Học Thế Nào: Hôm qua (15/4/2014) Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo định kỳ Quý I/2014. Bộ đưa ra nhiều thông báo, tuy nhiên trong cuộc họp các phóng viên tập trung hỏi về hai đề tài đang nóng trong dư luận: thi tốt nghiệp và dự thảo đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK). Học Thế Nào xin trích đăng phần hỏi đáp liên quan tới dự thảo đề án đổi mới chương trình – SGK.
Họp báo định kỳ Quý I/ 2014 của Bộ GD&ĐT (Tuệ Nguyễn, Quý Hiên lược ghi)
Báo Thanh Niên:
1. Hôm qua, trong cuộc họp với Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đưa ra một con số dự toán thực hiện đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 là 34.275 tỷ đồng, chưa bao gồm đầu tư cơ sở vật chất trường học. Xin hỏi Bộ GD&ĐT, con số 34.275 tỷ này sẽ được chi tiêu gồm những khoản cụ thể nào? Trong số tiền này, ngân sách nhà nước là bao nhiêu, nguồn tiền xã hội hoá là bao nhiêu?
2. Theo một thông tin, trong số 34.275 tỷ đồng này sẽ có khoảng 26.000 tỷ đồng đầu tư cho trang thiết bị dạy học. Được biết, để thực hiện đổi mới chương trình – SGK hiện hành, Bộ GD&ĐT từng đầu tư nhiều tỷ đồng cho trang thiết bị, và dư luận đã từng phản ánh nhiều thiết bị mua về không được sử dụng. Vậy Bộ GD&ĐT đánh giá hiệu quả của việc đầu tư này như thế nào? So với lần này thì số tiền đã từng đầu tư có lớn hơn không? Bộ có kế hoạch như thế nào về việc sử dụng các thiết bị được đầu tư mới hiệu quả?
Báo VTC News:
Liên quan tới dự thảo nghị quyết và đề án đổi mới chương trình – SGK mà Bộ GD&ĐT mới trình trước Thường vụ Quốc hội, dư luận cho rằng trước hết con số hơn 34 nghìn tỷ đồng là quá lớn, thứ hai với các môn khoa học tự nhiên chúng ta có thể sử dụng của các nước tiên tiến, chúng ta chỉ nên soạn SGK các môn khoa học xã hội… cho đỡ tốn kém, Bộ GD&ĐT nghĩ thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Thường trực Ban soạn thảo đề án Đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông sau 2015:
Liên quan tới con số hơn 34 nghìn tỉ, xin trả lời thế này: đó chỉ là một khái toán vì bất kỳ một đề án nào cũng phải hình dung ra cái tính khả thi, cơ sở vật chất để thực hiện được đề án. Con số mà Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu hôm qua chỉ là một khái toán bước đầu. Cái này chỉ là một sự tạm hình dung và nó phải trải qua một quá trình thẩm định của Bộ Tài chính, rất nhiều cơ quan khác và quốc hội. Các bạn cứ hình dung cái này mới chỉ là bước đầu và thực sự (việc họp với) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ là phiên đầu tiên. Bước hai còn phải thông qua lần nữa. Cho nên chúng tôi cũng xin tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý phản biện của các cơ quan, của các báo đài, của các tầng lớp (nhân dân) và sẽ hoàn chỉnh cụ thể cùng với đề án cụ thể để có đề xuất về kinh phí tiếp theo.
Ý thứ hai trong câu hỏi của các bạn, chúng ta làm chương trình – SGK một số môn khoa học tự nhiên có thể lấy nguyên xi hoặc tiếp thu của nước ngoài, chúng tôi xin trả lời thế này: tinh thần chung chúng ta phải hội nhập quốc tế. Nhưng hội nhập quốc tế có nhiều cách, trong đó có cách xem mặt bằng phổ thông của nước ta so với quốc tế như thế nào! Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị chương trình của nước ta có thể tiếp thu một số môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ mà các bạn đã nêu ở đây. Cái này thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ban thường trực đề án đổi mới cũng đã nghĩ đến. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải dứt khoát phải xây dựng một chương trình và SGK của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ học tập một cách có hệ thống, cơ bản cập nhật SGK của khu vực và quốc tế, trong đó có việc tham khảo SGK số môn khoa học tự nhiên (…). Việc đó chúng tôi có tính toán sẽ thực hiện.
