
Trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm nay 12-1, tại Hà Nội, Công ty Bechtel (Mỹ) đã ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án về dự án cảng Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Mark Argar, Quản lý dự án của Công ty Bechtel (Mỹ), cho biết Công ty Bechtel mong muốn đầu tư vào cảng Hòn Khoai là cảng cửa ngõ để đưa than đá vào phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL..
Ông Mark Argar cho biết, Công ty Bechtel đã ký kết hợp đồng với Công ty Vân Phong và mong muốn có thể sớm thực hiện nghiên cứu khả thi dự án.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng phía công ty cần xem xét thị trường khu vực này khi quyết định đầu tư. Theo ông Thăng, đối với cảng than thì khu vực này đã có cảng Duyên Hải; còn cảng trung chuyển quốc tế thì đã có cụm Cảng Cái Mép – Thị Vải. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu nên cảng chính của khu vực lại là cảng Cần Thơ.
Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông đường bộ giữa cảng với khu vực ĐBSCL quy hoạch trước năm 2020 chưa có đường cao tốc. Theo nhu cầu trước năm 2020 chỉ đầu tư đường cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ. Còn từ Cần Thơ đến Cà Mau sau năm 2020 mới đầu tư. Ông Thăng đặt câu hỏi: nếu hàng hóa nhập khẩu về thì vận chuyển lên phía trên bằng gì?
Trang thông tin điện tử của Bộ GTVT dẫn lời ông Thăng rằng: “Nếu công ty Bechtel làm được thì sẽ giúp cho cả vùng cực Nam của Việt Nam phát triển. Nhưng chúng tôi cũng không mong muốn nhà đầu tư đầu tư xong lại không hiệu quả.”
Ông Thăng đề nghị phía Công ty Bechtel cần tính toán kỹ về thị trường, hạ tầng giao thông kết nối, khu logistics … trước khi đầu tư dự án.
Trước đó vào tháng 9-2013, Cục Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn N&M Commodities (Úc) đã thảo luận về việc đầu tư dự án cảng Hòn Khoai của tập đoàn này.
Khi đó, Tập đoàn N&M Commodities đề xuất xây dựng 24 cầu cảng, trong đó có 12 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn phục vụ cho việc nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện, 12 cầu cảng khác phục vụ cho mục đích chuyển tải hàng hóa khác.
Theo tính toán của tập đoàn này, dự án có tổng mức đầu tư 3,5 tỉ đô la Mỹ, thời gian xây dựng dự kiến từ 2014-2016 và cuối năm 2017 có thể đưa vào khai thác.