“Tôi đã từ chối học bổng của chính phủ sang Ba Lan để theo học ĐH Ngoại thương Hà Nội, có rất nhiều luyến tiếc nhưng tôi hiểu rằng cơ hội dành cho tôi vẫn còn rất lớn…Bây giờ việc tiếp theo của tôi là tiếp thu những hành trang để trở thành một doanh nhân thành đạt…”.
Được biết, từ khi còn là sinh viên năm ba, Long đã nộp hồ sơ và đến thi tuyển vào công ty này. Đạt số điểm cao nhất, tuy nhiên khi đó Long chưa có bằng tốt nghiệp đại học nên không được nhận vào làm. Ngay khi Long tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, công ty đã mời Long về làm.
Vết lằn trong cuộc đời
“Học! Học nữa! Học mãi!”. Trong tâm trí tôi luôn vang vọng một động lực vô biên quyết tâm gặt hái những kiến thức của nhân loại, cố gắng lĩnh hội thật nhiều tri thức để cống hiến cho xã hội và giúp gia đình tôi thoát nghèo.
Tôi sinh ra tại Thái Nguyên, một thành phố nhỏ, một địa danh giàu truyền thống hiếu học. Từ bé tôi đã ý thức được việc học là quan trọng số một. Bố tôi là công nhân nhà máy thép với đồng lương ít ỏi, mẹ tôi làm nghề bán hàng xáo. Gò má cao xương xương của mẹ tôi và những giọt mồ hôi thấm đẫm trên vai bố mỗi khi tan ca làm cứ hằn sâu trong tâm trí của tôi như một vết lằn trong cuộc đời khiến tôi không ngừng quyết chí học thật tốt.
Với tôi, trong con tim tôi, gia đình luôn là quan trọng nhất! Làm sao để bố mẹ không phải khổ nữa? Làm sao để khẳng định bản thân giữa muôn trùng thách thức và khó khăn?…. Hàng tá câu hỏi cứ vẩn vơ trong đầu tôi khi tôi còn là một cậu bé. Tuổi thơ của tôi như vậy đó.
Tôi không phải là người thông minh, tôi chỉ còn biết lấy sự siêng năng cần cù của mình để cải thiện thành tích học hành.Kết quả đã không phụ sự cố gắng không biết mệt mỏi ấy, ngay từ năm lớp 3 đến năm lớp 8 tôi đã đạt nhiều giải thưởng ở cấp thành phố và cấp quốc gia về môn Toán. Tuy nhiên, trong kí ức tôi thủa nhỏ trong đầu lúc nào cũng thường trực câu hỏi lấy tiền đâu mua sách. Bố mẹ tôi rất ủng hộ việc đó nhưng tôi tự thấy nhu cầu đọc sách của mình quá lớn, trong khi không thể xin tiền bố mẹ mãi được vì thu nhập của bố trang trải các chi phí ăn học cho hai chị em tôi đã quá vất vả rồi.
Mỗi lần xin mẹ tiền, tôi chỉ dám xin 60 ngàn, 70 ngàn để lên trung tâm thành phố mua sách, tôi cố gắng tìm mua cuốn nào vừa bổ ích vừa nhiều trang để tiết kiệm chi phí. Có lần không đủ tiền mua, tôi đã đề nghị chú bán hàng cho tôi thuê sách trong 1 tuần, chú ấy nói cửa hàng không có dịch vụ cho thuê. Sau một hồi năn nỉ, thấy sự nhiệt tình của tôi, chú ấy đã cho tôi thuê 1 tuần.Về nhà sợ hết thời gian thuê tôi cố gắng học hết quyển đó trước.
Nấc thang cuộc đời
Thời gian chuyển cấp lên THPT là quãng thời gian khó khăn đối với tôi, tôi đắn đo suốt giữa hai phương án học tại Thái Nguyên hay xuống Hà Nội. Kết quả tôi đã thi cả hai trường: Thi vào Chuyên Toán Thái Nguyên, tôi đỗ thủ khoa. Thi chuyên Toán THPT Khoa học Tự nhiên Hà Nội, tôi đỗ á khoa. Chao ôi! Thật là sung sướng biết nhường nào! Thế là một nấc thang khó khăn trong cuộc đời tôi đã vượt qua một cách xuất sắc.
Trước sự động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã quyết định khăn gói xuống Hà Nội nhập học mặc dù trong tai tôi vẫn văng vẳng câu nói của một người bạn khuyên tôi nên học ở Thái Nguyên: “Mày không nên xuống Hà Nội vì dưới đó chi phí đắt đỏ, bố mẹ mày đã quá khổ rồi, học ở Thái Nguyên cũng tốt, quan trọng là nội lực bản thân, học trường nào cũng được”.