Báo Tiền Phong
Nhắc lại câu hỏi của báo Thanh Niên mà ông Thống chưa trả lời: Bộ đã rà soát lại những chi phí liên quan đến thiết bị trường học, cơ sở vật chất phục vụ chương trình – SGK hiện hành chưa và tính hiệu quả của nó? Con số 26 nghìn tỷ lần này dành cho thiết bị dạy học là con số lớn hơn hay bé hơn so với con số đầu tư cho thiết bị phục vụ chương trình – SGK hiện hành?
Ngoài ra báo Tiền Phong đặt vấn đề việc của Bộ GD&ĐT là tổ chức xây dựng chương trình (thậm chí tổ chức biên soạn SGK), còn các nhà trường và các địa phương phải lo điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học. Lẽ ra Bộ chỉ đưa ra các tiêu chuẩn và các yêu cầu để nhà trường và các địa phương căn cứ vào đó mà đáp ứng. Tại sao Bộ phải đi ôm cả khoản thiết bị dạy học, tức là ôm thêm việc của địa phương?
Đài Truyền hình Việt Nam
Hỏi về việc nhiều ý kiến lo ngại đề án không khả thi và nghi ngờ dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình đang soạn thảo không có gì mới so với so với nghị quyết 40 ban hành từ năm 2000.
Ông Đỗ Ngọc Thống:
Về cơ sở vật chất: tất nhiên khi xây dựng đề án đổi mới lớn như thế thì phải khảo sát và đánh giá lại hiện trạng dạy học, trong đó có thiết bị, phòng thí nghiệm… Con số 26 nghìn tỉ thì thú thực tôi không biết là ở đâu. Nhưng tinh thần đổi mới của lần này là gì? Là chúng ta sẽ tận dụng tất cả những trang thiết bị đã có, chỉ bổ sung những cái hết thức thiết thực, tăng cường thí nghiệm ảo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh việc phải đầu tư quá nhiều.
Xin thú thực với các bạn lần đổi mới lần này cái quan trọng nhất không phải là đổi mới nội dung. Quan trọng nhất là đổi mới cách dạy và cách học. Muốn hình thành năng lực cho học sinh thì phải đổi mới cách dạy cách học là chính, hình thức tổ chức dạy học là chính. Cho nên số đầu tư cho trang thiết bị chúng tôi nghĩ sẽ không nhiều như lần trước. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của một trường khi triển khai chương trình giáo dục mới và chủ yếu là đủ cơ sở phòng học và những cái tối thiểu thôi.
Về tính khả thi của đề án: với một nghị quyết quốc hội thì không thể quá chi tiết. Nội dung chị Hải (phóng viên VTV) hỏi mà hôm qua đại biểu trong cuộc họp với Thường vụ Quốc hội chỉ xoay quanh nghị quyết thôi mà nghị quyết thì rất cô đọng, súc tích, chỉ trong vài trang cho nên không thể nói hết tất cả. Báo chí các bạn muốn tham khảo thì phải xem đề án đổi mới.
Với câu hỏi so với lần trước có khác gì tôi chỉ xin trao đổi ngắn vì nói được hết thì rất nhiều vấn đề. Dứt khoát là chúng ta phải đổi mới vì bản thân chương trình năm 2000 cho đến nay 2014 là 14 năm. Các bạn cứ hình dung mức độ phát triển của khoa học kỹ thuật một năm thôi đã thay đổi rất nhiều. Cho nên chương trình 2000 dù tốt đến mấy nó vẫn là (…), 14 năm đã trôi qua! Đó là chưa kể nó vẫn còn hạn chế, bất cập.
Nó khác như thế nào? Chúng ta nói đổi mới căn bản. Căn bản ở chỗ từ cách tiếp cận nội dung (…) chuyển sang cách dạy học hình thành năng lực, phẩm chất. Bản chất hình thành năng lực ấy là gì? Là yêu cầu học sinh không chỉ biết kiến thức, mà quan trọng hơn anh biết làm gì khi vận dụng kiến thức đó. Cho nên cái nhìn đó dẫn đến cách dạy học thay đổi. Anh không thể chỉ có rao giảng kiến thức được mà phải cho học sinh thực hành, học sinh vận dụng và học từng tình huống cụ thể sát đời sống thực tiễn. (…) Nó kéo theo hàng loạt vấn đề. Cách lựa chọn kiến thức cũng phải thay đổi. Sẽ không đưa vào những cái quá nặng, quá cao so với yêu cầu học vấn phổ thông. Tăng cường thời gian thực hành, làm bài tập, tăng cường vận dụng kiến thức. Phương pháp cũng thay đổi. Việc đánh giá cũng thay đổi (…).
