Hay cơ hội theo đuổi các chương trình trao đổi trong quá trình du học.
Bất kì trường Đại học nào ở nước ngoài cũng có các chương trình liên kết trao đổi với nhiều trường Đại học quốc tế (ngay cả các trường Đại học trong nước cũng vậy thôi). Thế nên, một khi là sinh viên của một trường Đại học bất kì ở nước ngoài, bạn cũng hoàn toàn có thể tiếp tục tham gia các chương trình trao đổi của trường Đại học ở một quốc gia khác. Tại trường Đại học của mình ở Pháp, hàng năm vẫn luôn có các bạn sinh viên Rumani, Tây Ban Nha, Hà Lan theo học. Năm mình học trao đổi tại Hà Lan, có tới chừng 200 sinh viên đến từ khắp thế giới (cả chương trình Erasmus và các chương trình trao đổi khác) tụ hội về trường, tạo nên một môi trường học tập đa văn hóa thực sự lí thú.
Đi học trao đổi khi du học có gì hay?
Các nhà tuyển dụng hiện nay rất quan tâm đến khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa của ứng viên. Một khi đã từng đi học trao đổi ở nước ngoài, người đối diện sẽ mang ấn tượng về một người có tính cách cởi mở, năng động dành cho bạn. Càng sinh sống tại hơn một đất nước, kinh nghiệm hòa nhập của bạn trong môi trường quốc tế cũng dày dặn hơn. Chưa kể, việc tăng cường khả năng ngoại ngữ và mở rộng các mối quan hệ cũng là những cái lợi thấy rõ.
Cái hay của các chương trình trao đổi là bạn sẽ không phải nộp đúng số tiền học phí của sinh viên chính thức, điều này cho phép bạn được theo học tại những trường đắt đỏ (dù chỉ là trong một, hai học kỳ). Bản thân người viết bài từng là du học sinh Pháp, nơi học phí chỉ rơi vào khoảng 300 euros/năm, còn chương trình đào tạo mà mình được theo học tại Hà Lan có học phí lên tới khoảng 8000 euros/năm. Như vậy, chẳng phải “nhờ” có chương trình trao đổi mà mình đã được làm quen với kiến thức và phương pháp giảng dạy ở một ngôi trường mà lẽ ra mình sẽ không bao giờ có ý định theo học?
Các bước chuẩn bị để đăng ký học trao đổi
Nếu sinh viên bản địa có thể thong thả cho quyết định đi học trao đổi thì bạn lại phải cấp tốc ngay từ đầu, bởi bạn sẽ có nhiều công đoạn phải chuẩn bị hơn họ. Vì chương trình trao đổi của mình kéo dài hẳn một năm trời nên mình đã phải xin thẻ cư trú cho cả hai quốc gia Pháp và Hà Lan vào năm học đó. Quy trình chứng minh tài sản, chọn môn học, đăng ký xin Visa (cho Hà Lan), đăng ký gia hạn thẻ cư trú (cho Pháp)… vì thế cũng rắc rối hơn mọi năm.
Như vậy, để bắt đầu, bạn phải tìm đến phòng quan hệ quốc tế của trường để tìm danh sách tất cả các trường/chương trình đối tác mà bạn có thể tham gia. Đối với nhiều trường, bạn sẽ được chọn nhiều nguyện vọng theo thứ tự lần lượt. Sau khi xem xét hồ sơ, hội đồng tuyển sinh sẽ đưa ra quyết định cho bạn. Các trường Đại học lớn có thể liên kết với nhiều trường Đại học khác nhau ở một đất nước. Khi đó, tùy thuộc vào ngành học chính khóa mà bạn nên chọn những chương trình phù hợp nhất. Thường thì mỗi điểm đến sẽ được quản lý bởi một thầy/cô giáo, nên bạn cứ tìm đến người quản lý của điểm đến đó mà liên hệ.
Một điều cần phải lưu ý nữa là vấn đề ngôn ngữ. Tại một số quốc gia như Pháp hay Tây Ban Nha, bạn có thể sẽ bị đòi hỏi trình độ B1 để được chấp thuận.
Tip tip
- Một số sinh viên bậc Cử nhân khi đi trao đổi lại được học các môn ở bậc Thạc sĩ vì đây là bậc học mà hầu hết các chương trình đào tạo đều được giảng dạy bằng tiếng Anh
- Một số trường Đại học rất coi trọng điểm số khi xét tuyển sinh viên đi học trao đổi, nhiều trường lại quan tâm hơn đến lá thư nguyện vọng, có trường lại chọn theo hình thức… rút thăm may rủi
- Đôi khi bạn sẽ được phát cho một danh sách các nguyện vọng khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc khả năng được đi học trao đổi là rất lớn (quan trọng là bạn có được đi học ở đất nước nằm ở nguyện vọng 1 hay không mà thôi)
- Trong trường hợp vẫn chưa biết nên “đi đâu về đâu”, bạn có thể ghé thăm diễn đàn www.stexx.eu (Student Experience Exchange) nơi chuyên chia sẻ các trải nghiệm trao đổi của sinh viên trên toàn thế giới
Theo Trang Ami / Hotcourses
Bài gốc có thể xem tại đây.