Quãng thời gian sinh sống và học tập ở Hà Nội trôi qua với tôi một cách chậm rãi, bây giờ với tôi không chỉ nỗi lo học tập mà còn là nỗi lo hòa nhập với bạn bè mới, môi trường mới, nền văn hóa mới… Tôi không có tiền đi học thêm, chỉ tập trung học thật tốt những bài giảng của thầy cô trên lớp, mượn thêm sách thư viện về học thật nhiều sách tham khảo để cày kiến thức chuyên sâu.
Năm lớp 11, tôi vinh dự được nhà trường cử đi thi “Đường lên đỉnh Olympia“. Tôi vượt qua vòng thi tháng, cảm giác trở thành một người của “công chúng” khi được nhiều bạn bè trong trường biết đến, đi cổ vũ cho mình thật thú vị. Năm thi đại học, tôi kết thúc chương trình lớp 12 từ hè lớp 11. Sang năm lớp 12, tôi chỉ tập trung luyện đề và đi thi thử tại nhiều trung tâm uy tín trên địa bàn Hà Nội. Cứ như thể tôi thêm phần tự tin trước khi bước vào kì thi đại học chính thức. Trong các lần thi thử ở trường, tôi luôn xếp các vị trí nhất nhì, tôi trở thành niềm hi vọng vàng của nhà trường sẽ trở thành thủ khoa đại học.
Từ chối suất du học
Kết quả tôi đạt danh hiệu thủ khoa ĐH Y Thái Nguyên với 28 điểm, khối A tôi đạt á khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội với điểm số 29,5. Tôi thất vọng vô cùng vì môn Toán là môn tôi học chuyên nhưng lại chỉ được 9,5 điểm. Mất điểm ở một phần rất dễ, tôi gần như suy sụp hoàn toàn với hai ngày không ăn không uống, đóng cửa trong phòng…
Bỏ lại sau lưng bao nhiều kì vọng của nhà trường, bỏ lại sau lưng một cơ hội không thể tốt hơn để thay đổi cuộc đời, chỉ cần cẩn thận chút nữa thôi, chỉ cần được 10 điểm Toán thôi tôi sẽ là thủ khoa của cả nước, tôi sẽ được học bổng toàn phần sang Mỹ du học theo học bổng 322 của Chính phủ. Tôi không biết nói gì lúc đó, cứ nghĩ quẩn quanh, có những lúc tôi định sang năm sẽ thi lại để lấy học bổng sang Mỹ.
Thời gian qua đi, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn, tôi đã từ chối học bổng của chính phủ sang Ba Lan để theo học ĐH Ngoại thương trong nước, có rất nhiều luyến tiếc nhưng tôi hiểu rằng cơ hội dành cho tôi ở phần sau cuộc đời vẫn còn rất lớn, tự động viên bản thân cố gắng nỗ lực để thành công trong học tập cũng như cuộc sống.
Nhìn lại chặng đường đã qua, những thành tích đạt được, tôi thấy hoàn cảnh gia đình đã tác động đến tôi rất nhiều, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ rất quan tâm đến chuyện học hành của con cái, luôn ưu tiên số một cho học hành. Ngoài ra, môi trường tôi theo học cũng tác động không nhỏ, những ngôi trường đó toàn trường chuyên lớp chọn mẫu mực.Truyền thống hiếu học của dòng họ tạo động lực thúc đẩy bản thân phải nỗ lực, nỗ lực hơn nữa.
Tôi chọn khối thi A do gia đình định hướng và do có năng khiếu, còn quyết định chọn ngành nghề là do bản thân tôi muốn khẳng định bản thân, muốn thi ĐH Ngoại thương để bản thân mình có giá trị hơn… Thomas Edison từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”, tôi nghĩ nghị lực là quan trọng nhất còn chí thông minh thiên bẩm thì phải có nhưng không cần quá, cần cù siêng năng và quyết tâm là không thể thiếu. Với tôi không bao giờ hi vọng vào may mắn mà tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để mang lại thành công đúng như một nhạc sĩ Việt Nam đã viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng / Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.
Để trở thành thủ khoa, á khoa, bạn phải “trả giá” (hy sinh thời gian, mồ hôi, nước mắt, công sức…) Học hành siêng năng, tuy vẫn có thể dành thời gian thực hiện sở thích như chơi game, thể thao nhưng không thể nhiều được
Đỗ điểm cao vào đại học, tôi luôn ý thức bản thân mình không được tự mãn vì những gì mình đạt được, luôn coi mình là một người bình thường như bao người khác, dám nghĩ, dám làm và làm được. Khái niệm giỏi ở đại học không đơn thuần chỉ là học giỏi.