(Bài viết của Luật sư Trần Đình Hoành trên trang UNCLOS Forum) “Mình viết roadmap này cho các bạn chưa nắm vững các vấn đề tổng quát về Biển Đông có một khái niệm cơ bản những tranh chấp chúng ta đang đối diện và những vấn đề pháp lý và chính trị liên hệ. Các bạn nào có điều gì chưa hiểu, xin cứ hỏi để mình hoàn thiện roadmap. Roadmap này sẽ nói về Việt Nam, TQ, mà không nói nhiều đến Philippines, Malaysia, và Brunei để giản dị hóa vấn đề”.
ROADMAP về các vấn đề Biển Đông
I. Các tranh chấp
- Hoàng Sa
Tranh chấp giữa VN và TQ và Đài Loan. Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam) giữ một nửa, TQ giữ một nửa cho đến khi TQ dùng vũ lực xâm chiếm phần VNCH đang giữ trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974 mà VNCH mất 74 chiến sĩ.
- Trường Sa
Tranh chấp giữa VN, TQ, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei (dù Brunei không nắm đảo nào).
Hiện nay mỗi nước giữ một số đảo, Brunei không có đảo nào nhưng đòi hỏi một phần phía nam của Trường Sa như là exclusive economic zone.
Phillipines nắm khoảng 53 đảo nhỏ và chỉ đòi chủ quyền trên các đảo này.
Malaysia nắm 3 đảo và chỉ đòi chủ quyền trên các đảo này.
Đài Loan nắm một đảo, Trung quốc nắm một số đảo, và cả 2 đòi chủ quyền trên toàn Trường Sa. (Tuy nhiên hiện nay vai trò hung dữ chính là TQ. Đài Loan chẳng làm gì cả).
Việt Nam nắm một số đảo và đòi chủ quyền trên toàn Trường sa.
- Công pháp quốc tế truyền thống (customary international law)Chủ quyền của các đảo (đất) phải được giải quyết bằng công pháp quốc tế truyền thống, không dùng luật biển (như UNCLOS) được.Công pháp quốc tế tối thiểu là đòi hỏi quốc gia tuyên bố chủ quyền trên một vùng có:
– dân chúng của quốc gia đó sống ở vùng đó thường xuyên và lâu đời,
– có hệ thống hành chánh công quyền và luật lệ
– hành xử luật lệ công quyền với dân của mình và dân nước ngoài đi vào lãnh thổ của mình.
– sự hành xử luật lệ công quyền đó phải có hiệu lực (tức là không chỉ trên giấy tờ), công khai, liên tục, kéo dài nhiều năm
– được các nước khác công nhận, hay ít ra là chịu đựng và không phản đối.
Nói chung các yếu tố đòi hỏi là vậy. Nhưng ở Hoàng Sa và Trường Sa thì dân không sống được, nên việc có hệ thống hành chánh công quyền để quản lý các vùng này là loại bằng chứng chính.
Việc một quốc gia khám phá ra các quần đảo này đầu tiên, và cắm cờ hay lập bia đá trên đó, không có tính cách quyết định. Yếu tố chính là một hệ thống hành chánh công quyền, có hiệu quả, công khai, liên tục, lâu đời, và được các nước láng giềng công nhận. Đây sẽ là yếu tố chính trong việc xác định chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa.
Các bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền qua nhiều trăm năm rất quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
III. International Court of Justice
International Court of Justice (cũng như các tòa trọng tài thuộc hệ thống Permanent Court of Arbitration của LHQ) có thể xử lý những tranh chấp này, nhưng các bên tranh chấp phải đồng ý tình nguyện vào tòa. Trung quốc không muốn ra tòa nào cả. Cho nên phương án dùng tòa ICJ không khả thi.
Tuy vậy, những bằng chứng rõ ràng mà ta có thể dùng để ra tòa, có thể dùng một cách khôn ngoan để thuyết phục công luận quốc tế, cũng như trong các điều đình với TQ. Bằng chứng càng mạnh thì càng dễ điều đình.
IV. United Nations Convention of the Law of the Sea (1982)
- UNCLOS là luật biển, không thể dùng để xác định chủ quyền lãnh thổ (tức là chủ quyền đất) được, nhưng có thể dùng để xác định chủ quyền biển.
Mỗi quốc gia có quyền có, tính từ đường cơ sở ở bờ biển tính ra: 12 hải lý lãnh hải, 24 hải lý vùng tiếp giáp, 200 hải lý vùng độc quyền kinh tế, và tối đa 350 hải lý thềm lục địa.