Một thay đổi nữa, cách làm cũng thay đổi. Trước đây, khi chương trình 2000 chúng ta làm tách cấp. Chúng ta làm tiểu học xong mới làm THCS, THPT. Lần này rút kinh nghiệm, chúng tôi làm xuyên suốt một chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Điều này sẽ hạn chế những (kiến thức) trùng lặp, dẫm đạp lên nhau, không liên thông.
Do cách tổ chức học chúng tôi sẽ giảm bớt được số lượng môn học.
(Đoạn này ông Thống diễn giải tiếp một số điểm mới của dự thảo đề án chương trình – SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015).
Phóng viên báo Tiền Phong nhắc ông Thống vẫn chưa trả lời hơn 34.000 tỷ gồm chi những gì, kể cả khái toán thì vẫn phải nêu được đầu việc cơ bản cần chi.
Ông Đỗ Ngọc Thống: Hôm qua Thứ trưởng Hiển đã nêu lên bảy – tám đầu việc. Thú thực là tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Nhưng mà thế này, năm bảy việc không chỉ có mình chương trình và SGK mà nó còn đào tạo, bồi dưỡng lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35 nghìn nhà trường trong cả nước trong hàng chục năm trời. Đó là công việc rất lớn và chương trình SGK chỉ là khâu đầu tiên và nó không thể chiếm tới 35 nghìn tỉ đồng được. Cái này chúng tôi sẽ phải trình quốc hội, mời các bạn tiếp tục theo dõi. Chúng tôi vẫn nói đùa việc này mới chỉ như “bảo vệ thử một luận án” thôi. Còn việc bảo vệ chính thức trước quốc hội vào tháng 5 này thì quốc hội còn xem xét và thông qua chứ không phải Bộ GD&ĐT cứ đề lên là được.
Báo Thanh Niên
Hôm qua Bộ đã công bố con số 34.275 tỉ đồng, đó là con số rất cụ thể. Tôi nghĩ như vậy Bộ phải có một đề án cụ thể cho từng khoản mục chi tiêu thế nào. Như anh Thống nói, Bộ GD&ĐT muốn lắng nghe ý kiến góp ý nhưng nếu Bộ không công bố những khoản chi tiêu dự kiến một cách rõ ràng, minh bạch thì không ai có thể góp ý kiến.
Hôm qua Thứ trưởng Hiển cũng nói khoản tiền này chưa có việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Vậy tôi muốn hỏi rằng Bộ có định đầu tư cơ sở vật chất tường học không? Đề án nói rằng sẽ thực hiện trước ở những nơi nào thuận lợi, còn nơi nào khó khăn thì phải đầu tư để thực hiện được. Một chương trình quốc gia thì không thể nào nơi thực hiện, nơi không và việc đầu tư cơ sở vật chất phải là bắt buộc. Vậy Bộ bỏ khoản đầu tư xây trường học có phải để cho nó nhẹ bớt số tiền để dư luận khỏi “sốc” hay không? Tôi muốn, dù mới là khái toán thì Bộ vẫn phải đưa ra những con số chi tiết hơn vì Bộ muốn dư luận góp ý, mà dư luận cần phải biết họ đang góp ý cho cái gì chứ khong phải góp ý chung chung như thế được.
Ông Đỗ Ngọc Thống: Đúng là như thế. Khái toán cũng phải có 5 – 7 mục, rất nhiều công việc. Tôi không nhớ để kể cho các anh các chị lần lượt từng việc là bao nhiêu tỉ nhưng nó gồm rất nhiều việc.
Câu hỏi của bạn rất quan trọng vì nó liên quan đến việc này: trong tờ trình của Chính phủ (với quốc hội), song song với đề án này thì Chính phủ có đề nghị quốc hội thông qua hai đề án nữa là đề án nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tức là cơ sở trường học; thứ hai là đào tạo lại và đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Như thế chúng ta hình dung là đi kèm với đề án chương trình – SGK còn có hai đề án nữa. Những đề án đó quốc hội phải thông qua. Bạn nói để đảm bảo tính khả thi của đề án chính là phải có các việc đó.
Báo Tiền Phong
Hơn 34 nghìn tỉ này là tiền dành cho cả ba đề án hay chỉ một đề án đổi mới chương trình – SGK?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Chỉ là đề án đổi mới chương trình – SGK.
Báo Thanh Niên
Thế còn trường học thì có xây không ạ?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Là thuộc đề án cơ sở vật chất.
Như tôi nói, đề án chương trình – SGK là tên đề án thôi, còn trong đó hệ thống công việc rất nhiều. Các bạn muốn tìm hiểu chi tiết thì sau này theo yêu cầu của quốc hội chúng tôi còn phải công bố công khai để xin ý kiến toàn dân.
