Học trò có những đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích, đạt các giải thưởng lớn được tuyên dương trong chương trình “Ươm mầm giấc mơ nghiên cứu khoa học cho học sinh” diễn ra vào tối 23/4 tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).
Trong chương trình, thầy trò đến từ các trường học và người dân thành phố có dịp gặp và giao lưu cùng các “gương mặt vàng” từ nghiên cứu khoa học (NCKH). Các bạn học trò đã đem lại nhiều thành tích, kết quả cao từ học tập và đam mê nghiên cứu của mình.
Đó là 3 học sinh (HS) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từng đạt giải 4 Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2013 (tại Mỹ) với dự án Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia.
3 HS đến từ Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) gồm Liễu Ngọc Bảo Thanh, Đào Thiên Long, Định Phạm Bá Nhi khẳng định tuổi trẻ tài cao khi mang về chức Vô địch hạng nhi đồng Cuộc thi Robotics quốc tế 2013 (diễn ra ở Philippines).
Nhóm nữ sinh đến từ Trường THPT chuyên Trần Địa Nghĩa (em Trần Tố Uyên, Nhữ Mai Anh và Dương Huỳnh Hồng Minh) cũng chia sẻ niềm vui và kế hoạch chuẩn bị mang dự án Phân lập và ứng dụng các chủng nấm sợi, nấm men và vi khuẩn trong tự nhiên để xử lý dầu nhớt thải sang Mỹ tham gia Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2014.
Gương mặt vàng trong NCKH học sinh, sinh viên TPHCM vài năm gần đây không thể không nhắc đến nhà nghiên cứu trẻ Đoàn Thiên Phúc. Cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM từng nổi danh với ý tưởng nghiên cứu Gắn não cho xe máy – thiết bị định vị giải quyết vấn nạn trộm cắp và kẹt xe tại các thành phố lớn. Ý tưởng này đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012 dành cho các sản phẩm công nghệ thành công.
Anh Đoàn Thiên Phúc cho rằng, việc nghiên cứ khoa học trong học trò đòi hỏi các bạn phải thật sự đam mê, nhiệt huyết. Đam mê này phải được xây dựng từ những kiến thức, cơ sở nhất định. Các bạn cần gắn liền, liên tưởng những kiến thức mình được học đưa vào cuộc sống, qua đó hình thành các ý tưởng, đề tài.
Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu trẻ này, điều quan trọng không kém là các bạn trẻ khi dấn thân vào con đường này các bạn phải vững vàng, không được sợ thất bại.
NCKH bởi đây là một công việc rất gian nan, HS cần “đòn bẩy” để ươm mầm ước mơ. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, cần có một số giải pháp hỗ trợ như phải có định hướng phát triển khoa học kỹ thuật trong HS phổ thông, khuyến khích các em tham gia NCKH bằng những chính sách, chủ trương cụ thể; đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và HS phương pháp NCKH; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động NCKH trong HS; nhanh chóng hỗ trợ, đưa vào cuộc sống những dự án khả thi của HS…
Theo ông Tiến, việc NCKH phải được chú trọng ngay trong độ tuổi học trò, có như vậy mới có cơ sở xây dựng và phát triển được đội ngũ nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội.
Theo Hoài Nam / Dân Trí
Bài gốc có thể xem tại đây.