Tức là ta thấy chủ quyền nước đi theo chủ quyền đất: thẩm quyền tài phán (jurisdiction: tức là thẩm quyền trên một điều gì đó) trên mọi vùng nước đều tính từ bờ tính ra.
Nếu chưa xác định được ai làm chủ Hoàng Sa hay Trường Sa (đất) thì không thể các định ai làm chủ các vùng nước tính từ Hoàng Sa hay Trường Sa tính ra (dù các nước vẫn tuyên bố mình làm chủ các vùng nước vì mình làm chủ đất, nhưng đó chỉ là tuyên bố, có miệng thì cứ tuyên bố, chẳng chết ai).
Tức là, hiện thời không thể dùng luật biển UNCLOS để xác định thẩm quyền trên các vùng nước quanh Hoàng Sa và Trường Sa, vì chưa xác định được ai là chủ đất (mà TQ thì không muốn ra International Court of Justice để xác định ai là chủ đất).
- Nhưng UNCLOS có điều tốt là bắt buộc các thành viên UNCLOS phải ra tòa, một trong bốn tòa sau đây: International Court of Justice, International Tribunal for the Law of the Sea, Arbitral Tribunal, hay một Special Arbitral Tribunal (2 arbitral tribunals này được tổ chức trong hệ thống Permanent Court of Arbitration của LHQ). Và TQ cũng như các nước có tranh chấp với TQ ở Biển Đông, kể cả VN, đều là thành viên UNCLOS.
- Nhưng Điều 298 UNCLOS lại cho phép các thành viên tuyên bố không chấp nhận các các phương pháp xử lý tranh chấp bằng tòa án như UNCLOS quy định trong các tranh chấp liên hệ đến “ấn định ranh giới biển hay các tranh chấp liên hệ đến quyền sở hửu lịch sử”. Và Trung quốc đã tuyên bố năm 2006, chấp nhận Điều 298 này.Cho nên người ta không thể đưa Trung quốc ra các tòa UNCLOS để kiện về các tranh chấp chủ quyền và ranh giới của các vùng nước—ai làm chủ vùng nước nào.
- Vậy muốn kiện Trung quốc trong các tòa UNCLOS, chúng ta phải kiện về các chuyện mà Điều 298 không cản. Cho nên Philippines đã kiện TQ hai chuyện:
- Các đảo ở Trường Sa mà TQ nắm không phải là “đảo” (island) theo nghĩa mà UNLOS quy định, nhưng chỉ là đất chìm (submerged land), bãi nổi khi triều xuống (low-tide elevation) hay đá (rock) theo UNCLOS.
Submerged land hay low-tide elevation thì không có gì quyền biển gì xung quanh cả.
Điều 121 nói về rock: “Những tảng đá không thể kéo dài sự cư ngụ của con người hay đời sống kinh tế của chính chúng” thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có Vùng độc quyền kinh tế, hay thềm lục địa. (Ngôn ngữ này khá mù mờ, nhưng chúng ta tạm thời không giải thích trong roadmap này).
Kiện các đảo TQ nắm (và đương nhiên là ảnh hưởng đến cả các đảo mình nắm) là rocks chứ không phải đảo, và nếu tòa đồng ý với mình thì cuộc tranh chấp thành nhỏ lại, vì bây giờ vật tranh chấp chẳng có gì, hay chỉ có một viên đá và 12 hải lý nước chung quanh, không phải là một vùng nước vĩ đại có bán kính 370 km Vùng độc quyền kinh tế.
Cách giải quyết này vẫn không xác định được chủ quyền của ai cả, nhưng nó biến cuộc tranh chấp khổng lồ thành bé xíu, dễ giải quyết hơn.
- Đường lưỡi bò không có căn bản pháp lý
Đây là điều đương nhiên nhất, vì không ai trên thế giới thấy căn bản pháp lý nào của đường lưỡi bò. Nó chẳng là gì cả.
Nó không phải là các vùng nước thẩm quyền từ các đảo.
Nó cũng không phải là “vùng nước lịch sử” của TQ theo kiểu TQ nói ông cha tôi đi biển cả nghìn năm rồi (như là chẳng ai khác đi biển).
Công pháp quốc tế truyền thống có lý thuyết “historic waters”, nhưng cực kỳ giới hạn: thường là cho các vùng nước giữa bờ biển và một dãy đảo chạy dọc theo bờ biển, hay các vịnh mà quốc gia ven biển xem như là biển của mình, cư dân mình đánh cá, mình có luật lệ cấm các nước khác vào, và mọi nước tuân thủ, đã rất liên tục và kéo dài nhiều năm (Các điều kiện cũng tương tự như điều kiện chủ quyền đất).
