
“Ví dụ như, gay, queer, đàn bà, Picasso, Niu tơn, bác. Tất cả đều khác nhau, nhưng đều có chung một khả năng, là một ý tưởng có thể châm ngòi hay tạo ra một cảm xúc không rõ nguyên nhân, như một bức tượng, một người khổng lồ mà tất cả mọi người thừa nhận không cần bàn cãi.”
Ngôn ngữ tồn tại ở nhiều hình thù khác nhau, một cách đơn giản và lãng mạn, có thể tưởng tượng mọi lĩnh vực đều có “ngôn ngữ” của riêng nó, và mỗi vùng miền theo địa lý, và theo nhóm văn hoá, nhóm con người, cũng có riêng “ngôn ngữ” của mình. Vậy, một người không chỉ biết nói tiếng Việt, tiếng Anh, mà còn biết nói tiếng của nhóm học sinh, tiếng của người trẻ, tiếng của người biết kỹ thuật, tiếng của dân gian, của cơ thể, của người trình diễn, của một tôn giáo, của cây cỏ, vân vân.
Rất thường xuyên, theo định nghĩa này, một người “nói” nhiều ngôn ngữ, và cộng đồng lớn nói chung là cộng đồng đa ngôn ngữ. Khi các luồng ngôn ngữ này gặp nhau, trong một người, hay một nhóm người, có nhiều những hiện tượng và phản ứng xảy ra. Cái dễ thấy có thể lấy ví dụ là pha tiếng Anh với tiếng Việt. Trong trường hợp này, tôi hoàn toàn bênh vực những người sống và lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ sử dụng những khái niệm và từ vay mượn ở nhiều thứ tiếng khác nhau. Điều này thật dễ hiểu, vì nếu biết rất rõ nhiều thứ tiếng, nhất là khi tư duy thường xuyên trong các thứ tiếng này, thì việc đặt tên, hay nói lên một từ nào đó để diễn tả một khái niệm, hay cảm giác nhiều khi chỉ tồn tại trong một thứ tiếng, mà khó có thể tìm từ tương đương. Nhiều khi, một cảm xúc hay khái niệm chỉ tồn tại duy nhất trong đúng ngữ cảnh của nó, và khi trong giao tiếp đó là ngôn ngữ chung, thì mục đích trao đổi đã đạt được nhiệm vụ của mình.
Điều đó không phải là cớ để tôi trốn tránh việc hiểu, đọc, và lắng nghe tiếng Việt thật nhiều. Tôi rất thích tiếng Việt, nó gợi cho tôi nhiều cảm xúc, và tôi thích cảm giác viết và nói tiếng Việt thật hay. Tôi thích nghe đồng dao, thích đọc thơ, đọc Trần Dần thấy gần gũi, thích sự hài hước và sự lãng mạn rất đểu của tiếng Việt, sự biểu cảm, các vần điệu và âm thanh của nó, thích dùng nó một cách dữ dội, dùng nó để nói tục. Tiếng gì mà vừa điếng yêu và đĩ đọt, vừa thi ca vừa tuồng tã, tiếng gì mà kêu rất kêu.
Tôi vẫn luôn mê tiếng Việt, nhưng thực tế vốn tiếng của tôi thật hạn chế, kể cả so với tiếng Anh. Vì điều này làm tôi buồn, tôi muốn không buồn nữa. Vậy để giải quyết nỗi buồn này, tôi muốn đẩy nhanh quá trình sống và tái sinh của tiếng Việt, bằng việc phổ biến và thúc đẩy sử dụng ngôn ngữ này một cách thường xuyên hơn và sáng tạo hơn. Điều này yêu cầu vừa phải quay lại kho tàng đã có vốn rất trù phú, vừa là liên tục tạo ra định nghĩa mới. Và không có gì là giới hạn, mọi từ, khái niệm trong tiếng Việt, từ tiếng lóng, tiếng anh chị, tiếng giang hồ, ngôn ngữ chính thống, ngôn ngữ học thuật, đều có thể được đưa ra để định nghĩa. Cách định nghĩa cũng hoàn toàn mở rộng, gợi mở và lỏng bằng bất kể phương tiện nào phù hợp, như là với “Sát thủ đầu mưng mủ” hay bằng V-log, hay bằng âm nhạc.
Một cách tương đối, ngôn ngữ tạo dựng nên thực tế trong bối cảnh thế giới của các khái niệm. Thật là hay ho khi mà một người sống theo một cái tên, một từ nào đó, hay khi một từ có thể động chạm nhạy cảm đến các khái niệm về danh tính hay bản tính của ai đó. Những từ, hay mác này, thực tế đều là khái niệm được tạo ra trong một không gian chung giữa những không gian suy nghĩ riêng của từng cá thể, một không gian bí ẩn và và khó hiểu. Ví dụ như, gay, queer, đàn bà, Picasso, Niu tơn, bác. Tất cả đều khác nhau, nhưng đều có chung một khả năng, là một ý tưởng có thể châm ngòi hay tạo ra một cảm xúc không rõ nguyên nhân, như một bức tượng, một người khổng lồ mà tất cả mọi người thừa nhận không cần bàn cãi.
Vậy, để công bằng hơn, sáng rõ hơn, và để hiểu và yêu nhau hơn. Hãy thử viết và nói tiếng Việt nhiều hơn.
Tôi yêu những câu chuyện, yêu ngôn ngữ, yêu những gì tôi đọc và những điều tôi nghe. Với tôi, ngôn ngữ là một trong những điều cơ bản nhất và kì diệu nhất, hôm nay cô ấy giống như là cô gái tóc đen dài xinh đẹp ngồi thổi sáo trên một quả trăng tròn ngọt lịm.
Chu Hà Thanh / VietAbroader
Bài gốc có thể xem tại đây.