(Sinhvienusa.org) Đọc bài báo có tựa đề “Đại biểu lo ngại: Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ rồi mới đến trí tuệ” của tác giả Ngọc Quang, báo Giáo dục Việt Nam số ra ngày 19/11/2014 chắc hẳn khiến nhiều người dân Việt Nam buồn, đối với giới trí thức lại càng buồn hơn. Không buồn sao được, bởi cứ chiếu theo lời của một số ông nghị về “dư luận truyền miệng câu 5C (Con-Cháu-Các-Cụ-Cả), 5Đ (Đố-Đuổi-Đi-Đâu-Được) và 4Ệ (Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, trí tuệ) [11] thì “hiền tài” kia còn đâu là “nguyên khí quốc gia”, còn đâu được trọng dụng như khẩu hiệu đẹp đẽ “chiêu hiền đãi sỹ” mà bao nơi đang ra rả thông báo.
Đến đây, tôi lại liên tưởng ngay tới câu chuyện của thầy giáo Đặng Minh Tuấn, một giáo viên hợp đồng tại trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, người từng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Toán học, Vật lý như: Giải Nhì quốc gia môn Vật Lý, nhận học bổng của ĐH Paris XI, thạc sĩ tại ĐH Lyon I và thực tập tại Trung tâm năng lượng nguyên tử châu Âu. Không dừng lại ở đó, thầy Tuấn đã và đang tham gia hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế và góp công không nhỏ vào thành tích cao của đội tuyển. Ấy vậy, mà thầy Tuấn vẫn không thể đỗ được “công chức”[1].
Vẫn biết tiêu chuẩn chọn giáo viên của trường chuyên nổi tiếng này là cao nhưng dựa vào thực lực và kinh nghiệm của thầy không ít người đã thầm tiếc cho thầy Tuấn. Lại thêm một lần nữa người ta lại nhắc đến dư luận truyền miệng “5C, 5Đ, 4Ệ” trong câu chuyện này và “sự thật” thế nào thì chỉ có thầy Tuấn mới biết rõ hơn ai hết. Cũng may, Đại học FPT đã “cầu hiền” mời thầy Tuấn về làm việc không lâu sau đó, không những thế Đại học FPT còn bổ nhiệm thầy đảm trách phó giám đốc THPT FPT [3].
Cách đây không lâu người ta còn thuộc lòng câu khẩu ngữ “đào tạo gắn với nhu cầu xã hội” [12]. Các trường đại học phải “tìm hiểu, nghe ngóng” xã hội cần gì thì đào tạo cái đó, nếu không thì sinh viên ra trường thất nghiệp, không thu hút được sinh viên theo học. Còn đối với sinh viên thì cần định hướng nghề nghiệp, bản thân, sở trường, sở đoản, nhu cầu xã hội mà chọn trường cho đúng, chọn ngành cho chuẩn để học xong ra trường dễ xin việc làm [14].
Giờ thì nhiều người đã hiểu “nhu cầu xã hội” ở ta như thế nào rồi. Nếu quả thực “nhu cầu xã hội” là “5C, 5Đ, 4Ệ” thì liệu cái gọi là “đào tạo gắn với nhu cầu xã hội” có còn quan trọng với các cơ sở đào tạo hay không, “định hướng nghề nghiệp” có còn cần thiết với các bạn trẻ hay không. Khi “trí tuệ” đâu có là tiêu chí quan trọng nhất thì học cái gì mà chả được miễn là có được cái mác “cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ” là ổn rồi mà.
Hệ luỵ tất yếu như thế nào thì ai cũng thấy, một số sinh viên tốt nghiệp ra trường may mắn thì tìm được một công việc làm trái ngành, trong khi một tỷ lệ không nhỏ thì thất nghiệp[15]. Rồi thì sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty nước ngoài thì đều phải đào tạo lại [5]. Xa hơn nữa là nền khoa học Việt Nam ì ạch ở top dưới, năng suất khoa học, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong cùng khu vực…vv [4,16].
Đến đây, chúng ta đều nhận thấy rõ những “yếu kém, hạn chế, khuyết tật” nêu trên đâu phải chỉ do một người, một nhóm người, một ngành, một lĩnh vực” tạo ra, ấy thế mà đến lúc “đánh giá, quy trách nhiệm” thì người ta lại phủi tay, đổ hết, đổ tất lên đầu “những người đứng đầu ngành giáo dục”. Chả thế mà có không ít cán bộ của ngành giáo dục “buồn” cũng vì lẽ đó[13].