TQ chẳng có “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông vì mấy nghìn năm nay tàu bè các nước đi lại tự do, chẳng ai kể cả TQ tuyên bố chủ quyền và cấm cản, và Biển Đông không phải là một vịnh nhỏ hay vùng nước nhỏ trong các đảo dọc bờ biển TQ.
Bên ngoài lãnh hải 12 hải lý của các nước ven biển ở Biển Đông, tàu bè và máy bay thế giới có quyền đi lại tự do, kể cả trong Vùng độc quyền kinh tế của các nước, và xưa nay vẫn đi lại như thế.
Nhưng khi kiện TQ, đương nhiên là Philippines chỉ cần nói đường lưỡi bò không có căn bản pháp lý chứ không cần bàn về historic waters, vì điều này có thể bị Điều 298 cấm kiện. Nếu TQ muốn đưa nó ra để cản vụ kiện thì TQ sẽ phải ra tòa, nhưng TQ không muốn ra tòa.
- GeopoliticsChúng ta nói đến luật và chúng ta cần dùng luật để nắm chính nghĩa và vận động thế giới, nhưng thực ra TQ không dùng luật, mà đang chơi địa chính trị. Nói rõ ra là TQ đang dùng vai trò cường quốc của mình để thống lĩnh mọi quốc gia trong vùng và làm chủ Biển Đông.TQ hiện là nền kinh tế lớn số 2 thế giới, và có thể qua mặt Mỹ, trong vài năm nữa, có người nói là khoảng 2020, thành nền kinh tế số 1 của thế giới.
Vì hệ thống Công pháp quốc tế còn rất yếu, TQ tính toán, như một cường quốc thời thế kỷ 17 chiếm thuộc địa khắp nơi, cách chiếm lĩnh và thống trị biển, với tác phong quyền lực súng ống của thế kỷ 17, và phần lớn là lờ công pháp quốc tế, hoặc bóp méo công pháp quốc tế để tuyên truyền.
Và TQ tự hỏi, tại sao không? Các quốc gia Âu châu đã làm như thế với các nước yếu, kể cả TQ, thời thuộc địa; Mỹ ngày nay cũng mang quân đi đánh khắp nơi, không cần LHQ nói gì; thế thì tại sao TQ không thể xưng hùng như một cường quốc hàng đầu ở vùng Thái Bình Dương?
Quốc tế công pháp vẫn còn rất lõng lẻo và có tính cách tình nguyện nhiều hơn là bắt buộc. Hơn nữa, quốc tế công pháp hình thành từ “tập tục”. Và TQ hiểu điều đó, nên đang làm 3 việc:
(1) TQ từng bước lấn chiếm và xác định chủ quyền tại khắp các vùng đảo Biển Đông: như các cuộc chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, cắt dây cáp tàu Bình Minh, giàn khoan HD-981, chiếm lĩnh các reefs và shoals ở Philiopines, và xây cất trên các nơi đó để biến các rocks thành islands dưới UNCLOS; làm luật cấm đánh bắt hải sản trên vùng không thực sự có thẩm quyền và bắt bớ ngư dân VN và Phillipines…
Dù có lý thuyết rõ ràng là rock hay island là tính trong tình trạng tự nhiên, các kiến trúc nhân tạo không tính, nhưng các nước chiếm “rocks” đều hy vọng là cứ xây cất trên đó thì một lúc nào đó tòa, hay ít nhất là mọi người, sẽ công nhận chúng là islands, đặc biệt là khi xây cả chợ búa, trường học, bệnh viện, nhà thờ… trên đó.
(2) TQ không dùng và không lệ thuộc luật quốc tế, tòa án, và cộng đồng quốc tế: tránh tòa án và chỉ điều đình tay đôi với các quốc gia. (“Chúng ta là anh em. Anh sẽ lo cho em và để em thừa hưởng mọi sự. Em chỉ cần đồng ý để anh làm chủ mọi sự để anh quản lý cho cả gia đình”. Kiểu ngày xưa: Anh phong em làm An Nam Quốc Vương, em tự do làm vua một cõi, chỉ cần mỗi năm em sang đây triều cống theo lễ nghĩa gia đình hoàng tộc của chúng ta).
