Chưa bao giờ như ở thời điểm này lời kêu gọi đoàn kết, lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc cần được hiểu như tiếng gọi đàn, tiếng gọi bầy chim Việt, một lời kêu gọi thiết tha đến thế và cấp bách đến thế!
Không có một người Việt nào dù hiện tại mãn nguyện hay không mãn nguyện, dù trong tâm thức in dấu những chính kiến tư tưởng khác nhau, thậm chí trái chiều; dù trong tâm cảm buồn hay vui, hy vọng hay thất vọng; và dù đang ở trong nước hay vẫn còn “cùng một lứa bên trời lận đận” thì ngày 30-4 vẫn cứ là một ngày không thể nào quên.
Bài học trót “đánh giá thấp” tinh thần yêu nước
Trước hết, đấy là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ. Nếu ai còn hồ nghi về sự thật đó thì có thể dễ dàng lật giở những trang hồi ký của một yếu nhân của cuộc chiến tranh này ,ông cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Na- ma- ra, cuốn hồi ký mang tên “Cuộc chiến tranh Việt Nam và những bài học”.
Trong số những bài học rút ra cho nước Mỹ và cho cả người cầm bút viết hồi ký, đồng thời là một nhân chứng lịch sử “có trọng lượng vào bậc nhất” của cuộc chiến tranh Việt Nam, có bài học đã trót “đánh giá thấp” tinh thần yêu nước của người Việt.
Đường phố Sài Gòn những năm trước 1975. |
Ai sinh ra chẳng yêu đất nước mình. Thế nhưng tinh thần yêu nước như vàng chịu thử lửa chiến tranh, thù hận, chia cắt với thời gian dài một phần tư thế kỷ, với cường độ đạn bom, với số lượng đạn bom, binh sĩ và dân thường tử vong khiến cả thế giới phải kinh hoàng, thì chỉ có Việt Nam, chỉ có ở dải đất hình chữ S trên bờ biển Thái Bình Dương nổi sóng dữ chiến tranh “chấn động địa cầu” này.
Ngày 30-4 chấm dứt chiến tranh. Non sông thu về một mối thống nhất, ước nguyện của không biết bao nhiêu đời người Việt kể từ thời, ngược thời gian mấy trăm năm hai tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn phân tranh cừu địch. Ai học sử Việt đều biết họ biến con sông Gianh hiền lành thơ mộng thành nhát chém vô hình trong lòng người, cùng một gốc tổ Hùng Vương, cùng một bọc “đồng bào” con Lạc cháu Hồng “nhiễu điều phủ lấy giá gương” sáng tươi huyền thoại về nòi giống cao quý!
Sài Gòn nhìn từ trên cao. Ảnh: Facebooker: asiaflycam/ Theo Zingnews |
Non sông thu về một mối thống nhất, hết cảnh đạn bom hủy hoại sự sống hủy hoại sinh linh. Với não trạng hiếu hòa hiếu nghĩa bình thường của người Việt, ai chẳng mong như thế! Giấc mơ lịch sử đó của đại đồng người Việt kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử trở thành hiện thực.
Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần đã nói đại ý ,cuộc chiến tranh này với người Việt Nam chúng ta không có bên thua bên thắng mà chỉ có người chiến thắng là nhân dân Việt Nam! Sau 1/4 thế kỷ chịu quá nhiều hy sinh mất mát, nhân dân Việt Nam đã chấm dứt được chiến tranh, giành được hòa bình và thu về giang sơn gấm vóc của cha ông để lại cho đời đời con cháu người Việt.
Tiếng gọi đàn chim Việt
Muốn hay không, dù quá khứ ở phía này hay bên kia chiến tuyến, người Việt có lẽ nào không chấp nhận đó là một thực tế lịch sử. Cần nhắc lại đôi lời về quá khứ để thấy hệ lụy của nó là vô cùng lớn, ảnh hưởng đến số phận không biết bao nhiêu gia đình người Việt.
Việt Nam từ ngày 30/4 năm ấy bắt đầu, khởi đầu là tên một xứ sở hòa bình, thống nhất, thanh bình, bình quyền bình đẳng với các dân tộc tiên tiến văn minh phát triển trên thế giới. Đấy đã là một điều vô cùng trọng đại không chỉ với quốc gia dân tộc mà với phận số riêng của từng người, từng gia đình. Nếu như có ai đó vì lý do riêng, hoàn cảnh riêng không vui được với cái ngày đáng nhớ này thì cũng xem như một điều đáng tiếc, biết làm sao !
Ngày 30-4 non sông thu về một mối. Song do hoàn cảnh lịch sử, do những lý do lịch sử, lòng người Việt ba mươi chín năm sau vết thương chiến tranh hình như vẫn chưa hàn kín miệng trong tâm cảm không ít người xuất thân, xuất xứ từ chế độ Sài Gòn cũ. Bằng chứng hiển nhiên là mới đây thôi, vào đầu tháng tư năm nay, một quan chức ngoại giao Việt Nam trong chuyến công du Bắc Mỹ, bàn thảo với cộng đồng người Việt ở đây vẫn phải lên tiếng kêu gọi người Việt với nhau hãy san lấp hố sâu thù hận!
Hiển nhiên chỉ có lòng người Việt thu về một mối như non sông 39 năm qua, đại gia đình dân tộc Việt mới có thể có cơ may trở thành một đại gia đình đoàn kết tràn đầy niềm tin và sức mạnh tự cường. Đoàn kết trong trường kỳ lịch sử trở thành sức mạnh chiến thắng ngoại xâm, đặc biệt chiến thắng “hai đế quốc to” thời hiện đại, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới cường thịnh.
Chưa bao giờ như ở thời điểm này lời kêu gọi đoàn kết, lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc cần được hiểu như tiếng gọi đàn, tiếng gọi bầy chim Việt, một lời kêu gọi thiết tha đến thế và cấp bách đến thế!
Theo Đào Dục Tú / Tuần Việt Nam
Bài gốc có thể xem tại đây.