Báo Thanh Niên
Tiền này có lấy trong số 20% chi ngân sách hàng năm dành cho giáo dục không?
Báo Dân Trí
Đổi mới chương trình – SGK chỉ là làm chương trình, viết sách mà đưa ra con số dự toán hơn 34 nghìn tỉ, trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng họ chỉ cần 1/1000 con số đó là đã viết được SGK. Đưa ra con số lớn như thế thì mong anh Thống phải giải thích rõ được viết sách thì sẽ hết bao nhiêu tiền?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Anh Hùng (PV Dân Trí) nói đúng, tên dự án làm cho nhiều người hiểu nhầm là chỉ có mỗi chương trình – SGK thôi. Viết chương trình, không bồi dưỡng giáo viên, không viết tài liệu tham khảo, không bồi dưỡng giáo viên, không tổ chức tập huấn… làm sao mà giáo viên dạy được!?
Tôi có hỏi anh Ninh (Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT) kinh phí cho chương trình và SGK độ khoảng 5 nghìn tỉ. Còn 29 nghìn tỉ là dành cho việc bồi dưỡng và những vấn đề khác, bảy tám mục lớn như tôi nói mà tôi không nhớ.
Tôi nghĩ thế này, đây không phải là việc giấu giếm gì nhưng trước hết đây mới chỉ là khái toán sơ bộ, thứ hai nữa là phải thẩm tra rất nhiều bởi các cơ quan khác như tôi đã nói, thứ ba là sau này phải công khai minh bạch. Cho nên xin các nhà báo yên tâm là không phải Bộ GD&ĐT giấu giếm gì chuyện này nhưng trong bối cảnh này mà nói một con số chính xác là cực kỳ khó khăn. Tôi xin nói hai năm nữa xã hội này thay đổi như thế nào chúng ta còn khó hình dung huống hồ nữa là 10 năm sau khi đề án này kết thúc vào 2023. Cũng mong các nhà báo thông cảm bởi vì sự biến động sẽ rất lớn.
Báo Tuổi Trẻ
Tôi xin trở lại với câu hỏi về chương trình – SGK phổ thông. Hôm qua có rất nhiều ý kiến cho rằng có nhiều ý kiến sơ sài và chưa thể trình quốc hội được. Bộ GD&ĐT suy nghĩ gì về nhận định này và kế hoạch tiếp thu chỉnh sửa của Bộ sẽ như thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Nói như thế là không chính xác. Có những cái sơ sài… Ví dụ báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang, uỷ viên thường vụ quốc hội nói có những cái chuẩn bị sơ sài chứ không phải nói đề án sơ sài. Tức là trong rất nhiều hồ sơ gửi quốc hội thì có báo cáo tác động, (…) thì đúng là báo cáo đó sơ sài. Chứ còn cả hồ sơ còn rất nhiều, trong đó có đề án, có dự thảo nghị quyết, có tờ trình, có thuyết minh…
Đề án không phải sơ sài mà tất cả các hồ sơ đó đều phải hoàn chỉnh. Ngay sáng nay chúng tôi đã làm việc với Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (họ đã triệu tập chúng tôi lên). Nhân chị Vân (phóng viên Tuổi Trẻ) hỏi thì chúng tôi thông báo để các anh các chị biết, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn kiên quyết để đưa cái này ra quốc hội vào tháng 5 theo tinh thần quyết tâm với yêu cầu Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị bổ sung những góp ý của Uỷ ban Thường vụ hôm qua một cách đầy đủ. Nếu không có gì thay đổi thì 25/4 này Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội sẽ chính thức thẩm định lại hồ sơ đó. Như vậy từ nay đến 25/4 Bộ GD&ĐT sẽ phải hoàn chỉnh tất cả hồ sơ để trình quốc hội. Sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dựa trên cơ sở thẩm định của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để thẩm định lại một lần chính thức xem có được không, nếu được mới đưa ra kỳ họp vào tháng 5 tới.
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tôi xin phép được nói câu cuối cùng với anh Thống. Cả ngày hôm qua chính tôi theo dõi cuộc họp của Thường vụ Quốc hội cả ngày, sáng nay tiếp tục theo dõi thông tin thì chưa thấy có thông tin nào thể hiện đồng quan điểm với anh, một mình anh nói là có nhẽ do mọi người hiểu nhầm. Đây đáng lẽ là một cuộc trao đổi cởi mở với báo chí, chúng tôi cũng rất muốn bảo vệ ngành GD, đáng lẽ anh nên có những lời thừa nhận những sơ suất của mình nhưng suốt cả tiếng đồng hồ qua tôi không thấy điều đó. Anh bắt buộc người ta phải hiểu đề án đó có nhiều cái rất tích cực…
Ông Đỗ Ngọc Thống: Tôi có bảo tôi không có sơ suất đâu!
