Nếu không tranh thủ đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước thì làm sao tránh được nghèo nàn lạc hậu, làm sao tránh được vị thế của nước nhược tiểu.
Vì sao bây giờ mới nói được công khai?
Cuộc chiến đã qua 35 năm, Việt Nam đã lo xong cuộc hòa giải với các cựu thù, biến họ và ta trở thành những đối tác tin cậy, đối tác chiến lược.
Vậy mà tiến trình hòa hợp giữa người Việt với nhau lại diễn ra một cách chậm chạp hơn nhiều.
Người Mỹ đã rất ngạc nhiên về sự vô tư niềm nở của người Việt đối với họ sau cuộc chiến. Nhưng họ sẽ không sao hiểu được sự thù hận chưa thề hòa hợp giữa người Việt với nhau sau bấy nhiêu năm.
Đây có thể là một biểu hiện của trình độ dân trí thấp, của sự chậm phát triển về nhận thức của người Việt chúng ta trong một giai đoạn mà thế giới đã có những bước tiến vượt bậc về nhận thức.
Sau quyền con người, thế giới đã nói đến quyền của tự nhiên. Theo tinh thần hội nhập và toàn cầu hóa, ở châu Âu, nơi phát sinh ra hai cuộc chiến tranh thế giới cận đại, các nước cựu thù với những nền văn hóa rực rỡ khác nhau đã nhất thể hóa trong một EU rộng lớn.
Ngày nay trước nhu cầu của đạo lý nhân văn và sự phát triển, trước những vấn nạn mà chủ quyền quốc gia và sinh mạng của ngư dân bị đe dọa trên biển Đông, trước những vấn đề lớn về kinh tế xã hội như tam nông, giáo dục, kinh tế quốc doanh, nhập siêu, lạm phát, vv.…báo chí gần đây nói nhiều đến nhu cầu phải bước qua thù hận, tiến hành hòa hợp dân tộc, tạo thêm sức mạnh cho đất nước vượt qua các thách thức của thời đại mà VN đang phải hội nhập và phát triển.
Công bằng mà nói, VN đã làm được nhiều việc cho hòa hợp.
Song kết quả quan trọng nhất đến nay có lẽ lại là sự nhận thức và dân trí. Cách đây 5 năm, chỉ có cố Thủ tướng Võ văn Kiệt mới dám nói về ngày 30/4 như sau: “Đó là ngày có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn”, trong khi công luận trong nước thuần túy nói về niềm vui chiến thắng
Ngày nay khi trưởng thành hơn trong nhận thức, chúng ta đã vượt qua được rất nhiều định kiến để hôm nay đồng bào mình hai phía đến được với nhau, biết nghe ý kiến của nhau và nói được với nhau.
Mới đây tác giả Hiệu Minh đặt vấn đề thẳng thắn hơn: “Nếu không biết hóa giải hận thù, xóa bỏ những định kiến cá nhân, không biết tạm gác ý thức hệ xa lạ sang một bên để đặt quyền lợi dân tộc lên trên, thì chính người đang sống đã vô ơn những người đã khuất”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng nói: “Để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến”. Theo bà: “…không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một Tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình”. Rất nhiều ý kiến đã tán đồng quan điểm này.
Vậy tại sao cái lý do rất đơn giản, rất yêu nước thương nòi này, người Việt ta bây giờ mới nói ra được công khai với nhau? Có lẽ có những nguyên nhân sâu hơn, dài hơn trong tâm thức, trong lịch sử và văn hóa của người Việt. Đây chính là điều mà chúng ta rất cần phân tích và suy nghĩ.
Triết lý buồn về tính cách Việt và câu chuyện hội nhập
Chúng ta phần lớn đều biết câu chuyện triết lý buồn: “Một người Việt Nam thì không thua một người Nhật, nhưng 3 người Việt Nam thì chắc chắn thua 3 người Nhật” hay “Một người Việt Nam rơi xuống hố thì sẽ tìm cách lên được nhưng 3 người Việt Nam rơi xuống hố thì sẽ không ai lên được”.
Nhìn vào thực tế trong quá khứ và hiện tại, sự thiếu kết dính, tính không hợp tác của người Việt, đầu óc cục bộ địa phương đến vị kỷ, cách nhìn nhận các vấn đề xã hội đầy định kiến áp đặt chủ quan theo tư duy duy cảm (người Việt mình nghĩ bụng mà!) không thể làm cơ sở cho sự đoàn kết và phát triển, đang thể hiện khắp nơi, ở khắp các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Ảnh nguồn: hanhchinh.com.vn |
Hàng nghìn năm qua, VN đã không phát triển được bởi chính những ràng buộc này. Trong thời bình, nếu không tranh thủ đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước thì làm sao tránh được nghèo nàn lạc hậu, làm sao tránh được vị thế của nước nhược tiểu. Vấn đề hòa hợp dân tộc chính là để người Việt cùng đi tới một nhận thức mới về cách thể hiện lòng yêu nước, không chỉ là xóa đi các thù hận, mà còn là nâng cao dân trí, học bài học phát triển và hội nhập trên nền tảng của giải pháp “hai bên đều thắng”.
Thắng cho mình và cho con cháu về công cuộc chấn hưng đất nước trong thời bình là không hề đơn giản bởi trong tâm thức và dân trí người Việt còn khá nhiều vấn đề bất cập cần được đổi mới và nâng cấp cho ngang bằng với các dân tộc văn minh khác.
Nói cách khác, cùng với việc hội nhập thế giới, để phát huy sức mạnh của nhân dân Việt Nam, cần một sự tự hội nhập từ trong lòng đất nước, giữa những người Việt mình với nhau.
Bởi nếu thiếu một căn bản của sự đồng thuận và hợp tác, các hướng quyền lợi và trách nhiệm chuyển động hỗn loạn sẽ gây ra xung đột. Chúng ta sẽ triệt tiêu các cố gắng của nhau, các nhóm lợi ích sẽ có cơ hội đặt họ lên trên quyền lợi của cộng đồng và Việt Nam sẽ dễ rơi vào nguy cơ tụt hậu.
Việt Nam đang bắt đầu một tiến trình quan trọng và đúng hướng. Đó là hòa hợp dân tộc trên cơ sở nhận thức lại quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tiến trình này, vai trò của nhà Nguyễn, tư tưởng nâng cao dân trí của Phan Chu Trinh v.v… đã được đánh giá đúng đắn, khách quan hơn.
Cái được lớn nhất cũng lại là nhận thức và góp phần nâng cao dân trí cho chính người Việt đương đại, tiền đề quan trọng cho sự vươn lên của Việt Nam hôm nay. Tinh thần bao dung và hòa hợp không chỉ là vấn đề của một thời kỳ, để giải quyết mâu thuẫn trong giai đoạn lịch sử cận đại đã chia rẽ dân tộc thành hai bên đối nghịch.
Đây chính là nội hàm quan trọng của dân trí, của hội nhập và phát triển của một dân tộc, một đất nước.
Theo Nguyễn Hoàng / Tuần Việt Nam
Bài gốc có thể xem tại đây.