Và thế là kênh góp ý cho đổi mới giáo dục được mở ra, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Một số này thì cho rằng “đổi mới giáo dục” cần xây dựng thiết kế lại bộ sách giáo khoa, một số khác thì “hiến kế” cải cách thi cử, bỏ điểm sàn, tự chủ đại học…vv[2, 6,7,8].
Nhưng bài học thực tiễn sinh động chỉ ra rằng chừng nào mà “nhu cầu xã hội còn đậm đặc 5C, 5Đ, 4Ệ” thì chừng đó căn bệnh giáo dục sẽ vẫn còn trầm kha, sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà còn gặp bế tắc, bánh xe giáo dục dân tộc sẽ tiếp tục lỡ đà, lỡ nhịp với dòng chảy giáo dục thế giới và thời đại.
Tóm lại, lời giải cho bài toán đổi mới giáo dục phức tạp hơn rất nhiều so với dự tính. Tập hợp nghiệm không chỉ đơn thuần đến từ những gì thuộc về giáo dục, ngành giáo dục, mà còn đến từ việc giải quyết triệt để vấn đề “5C, 5Đ, 4Ệ”. Trong khi nhân dân chờ đợi lời giải cốt lõi căn cơ có liên hệ mật thiết đến câu chuyện “con gà và quả trứng” thì điểm sáng hiếm hoi từ hình ảnh thầy giáo Tuấn được Đại học FPT (một cơ sở giáo dục tư thục) mời về làm việc lại là minh chứng sinh động của lời giải mang tính chất “tạm thời” cho một nền giáo dục Việt Nam.
Tác giả: Quy Khuc
https://www.linkedin.com/pub/quy-khuc/93/842/90a
Email: khucvanquy.fsiv@gmail.com
Tham khảo:
- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/194084/chan-dung–tien-si–thi-truot-giao-vien-truong-ams.html
- http://dantri.com.vn/event/gop-y-cho-de-an-doi-moi-giao-duc-2062.htm
- http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/thac-si-truot-vien-chuc-duoc-moi-lam-pho-giam-doc-thpt-fpt-3103247.html
- http://huc.edu.vn/chi-tiet/2241/Viet-Nam-tut-hau-50-nam-so-voi-Thai-Lan-ve-cong-bo-khoa-hoc.html
- http://thuctapcungdoanhnghiep.vn/hoc-lap-trinh-website/giat-minh-ve-con-so-61-sinh-vien-ra-truong-phai-dao-tao-lai/
- http://www.vietnamplus.vn/bo-diem-san-thi-dai-hoc-lieu-co-la-xu-huong-tat-yeu/247479.vnp
- http://tin.tuyensinh247.com/nhung-diem-moi-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-c24a18964.html
- http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1539781?pers_id=2177014&item_id=155815859&p_details=1
- http://thuvienphapluat.vn/archive/Ket-luan-86-KL-TW-thu-hut-tao-nguon-can-bo-tu-sinh-vien-xuat-sac-can-bo-khoa-hoc-tre-vb222840.aspx
- http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-14-2013-NQ-HDND-trong-dung-nhan-tai-xay-dung-phat-trien-Thu-do-Ha-Noi-vb202816.aspx
- http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-bieu-lo-ngai-Tien-te-hau-due-quan-he-roi-moi-den-tri-tue-post152402.gd
- http://cantho.truongdaiviet.edu.vn/index.php/tin-tuyen-sinh-sp-16901/685-dao-tao-nguon-nhan-luc-gan-voi-nhu-cau-xa-hoi
- http://m.tin247.com/bo_truong_bo_giao_duc_pham_vu_luan_toi_dang_rat_buon-11-22312926.html
- http://tnx.vn/huong-nghiep-cho-sinh-vien-nam-cuoi-muon-185-276-41.html
- http://vcam.edu.vn/trungtamtuyensinh/index.php/vi/tin-tuc/117-nhung-tam-bang-dai-hocthiu
- http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/labr-pro-vn-is-1-18-of-sing-12272014083010.html
———–
Quan điểm của tác giả trong các bài viết trên mục Góc nhìn không phải là quan điểm của Sinhvienusa.org.
Các bạn có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm, những góp ý, tư vấn về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước qua chuyên mục này.
Xin gửi về sinhvienusa.org@gmail.com và hoahoangtk@gmail.com