Báo Lao Động
Tôi muốn nhắc lại câu hỏi của báo Thanh Niên, trong số tiền hơn 34 nghìn tỉ đồng này Bộ GD&ĐT đã tính mình sẽ huy động những nguồn lực nào tham gia? Việc huy động này có liên quan tới tổng ngân sách 20% chi cho GD?
Một báo khác
Trước đây Bộ GD&ĐT đã từng có một dự thảo đề án đổi mới chương trình – SGK với con số dự tính là 70 nghìn tỷ đồng. Hôm qua thì nói 34 nghìn tỷ. Bộ tính toán thế nào để rút con số xuống quá nửa?
Ông Đỗ Ngọc Thống: Tôi xin nói vắn tắt thế này, con số đó là tính cả hai đề án vào. Nếu tính xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị thì nó lên đến 70 nghìn tỷ. Giờ tách hai cái đó ra thì nó xuống.
Có bạn cho biết có giáo sư nào đó nói chỉ 100 tỷ đồng là viết được bộ sách thì chúng tôi cũng chưa ghi nhận được kiến nghị cụ thể nên cũng chưa biết thế nào. Còn khi Bộ tính ra 5 nghìn tỉ đồng như thế thì các anh ấy đã phải tính toán rất cụ thể và sau này Bộ Tài chính còn phải kiểm tra bởi họ còn tham gia thẩm định. Tôi chắc rằng nếu không có cơ sở thì Bộ Tài chính không duyệt.
Về huy động nguồn lực nào thì phải quốc hội, chính phủ quyết định chứ Bộ GD&ĐT không thể quyết định việc này được.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng kết luận:
Về đề án đổi mới chương trình – SGK, sau khi Bộ GD&ĐT báo cáo với Thường vụ Quốc hội thì có nhiều ý kiến về con số dự kiến kinh phí. Xin thưa con số này là con số khái toán trên cơ sở rất nhiều việc sẽ phải làm, trên cơ sở những định mức quy định về tài chính. Chắc chắn rằng từ trước đến nay và giờ cũng vậy thôi, trong quá trình xây dựng đề án thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ nói chung và các lãnh đạo đơn vị cũng vậy thôi, khi xây dựng thì luôn luôn quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triệt để thực hiện tiết kiệm và đảm bảo đúng quy định của luật ngân sách nhà nước, không làm điều gì để dẫn đến chuyện thất thoát hay lãng phí. Bởi vậy cho nên ngay sau buổi báo cáo hôm qua, tất nhiên không chỉ vấn đề có ý kiến tại sao con số lớn vậy mà có ý kiến về một số nội dung chưa hoàn thiện, cần bổ sung, cần phải điều chỉnh…
Tất cả những chỉ đạo trong ngày hôm qua của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như các đồng chí uỷ viên Thường vụ Quốc hội thì Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện không chỉ là vấn đề con số khái toán mà các vấn đề nội dung khác nữa, trong đó có con số khái toán đó, với những đầu việc đó, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại những nội dung đầu việc, công việc và những đinh mức của nó, làm thế nào đảm bảo để có số liệu – một con số khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, xuất phát từ yêu cầu đổi mới chương trình SGK. Tất nhiên nếu không làm được điều này thì nghị quyết sẽ không được quốc hội thông qua. Có những cơ quan thẩm định việc này. Cho nên trong quá trình làm Bộ GD&ĐT luôn hướng tới việc đó, làm thế nào để con số đó, những công việc đấy là thực tiễn đòi hỏi như vậy và kết quả của nó phải là hiệu quả, tiết kiệm, để cuối cùng quốc hội thông qua để thực hiện.
Báo cáo các đồng chí quan điểm chỉ đạo trong việc thực hiện như vậy để các đồng chí nắm được. Còn con số mà anh Thống vừa nói 5.000 tỷ… thì theo tôi biết đó là con số không chính xác. Chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại và Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện theo phương châm như vậy, theo nguyên tắc như vậy và rõ ràng phải nguyên tắc như vậy thì mới được nghị quyết Quốc hội thông qua. Quốc hội thông qua rồi thì mới xác định nguồn. Rõ ràng xác định nguồn phải là tầm Quốc hội, tầm Chính phủ. Báo cáo các đồng chí là như vậy.
HẾT.
Theo Tuệ Nguyễn, Quý Hiên / Học Thế Nào
Bài gốc có thể xem tại đây.