Hồi lớp 8 có một lần cô chủ nhiệm dành nguyên một tiết sinh hoạt lớp mắng mình té tát, mà mình lại tương đối mít ướt cứ nước mắt nước mũi tùm lum nấc lên nấc xuống thì tất nhiên chả nói được câu gì ra hồn nên không cãi được cô. Tất cả chỉ vì có buổi sáng cô gọi đến nhà tìm mình có việc nhưng không gặp. Cô gọi lại mấy sáng hôm sau nữa đều không được nên gọi vào buổi tối. Mẹ mình nghe máy và phán ngay cho một câu xanh rờn “Ôi thằng Bí nó đi chơi điện tử suốt ngày ấy mà cô”.
Kể ra cũng tội nghiệp cô, có lẽ giây phút đấy trong đầu cô chủ nhiệm ấn tượng về cậu học trò ngoan ngoãn học cũng không quá ngu sụp đổ hoàn toàn (haha). Không rõ cô “điều tra” thế nào nhưng rồi cô nghe phong thanh ở đâu đấy là mình chơi Võ Lâm (game online kiếm hiệp đầu tiên ở VN) tốn kém lắm nên đến lúc mình kể là mình chơi game cày tiền ảo để đổi ra tiền thật cô không tin! Chắc mọi người cũng đoán được, sau vụ ăn mắng đầy cay đắng đó mình càng bực và càng chơi tợn.
*Bây giờ biết một tẹo về tâm lý học mới hiểu tại sao: khi trong đầu mình có 2 ý kiến trái ngược nhau 1) người lớn cấm, thậm chí phạt, mình chơi điện tử 2) nhưng sao mình vẫn chơi điện tử thì mình bao giờ cũng tìm cách suy luận thế nào để dung hòa hai ý kiến này: người lớn cấm mình chơi chứng tỏ điện tử phải rất hay (vì nếu chán thì cần quái gì phải cấm. Chả ai cấm mình ăn nhiều rau cả đúng không). Suy ra: chơi đê! Nhìn kĩ, rõ ràng là não mình đang cố tình thao túng cái suy luận từ tốt-xấu (ý của người lớn) sang hay-chán để tự ngụy biện. Kết cục là càng cấm càng chơi.*
Ngẫm lại, hồi đấy hoàn cảnh của mình khó mà không chơi, vì sinh ra và lớn lên trong cái nôi điện tử của Hà Nội như thế, rồi ban ngày người lớn đi làm hết nữa. Hồi đấy làm gì có tiền đâu, thỉnh thoảng ăn bớt tiền ăn sáng (không mua về nhà ăn thì không được cầm tiền vì mẹ sợ đi chơi điện tử mà) hay làm mấy việc sai vặt của người khác mới có cái mà chơi nên toàn đứng nhìn người khác chơi (và làm quân sư) thôi.
Lí do ra hàng net cũng ngoài sức hấp dẫn riêng của game ra thì còn là việc ra hàng net rất vui nữa, chứ ở nhà một mình buồn chết. Mỗi lần trong hàng có trận đánh DotA (game chiến thuật 5 đánh 5) là bao nhiêu người ra xem và bình luận ấy, nghe các ông chửi nhau (vui thôi) hay kinh. Có khi đấy là lí do chính để mình chơi điện tử ấy chứ: chơi vui, có bạn lại càng vui hơn. Và có lẽ cũng là lí do tại sao mình nghỉ chơi. Hồi ở Sing hai năm đầu cuối tuần nào cũng vác máy xuống phòng chung để chơi với mọi người. Lúc đầu thì cũng vui, nhưng dần dần về sau mình nhận ra là sau mỗi lần chơi, thắng thì chả hả hê được lâu chứ thua thì tức lắm. Mọi người lại chửi rồi đổ lỗi cho nhau, có người còn rất ăn thua nữa. Dù mình gà, ăn chửi quen rồi nhưng vẫn thấy vừa buồn vừa khó chịu. Đến lúc lên phòng rồi trong đầu cứ ong ong, nhắm mắt đi ngủ trong đầu lại tái hiện chuyện cũ, trong người cái bực nó cứ ỉ ôi.
Mình hỏi lại chính mình: tại sao mày chơi điện tử? Cho vui, nhưng mà có còn vui nữa không? Có lẽ đã đến lúc để nghỉ. Rồi mình lại thấy mình chơi vui chủ yếu vì có bạn bè nên chẳng có lí do gì để chơi một mình trên phòng cả.