(3) TQ từ từ thay đổi công pháp quốc tế bằng cách thiết lập “tập tục” mới: như là đòi hỏi các tàu thuyền nước ngoài khi “đi qua không hại” trong lãnh hải TQ phải được sự đồng ý của TQ (thay vì chỉ cần báo tin mà không cần đợi đồng ý); ngăn cản các hoạt động tàu bè các nước trong Vùng độc quyền kinh tế (như trong các đụng chạm với Mỹ những năm gần đây) mặc dù Vùng độc quyền kinh tế là vùng tàu bè các nước có quyền tự do đi lại và hoạt động tự do (ngoại trừ các hoạt động nghiên cứu khoa học thì phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển).
Với Đường lưỡi bò, dù rất mập mờ, nhưng TQ nói rõ với thế giới rằng TQ muốn làm chủ Biển Đông, muốn giới hạn quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia có tàu thuyền đi qua Biển Đông, đặc biệt là tự do hàng hải của Mỹ.
Đây là chính trị quyền lực, nền kinh tế hàng đầu thế giới làm chủ Biển Đông và làm chủ các quần đảo ở Biển Đông để (1) khai thác tài nguyên, (2) lập vòng rào phòng thủ quân sự, và (3) kiểm soát mọi tàu bè đi qua Biển Đông—đường hàng hải lớn hàng số 1 của thế giới. Nói chung là chiến lược làm bá chủ vùng Biển Đông cách này hay cách khác. Và làm chủ bằng dùng vũ lực lấn chiếm liên tục và trường kỳ, mỗi ngày một chút.
- Thế giới làm gì?
- Trước hết phải hỏi VN làm gì? Thần phục TQ như ngày xưa, gia nhập liên minh đại cường TQ cho một trật tự thế giới mới của TQ, để ta được yên thân làm vua một cõi? Hay giữ vững bờ cõi và vị trí bình đẳng với mọi quốc gia trên chính trường quốc tế, và điều này có nghĩa là chịu đựng và chống lại sức ép của TQ trong nhiều năm nữa?
Nếu không muốn đứng vào liên minh TQ, thì VN sẽ phải làm 3 chuyện: (1) dùng tất cả trí tuệ và khả năng pháp lý để phòng thủ, tạo một luồng dư luận thế giới mạnh mẽ ủng hộ mình, (2) gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, và (3) có thể sẽ phải nghĩ đến chuyện kết hợp mới một liên minh không-TQ, như Mỹ, Nhật, Philippines, Nam Triều Tiên, Ấn Độ…
- Mỹ có lẽ là sẽ nhất định bảo vệ quyền tự do hàng hải của Mỹ và của thế giới ở Biển Đông, và vị thế số 1 của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương, vì Asia Pacific là một trong những vùng phát triển kinh tế nhanh nhất của thế giới ngày nay, và Mỹ và thế giới không thể mất quyền tự do hàng hải trên một đường biển lớn hàng đầu thế giới.
Hơn nữa, thái độ hùng hổ và đổi luật quốc tế của TQ ở Biển Đông làm cho nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, lo lắng đến một trật tự hòa bình của thế giới với TQ hùng hổ trong đó.
TQ hiện nay có vẻ như muốn nói chuyện chia ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ, như là anh để tôi vùng này tôi dành cho anh các vùng khác trên thế giới.
Nếu kinh tế TQ cứ phát triển mạnh như mấy mươi năm nay, và kinh tế của Mỹ và khối Tây Âu không có bước đột phá, thì điều gì có thể xảy ra với chiến lược bá chủ của TQ?
Việt Nam có tác động gì không trong những trận thế vĩ đại giữa TQ và Mỹ? Hay chỉ là một con tốt bị ném hướng này hướng kia bởi các đại cường?
Các bạn, có 2 điều chúng ta cần nắm vững về những cuộc cờ lớn này: (1) Dù là trong trận thế nào, cái đầu vẫn là vũ khí tiên quyết. Người Việt ngày nay có ở khắp thế giới, có người nắm giữ những vị trí hàng đầu tại nhiều quốc gia, có kiến thức tổng hợp rất lớn, có khả năng tạo đồng minh với mọi chính phủ trên thế giới. (2) Nhìn vào các thế chiến đã qua, chúng ta luôn luôn thấy rốt cuộc bad guys (kẻ xấu) sẽ thua, mặc dù lúc khởi đầu họ có thể thấy rất mạnh. Dù là ai, nước nào, cũng có xấu có tốt, nhưng tận cùng nếu phải phân loại thì chúng ta vẫn có thể nói nước nào tốt nước nào xấu. Rốt cuộc những quốc gia trọng tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, và sự thật sẽ thắng.
Các thông tin chi tiết về UNCLOS xin xem tại:
http://unclosforum.com/category/unclos-forum/