Lee Nguyễn kể lại rằng anh không có ý định về Việt Nam thi đấu nhưng khi đặt chân đến Pleiku thì bầu Đức đã chào mời anh thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai bằng số tiền quá hậu hĩnh nên anh đã xiêu lòng ở lại. “Ông ấy đã trả cho tôi một số tiền “điên rồ” và tôi không thể lắc đầu từ chối được”, Lee Nguyễn nói với trang MLSsoccer.
“Lúc còn ở Việt Nam, tôi đi đến đâu khán giả cũng vây quanh. Họ níu áo tôi, cố chạm tay vào người tôi. Có lần thi đấu xong trận cho HAGL, từ phòng thay đồ bước ra tôi tôi thấy miếng bảo vệ ống quyển bị ai đó lấy mất, còn cái túi xách đựng đồ thì bị một cậu bé nào đó “thỉnh” luôn. Các anh bảo vệ ở SVĐ Pleiku phải rất vất vả với có thể đưa tôi lên được chiếc xe bus của CLB đang chờ sẵn ở ngoài cổng sân”, Lee Nguyễn nhớ lại thời gian đầu khi đến Việt Nam chơi cho Hoàng Anh Gia Lai – một CLB ở miền trung Việt Nam.
Bây giờ thì Lee Nguyễn đang là ngôi sao sáng của New England Revolution nhưng so với thời còn thi đấu ở Việt Nam thì chẳng là gì cả. Lúc ở HAGL, Lee Nguyễn được ví như “David Bekham của Việt Nam”, luôn được chào đón ở mọi nơi, thường xuyên lên trang nhất của những tờ tạp chí, báo mạng. Thế nhưng, Lee Nguyễn cũng buộc phải rời Việt Nam vào tháng 12.2011 để cứu vãn sự nghiệp và nhất là anh hy vọng sẽ lọt vào tầm ngắm của Jurgen Klinsmann khi đó vừa nhậm chức HLV tuyển Mỹ.
Dù vậy với khoảng 2 năm rưỡi chơi bóng ở quê cha mẹ, Lee Nguyễn kịp bỏ túi một số tiền khổng lồ như một số vốn để dành cho tương lai và cũng đủ để anh chấp nhận thiệt thòi khi bị Ban tổ chức MLS ép trả số tiền lương bèo bọt 44.000 USD/năm (chưa thuế).
Lúc còn ở Việt Nam, Lee Nguyễn được giới giải trí và show-biz tiếp đón nhiệt tình như một gương mặt mới lạ, ấn tượng. Điều này ảnh hưởng khá tiêu cực đến sự nghiệp của anh |
Từ vị thế ngôi sao ở Việt Nam, Lee Nguyễn về Mỹ và được “quay xổ số” để đến CLB Vancouver Whitecaps song sau 1 tháng thì tiền vệ gốc Dallas đã bị HLV Martin Rennie gạch tên ngay khi MLS 2012 chỉ còn 1 tuần nữa là khai mạc.
“Tôi trở lại Mỹ để chứng tỏ giá trị bản thân nhưng ngay sau đó tôi biết Rennie không thích cách đá của tôi, vì vậy tôi cũng mong ông ta để cho tôi đi CLB khác. Quả thế thật, khi Whitecaps đến tập huấn ở Orlando thì Rennie kêu tôi ra sảnh khách sạn và bảo ông ấy sẽ không sử dụng tôi”, Lee Nguyễn kể.
Biết được tin này, HLV Jay Heaps của New England Revolution đã ngay lập tức liên lạc và ký hợp đồng với Lee Nguyễn mà không cần phải đắn đo bất cứ điều gì. Ông Jay Heaps đã biết Lee Nguyễn từ rất lâu khi tiền vệ gốc Việt đá cho Đại học Indiana và đoạt giải Cầu thủ sinh viên hay nhất năm 2005.
Tiền đạo Charlie Davies của NE Revs, người vốn là bạn thân của Lee Nguyễn khi cả 2 được gọi lên tuyển Mỹ năm 2007, nói: “Cậu ấy rất giỏi nhưng vì cậu ấy chơi cho NE Revs là đội bóng ít tên tuổi nên mới lận đận thế. Cứ nhìn Lee đối đầu với Graham Zusi (Kansas City), Micheal Bradley (Toronto), Clint Dempsey (Seattle Sounders) hay cả Donovan (LA Galaxy) sẽ thấy cậu ấy xứng đáng có mặt ở ĐT Mỹ chẳng khác gì những người kia”
Tiền vệ Dax McCarty của New York Red Bulls cũng là người bạn của Lee Nguyễn, bình luận: “Nếu Lee đá cho LA Galaxy, Seattle hay New York thì anh ấy đã có suất trong đội hình MLS All-Star từ lâu rồi”.
