Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục tại hội thảo quốc tế “Chuyển đổi mô hình giáo dục trong thế kỷ 21” do hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức ngày 15-4 tại Hà Nội.
Bốn bài toán được các chuyên gia tổng kết gồm: chất lượng giáo viên, chất lượng chương trình, định hướng đào tạo và chất lượng đầu ra. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – thành viên ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT – khẳng định: “Chất lượng giáo viên hiện còn thụ động, thiếu sự đầu tư về phát triển nghề nghiệp. Chất lượng chương trình nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành. Định hướng đào tạo thì chỉ tập trung vào khoa học tự nhiên mà coi nhẹ khoa học xã hội và nhân văn. Còn chất lượng đầu ra thì bị ám ảnh bởi dấu ấn coi trọng bằng cấp và lý thuyết mà ít tính ứng dụng, không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Những bài toán này chính là minh chứng rõ ràng cho sự bất cập của giáo dục Việt Nam mà giải pháp đổi mới chỉ đến đích khi có ý chí, quyết tâm cao của lãnh đạo, đồng thời đội ngũ thực hiện đổi mới giáo dục phải thay đổi về tư duy, nhận thức phải được đào tạo lại”.
GS Lộc cũng cho rằng số lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh nhưng quản lý giáo dục hiện còn quá ôm đồm, yếu kém, sa vào sự vụ. Theo đó, lời giải cho bài toán giáo dục không gì khác là đổi mới toàn diện, trong đó bài toán về chất lượng giáo viên phải được chú trọng đặc biệt, chính sách đổi mới đào tạo giáo viên phải đồng bộ, hệ thống đào tạo nhà giáo phải xây dựng theo hướng mở và liên tục…
Tại hội thảo, các chuyên gia giáo dục quốc tế cũng nhấn mạnh đến giải pháp mà Việt Nam cần hướng tới là nâng cao chất lượng đầu ra, phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Khi đổi mới cần chuyển đổi mô hình giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang việc giáo dục để phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề của người học.
Theo NGỌC HÀ / Tuổi Trẻ Online
Bài gốc có thể xem tại đây.