Nghĩ vậy, một hôm mình viết một cái note lâm li bi đát trên Facebook tuyên bố nghỉ chơi điện tử. Và cuối tuần đấy mình vẫn mang máy xuống chơi cùng mọi người như thật (thấy nghiện khó giải quyết chưa, mồm có thể to nhưng tay chưa chắc đã làm). Vừa chuẩn bị bật máy chơi thì có một anh bạn phán ngay cho một câu giọng đầy bôi bác “Ơ anh tưởng em vừa viết một cái note bảo không chơi nữa cơ mà”. Giọt nước làm tràn li. Đúng cái khoảnh khắc đấy, mình thấy nhục vãiiii và thế là từ đấy điện tử ơi chào mi. Giờ nghĩ lại không biết là anh bạn mình muốn tốt cho mình hay chỉ muốn trêu mình hay sao mà nói câu đấy, nhưng mà động cơ thế nào không quan trọng và mình thực sự rất muốn cám ơn!
Lời khuyên cho những người muốn nghỉ nhưng không nghỉ được: tự hỏi chính mình tại sao mình chơi trước, rồi xem tại sao mình nên nghỉ. Thú thật với bản thân: có thực sự là mình muốn nghỉ hay không hay chỉ là bị bắt ép? Mỗi người sẽ có một lúc riêng tự nhận ra điều này, và với mình nó may mắn đến tương đối sớm (với bao nhiêu năm gắn bó như vậy thì thế là sớm rồi. Chơi điện tử 4 nút thay vì đi mẫu giáo, ra hàng game lần đầu năm lớp 1 chơi Quake hay phá đảo rockman x4 không biết bao nhiêu lần…) Tất nhiên chỉ ngồi mà lí luận cái tốt cái xấu như chuyện cãi cô chủ nhiệm mình kể ở trên thi không có tác dụng lắm vì thay đổi hành vi cần có cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Cái bên ngoài cũng không khó lắm, ví dụ như mình có thể viết một cái note rồi tag hết bạn bè vào, bảo cả người thân trong gia đình nữa là mỗi lần thấy mình chơi thì cứ cười thẳng vào mặt (đặc biệt hiệu quả nếu có những đứa bạn tính thích trêu mình). Sợ nhục là một động lực lớn của con người mà.
Túm lại, mình rất thích chơi trò chơi. Điện tử thì miễn bàn, nó gắn bó với mình đến mức bây giờ ngồi một mình bần thần nghĩ lại mà từng kí ức về từng chỗ ăn đồ bí mật hay cách giết trùm cứ hiện rõ mồn một trong đầu dù nghỉ rất lâu rồi ấy.Bản thân việc chơi không có gì sai, và có những người bạn mình biết chơi giỏi học giỏi làm cái gì cũng giỏi ấy. Có một phép thử thế này, giả sử một hôm mẹ mình đi vắng gọi điện về nhà hỏi mình đang làm gì mà mình có thể trả lời “Con đang chơi điện tử” mà không thấy ngại và cùng không lo mẹ buồn thì chắc là mình xứng đáng chơi điện tử một tí rồi. Từ kinh nghiệm bản thân, nghỉ chơi thời gian đầu cảm thấy khá trống vắng nhưng chẳng mấy chốc thấy sướng kinh, có bao nhiêu thời gian rảnh để làm những thứ trước giờ biết là hay nhưng không ngờ lại hay như thế. Ví dụ? Đọc sách, chém gió với bạn hay đơn giản chỉ là đi dạo.
Bỏ qua những thứ như sự nhanh nhạy của đầu óc, lòng quyết tâm mãnh liệt hay sự bền bỉ để vượt qua những thử thách không tưởng nhất (mấy cái này có thể đúng nhưng khả năng cao là ngụy biện), dành cả một thời thơ ấu cho điện tử dạy mình một điều quý báu: trân trọng những gì mình đang có. Đôi lúc nghĩ về những “giá như hồi đó mình” cũng hơi tiếc, nhưng rồi mình lại nghĩ “May thật, hồi đấy chơi như thế mà bây giờ chưa cạp đất mà ăn”. Nghĩ được như vậy cho mình rất nhiều động lực để “làm lại cuộc đời” và giúp những người khác.
P/s: Hôm nọ gặp bạn cũ bắn Half Life vui kinh, gà đi nhiều rồi nhưng có lẽ càng gà lại càng vui !
(Kết thúc)
Bùi Gia Khuyến / VietAbroader
Bài gốc có thể xem tại đây.