường phố rộng thênh thang, sạch tinh tươm, xe hơi chạy nhanh vun vút qua các hàng cây cọ và thông xanh rì, mùi gió và không khí trong lành bên ngoài len qua cửa kính xe hơi. Dễ chịu quá. “Mùi của nước Mỹ là đây, phải không?” – tôi cười toe toét, vô cùng háo hức khi sắp có 2 tuần vui chơi tại khu Little Saigon của quận Cam trước khi sang thành phố New York nhập học.
Mùi Sài Gòn
Rạng sáng ngày 22 tháng 8 năm 2011, tôi ngồi trên chiếc yellow cab, một trong những biểu tượng của thành phố New York, ngạc nhiên xen lẫn phấn khởi trước cái ồn ào tấp nập của đường phố, những con đường bé bé, sứt mẻ, lồi lõm, những bao rác to màu đen được xếp thành hàng dài dọc vỉa hè, các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, café, siêu thị, san sát nhau và tất cả đều nằm trong khu dân cư. “Chả khác Sài Gòn tí nào” là cái ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong tôi. Tôi thấy vui vì tìm thấy chút gì đó quen thuộc. Thành phố này cũng có cái mùi Sài Gòn cơ đấy.
Mùi của tự lập và tình thương
Tôi tá túc nhà vợ chồng chị bạn khi mới đến New York. Vì anh chị cũng bận rộn nên sang ngày thứ hai ở New York, tôi đã phải một mình rong ruổi các tàu điện ngầm để đi xem nhà. Tôi nhớ như in những ngày đầu tôi rất hay đi lạc, vì chưa nắm rõ hướng tàu điện ngầm, lại cũng chẳng có smart phone để tìm đường đi. Có một lần đi xem nhà ở một khu toàn dân da đen ở CrownHeights, tôi đi lạc nên mãi khi trời sụp tối mới đến được nơi cần xem nhà. Khi xem nhà và nói chuyện xong thì lúc đó đã 9g tối. Tôi mò mẫm đường trở lại tàu điện ngầm. Trên đường về, vài bạn da đen huýt sáo, lả lướt kêu tôi “hey babe!” Tôi quay đầu lại, hơi sợ, nhưng mỉm cười với các bạn ấy, rồi thẳng bước đến trạm tàu. Tàu thay đổi hướng chạy. Tôi phải chuyển tàu và chuyển nhầm tàu.
May mắn thay, lúc đó tôi được một bác da đen giúp đỡ, chỉ cho tôi rất chi tiết các tàu tôi phải đón để về nhà. Khi tôi về đến nhà thì lúc đó đã 11g30 khuya. Chị cùng nhà còn ra tận cửa để chờ tôi về. Tôi thấy cảm động vô cùng. Sống trên đất nước xa lạ, những con người đồng hương, những con người xa lạ bỗng dưng trở nên thân thiết, quan tâm nhau, che chở nhau. Mùi của tự lập hòa lẫn với tình thương là đây.
Dọn sang nhà mới, tôi phải đi mua và lắp ráp từng cái kệ, cái bàn và cái ghế, mà tôi toàn phải vác bộ thôi, vì ở New York tôi làm gì có xe hơi. Từ nhỏ đến giờ chẳng khi nào phải cầm tua vít xoắn ốc hay cầm búa nện đinh vào ván gỗ, nên tôi cứ loay hoay mãi. Khi tự mình lắp xong 2 cái kệ, 1 cái bàn học, và 1 cái ghế xoay (dĩ nhiên là có sách hướng dẫn), tôi cảm thấy rất hài lòng với “chiến lợi phẩm” của mình. Hai năm đi học ở New York với 3 lần chuyển nhà, tất cả đều do một mình tôi xoay xở xem nhà và tìm nhà, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi cũng thấy vô cùng khoái chí vì cuối cùng tôi cũng có tự do đi sớm về muộn, không phải tuân thủ giờ giới nghiêm của ba mẹ nữa. Tôi vui vì mình đã ngửi được mùi của tự do, tự lập và mạnh mẽ.
Mùi của tình yêu và ý chí
Một tháng sau khi chuyển sang nhà mới, tôi gặp anh, trong thang máy tòa nhà tôi ở. Đó là một chiều tháng 9 nóng với độ ẩm cao chẳng khác gì Sài Gòn. Anh bắt chuyện với tôi, mở đầu bằng chủ đề thời tiết, sau đó cho tôi một lời khen “Em dễ thương quá.” Khi thang máy dừng ở tầng trệt, tôi chào anh, rồi bước về hướng tàu điện ngầm. Anh chạy theo, nhờ chỉ đường, và xin tôi số điện thoại. Tôi ngập ngừng, cảnh giác, nhìn anh, suy nghĩ, rồi đồng ý cho anh tên và số điện thoại của mình. Anh liên lạc với tôi, rất lịch sự, và chúng tôi bắt đầu buổi hẹn đầu tiên 2 tuần sau đó. Chúng tôi quen nhau từ ấy.