Lee Nguyễn từng là tài năng được trông đợi nhất nước Mỹ cách đây gần 10 năm, bởi chẳng có cầu thủ Mỹ nào mới 18 tuổi lại lọt vào mắt xanh của HLV Guus Hiddink để được chào mời về PSV Eindhoven. Nếu ông Guus Hiddink không rời PSV để sang làm HLV tuyển Nga có lẽ sự nghiệp của Lee Nguyễn chẳng kém gì huyền thoại Tab Ramos của bóng đá Mỹ thập niên 1990
Dù chỉ đá có 2 trận trong 2 năm ở PSV nhưng Lee Nguyễn cho rằng đó là thời gian hạnh phúc của anh. “Tôi rất vui vẻ khi ở Hà Lan, tôi thích không khí ở PSV nơi mà có nhiều cầu thủ rất giỏi, các đàn anh luôn động viên tôi chơi bóng, chỉ bảo tận tình để tôi có thể thể hiện bản thân. Tôi đã rất cố gắng nhưng cũng hơi thất vọng là đến cuối tuần khi tôi luôn chờ đợi quyết định của HLV trưởng thì họ chẳng cho tôi cơ hội ra sân”
Vì không được ra sân thường xuyên ở PSV Eindhoven và bị thúc giục trước sức ép của HLV Bob Bradley của tuyển Mỹ rằng nếu không được đá thường xuyên thì bị gạch tên khỏi tuyển Olympic Mỹ dự Olympic Bắc Kinh 2008 nên Lee Nguyễn đã tìm đường ra Randers FC ở giải VĐQG Đan Mạch.
Trong gần 1 mùa ở Randers FC, Lee Nguyễn ra sân 22 trận, ghi 2 bàn thắng – một kết quả khá tốt nhưng đáng thất vọng là Bob Bradley lại “quên” mất lời hứa và không gọi tiền vệ gốc Việt vào ĐT Mỹ hay Olympic Mỹ thêm một lần nào nữa.
Cảm thấy thất vọng sau 3 năm ở châu Âu, Lee Nguyễn có ý định thay đổi môi trường thi đấu nhưng chưa quyết định sẽ đi đâu. Đúng lúc này, vào tháng Giêng năm 2009, bầu Đức của CLB HAGL đã bắt liên lạc, gửi đến cha Lee Nguyễn là ông Nguyễn Văn Phẩm lời đề nghị về Việt Nam chơi bóng.
Vừa đặt chân đến Việt Nam, Lee Nguyễn được bầu Đức cho lấy máy bay riêng rước về Pleiku |
“Nghe cha tôi bảo về Việt Nam chơi bóng, tôi lắc đầu ngay và nói rằng con vẫn muốn đá ở châu Âu. Tuy nhiên phía HAGL cứ nài nỉ với cha tôi rằng cứ về Việt Nam thăm một chuyến thử đi, không mất gì cả. Nhân tiện lúc đó ở Đan Mạch cũng nghỉ đông nên tôi đã bay về Việt Nam để đến HAGL thử coi như thế nào”.
Vừa đặt chân đến Việt Nam, Lee Nguyễn và ông Phẩm được bầu Đức chào đón trọng vọng và lấy máy bay riêng đón lên Pleiku. Ở đây Lee Nguyễn ra sân đá thử chừng 45 phút cho HAGL với CLB Bình Định ở sân Hàm Rồng và tiền vệ này ghi liền 3 bàn thắng. Bầu Đức bị “đánh gục” hoàn toàn bởi tài năng của Lee Nguyễn.
Lee Nguyễn hồi tưởng: “Ông ấy đã đưa ra một bản hợp đồng khiến tôi phải sửng sốt vì mức độ “điên rồ” của nó. Tôi và cha tôi không thể làm gì khác là gật đầu. Ông ấy cho tôi rất nhiều tiền khi đá ở HAGL. Dù vậy tôi cũng biết rằng để có được số tiền đó tôi cũng phải đánh đổi rằng tôi sẽ rất khó khăn để quay trở về Mỹ”.
Ký hợp đồng với HAGL, Lee Nguyễn chấp nhận mạo hiểm, bước vào vùng tối của sự nghiệp để đổi lại món tiền lớn và sự thật thì Nguyễn đã biến mất khỏi sự theo dõi của giới chuyên môn ở Mỹ, tất nhiên sự nghiệp ở ĐTQG Mỹ coi như bị đặt dấu chấm hết.