Tôi nhớ thời gian đầu tôi học rất căng thẳng và vất vả. Tôi học trái ngành, nên lúc đầu nhiều bài đọc có các khái niệm rất mới lạ với tôi. Số lượng bài đọc và bài viết cho sinh viên cao học ngành khoa học xã hội như tôi là vô cùng dày đặc. Tôi lại là đứa sinh viên quốc tế duy nhất trong lớp, và cũng là đứa ít phát biểu nhất trong lớp. Khả năng ngôn ngữ lúc đó của tôi không kém, nhưng tôi vẫn không cạnh tranh lại các bạn Mỹ về khả năng nói nhanh và nói nhiều. Nhờ thầy cô, bạn bè, các anh chị đi trước, nhờ tự thân vận động, và nhờ có anh luôn động viên và giúp đỡ tôi mà tôi thấy cuộc sống của tôi ngày càng dễ chịu hơn. Ngoài anh ra, gia đình tôi luôn là nguồn động viên tuyệt vời. Tôi skype với ba mẹ và em trai vài lần một tuần, mỗi lần nói chuyện lại thấy sảng khoái và có thêm ý chí đọc sách và viết bài. Chính tình yêu từ gia đình và bạn bè đã giúp tôi vượt qua những lần “sống trong papers chết vùi trong deadlines.”
Mùi tình yêu luôn có sức mạnh ghê gớm như vậy đó.
Mùi hỗn hợp
Tôi yêu nước Mỹ ở sự đa dạng. Cái đa dạng này rất đặc trưng của thành phố New York và được thể hiện rõ nét trên tàu điện ngầm – nơi mà người dân của đủ loại tầng lớp, sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, tôn giáo – cùng hít chung bầu không khí, cùng ngửi mùi cơ thể của nhau, cùng đứng trên sàn tàu điện, và cùng đung đưa theo nhịp xập xình của con tàu. Tất cả đều bình đẳng trong cùng thời gian và không gian nhỏ hẹp. Tất cả đều tỏa ra một thứ mùi hỗn hợp khó mà định nghĩa được.
Cái mùi hỗn hợp ấy còn là mùi của đám đông hòa quyện trong không gian đi bộ. Chẳng có nơi nào trên nước Mỹ mà người ta lại đi bộ nhiều và đi bộ bất kể thời gian như ở thành phố New York. Đi bộ ra tiệm tạp hóa, đi bộ ra tiệm giặt đồ, đi bộ ra trạm điện ngầm, đi bộ đến trường, đi bộ diễu hành, đi bộ biểu tình Occupy Wall Street, đi bộ thư giãn và chụp hình ở công viên Central Park, đi bộ mua sắm, đi bộ chen chúc ở Times Square, đi bộ vào các viện bảo tàng, v.v. Mỗi khi tôi hòa vào dòng người đi bộ, tôi thấy vui và tự hào, vì mình cũng đóng góp một tí hương vào hỗn hợp mùi ấy.
Central Park, mùa thu 2012 Times Square, mùa hè 2012
Bowling Green Park, phố Wall, xuân 2013 Vườn Shakespeare, Central Park, xuân 2012
Mùi của Nước Mỹ
Nhiều người bảo New York City không phải là một thành phố Mỹ, vì nó rất xô bồ, nhiều lừa đảo, nhiều khách du lịch và nhiều dân nhập cư hơn là dân bản xứ, nhiều thứ ngôn ngữ, đường phố nhiều rác, đường tàu nhiều chuột, lại chẳng có văn hóa xe hơi mạnh như các thành phố hoặc tiểu bang khác. Nhưng với tôi, New York có một mùi rất đặc trưng: mùi của các màu da, sắc tộc với lịch sử gia đình và văn hóa khác nhau, mùi của trí thức, của lao động, của giàu sang, của nghèo hèn, của ước mơ, của cơ hội, của danh vọng, của tự do, của kỳ thị, của tôn trọng, của công lý, của Wall Street, của homeless. Cái mùi này hơi khác với cái mùi tôi ngửi được khi lần đầu tiên đặt chân đến California. Cái mùi ở thành phố New York nó đa dạng hơn, hỗn tạp hơn, và đậm mùi hơn. Với tôi, đây mới đúng là mùi của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Bài viết tham gia cuộc thi Hành trình nước Mỹ.
Tác giả: Vũ Nguyễn Minh Phương, Fulbrighter, Master of Arts in American Studies, New York University, New York City
—
Đúng là mùi của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và New York đúng là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ!
Đây là comment của bạn Minh Lê Minh “Du Huynh ơi, bài này hay quá nhưng nói đến cuộc sống của du học sinh ở Mỹ thì còn thiếu 1 mùi nữa… “mùi đồ cũ”, hihi, cái mùi vừa mang tính vất vả mà cũng vừa mang tính đùm bọc, cái mùi gợi nhớ bao nhiêu kỉ niệm. Em muốn viết thêm 1 bài về cái mùi này quá. Anh nghĩ sao?”
Anh/chị/em bạn nào mà viết thêm bài về “mùi đồ cũ” nữa thì P ủng hộ kịch liệt. hehe. Hồi xưa P cũng có “hôi của” chút chút, nhưng vì toàn phải đi bộ nên không vác nổi đồ hôi của, bởi vậy quên mất cái mùi vày 🙂