“Tôi về VN không hẳn tất cả vì tiền mà do thất vọng vì cách làm việc của HLV Bob Bradley. Tôi đã đá 3 trận cho ĐT Mỹ trước khi sang Đan Mạch và tôi cũng hy vọng ông ấy sẽ gọi tôi khi tôi đá tốt nhưng ông ấy không đoái hoài gì cả. Vì vậy tôi về Việt Nam vì tôi phải kiếm tiền để lo cho tương lai của mình”.
Mùa bóng đầu tiên ở HAGL năm 2009, Lee Nguyễn ghi 12 bàn, kiến tạo 16 bàn khác trước khi rời CLB vì bất đồng với HLV Kiatisak người Thái Lan. Lúc đó Lee Nguyễn cố gắng liên lạc để về lại MLS nhưng lại bị ép giá quá đáng nên anh nhận lời đá cho Becamex Bình Dương.
Ở đội bóng được gọi là “Chelsea VN” này, Lee Nguyễn nhận số tiền còn lớn hơn ở HAGL, vào khoảng 350.000 USD/năm (7 tỷ đồng) mà không phải trả bất kỳ khoản thuế nào. Tuy nhiên, ở đội bóng mới Lee Nguyễn đá không ổn định vì CLB thay đổi HLV xoành xoạch và cuối cùng thì anh bị chấn thương ở bàn chân.
Lee Nguyễn ăn mừng bàn thắng cùng tiền vệ Sakka trong những ngày tháng hạnh phúc ở HAGL (ảnh: bongdaplus) |
Tháng 8.2011, tuyển Mỹ thay HLV khi Bob Bradley rời ghế và Jurgen Klinsmann lên thay thế. Lee Nguyễn thấy có hy vọng trở lại vì Klinsmann chính là người năm xưa trong vài trò tuyển trạch viên U.20 Mỹ đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Phẩm khuyên gia đình nên cho Lee Nguyễn đi theo bóng đá nhà nghề thay vì thi đấu ở môi trường Đại học.
Ngay lập tức, Lee Nguyễn tìm cách thanh lý hợp đồng với B.Bình Dương vội vàng trở lại Mỹ và từ chối những khoản tiền kếch xù khác mà nhiều ông chủ CLB khác ở Việt Nam sẵn sàng chi trả. “Tôi biết Jurgen Klinsmann là HLV ưa chuộng phong cách kỹ thuật và tôi nghĩ rằng mình phù hợp với phong cách của ông ấy. Điều đó thúc đẩy tôi phải quay trở lại Mỹ và tôi muốn chứng minh năng lực một lần nữa để được gọi vào ĐTQG”
3 mùa bóng ở MLS, Lee Nguyễn đã cho thấy tài năng của mình đã được mọi người thừa nhận nhưng cái duyên trở lại ĐT Mỹ vẫn chưa đến. “Bạn phải chứng minh mình, phải chứng tỏ rằng phải xứng đáng cho cuộc gọi (vào tuyển Mỹ). Tôi nghĩ nếu NE Revs cứ đá tốt thì tôi sẽ có cơ hội nên tôi hy vọng sẽ được gọi vào ngày nào đó”
Điều quan trọng hơn chuyện vào ĐT Mỹ với Lee Nguyễn là sau bao nhiêu năm tìm kiếm thì anh đã có một môi trường chơi bóng lý tưởng, một nơi mà anh có thể phát triển sự nghiệp lên mức đỉnh cao. Lee Nguyễn và đồng đội Charlie Davies giờ còn được nhận làm trợ lý HLV cho đội bóng của trường Cao đẳng Boston.
Những thành công cùng kinh nghiệm, va vấp và cả thất bại của Lee Nguyễn ở độ tuổi thiếu niên có thể nói cũng là một bài học quý báu dành cho nhiều cầu thủ trẻ ở Mỹ lấy đó làm tấm gương để chọn lựa môi trường thi đấu phù hợp.
Đá thật hay cho New England Revolution và trở lại tuyển Mỹ là mục tiêu của Lee Nguyễn hiện tại |
Lee Nguyễn nói anh trân trọng từng quãng thời gian đã trải qua trong sự nghiệp. Ở Hà Lan, Đan Mạch thì Nguyễn đã được học hỏi nhiều cầu thủ giỏi khắp thế giới. Ở Việt Nam, Nguyễn lại học được cách làm thế nào để làm đầu tàu, dẫn dắt một CLB. Tất cả những điều đó đã giúp ích Nguyễn rất nhiều khi trở về MLS trong màu áo NE Revs.